4 tàu Metro số 1 sắp về TP.HCM
Bốn đoàn tàu tiếp theo thuộc Dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) theo kế hoạch đưa về TP.HCM từ tháng 4 đến tháng 7 nếu tình hình dịch được kiểm soát.
Đoàn tàu đầu tiên tuyến Metro số 1 tại depot Long Bình |
Theo ông Huỳnh Hồng Thanh, Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư), 2 đoàn tàu đầu tiên từ Nhật Bản dự tính đưa về trong tháng 4 và 5. Hai tháng sau, 2 đoàn tiếp theo cũng được nhập về. Sau khi tới TP.HCM, cùng với đoàn tàu đầu tiên đưa về depot Long Bình (TP. Thủ Đức) hồi tháng 10 năm ngoái, 5 tàu sẽ được chuẩn bị các công tác chạy thử.
Kế hoạch trước đó mà Chủ đầu tư đưa ra, việc thử nghiệm tàu dự kiến thực hiện từ quý 4 năm nay. Đầu tiên tàu chạy ở đoạn trên cao từ ngã tư Bình Thái về depot Long Bình, trước khi cho chạy thử toàn tuyến. Cùng thời gian này, các đầu việc khác phục vụ công tác vận hành, đào tạo, chuyển giao công nghệ, nghiệm thu, bàn giao... được thực hiện.
Metro số 1 có 17 đoàn tàu, mỗi tàu 3 toa dài 61,5 m, chở được 930 khách. Tàu thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Với khoảng cách trung bình giữa các ga chỉ hơn một km nên khi khai thác, các đoàn tàu dự kiến chạy khoảng 40 km mỗi giờ.
Metro số 1 có tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Đây là dự án metro đầu tiên tại TP.HCM, hiện đạt khoảng 83%. Theo kế hoạch mới đây, công trình đưa vào khai thác năm 2022.
Đường sắt chạy thêm nhiều tàu khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5
Sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở một số địa phương, ngành đường sắt đã cho chạy tăng cường lại nhiều đoàn tàu trong dịp nghỉ lễ 30/4 sắp tới.
Đoàn tàu xuất phát tại ga Hà Nội |
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới đây, ngành đường sắt đã tăng cường thêm hàng loạt đoàn tàu khách trên tuyến Bắc - Nam.
Cụ thể, tuyến Hà Nội - Vinh, ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên NA1/NA2, SE35/SE36, trong các ngày 29 - 30/4 chạy thêm các tàu NA3, NA7 và NA9 xuất phát tại ga Hà Nội.
Chiều ngược lại, ngày 2/5 chạy thêm tàu NA8. Ngày 3/5 chạy thêm các tàu NA4, NA8 và NA12.
Tuyến Hà Nội - Đồng Hới, ngày 29/4 chạy thêm các tàu QB1, QB3, QB5 xuất phát tại ga Hà Nội.
Chiều ngược lại, ngày 2/5 chạy thêm tàu QB2. Ngày 3/5/2021 chạy thêm tàu QB4.
Tuyến Hà Nội - Thanh Hóa, ngày 30/4 chạy tàu TH1. Ngày 3/5 chạy tàu TH2.
Tuyến Hà Nội - Huế, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội phối hợp với Liên hiệp các Hội UNESCO tổ chức chạy đoàn tàu Charter (đoàn tàu thuê bao nguyên chuyến) từ Hà Nội đến Huế mang số hiệu SE19/SE20.
Ở khu vực phía Nam, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn công bố tăng tàu đi Nha Trang, Phan Thiết dịp 30/4 - 1/5. Theo đó, tăng tàu SNT2 các ngày 29 - 30/4 và các ngày 1 - 2/5; tăng tàu SNT1 và các ngày 1 - 3/5.
Tuyến Sài Gòn - Phan Thiết, chạy thêm đôi tàu SPT1/SPT2 các ngày 30/4 và 1 - 3/5.
Nga tặng 1.000 liều vaccine Sputnik V cho Việt Nam
Một lô vaccine Covid-19 Sputnik V theo cùng Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev đến Việt Nam ngày 16/3, làm quà tặng.
Một hộp vaccine Sputnik V |
Ông Patrushev đến Hà Nội để tham vấn an ninh Nga - Việt trong hai ngày 16 - 17/3. Lô vaccine Sputnik V tặng Việt Nam, theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo ông Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Hợp tác Quốc tế, Bộ Y tế, lô vaccine này đã được chuyển vào kho lạnh tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để bảo quản. Việc chuyển giao, điều phối vaccine sẽ do Chính phủ điều tiết, có thể về Bộ Y tế hoặc các đơn vị khác. Một lãnh đạo khác của Bộ Y tế cho biết, lô vaccine này có 1.000 liều.
Sputnik V đã được phê duyệt sử dụng tại hơn 50 quốc gia. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng được đăng tải trên Tạp chí Lancet, vaccine hiệu quả 91,6%, là vaccine Covid-19 thứ ba trên thế giới đạt hiệu quả trên 90%. Kết quả sơ bộ, Sputnik V hai liều có hiệu quả cao, đáp ứng tốt ở tình nguyện viên trên 18 tuổi.
Sputnik V dựa trên công nghệ vector, đưa mã gene virus vào cơ thể, được bác sĩ ví như dùng tên lửa đẩy vệ tinh Sputnik vào không gian. Cơ chế của nó là sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch.
Hôm 25/2, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc đề xuất Bộ Y tế phê duyệt vaccine Covid-19 của Moderna (Mỹ), và Sputnik V. Đề xuất này nhằm đưa vaccine về Việt Nam sử dụng cho nhu cầu cấp bách phòng, chống Covid-19. Nếu nhận được sự đồng ý, đây sẽ là vaccine Covid-19 thứ hai và thứ ba được Việt Nam chấp thuận, sau vaccine ChAdOx1 của AstraZeneca.
Hồi tháng 9/2020, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Việt Nam có đặt mua vaccine Sputnik V của Nga nhưng không cho biết số lượng.
TP.HCM xây dựng hệ thống phạt nguội ở 30 tuyến đường
Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự tính đầu tư hệ thống giám sát, phần mềm để phạt nguội vi phạm giao thông gồm 180 điểm, lắp trên 30 tuyến đường, tổng số vốn 454 tỷ đồng.
Biển cảnh báo ghi hình phạt nguội qua camera trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh |
Nội dung này nêu trong Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ để xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đang được Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiên cứu xây dựng. Thời gian lắp đặt kéo dài 4 năm, từ 2022 - 2025. Trong đó, 2 năm đầu lắp 40 điểm với kinh phí 168 tỷ đồng. 140 điểm còn lại, tổng vốn 286 tỷ đồng sẽ hoàn tất ở 2 năm tiếp theo. Các đường được đề xuất lắp đặt nằm ở khu trung tâm, quanh sân bay Tân Sơn Nhất, một số tuyến quốc lộ, vành đai, gần cảng, khu công nghiệp... có tình hình giao thông phức tạp.
Hệ thống quản lý và xử phạt vi phạm được đề xuất 5 chức năng chính: giám sát xe vượt đèn đỏ; chạy quá tốc độ; đi sai làn đường, ngược chiều, đi vào đường cấm, giờ cấm; xe dừng đỗ không đúng quy đinh; xe vi phạm tải trọng. Công nghệ dùng cho hệ thống này gồm xử lý hình ảnh bằng camera, tự động nhận diện biển số xe và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xử phạt vi phạm. Hệ thống còn tính được tốc độ, lưu lượng, thời gian xe dừng chờ, phân tích hành vi người điều khiển...
Để sớm triển khai, Sở Giao thông vận tải kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận nội dung đề án; đồng thời bổ sung các dự án thuộc hệ thống quản lý và xử phạt vi phạm giao thông vào danh mục đầu tư đô thị thông minh của Thành phố.
Từ ngày 1/4 sử dụng mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới
Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) mẫu mới kích thước nhỏ gọn như thẻ căn cước công dân, được ép plastic sau khi in, tiện lợi bảo quản, sử dụng.
Mẫu thẻ bảo hiểm y tế mới sử dụng từ ngày ¼ |
Cơ quan Bảo hiểm Xã Hội Việt Nam (BHXH) cho biết, thẻ mẫu mới sẽ được sử dụng trên toàn quốc từ ngày 1/4.
Mẫu thẻ BHYT mới có những thay đổi tiện ích hơn cho người dùng. Mã số thẻ chỉ còn 10 chữ số, thay vì 15 ký tự như thẻ hiện hành, giúp giảm số lượng ký tự cần khai báo, tra cứu, cấp đổi thẻ...
Với thẻ giấy đang sử dụng, mỗi lần đi khám người bệnh cần mang thêm giấy tờ tùy thân. Thẻ giấy phải cấp phát hàng năm, xảy ra chậm trễ, thất lạc hoặc sai lệch thông tin. Thẻ BHYT điện tử sẽ giải quyết được các vấn đề này.
Trong thời gian chờ đổi thẻ theo mẫu mới, thẻ đã cấp cho người tham gia BHYT còn thời hạn sử dụng thì tiếp tục được dùng.
BHXH các tỉnh thực hiện cấp thẻ BHYT mẫu mới khi đã sử dụng hết phôi thẻ mẫu cũ.
Quảng Ngãi sẽ dừng chợ đêm sông Trà Khúc
Sau hơn 10 năm hoạt động, chợ đêm sông Trà Khúc được đánh giá gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn, ảnh hưởng đến tuyến đê..., phải dừng kinh doanh trước 30/4.
Quán nhậu mọc lên san sát ở chợ đêm sông Trà Khúc |
Quyết định dừng chợ đêm được ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao UBND TP. Quảng Ngãi thực hiện.
Chợ đêm sông Trà Khúc được hình thành từ năm 2011, hiện có 89 hộ kinh doanh với 213 gian hàng, trong đó 70 gian hàng thương mại, 143 gian hàng ẩm thực. Khoảng 700 lao động địa phương đang làm việc tại đây.
Theo UBND TP. Quảng Ngãi, cuối 2018, Công ty Triều Phát được ký hợp đồng khai thác chợ không thực hiện theo phương án đã duyệt, buông lỏng quản lý dẫn đến một số hộ xây dựng trái phép, lấn chiếm vỉa hè, làm bậc tam cấp để lên xuống đê, vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị, không đảm bảo vệ sinh môi trường, hát karaoke quá giờ quy định...
Đến năm 2019, Công ty Triều Phát nợ thuế 194 triệu đồng, nên Sở Kế hoạch và Đầu tư thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp. UBND TP. Quảng Ngãi giao phường Lê Hồng Phong chấm dứt hợp đồng với Công ty và tự quản lý chợ.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền khẳng định việc thiếu cơ sở pháp lý là nguyên nhân lớn nhất buộc chợ dừng hoạt động. Đồng thời, mục đích ban đầu khi thành lập chợ đêm là quảng bá các sản phẩm, đặc sản của Tỉnh không đạt được. Hình ảnh nhếch nhác của chợ cũng ảnh hưởng đến bộ mặt của Tỉnh.
Ông Hiền cho biết, Tỉnh sẽ quy hoạch các tuyến phố văn minh kinh doanh ban đêm để thay thế, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế đêm của Chính phủ.