Bản tin thời sự sáng 18/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ba cao tốc phía Nam được giao thêm 13.800 tỷ đồng; Google tôn vinh Vịnh Hạ Long; xử lý ít nhất 2 - 3 ngân hàng, dự án yếu kém trong 2023; phục dựng hàng loạt tượng đài ở TP.HCM…

Ba cao tốc phía Nam được giao thêm 13.800 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và 8 địa phương được giao thêm 13.800 tỷ đồng triển khai cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Hướng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ giao Bộ Tài chính xây dựng phương án bố trí ngân sách trung ương cho Bộ GTVT và 8 địa phương thực hiện ba dự án trọng điểm nêu trên, trình Thủ tướng trước 20/12.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, dài 117,5 km, bắt đầu từ nút giao Quốc lộ 26B - Quốc lộ 1 (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), kết thúc tại điểm giao với đường Hồ Chí Minh, phía Đông TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk).

Dự án gồm 4 làn xe, rộng 17 m, dự kiến khai thác năm 2027. Tuyến cao tốc này khi hoàn thành sẽ tạo trục ngang liên kết khu vực Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ và kết nối với cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường ven biển...

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 54 km, quy mô 4 - 6 làn xe, tổng mức đầu tư 17.800 tỷ đồng, được khởi công hồi tháng 6. Tuy nhiên, phần lớn trong 34 km qua Đồng Nai (289 ha với 3.400 hộ bị ảnh hưởng) chưa giải tỏa xong, trong khi Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao gần 96%.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh miền Tây, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, cũng đã được khởi công. Tuyến có điểm đầu kết nối Quốc lộ 91 thuộc TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang; điểm cuối tại cảng Trần Đề, Sóc Trăng. Trong đó, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và 56 km qua Sóc Trăng.

Giai đoạn một, Dự án gồm 4 làn xe, rộng 17 m, tốc độ 80 km/h. Khi hoàn thiện mặt đường sẽ được mở rộng lên hơn 32 m với 6 làn xe. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành năm 2027, hình thành tuyến giao thông huyết mạch theo trục ngang ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại nghị quyết, Chính phủ đồng thời yêu cầu, Bộ GTVT đốc thúc đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm. Cầu Mỹ Thuận 2, tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ, Tuyên Quang - Phú Thọ cần khánh thành, khai thác trong tháng 12.

Google tôn vinh Vịnh Hạ Long

Google đã đặt hình ảnh biểu tượng tạm thời (Doodle) trên trang chủ là bức tranh minh họa sống động về cảnh non nước hữu tình tại kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng bậc nhất Việt Nam Vịnh Hạ Long.

Cảnh quan Vịnh Hạ Long hiện lên đầy hấp dẫn ngay trên trang chủ của Google

Cảnh quan Vịnh Hạ Long hiện lên đầy hấp dẫn ngay trên trang chủ của Google

Tròn 29 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, ngày 17/12, Google đã đặt hình ảnh biểu tượng tạm thời (Doodle) trên trang chủ là bức tranh minh họa sống động về cảnh non nước hữu tình tại kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng bậc nhất Việt Nam này.

Trong bài viết cung cấp thông tin về Vịnh Hạ Long được dẫn link từ hình ảnh biểu tượng, Google miêu tả "Vịnh Hạ Long nằm ở Vịnh Bắc Bộ, thuộc tỉnh Quảng Ninh và được hình thành từ khoảng 3 triệu năm trước".

Bài viết cũng dẫn lại nội dung truyền thuyết về sự hình thành vùng vịnh gắn với hai chữ "hạ long", là nơi rồng thiêng hạ thế, tạo ra những thung lũng khổng lồ ngập nước với những ngọn núi nhô lên giữa mặt nước. Nơi đây bao gồm gần 2.000 đảo đá lớn nhỏ và là nơi sinh sống của hàng trăm loài khác nhau từ cá, khỉ, diều hâu đến ếch.

Cảnh quan Vịnh Hạ Long hiện lên đầy hấp dẫn trong bài viết, được ví như "một trong những báu vật quốc gia của Việt Nam", với những cột đá vôi và làn nước màu xanh ngọc lục bảo, thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Bài viết nhắc đến những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến thăm Vịnh Hạ Long như tham quan hang Sửng Sốt, hang động lớn nhất trong vịnh, hay những cuộc phiêu lưu trên biển như câu cá, lặn đeo ống thở, chèo thuyền kayak...

Đoạn kết của bài viết tôn vinh Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới và là kỳ quan thời đại mới của thế giới, khẳng định đây là một kỳ quan văn hóa vô giá giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về sự chuyển động của các mảng địa chất và lịch sử biến đổi khí hậu trên Trái Đất.

Xử lý ít nhất 2 - 3 ngân hàng, dự án yếu kém trong 2023

Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các đơn vị xử lý ít nhất 2 - 3 ngân hàng, dự án yếu kém trong 2023.

Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng CBBank, Ngân hàng OceanBank, Ngân hàng GPBank, Ngân hàng DongABank và Ngân hàng SCB

Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng CBBank, Ngân hàng OceanBank, Ngân hàng GPBank, Ngân hàng DongABank và Ngân hàng SCB

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Phiên họp thường kỳ tháng 11. Trong đó, Chính phủ yêu cầu thúc đẩy mạnh các động lực về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu nhằm phục hồi nhanh tăng trưởng kinh tế, thực hiện 3 đột phá chiến lược.

Chính phủ cũng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2023 thực hiện xử lý xong ít nhất từ 2 - 3 ngân hàng và dự án yếu kém.

Việc xử lý ngân hàng yếu kém đang được Chính phủ quan tâm. Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Đầu tháng 5, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và Ngân hàng Đông Á.

Kiểm toán Nhà nước hồi tháng 10 đánh giá, phương án xử lý các ngân hàng yếu kém rất chậm, kéo dài từ 2015 đến nay chưa dứt điểm.

Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đang chậm, khó tìm nhà đầu tư tự nguyện tham gia. Đầu tháng 11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói, cơ quan này sẽ hoàn thiện đề án chi tiết tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, để thực hiện.

Phục dựng hàng loạt tượng đài ở TP.HCM

Các tượng đài An Dương Vương, Trần Nguyên Hãn, Phan Đình Phùng, Quách Thị Trang... được tu sửa sau nhiều năm xuống cấp, hư hỏng.

Tượng An Dương Vương tại ngã sáu Nguyễn Tri Phương đang được thực hiện một số hạng mục cuối cùng để hoàn thành trong tháng này

Tượng An Dương Vương tại ngã sáu Nguyễn Tri Phương đang được thực hiện một số hạng mục cuối cùng để hoàn thành trong tháng này

Việc tu sửa phần đế của tượng An Dương Vương tại ngã sáu Nguyễn Tri Phương - nơi tiếp giáp Quận 5 và Quận 10 dự kiến hoàn thành trong tháng 12. Tượng đài này được xây dựng năm 1966, thiết kế cột cao kiểu Corinth, trên đỉnh có tượng An Dương Vương tay cầm nỏ.

Cách đó 2 km, tượng Phan Đình Phùng, trước Bưu điện Quận 5, cũng được sơn sửa, tân trang. Đây là một trong bảy tượng đài còn lại từ trước năm 1975 đến nay tại Thành phố. Theo UBND Quận 5, chi phí tu sửa hai tượng trên khoảng một tỷ đồng. Hồi tháng 2/2022, Quận từng tu sửa tượng An Dương Vương nhưng thiếu kinh phí sau đó phải tạm dừng.

Trong đợt này, TP.HCM cũng có kế hoạch cải tạo cảnh quan đưa tượng Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang về vị trí cũ ở trước khu vực chợ Bến Thành, Quận 1. Trước đó, tượng Trần Nguyên Hãn được xây bằng xi măng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, từng được trùng tu, phục chế hai lần. Năm 2014, tượng được dời để làm ga metro cho đến nay. Theo kế hoạch, tượng sẽ được phục dựng bằng chất liệu bền vững hơn như đồng.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao, TP.HCM hiện có khoảng 10 tượng đài xây trước năm 1975 đặt tại các giao lộ. Đây là tượng danh nhân lịch sử, anh hùng dân tộc như tượng: Phù Đổng Thiên Vương (ngã 6 Phù Đổng, Quận 1), Trần Hưng Đạo (công trường Mê Linh, Quận 1), An Dương Vương (Quận 5), Phan Đình Phùng (giao lộ Châu Văn Liêm - Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5)... Những tượng xuống cấp, hư hỏng sẽ được trùng tu trong thời gian tới.

Năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 30 dự án công nghiệp đi vào hoạt động

Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, trong năm 2024 sẽ có 30 dự án công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đi vào vận hành. Sở đang phối hợp với các ngành liên quan đẩy nhanh thủ tục theo quy định.

Năm 2024 sẽ có 30 dự án công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động

Năm 2024 sẽ có 30 dự án công nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu đi vào hoạt động

Theo đó, trong tổng số 30 dự án sản xuất công nghiệp dự kiến đi vào vận hành trong năm 2024, đến nay có 6 dự án đã xây dựng xong nhà xưởng, đang lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất, vận hành chạy thử; 19 dự án đã hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng và đang tổ chức thi công xây dựng; 5 dự án đang làm thủ tục cấp phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường.

Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp và các ngành liên quan tập trung hỗ trợ giải quyết nhanh thủ tục nghiệm thu, đưa vào vận hành đối với 6 dự án đã xây dựng xong nhà xưởng, đang lắp đặt thiết bị, dây chuyền sản xuất, vận hành chạy thử.

Cùng với đó sẽ hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đối với 19 dự án đã hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, môi trường, phòng cháy, chữa cháy và được cấp phép xây dựng; hỗ trợ cấp giấy phép môi trường, phòng cháy, chữa cháy, xây dựng đối với 5 dự án.

Được biết, trong năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp của Bà Rịa - Vũng Tàu (trừ dầu khí) tăng 9,47%. Hiện 13 khu công nghiệp đã lấp đầy 66,47%, tại các cụm công nghiệp tỷ lệ lấp đầy khoảng 61,06%.

Cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột

Sau một thời gian dài chờ đợi, tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa đã được Trung ương phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để triển khai xây dựng cao tốc.

Một góc tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang trong quá trình triển khai xây dựng

Một góc tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang trong quá trình triển khai xây dựng

Ngày 17/12, UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giao thông vận tải và HĐND, UBND 2 tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hoà về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1.

Theo đó, Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác đối với 196,62 ha rừng trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk để thực hiện Dự án như báo cáo kết quả thẩm định và kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Trong đó, diện tích rừng cần chuyển đổi của địa bàn tỉnh Đắk Lắk lên đến 169,43 ha.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm toàn diện về tính đầy đủ, chính xác, hợp lệ của hồ sơ, thông tin và số liệu liên quan; về tổ chức thẩm định, kết quả thẩm định và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án…

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Đắk Lắk đánh giá, tỉnh Đắk Lắk đang huy động tổng lực hoàn thành việc giải phóng mặt bằng sạch toàn tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa (đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk với tổng chiều dài hơn 48 km) vào cuối tháng 12/2023.

Tàu hàng chìm trên biển Thừa Thiên Huế

Gặp sóng lớn, tàu chở hàng Gia Bảo 19 cùng 9 thuyền viên bị đánh chìm cách bờ biển Chân Mây, huyện Phú Lộc gần 50 km, ngày 17/12.

Tàu của Hải đội 2 chuẩn bị lên đường ứng cứu ngư dân

Tàu của Hải đội 2 chuẩn bị lên đường ứng cứu ngư dân

Khoảng 4h45, tàu hàng Gia Bảo 19 đi qua vùng biển Thừa Thiên Huế thì gặp gió mùa đông bắc giật cấp 8, sóng cao 3 - 4 m, nước tràn vào hầm hàng và chìm dần.

Tất cả thuyền viên mặc áo phao rời tàu, lênh đênh trên biển. 7 người sau đó được tàu hàng Haian Park cứu, 2 người mất tích.

Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II đã thông báo với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Thừa Thiên Huế triển khai phương án cứu nạn. Hiện tàu Haian Park cùng tàu cứu hộ SAR 274, tàu cảnh sát biển 6006 tìm kiếm nạn nhân. Tàu của Hải đội 2 cũng đang chuẩn bị lên đường cứu hộ cứu nạn.

Tin cùng chuyên mục