Quốc hội thông qua nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM
Quốc hội cho phép TP.HCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị mà không cần thí điểm. TP. Thủ Đức có thể được thành lập vào 2021.
TP. Thủ Đức có thể được thành lập năm 2021 |
Sáng 16/11, với 420/428 đại biểu bấm nút tán thành (87,14% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021.
Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua quyết nghị ở quận và phường tại TP.HCM sẽ không có HĐND mà chỉ có UBND. Còn việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP.HCM được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (tức có cả HĐND và UBND).
Một nội dung quan trọng khác trong nghị quyết là quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND thành phố thuộc TP.HCM.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề án đề nghị thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hộ xem xét, quyết định.
Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của chính quyền thành phố Thủ Đức sau khi được thành lập, nghị quyết này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền thành phố thuộc thành phố là cần thiết và phù hợp.
Đề án đề nghị thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đã được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo thẩm quyền. Theo dự kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét nội dung này tại phiên họp tháng 12/2020.
Nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định sẽ ban hành nghị quyết thành lập thành phố Thủ Đức để bảo đảm có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2021. Việc này nhằm tạo tính đồng bộ trong việc triển khai mô hình tổ chức chính quyền đô thị và kịp chuẩn bị cho công tác bầu cử HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại địa bàn.
Việt Nam đề xuất bỏ tên bão Linfa
Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất bỏ tên Linfa ra khỏi danh sách 140 tên đặt cho các cơn bão ở Thái Bình Dương, ngày 16/11.
Bão Linfa gây ngập lụt ở nhiều tỉnh miền Trung |
Trong văn bản gửi Ủy ban Bão quốc tế, Tổng cục Khí tượng Thủy văn nêu rõ theo quy định được Ủy ban Bão quốc tế phê chuẩn năm 1998, các nước thành viên đóng góp 10 tên bão vào ngân hàng tên, sử dụng khi có cơn bão mới hình thành. Dùng lần lượt hết tên trong ngân hàng thì sẽ quay trở lại dùng tên cũ.
Các cơ quan thành viên được đề xuất loại bỏ một hay nhiều tên bão trong danh sách nếu bão đó gây hậu quả nghiêm trọng.
Tên bão Linfa do Ma Cao (Trung Quốc) đề cử, từng được sử dụng vào các năm 2003, 2009 và 2015. Đề xuất loại bỏ tên bão Linfa của Việt Nam sẽ được xem xét tại cuộc họp thường niên năm 2021. Nếu được thông qua, Ma Cao sẽ lựa chọn ba tên bão mới và đề cử tại khóa họp thường niên tiếp theo vào năm 2022 để Ủy ban Bão quốc tế lựa chọn và phê duyệt một tên bão mới.
Bão Linfa (bão số 6) hình thành ở giữa Biển Đông từ ngày 9/10, đổ bộ vào Quảng Nam, Quảng Ngãi sáng 11/10 với sức gió cấp 7 - 8. Gió bão không mạnh, nhưng mưa trước, trong và sau bão đã gây thảm họa lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất, làm 130 người chết, 20 người mất tích; 1.000 ngôi nhà bị sập; hơn 120.000 ngôi nhà bị ngập lụt; hơn 1.400 ha lúa và 7.800 ha hoa màu bị thiệt hại.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đề xuất bỏ tên bão. Trước đó, bão Sao Mai năm 2018 được thay thế thành Sontinh; bão Lekima năm 2019 đang được đề xuất đổi tên.
Xử lý nghiêm thủy điện tích nước trái phép trước bão số 13
Trước hành vi tự ý tích nước trước bão số 13, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở Công Thương rà soát, đánh giá lại thủ tục cấp phép hoạt động của thủy điện Thượng Nhật.
Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép trước bão số 13 |
Ngày 16/11, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh xử lý nghiêm việc thủy điện Thượng Nhật nhiều lần vi phạm quy định tích nước hồ khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.
Theo đó, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế giao Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh phối hợp với UBND huyện Nam Đông (trong ngày 16/11) tiến hành xử phạt đơn vị quản lý thủy điện này theo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Bên cạnh đó, ông Thọ giao Sở Công Thương rà soát, đánh giá lại thủ tục cấp phép hoạt động của thủy điện Thượng Nhật.
Trước đó, sáng 13/11, lực lượng chức năng huyện Nam Đông kiểm tra, phát hiện chủ đập thuỷ điện Thượng Nhật (xã Thượng Nhật) đã cố tình tích nước ở cao trình 115 m, không tuân thủ công điện của lãnh đạo Tỉnh về việc triển khai các biện pháp ứng phó khẩn cấp cơn bão số 13.
Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức cưỡng chế, yêu cầu chủ đầu tư hồ thuỷ điện Thượng Nhật mở xả hoàn toàn 5 cửa van vì chưa được phép tích nước.
Công trình nhà máy thủy điện Thượng Nhật do Công ty CP Đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11 MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước.
Cuối tháng 10/2020, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị không mua điện đối với Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật cho đến khi nhà máy này được các cơ quan chức năng cho phép tích nước.
Thi công hai gói thầu Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các trung tâm du lịch và mở ra cơ hội đầu tư vào khu vực Nam Trung bộ.
Các nhà thầu đã chuẩn bị đầy đủ các phương tiện để thi công dự án |
Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) vừa triển khai thi công Gói thầu số 1-XL (Km0+000 - Km16+400) và Gói thầu số 4-XL (Km83+000 - Km99+000) của Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, thuộc Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng chiều dài khoảng 99km, trong đó, đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km và đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km.
Điểm đầu đoạn này sẽ kết nối điểm cuối Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km 235; điểm cuối sẽ kết nối với tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125. Đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h.
Dự án được thi công làm 2 giai đoạn: Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe mặt đường rộng 25m và giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, mặt đường rộng trên 32m. Tổng mức đầu tư cho Dự án trên 12.577 tỷ đồng.
Tái lập mặt bằng ga ngầm Nhà hát TP.HCM của Metro số 1
Mặt bằng phía trên của ga ngầm Nhà hát TP.HCM (Metro số 1) đang được khẩn trương tái lập và dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Thi công phá dỡ sàn tạm ga ngầm Nhà hát TP.HCM (giáp đường Nguyễn Huệ, Quận 1) |
Ngày 16/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết, nhà thầu đang thi công hoàn thiện kiến trúc và cơ điện cho ga ngầm Nhà hát TP.HCM. Các thiết bị cơ điện được lắp đặt chủ yếu đối với 3 tầng còn lại của nhà ga là B2, B3 và B4.
Phía trên mặt đất (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Pasteur, Quận 1) cũng đang được tái lập mặt bằng và tháo dỡ rào chắn hiện hữu. Việc này nhằm khôi phục cảnh quan theo hiện trạng ban đầu của tuyến đường, giảm ùn tắc giao thông qua khu vực.
MAUR cho biết đã tổ chức họp bàn cùng nhiều đơn vị liên quan để xử lý các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng. Dự kiến, việc thi công tái lập mặt bằng cho ga ngầm Nhà hát TP.HCM hoàn thành chậm nhất vào quý II/2021.
Ga Nhà hát TP.HCM có chiều dài 190 m, rộng 26 m, với 4 tầng hầm. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài 19,7 km, tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Công trình có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Đến tháng 11, công trình đạt hơn 78% tổng khối lượng. Thành phố đặt mục tiêu đưa dự án vào khai thác cuối năm 2021.
Hãng bay hỗ trợ khách khi ngưng phát thanh tại sân bay Cam Ranh
Các hãng hàng không lưu ý hành khách các thông tin trên thẻ lên máy bay như số ghế, số cửa ra máy bay, giờ ra máy bay, giờ khởi hành khi một số sân bay ngừng loa phát thanh.
Hành khách chú ý hệ thống màn hình thông tin chuyến bay sau khi sân bay Cam Ranh sẽ ngừng loa phát thành từ ngày 16/11 |
Các hãng hàng không sẽ hỗ trợ hành khách khi ngưng phát thanh sang hiển thị trên màn hình thông tin chuyến bay (FIDS) tại nhà ga quốc nội sân bay Cam Ranh (Nha Trang) từ ngày 16/11/2020.
Trong thời gian đầu thực hiện, Vietnam Airlines đã xây dựng kế hoạch triển khai các phương thức thông báo mới tại sân bay Cam Ranh nhằm hỗ trợ hành khách trong việc theo dõi, cập nhật thông tin chuyến bay để tránh lỡ chuyến.
Hai hãng hàng không Bamboo Airways và Vietjet Air cũng đã bố trí nhân viên thủ tục theo dõi, nhắc nhở, giúp đỡ hành khách làm thủ tục và đi máy bay trong thời gian đầu còn gặp nhiều bỡ ngỡ, chưa quen với sự thay đổi trong việc hiển thị màn hình thông tin chuyến bay từ phía Cảng hàng không.
Để không bị chậm chuyến, nhỡ chuyến, các hãng hàng không đều khuyến cáo tất cả hành khách cần chú ý theo dõi lịch bay, cập nhật thông tin chuyến bay tại các màn hình FIDS, các bảng/biển thông báo khu vực gần nhất…
Đây là xu hướng đang được nhiều sân bay quốc tế áp dụng, mang lại cho hành khách sự thoải mái, dễ chịu vì không bị làm phiền bởi những đoạn phát thanh liên tục tại sân bay, đồng thời giúp hành khách có thói quen tự tìm hiểu, cập nhật thông tin qua hệ thống màn hình điện tử và biển bảng tại nhà ga.
Theo thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC), hiện nay, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh phục vụ gần 10.000 hành khách đi và đến mỗi ngày./.
Đà Nẵng giải thể bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19
Sau bốn tháng thành lập, Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn (Đà Nẵng) được giải thể khi chưa phải tiếp nhận bệnh nhân.
Bệnh viện Dã chiến Tiên Sơn sau khi hoàn thành |
Ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ - Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố - ra quyết định giải thể Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (quận Hải Châu).
Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn được Đà Nẵng xây dựng từ đầu tháng 8/2020, sau gần một tuần Thành phố bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 2 và số ca bệnh không ngừng tăng lên, đỉnh điểm là ngày 31/7 với 45 ca nhiễm nCoV.
Bệnh viện có quy mô 500 giường, trong đó, giai đoạn một là 300 giường. Tập đoàn Sun Group đã tài trợ lắp ghép để hình thành Bệnh viện trong thời gian 4 ngày đêm. Tập đoàn Ecopark lắp đặt miễn phí hệ thống xử lý nước thải.
Giữa tháng 8, các thiết bị y tế như máy siêu âm, điện tim, trợ thở, hút đàm giải, chụp X-quang di động... đã được ngành y tế lắp đặt tại bệnh viện. Ngày 22/8, Đà Nẵng có quyết định thành lập Bệnh viện Tiên Sơn.
Sở Y tế Đà Nẵng huy động 200 cán bộ y tế cùng 200 sinh viên tình nguyện, tổ chức tập huấn để sẵn sàng thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ và vừa (bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hoà Vang và Bệnh viện Phổi).
Tuy nhiên sau đó, Đà Nẵng kiểm soát được dịch bệnh nhờ hàng loạt các nỗ lực của chính quyền và ngành y tế, trong đó mấu chốt là chiến lược xét nghiệm gộp nhóm. Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn không phải sử dụng đến.
Sau một tháng, dịch bệnh tại Đà Nẵng được kiểm soát. Từ "bệnh nhân 1.040" được Bộ Y tế công bố ngày 29/8, đến nay, Đà Nẵng không còn ca lây nhiễm cộng đồng. Ngày 23/9, bệnh nhân cuối cùng mắc Covid-19 ở Đà Nẵng xuất viện.