Chính phủ thống nhất giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô, ban hành trước 18/8
Thường trực Chính phủ vừa thống nhất kết luận thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 3 tháng thay vì giảm 6 tháng như 3 đợt ưu đãi trước đây.
Chính phủ từng 3 lần ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần có hiệu lực 6 tháng |
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận số 384/TB-VPCP của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của thành viên Chính phủ đối với Dự thảo Nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, phát biểu của các Phó Thủ tướng và các đại biểu dự họp, Thường trực Chính phủ thống nhất kết luận thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 3 tháng thay vì giảm 6 tháng như đã báo cáo, xin ý kiến Chính phủ trước đó.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến phát biểu đồng thuận tại cuộc họp và giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ, đồng thời hoàn thiện Dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trước ngày 18/8.
Thường trực Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất chính sách phù hợp, khả thi, hiệu quả nhằm khuyến khích sản xuất và sử dụng xe điện tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 9/2024.
Trước đó, thị trường ô tô Việt Nam từng 3 lần được Chính phủ ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, mỗi lần có hiệu lực 6 tháng.
Lần đầu tiên áp dụng 6 tháng cuối năm 2020, lượng xe lắp ráp trong nước bán ra tăng kỷ lục, đạt tới 398.177 xe, gấp 2,03 lần so với 6 tháng đầu năm 2020.
Lần 2 áp dụng 6 tháng từ 1/12/2021 đến 31/5/2022, lượng xe trong nước bán được 232.192 xe. Trung bình 5 tháng đầu năm 2022, doanh số xe trong nước đạt 33.690 xe/tháng, cao gấp 1,5 lần so với con số trung bình trong 7 tháng cuối năm 2022.
Lần 3 áp dụng 6 tháng cuối năm 2023, doanh số xe trong nước đạt 176.483 xe, tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023.
Giá USD tự do tiếp tục giảm
Giá USD trên thị trường tự do giảm 45 đồng cả hai chiều, xuống 25.450 - 25.530 đồng, mức thấp nhất từ giữa tháng 4.
Giao dịch USD tại quầy một ngân hàng |
Sáng 16/8, các điểm thu đổi ngoại tệ trên thị trường đồng loạt hạ giá mua bán đôla Mỹ. Giá USD bán ra tại một số điểm thu đổi ngoại tệ ở phố Hà Trung (Hà Nội) giảm 45 - 50 đồng so với ngày 15/8, xuống 25.530 - 25.550 đồng - mức thấp nhất từ giữa tháng 4. Còn giá thu mua 1 USD quanh 25.440 - 25.450 đồng.
Tỷ giá tự do bắt đầu giảm mạnh trong hơn một tháng gần đây, đặc biệt từ cuối tuần trước. So với mức đỉnh gần 26.000 đồng xác lập cuối tháng 6, giá USD tự do hiện thấp hơn 450 - 470 đồng, tương đương mức giảm gần 2%.
Trong khi đó, tỷ giá tăng nhẹ trên thị trường ngân hàng. Vietcombank tăng 40 đồng hai chiều mua bán so với đóng cửa ngày 15/8, lên mức 24.880 - 25.250 đồng. Tuy nhiên, nếu so với cuối tuần trước, tỷ giá của nhà băng này giảm khoảng 30 đồng cả hai chiều.
Tương tự, BIDV, Techcombank, VietinBank cũng điều chỉnh giá giao dịch đồng bạc xanh ngày 16/8. Mỗi USD được các nhà băng này bán ra quanh ngưỡng 25.235 - 25.250 đồng.
Hà Nội chi gần 80 tỷ đồng sửa chữa hư hỏng đường Vành đai 3 trên cao
Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị xem xét, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu Dự án Sửa chữa cầu cạn Vành đai 3 trên cao đoạn từ Pháp Vân đến Mai Dịch.
Tháng 5/2024, nhà thầu đã sửa chữa hư hỏng khe co giãn trên đường Vành đai 3 đoạn Mai Dịch |
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, Dự án do Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông làm đại diện chủ đầu tư. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2024.
Các hạng mục cần sửa chữa gồm: hư hỏng khe co giãn, dầm, trụ, gối, hệ thống thoát nước cầu cạn Vành đai 3 trên cao đoạn Pháp Vân - Mai Dịch nhằm duy trì khả năng khai thác của cầu, đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông.
Trước đó, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông TP. Hà Nội cho biết, 52 gối cầu có hiện tượng bị xô lệch. 88 khe co giãn bị hư hỏng, không êm thuận.
Ban Duy tu đánh giá, đây là tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông rất lớn, đặc biệt là các xe tải nặng. Do đó, để bảo đảm ổn định, kéo dài tuổi thọ của công trình và bảo đảm an toàn giao thông, việc sửa chữa, khắc phục sự cố xô lệch các gối cầu trên trụ T50 và T91 là rất cần thiết và cấp bách.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông đề xuất phương án trước mắt thay thế khẩn cấp toàn bộ 10 gối cầu trên đơn nguyên phía bên phải (theo chiều từ cầu Thanh Trì đi Mai Dịch) của trụ T50, và 10 gối cầu cao su cốt bản thép của trụ T91 bằng gối cầu mới.
Nghiên cứu tổ chức lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Đơn vị tư vấn đang đếm xe, nghiên cứu tổ chức lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn và Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn |
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, đơn vị tư vấn sẽ nghiên cứu và đề xuất phương án phân luồng phương tiện trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn theo hướng tăng xe đi vào cao tốc, giảm xe trên Quốc lộ 1 song hành. Phương án sẽ thực hiện trong tháng 8 nhằm phù hợp với thực tiễn, cải thiện an toàn giao thông trên cao tốc.
Việc điều chỉnh lần này xuất phát từ kiến nghị của UBND tỉnh Quảng Trị. Ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cho biết, năm 2022, trước khi cao tốc Cam Lộ - La Sơn đi vào hoạt động, Quốc lộ 1 qua Quảng Trị (dài 75 km, trong đó 5 km qua TP. Đông Hà) xảy ra 75 vụ tai nạn, làm 34 người chết và 38 người bị thương. Kể từ khi cao tốc hoạt động (31/12/2022), số vụ tai nạn trên Quốc lộ 1 giảm còn 51 với 19 người chết, 25 người bị thương.
Đầu năm 2024, sau khi xảy ra nhiều vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Cục Đường bộ Việt Nam đã cấm xe khách trên 30 chỗ, xe giường nằm, xe đầu kéo, xe tải từ 6 trục (trên 30 tấn) đi cao tốc từ ngày 4/4.
4 tháng qua, tai nạn giao thông trên địa bàn tăng cả 3 tiêu chí, trong đó liên quan xe tải trên 6 trục, xe khách trên 30 chỗ chiếm 1/4 tổng số vụ. Ngoài ra, xe tải nặng thường xuyên đi vào tuyến ĐT.589 để né trạm thu phí Đông Hà, trong khi ĐT.589 là đường tỉnh, hẹp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.
Từ phân tích trên, ông Sơn đề nghị tổ chức lại giao thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, giảm mật độ xe cho Quốc lộ 1. Đây không phải lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị kiến nghị. Từ đầu tháng 4 khi Cục Đường bộ Việt Nam dự kiến phân luồng xe từ cao tốc sang Quốc lộ 1, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đã gửi văn bản bày tỏ không đồng tình do lo ngại gia tăng áp lực, tăng tai nạn trên quốc lộ.
Phấn đấu khởi công 3 tuyến quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2025
Các tuyến quốc lộ 53, 62, 91B sau khi hoàn thành nâng cấp, cải tạo sẽ từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Các tuyến quốc lộ 53, 62, 91B được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng |
Dự án Nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ 53, 62, 91B được Bộ Giao thông vận tải phấn đấu khởi công trong năm 2025 nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ kết nối khu vực các tỉnh, thành phố ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Nâng cấp, cải tạo 3 tuyến quốc lộ gồm Quốc lộ 53, Quốc lộ 62, Quốc lộ 91B tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 3 tuyến quốc lộ này
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung triển khai các bước tiếp theo để phấn đấu khởi công Dự án trong năm 2025, hoàn thành năm 2027.
Được biết, Quốc lộ 62 được đầu tư nâng cấp, cải tạo đoạn từ Km4+200 (nút giao với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) đến Km74 với chiều dài đầu tư khoảng 69 km, trên địa bàn tỉnh Long An.
Quốc lộ 53 được đề xuất nâng cấp cầu Ngã Tư (Km7+820 - Km8+730); đoạn Long Hồ - Ba Si (Km11+295 - Km56+180) với tổng chiều dài đầu tư khoảng 41 km, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh.
Quốc lộ 91B sẽ được nâng cấp đoạn Km2+604 (ngã 5 cầu Cần Thơ) - Km143+480 với chiều dài đầu tư khoảng 141 km, trên địa bàn thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Cả 3 tuyến quốc lộ này được nâng cấp, cải tạo đạt tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; mặt cắt ngang nền đường rộng 12 m, mặt đường rộng 11 m bao gồm 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ và lề đường rộng mỗi bên 0,5 m. Một số đoạn qua đô thị, thị trấn, thị tứ đã đảm bảo quy mô giữ nguyên theo hiện trạng.
Bộ Giao thông vận tải tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 9.329,9 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 6.285,37 tỷ đồng; vốn đối ứng khoảng 3.044,53 tỷ đồng…
Tiền Giang nợ hơn 15.000 giấy phép lái xe của người dân
Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang nợ hơn 15.000 giấy phép lái xe (GPLX) của người dân.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang sẽ trả đủ hơn 15.000 GPLX nợ của người dân tính từ đầu năm 2024 đến nay trong tháng 9 tới. Ảnh minh họa |
Ngày 16/8, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024.
Tại cuộc họp báo, ông Lý Hoàng Chiêu - Chánh văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Tiền Giang khẳng định, trong tháng 9 tới, Sở GTVT Tiền Giang sẽ trả đủ hơn 15.000 GPLX nợ của người dân từ đầu năm 2024 đến nay.
Theo ông Chiêu, từ đầu năm 2024, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đã gặp khó khăn trong quá trình tổ chức đấu thầu các phụ kiện để làm GPLX gồm: mực in, phim trung gian, thẻ làm sạch máy in, làm gián đoạn việc cấp GPLX cho người đủ điều kiện (vượt qua kỳ sát hạch), gây bức xúc trong nhân dân.
"UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn mà Sở GTVT gặp phải. Đến tháng 8/2024, vấn đề phụ kiện đã được giải quyết xong. Trong khi đó, phôi bằng và màng dán bảo vệ (2 thiết bị có tính bảo mật) đã được Cục Đường bộ Việt Nam cấp đủ. Sở GTVT Tiền Giang đang khẩn trương làm GPLX, cam kết với UBND Tỉnh trong tháng 9/2024 sẽ trả đủ hơn 15.000 GPLX nợ người dân, trong tương lai sẽ không để xảy ra tình trạng nợ GPLX nữa", ông Chiêu cho hay.
Hà Nội có 99 điểm đỗ xe không dùng tiền mặt
Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo Ban Chỉ đạo 197 Thành phố về việc thí điểm thu phí trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt.
Điểm đỗ xe không dùng tiền mặt được triển khai thí điểm ở Hà Nội |
Theo Sở GTVT Hà Nội, tính đến giữa tháng 8/2024, Hà Nội có 99 điểm trông, giữ xe thí điểm thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt.
Các điểm, bãi trông giữ phương tiện thực hiện thí điểm cơ bản hoạt động ổn định và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Đa số người dân đồng tình ủng hộ bởi hạn chế được tiêu cực, thu đúng giá, công khai minh bạch, chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ vẫn bị lỗi hệ thống hay bị treo khi thanh toán.
Tại các điểm trông xe ô tô ở lòng đường (bãi hở), máy quét biển số vẫn có tình trạng không hoạt động do mạng kém, máy nhanh hết pin nhưng không có chỗ sạc điện, máy phải khởi động lại nhiều lần gây mất thời gian.
Do giá vé trông giữ xe thấp (dưới 10.000 đồng) nên một số ngân hàng chưa hỗ trợ thanh toán (như Indovina Bank, ABBank, OCB…).
Việc quy định thời gian 1 lượt xe là 60 phút gây khó khăn cho khách hàng trong việc thanh toán vì khi đỗ xe phát sinh thêm từ 1 phút (60 phút + 1) thì khách hàng phải trả tiền cho 2 lượt xe, gây bức xúc.
Đáng chú ý, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg về thu phí đường bộ điện tử không dừng áp dụng trên cao tốc chưa được mở rộng áp dụng cho nội đô. Điều này dẫn đến việc các ô tô chủ yếu thanh toán qua mã QR, mất thời gian dừng chờ xác nhận thanh toán...
Từ đây, Sở GTVT Hà Nội đề xuất Ban Chỉ đạo 197 xem xét phê duyệt quy chế tạm thời trong công tác triển khai ứng dụng giải pháp công nghệ để tìm kiếm và thanh toán giá dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn TP. Hà Nội.