Hà Nội dỡ 39 chốt kiểm soát trong nội đô
Công an TP. Hà Nội dỡ 39 chốt kiểm soát phương tiện vào "vùng đỏ" trên tuyến đường chính ở các quận huyện, chiều 16/9.
Các đơn vị chức năng dỡ chốt ở đại lộ Thăng Long, chiều 16/9 |
Chiều 16/9, lực lượng trực ở các chốt như Cầu Diễn, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy sang Gia Lâm, đại lộ Thăng Long... bắt đầu thu dọn lều bạt. Cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an địa bàn, thanh tra giao thông sẽ chuyển về trạng thái phòng, chống dịch tại đơn vị.
Hiện Hà Nội duy trì 23 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào Thành phố. Người dân ở "vùng đỏ" vẫn phải tuân thủ Chỉ thị 16, còn ở "vùng xanh" dự kiến không phải xuất trình giấy đi đường.
Trước đó từ 7h ngày 4/9, Hà Nội triển khai 39 chốt trực tại "vùng đỏ" ở 10 quận, huyện, trong đó 21 chốt cấp thành phố tại vị trí có mật độ giao thông cao; mỗi nơi 16 cán bộ, chiến sĩ; 9 chốt do quận, huyện quản lý và 9 chốt do xã, phường, thị trấn quản lý. Tại các chốt, cảnh sát sẽ dừng phương tiện, đo thân nhiệt, yêu cầu khai báo y tế, kiểm tra giấy đi đường của người dân.
Từ 12h ngày 16/9, tại các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng (từ ngày 6/9), cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng được phép mở cửa. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng được hoạt động, song chỉ bán mang về…
Cần Thơ đề xuất bắc thêm cầu qua sông Hậu
Cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu nối Cần Thơ với Đồng Tháp, dự kiến tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, trong đó đề nghị Trung ương hỗ trợ 35%.
Phà vượt sông Hậu nối quận Ô Môn, TP Cần Thơ với huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp |
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường vừa ký văn bản trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận tổng hợp, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để thực hiện dự án cầu nối quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) với huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp).
Công trình sẽ nằm giữa cầu Vàm Cống và cầu Cần Thơ, có mục tiêu kết nối giao thông liên vùng từ Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp. Cụ thể là kết nối từ tuyến đường Ô Môn (Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), đấu nối với Đường tỉnh 853 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và định hướng kết nối vào cầu Mỹ Thuận 2 đang được đầu tư xây dựng.
Dự kiến, cầu được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong giai đoạn 2023 - 2028, có tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng. Trong đó, Cần Thơ đề xuất ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng; ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác 4.500 tỷ đồng.
UBND TP. Cần Thơ cho biết, sau khi Trung ương chấp thuận, địa phương sẽ phối hợp tỉnh Đồng Tháp và các bộ, ngành liên quan triển khai các thủ tục đầu tư.
Đề xuất cho shipper công nghệ Hà Nội giao đồ ăn trở lại
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất cho các ứng dụng giao hàng hoạt động lại từ 9h đến 21h để hỗ trợ các hàng quán đã mở cửa.
Đề xuất cho shipper công nghệ Hà Nội giao đồ ăn trở lại |
Theo văn bản vừa gửi UBND TP. Hà Nội, Sở Giao thông vận tải đề nghị cho xe môtô, xe hai bánh được vận chuyển bưu phẩm, bưu kiện và hàng hoá thiết yếu, đồ ăn, bao gồm cả xe có sử dụng phần mềm ứng dụng giao hàng công nghệ (shipper) tại 19 quận, huyện, thị xã tại Hà Nội. Thời gian hoạt động từ 9h đến 21h hàng ngày. Đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho hoạt động của các cơ sở kinh doanh được phép mở cửa trở lại.
Để được hoạt động, shipper cần đáp ứng 3 điều kiện gồm đã tiêm tối thiểu 1 mũi vaccine Covid-19, xét nghiệm PCR hoặc test nhanh còn thời hạn, phải chủ động khai báo y tế trước khi tham gia giao thông và xuất trình giấy tờ khi được kiểm tra.
Cuối ngày 16/9, Ứng dụng ShopeeFood thông báo sẽ cung cấp dịch vụ giao đồ ăn trở lại ở Hà Nội từ 15h30 ngày 16/9. Trước mắt dịch vụ này sẽ hoạt động tại 2 quận Ba Đình và Cầu Giấy từ 9h đến 19h mỗi ngày. Grab cũng sẽ cung cấp trở lại 3 dịch vụ GrabExpress Siêu tốc (Thực Phẩm), GrabFood và GrabMart từ hôm nay.
Với đơn vị quản lý shipper và đơn vị cung cấp phần mềm, Sở Giao thông vận tải yêu cầu kiểm tra, giám sát, sàng lọc, quản lý người giao hàng đảm bảo các điều kiện. Đồng thời, các đơn vị này cũng phải đảm bảo chỉ kết nối dịch vụ trong khu vực được Thành phố cho phép hoạt động.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển hàng hoá bằng xe môtô, xe hai bánh với tất cả cá nhân hoạt động tự do và vận chuyển hành khách bằng xe 2 bánh (gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ).
Theo thông báo của Grab, tài xế của hãng này chỉ được hoạt động phạm vi 19 quận, huyện, thị xã mà họ đang sinh sống từ 9h đến 21h mỗi ngày.
852.480 liều vaccine AstraZeneca của Đức hỗ trợ về đến Việt Nam
852.480 liều vaccine AstraZeneca ngừa Covid-19 đã về đến Hà Nội ngày 16/9. Đây là đóng góp của Chính phủ Đức cho chiến dịch tiêm chủng của Việt Nam.
Lô hàng được vận chuyển từ sân bay tới kho vaccine tiêm chủng quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để phân bổ cho các địa phương |
Việc hỗ trợ vaccine này được thực hiện qua cơ chế phân bổ vaccine quốc tế COVAX với sự phối hợp chặt chẽ của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam.
Với lô vaccine do Chính phủ Đức ủng hộ này, Việt Nam đã nhận 12.578.110 liều vaccine Covid-19 qua cơ chế COVAX.
Trước đó, ngày 3/9, Chính phủ Đức đã quyết định viện trợ khoảng 2,5 triệu liều vaccine AstraZeneca để hỗ trợ Việt Nam chống dịch Covid-19.
Cơ chế COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI) và Liên minh Vaccine (GAVI) đồng khởi xướng và UNICEF là đối tác thực hiện chính.
COVAX là hợp phần trụ cột về vaccine trong cơ chế Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19 (ACT-A), một cơ chế hợp tác toàn cầu mang tính đột phá nhằm đẩy nhanh việc phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với xét nghiệm, điều trị và vaccine Covid-19.
Hàng quán ở Hải Dương được phục vụ tại chỗ từ 0h ngày 18/9
UBND tỉnh Hải Dương ban hành văn bản về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Nhà hàng, quán cà phê, quán ăn ở Hải Dương được phục vụ tại chỗ từ 0h ngày 18/9 |
Theo chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Tỉnh, từ 0h ngày 18/9 được phép mở lại vườn hoa, công viên... nhưng không tập trung quá 10 người trong cùng một thời điểm và phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m.
Các nhà hàng ăn uống không phục vụ quá 10 khách trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng và phải đóng cửa trước 22h hằng ngày; các cửa hàng bán đồ ăn sáng được phục vụ tại chỗ từ 5h đến 9h sáng hằng ngày, ngoài khung giờ trên chỉ được bán hàng mang về; giữ khoảng cách tối thiểu 1m giữa người với người, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các hoạt động thể thao ngoài trời, riêng các giải thi đấu thể thao nếu tổ chức phải được sự cho phép của các cấp có thẩm quyền; các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao trong nhà, spa, chăm sóc sắc đẹp, cắt tóc, gội đầu, làm móng, tập gym, yoga hoạt động không quá 50% công suất, phục vụ không quá 10 người trong cùng một phòng hoặc một khu vực riêng; đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trẻ mầm non và học sinh từ cấp tiểu học trở lên được đi học trở lại từ ngày 20/9 nếu các trường học đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19…
Trung Quốc tạm dừng nhập thanh long tại một điểm ở Quảng Ninh
Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu mặt hàng thanh long tại Cầu phao tạm Đông Hưng (Điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh).
Trung Quốc tạm dừng nhập thanh long tại 1 điểm xuất hàng ở Quảng Ninh |
Bộ Công Thương nhận được thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh về việc Chính quyền Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng thanh long của Việt Nam qua khu vực Cầu phao tạm Đông Hưng (phía Việt Nam là Điểm xuất hàng Km3+4, Quảng Ninh) 7 ngày, từ ngày 15-21/9.
Lý do là phát hiện virus Sars-CoV-2 trên bao bì bọc quả thanh long và thùng các-tông đựng thanh long nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo thông báo của phía Đông Hưng, sau 23h ngày 21/9, mặt hàng thanh long sẽ tự động được khôi phục thông quan nhập khẩu qua địa điểm này. Tuy nhiên, nếu tiếp tục phát hiện virus Sars-CoV-2 (bằng phương pháp xét nghiệm PCR) trên thanh long hoặc mặt hàng khác, cơ quan phòng chống dịch Covid-19 Đông Hưng sẽ gia hạn thời gian tạm dừng thông quan nhập khẩu thêm 1 tuần đối với mặt hàng đó. Nếu phát hiện 3 lần dương tính, mặt hàng đó sẽ bị tạm dừng thông quan 4 tuần.
Sở Công Thương Quảng Ninh đã có văn bản thông báo tới Sở Công Thương các địa phương, doanh nghiệp, thương nhân thường xuyên hoạt động xuất khẩu tại Điểm xuất hàng Km 3+4 để chủ động phương án phân luồng hàng hóa.
Hà Nội lên phương án đưa xe buýt hoạt động trở lại sau ngày 21/9
Sở GTVT Hà Nội cho biết đang xây dựng phương án khai thác vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau ngày 21/9.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tuần này sẽ hoàn thiện phương án đưa vào vận hành vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sau ngày 21/9 |
Theo Sở GTVT Hà Nội, khác với phương án cho các loại hình vận chuyển như: shipper, taxi có thể hoạt động trong vùng xanh, hoặc phạm vi mở rộng tại 19 quận, huyện đang giảm nguy cơ về dịch Covid-19, xe buýt không thể hoạt động theo phân vùng, khu vực.
Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ có 3 tiêu chí được xem là quan trọng nhất gồm: Thẻ xanh; Tần suất hoạt động; Lộ trình.
Với tiêu chí thẻ xanh, Sở GTVT yêu cầu, tất cả xe lái phụ xe trở lại hoạt động phải có thẻ xanh về tiêm vắc xin Covid-19. Phương tiện hoạt động được khử khuẩn và tuân thủ các quy định về phòng chống dịch khi hoạt động.
Về tiêu chí tần suất hoạt động, sau 21/9, căn cứ tình hình thực tế công tác phòng chống dịch, Sở GTVT sẽ đưa ra phương án xe buýt hoạt động 50% công suất (trên xe không chở quá 50% hành khách theo số ghế), sau 15 ngày sẽ có tính toán để điều chỉnh lại công suất này.
Với tiêu chí về lộ trình, các tuyến hoạt động trong khu vực vùng xanh, sẽ chạy theo lộ trình đã được cơ quan nhà nước phê duyệt. Các tuyến buýt chạy liên vùng sẽ có điều chỉnh để tránh những vùng đỏ nếu dịch vẫn diễn biến phức tạp.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong tuần này sẽ xây dựng xong phương án và báo cáo xin ý kiến UBND Thành phố. Sau đó sẽ có phương án chi tiết để các đơn vị vận hành buýt thực hiện.