TP.HCM dự kiến thu 164.000 tỷ đồng sau di dời toàn bộ nhà ven kênh
Sở Xây dựng TP.HCM dự kiến, sau khi giải toả toàn bộ nhà trên và ven kênh rạch, ngoài chỉnh trang đô thị, Thành phố sẽ thu lại hơn 164.000 tỷ đồng nhờ khai thác quỹ đất dọc bên.
![]() |
Kênh Đôi, quận 8 - nơi TP.HCM đang có kế hoạch di dời nhà hai bên |
Đây là con số tạm tính được Sở Xây dựng nêu trong đề án di dời toàn bộ nhà trên và ven sông, kênh rạch ở TP.HCM giúp chỉnh trang đô thị. Thống kê ở Thành phố còn gần 40.000 căn nhà dạng này cần di dời, tập trung ở 16 quận huyện và TP. Thủ Đức.
Để di dời, giải phóng mặt bằng số nhà trên ước tính cần tổng vốn hơn 221.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho trường hợp đủ điều kiện được hưởng chính sách khoảng 130.680 tỷ đồng. Với những hộ không đủ điều kiện, Thành phố sẽ xây dựng nhà ở xã hội với nguồn vốn ước tính gần 10.700 tỷ đồng. Riêng phần đầu tư hạ tầng, nạo vét, cải tạo các tuyến sông, kênh rạch sau đó cần khoảng 80.000 tỷ đồng.
Sau khi việc di dời hoàn tất sẽ giúp tạo ra quỹ đất dọc sông, kênh rạch có thể đấu thầu chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá để thực hiện các dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, phát triển kinh tế xã hội... Tổng kinh phí thu lại được Sở Xây dựng tạm tính khoảng 164.111 tỷ đồng. Ngoài nguồn thu này, còn những hiệu quả và giá trị khác bởi đô thị sẽ được chỉnh trang, chất lượng đời sống người dân cũng được cải thiện.
Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ cơ bản di dời, bố trí tái định cư cho toàn bộ người dân sống trên và ven sông, kênh, rạch ở Thành phố. Song song đó, sẽ khơi thông dòng chảy, cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị và khai thác quỹ đất dọc bên.
Để thực hiện, cần các giải pháp bao gồm: quy hoạch, huy động vốn, chính sách giải phóng mặt bằng... Trong đó, Thành phố sẽ phát triển trước quỹ nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội phục vụ việc di dời; đồng thời tập trung mọi nguồn lực tài chính và xây dựng cơ chế mới huy động vốn từ bên ngoài tham gia quá trình di dời.
Trước đó, từ năm 1993 đến nay, qua nhiều giai đoạn triển khai các chương trình giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, TP.HCM đã di dời được hơn 44.300 căn. Việc giải tỏa nhà lụp xụp ven kênh rạch và bố trí nơi ở mới cho hàng chục nghìn hộ dân giúp chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới ở nhiều tuyến kênh như Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hủ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm...
Đề xuất tăng 38.250 tỷ đồng vốn cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc
Chính phủ đề xuất tăng vốn điều lệ cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để có thêm nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng.
![]() |
Một đoạn cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình do VEC đầu tư |
Chiều 17/2, thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình bổ sung 38.251 tỷ đồng vốn điều lệ cho công ty mẹ - VEC giai đoạn 2024 - 2026.
Khoản vốn được đề nghị bổ sung đến từ hai khoản, gồm 1.562 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển tại doanh nghiệp được ghi trong dự án đầu tư hình thành tài sản phục vụ sản xuất kinh doanh. Còn lại, gần 36.690 tỷ đồng từ nguồn ngân sách đã giải ngân đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc mà VEC làm chủ đầu tư.
Hiện vốn điều lệ của VEC là hơn 1.115 tỷ đồng, trong khi tổng mức đầu tư các dự án đường cao tốc mà doanh nghiệp này đảm nhận rất lớn. Họ gặp khó khăn khi không đảm bảo tỷ lệ hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu. Theo tính toán của Chính phủ, doanh nghiệp này cần 30.500 tỷ đồng tới 2030 để đầu tư mở rộng các tuyến đường cao tốc.
"Việc tăng thêm vốn điều lệ giúp VEC đủ điều kiện huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, thực hiện các dự án hạ tầng, đường bộ cao tốc lớn trong giai đoạn tới", ông Thắng nói thêm.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư công và pháp luật hiện hành không quy định dùng vốn đầu tư dự án chuyển thành nguồn lực ngân sách để cấp bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp nhà nước.
Chưa kể, mức vốn dự kiến bổ sung cho VEC là 38.251 tỷ đồng, nên việc quyết định chủ trương thuộc thẩm quyền của Quốc hội, sau đó Thủ tướng sẽ quyết định đầu tư bổ sung cho doanh nghiệp này.
Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, khi thẩm tra, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính ngân sách nhất trí cần tăng vốn điều lệ cho VEC.
Với đề xuất của Chính phủ, ông Mạnh cho hay cấp có thẩm quyền đã đồng ý chủ trương cho phép dùng gần 36.690 tỷ đồng nguồn vốn công đã giao cho Bộ Giao thông vận tải đầu tư dự án để chuyển thành tiền ngân sách bổ sung cho VEC.
Cụ thể, số này gồm 10.062 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách; 24.127 tỷ vốn ODA các dự án làm theo hình thức vay về cho vay lại và 2.500 tỷ đồng cấp phát dự án Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Dự kiến, Quốc hội biểu quyết thông qua việc tăng vốn điều lệ cho VEC vào ngày 19/2.
Cấp đổi giấy phép lái xe tại công an xã phường
Người dân có thể nộp hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe ngay tại công an xã, phường, thị trấn; đăng ký sát hạch tại bất cứ địa phương nào, theo Cục Cảnh sát giao thông.
![]() |
Giấy phép lái xe |
Sáng 17/2, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an cho biết, đơn vị đang tiếp nhận các nhiệm vụ tương ứng từ Cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT); phòng CSGT các tỉnh thành nhận nhiệm vụ tương ứng từ sở GTVT; công an cấp xã tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe tại cơ sở.
Người dân có thể nộp hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe ngay tại xã, phường, thị trấn và có thể đăng ký tham gia sát hạch tại bất cứ địa phương nào trên toàn quốc sau khi hoàn thành các khóa đào tạo lái xe, không phụ thuộc vào địa giới hành chính và nơi đào tạo như hiện nay.
"Công an các đơn vị, địa phương đang khẩn trương tổ chức tập huấn cấp thẻ sát hạch viên đảm bảo đủ số lượng, đáp ứng trình độ và tập huấn sử dụng phần mềm quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe để phục vụ nhân dân ngay khi tiếp nhận", đại diện Cục CSGT cho biết.
Hiện thời gian người dân có thể đến công an cấp xã làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe chưa được công bố.
Theo Cục CSGT, định hướng nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thời gian tới sẽ là đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống phần mềm, trang thiết bị hiện đại, áp dụng thống nhất trong cả nước. Công an sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ yếu giải quyết công việc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý.
Với việc đẩy mạnh số hóa hồ sơ, Cục CSGT kỳ vọng sẽ giảm tối đa việc xuất trình hồ sơ, giấy tờ bản giấy khi làm thủ tục đổi, cấp lại giấy phép lái xe cũng như tự động tích hợp giấy phép lái xe của người dân khi cấp mới, cấp đổi, cấp lại lên các ứng dụng để thuận lợi cho quá trình tra cứu, kiểm soát của lực lượng chức năng khi tham gia giao thông.
Kết luận 121 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 nêu rõ chức năng sát hạch, cấp giấy phép lái xe được chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.
TP.HCM đề xuất sắp xếp còn 16 sở, thành lập Sở Giao thông Công chánh
TP.HCM sẽ giảm số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND Thành phố từ 21 xuống còn 16. Trong đó, có đề xuất lập Sở Giao thông Công chánh.
![]() |
Tòa nhà UBND và HĐND TP.HCM |
Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND Thành phố phương án sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm tinh gọn và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Phương án đề xuất mới, TP.HCM sẽ giảm số lượng cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND Thành phố từ 21 xuống còn 16.
Cụ thể, Sở Giao thông Công chánh được thành lập trên cơ sở tổ chức của Sở GTVT, tiếp nhận Văn phòng Thường trực Ban An toàn giao thông và một số chức năng quản lý hạ tầng từ Sở Xây dựng.
Đồng thời, một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ của Sở GTVT sẽ được chuyển về Công an Thành phố thực hiện.
Sở Tài chính được hợp nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và tiếp nhận Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp.
Sở Nội vụ được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Sở Nội vụ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; bình đẳng giới từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Sở Khoa học và Công nghệ được hợp nhất từ Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông.
Sở Dân tộc và Tôn giáo được thành lập trên cơ sở sáp nhập Ban Tôn giáo (trực thuộc Sở Nội vụ) vào Ban Dân tộc.
Sở Xây dựng được hình thành từ việc hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch và Kiến trúc.
Sở Tài nguyên và Môi trường được tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sở An toàn thực phẩm tiếp tục được duy trì theo mô hình thí điểm của TP.HCM, với cơ cấu tổ chức tinh gọn hơn theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội.
Ngoài các sở trên, các đơn vị còn lại bao gồm: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, Sở Công Thương, Văn phòng UBND Thành phố, Thanh tra Thành phố.
Bên cạnh việc tinh gọn các sở, một số chức năng quản lý nhà nước sẽ được chuyển giao sang Công an TP.HCM…
Đà Nẵng dự kiến chi thêm tiền cho cán bộ diện tinh giản
Chính quyền thành phố Đà Nẵng đề xuất chi thêm một lần bằng 25 - 100% mức hỗ trợ tại Nghị định 178 cho công chức, viên chức dôi dư sau tinh gọn bộ máy.
![]() |
Công chức làm việc tại bộ phận một cửa, Trung tâm hành chính TP. Đà Nẵng |
UBND TP. Đà Nẵng đã gửi tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong diện sắp xếp tổ chức bộ máy trên địa bàn để HĐND Thành phố xem xét thông qua tại kỳ họp dự kiến khai mạc ngày 20/2.
Đây là chính sách hỗ trợ thêm của TP. Đà Nẵng, bên cạnh chính sách theo Nghị định 178 áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức xã phường dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; người làm việc theo hợp đồng lao động trước ngày 15/1/2019 được áp dụng chính sách như công chức.
Theo đó, kể từ khi có quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền, người nghỉ hưu trước thời hạn 12 tháng được hỗ trợ thêm một lần bằng 50% chế độ trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm; người nghỉ từ tháng 13 trở đi thì hỗ trợ thêm một lần bằng 25% chế độ trợ cấp hưu trí một lần cho thời gian nghỉ sớm quy định tại Điều 7 Nghị định 178.
Cán bộ được cử tăng cường công tác trong 3 năm ở cơ sở được hỗ trợ thêm một lần bằng 100% mức hỗ trợ tại Điều 12 Nghị định 178.
Cán bộ, công chức xã phường dôi dư đồng thời thuộc đối tượng áp dụng của Nghị quyết 43 của HĐND TP. Đà Nẵng về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2025 được lựa chọn hưởng chính sách, chế độ cao hơn.
UBND TP. Đà Nẵng đánh giá, việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Vướng mắc lớn nhất là bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với trường hợp dôi dư sau sáp nhập. Do đó, ngoài chính sách của Trung ương cần hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương để đảm bảo quyền, lợi ích cho công chức, viên chức.
Đợt này, UBND TP. Đà Nẵng cũng có tờ trình xin hỗ trợ thêm một lần bằng 50% chế độ quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 177 cho cán bộ, công chức không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm, có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng giai đoạn 2025 - 2030.
Vận hành cống ngăn hạn mặn cho Sóc Trăng, Hậu Giang
Cống âu Rạch Mọp ngăn xâm nhập mặn trên sông Hậu, bảo vệ vùng sản xuất hơn 36.700 ha của Sóc Trăng và Hậu Giang, được vận hành ngày 17/2.
![]() |
Cống âu Rạch Mọp |
Dự án nằm trên sông Rạch Mọp (cách sông Hậu khoảng 500 m), tại vị trí giáp ranh của xã Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) và xã Song Phụng (huyện Long Phú) của Sóc Trăng. Công trình có vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng, là hạng mục lớn nhất trong 6 cống thuộc dự án kiểm soát nguồn nước bờ Nam sông Hậu.
Cống có chiều rộng thông nước 85 m, hai khoang cống mỗi khoang rộng 35 m và một âu thuyền rộng 15 m, cùng các công trình phụ trợ khác. Công trình có hệ thống quan trắc, giám sát tự động; cửa van cống bằng thép, đóng mở bằng xi lanh thủy lực.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng Thủy lợi 10 (chủ đầu tư), công trình đến nay đạt hơn 92% khối lượng. Thời gian qua, nhà thầu nỗ lực hoàn thành lắp đặt cửa van cống, xi lanh thủy lực, nhằm kịp thời công tác phòng, chống hạn mặn, phục vụ sản xuất, dân sinh mùa khô năm 2024 - 2025. Công trình dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trước 30/4 năm nay.
Hàng chục cảnh sát làm việc tại Bệnh viện II Lâm Đồng
Hàng chục cảnh sát và đại diện VKS làm việc nhiều giờ trong Bệnh viện II Lâm Đồng ở phường B'Lao, TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), tối 17/2.
![]() |
Xe công vụ chở cảnh sát đến Bệnh viện II Lâm Đồng |
Hơn 19h, hai xe công vụ của Công an tỉnh Lâm Đồng đến Bệnh viện II Lâm Đồng trên đường Trần Quốc Toản. Gần 20 điều tra viên, kiểm sát vào bên trong tòa nhà văn phòng. Khu vực này sau đó bị hạn chế ra vào.
Đến hơn 22h, công an vẫn làm việc tại một số phòng của lãnh đạo Bệnh viện.
Buổi làm việc này được cho là để thu thập tài liệu liên quan đến các sai phạm trong đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế. Hiện, Công an Lâm Đồng chưa công bố thông tin cụ thể.
Hơn 2 năm trước, tháng 8/2022, ông Huỳnh Ngọc Thành, Giám đốc cùng các tập thể, cá nhân tại bệnh viện này bị Tỉnh ủy Lâm Đồng kỷ luật do vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế liên quan.
Bệnh viện II Lâm Đồng quy mô 500 giường bệnh, với 17 khoa, phòng chức năng, là cơ sở khám, chữa bệnh cho người dân 6 huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng.