Bản tin thời sự sáng 18/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội bán 600 biệt thự cũ; hai cổ vật triều Nguyễn được đưa vào bảo tàng; đề xuất hai phương án mua kit xét nghiệm cho TP.HCM; 8 hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu; cáp quang biển lại gặp sự cố…

Hà Nội bán 600 biệt thự cũ

Hà Nội bán 600 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước, nằm trong danh mục biệt thự được bán và chủ yếu nằm ở các quận trung tâm.

Tại Hà Nội, việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu nhà nước chưa thực sự hiệu quả

Tại Hà Nội, việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu nhà nước chưa thực sự hiệu quả

Đây là một trong những giải pháp về cơ chế, chính sách vừa được UBND TP. Hà Nội đưa ra để quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2025.

600 biệt thự đều do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê nhà ở cũ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và đang bán dở dang.

Theo lý giải của TP. Hà Nội, việc bán biệt thự nhằm tạo vốn cho việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác.

Ngoài ra, một số nhà biệt thự chuyên dùng thuộc sở hữu nhà nước nằm trong danh mục không được bán cũng được rà soát, để xây dựng phương án bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê 10 - 15 năm theo giá thị trường.

Thành phố cũng nghiên cứu điều chỉnh danh mục biệt thự không được bán (rà soát 105 biệt thự cũ thuộc sở hữu nhà nước do Thành phố quản lý, đang sử dụng đan xen trụ sở cơ quan và nhà ở của các hộ dân) để xây dựng phương án di chuyển cơ quan, tổ chức. Sau đó, Thành phố tổ chức bán đấu giá hoặc đấu giá cho thuê.

Hà Nội hiện có 1.216 biệt thự, gồm 367 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 732 biệt thự thuộc sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân.

Các biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng trước năm 1954, có kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp kiến trúc phương Tây và Á Đông, chủ yếu nằm ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ.

Hai cổ vật triều Nguyễn được đưa vào bảo tàng

Mũ quan triều Nguyễn và áo Nhật Bình được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình (tỉnh Thừa Thiên Huế), sáng 17/4.

Hai cổ vật được trưng bày từ ngày 17/4 đến hết năm nay

Hai cổ vật được trưng bày từ ngày 17/4 đến hết năm nay

Sáng 17/4, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp nhận mũ quan đại thần và áo Nhật Bình cung tần triều Nguyễn do đơn vị thắng đấu giá hiến tặng. Sau đó, hai món đồ được trưng bày trong khung gương cùng các cổ vật triều Nguyễn khác tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế. Thời gian trưng bày từ ngày 17/4 đến hết năm nay.

Mũ quan đại thần và áo Nhật Bình được hội đồng thẩm định gồm các nhà khoa học, nghệ nhân, nhà sưu tập cổ vật nhận định có niên đại cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, gắn liền đời sống cung đình triều Nguyễn. Sự trở về của mũ quan đại thần và áo Nhật Bình đã bổ sung vào nguồn cổ vật của bảo tàng có bề dày lịch sử gần 100 năm, gắn bó mật thiết với quần thể kiến trúc cung đình Huế.

Hai cổ vật được Tập đoàn Sunshine đấu giá thành công ở Tây Ban Nha. Theo website của Balclis, mũ quan triều Nguyễn có giá 600.000 euro (gần 16 tỷ đồng), gấp 1.000 lần con số khởi điểm là khoảng 600 euro. Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, người theo dõi phiên đấu cho biết, áo được chốt ở mức 160.000 euro (hơn 4 tỷ đồng). Thông tin áo Nhật Bình hiện không xuất hiện trên website của nhà đấu giá.

Đề xuất hai phương án mua kit xét nghiệm cho TP.HCM

Sở Y tế kiến nghị giao Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản mua sắm test nhanh hoặc giao UBND 22 quận, huyện tự mua để đáp ứng nhu cầu cấp bách.

TP.HCM kiến nghị giao Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản mua sắm test nhanh hoặc giao UBND 22 quận, huyện tự mua

TP.HCM kiến nghị giao Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản mua sắm test nhanh hoặc giao UBND 22 quận, huyện tự mua

Trong công văn gửi UBND TP.HCM, Sở Y tế cho biết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố - đơn vị phụ trách cấp phát test nhanh cho Thành phố đang phải làm việc với Thanh tra Chính phủ về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế. Do đó, việc mua test nhanh sẽ chậm và không đáp ứng nhu cầu của các trung tâm y tế quận, huyện.

Vì vậy, Sở Y tế đề xuất phương án thứ nhất là giao Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) tổ chức mua sắm kit test nhanh cho Thành phố. Đây là cơ quan mua sắm tập trung chuyên nghiệp nên việc mua sắm sẽ nhanh, thuận lợi, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý. Đơn vị này đã có kinh nghiệm mua sắm tập trung nhiều mặt hàng như: sữa cho chương trình sữa học đường, máy vi tính, máy lạnh, máy photo. Việc mua sắm tập trung cũng giúp giá mua thống nhất.

Phương án hai là Thành phố giao UBND 22 quận, huyện tự mua kit test nhanh. Cách làm này giúp địa phương chủ động, nhưng nhược điểm là mất thời gian, hình thành nhiều mức giá mua. Theo phương án này, các bệnh viện cũng có thể tự tổ chức mua kit test.

Trong 2 phương án, Sở Y tế nghiêng về phương án thứ nhất.

Hiện, TP.HCM sử dụng test nhanh để xét nghiệm cho 4 trường hợp: người thuộc nhóm nguy cơ; người có triệu chứng khai báo tại trạm y tế; F0 hoàn thành cách ly; F1 chăm sóc F0 và F1 là học sinh. Nhu cầu kit test nhanh trong vòng ba tháng của TP.HCM hơn 1,1 triệu kit test.

8 hiệp hội kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu

8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2023 thay vì 1/7/2022 theo quyết định của Hội đồng tiền lương quốc gia.

8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2023

8 hiệp hội ngành hàng kiến nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2023

Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, các hiệp hội nêu lý do trong hai năm 2020 - 2021, dịch bùng phát đã tác động nghiêm trọng đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó khăn, kiệt quệ. Việc lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Các hiệp hội cũng cho rằng, khó khăn do Covid-19 vẫn chưa kết thúc khi lao động là F0 tiếp tục xuất hiện, làn sóng biến chủng mới vẫn đe dọa sản xuất.

Nếu tăng lương vào đầu tháng 7, các doanh nghiệp khó xoay xở kịp do thời điểm đã đến quá gần. Tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của đều được xây dựng từ cuối năm trước, không thể tăng giá bán để bù đắp chi phí. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tăng lương vào đầu năm 2021, 2022.

Nhiều doanh nghiệp sẽ phải bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, hoặc cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất....

Các hiệp hội kiến nghị gồm: Doanh nghiệp Nhật Bản; Chế biến và xuất khẩu thủy sản; Dệt may; Điện tử; Thực phẩm TP.HCM; Gỗ và lâm sản; Nhựa; Sản xuất xe máy. Đây là những ngành có lượng lao động đông nhất Việt Nam.

Cáp quang biển lại gặp sự cố

Tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) tiếp tục gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910 km.

Cáp quang biển APG được đánh giá có tốc độ đường truyền lớn và ổn định cho người dùng Internet tại Việt Nam

Cáp quang biển APG được đánh giá có tốc độ đường truyền lớn và ổn định cho người dùng Internet tại Việt Nam

Đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển APG đã gặp sự cố đứt sợi trên phân đoạn S1.7, cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910 km. Hiện tại đơn vị quản lý tuyến cáp chưa thông tin đến các nhà mạng về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.

Tuyến cáp APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016, có chiều dài khoảng 10.400 km, với nhiều điểm kết nối các khu vực tại châu Á. Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Cáp APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom và CMC Telecom. Tuyến cáp này được đánh giá có tốc độ đường truyền lớn và ổn định cho người dùng Internet tại Việt Nam.

Trong năm 2021, tuyến APG đã 4 lần gặp sự cố, trong đó lần gần nhất xảy ra vào tháng 12/2021. Cụ thể, ở lần gặp sự cố thứ tư trong năm ngoái, lần lượt vào các ngày 5/12 và 13/12, cáp APG gặp sự cố trên 2 hướng cáp kết nối đi Nhật và Hong Kong. Vào ngày 14/1/2022, sự cố trên nhánh kết nối đi Nhật đã được sửa xong.

Đến ngày 27/2/2022, sau gần 3 tháng gián đoạn dịch vụ do gặp sự cố, tuyến cáp biển APG hướng đi Hong Kong đã được sửa chữa, khắc phục xong và khôi phục hoạt động bình thường.

TP.HCM lắp gần 50 camera phạt nguội ở Quốc lộ 1

Gần 50 camera độ phân giải cao giúp lực lượng CSGT giám sát hoạt động vận tải, xử phạt vi phạm giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn qua TP.HCM.

CSGT đang giải quyết điểm ùn tắc trên Quốc lộ 1 đoạn chạy qua TP.HCM

CSGT đang giải quyết điểm ùn tắc trên Quốc lộ 1 đoạn chạy qua TP.HCM

Hệ thống camera giám sát do Cục CSGT (Bộ Công an) đầu tư lắp đặt vừa được bàn giao cho Phòng CSGT TP.HCM vận hành. Vị trí lắp đặt hệ thống thuộc địa bàn quản lý của 8 đội CSGT gồm: Rạch Chiếc, Bình Triệu, An Sương, Phú Lâm, An Lạc và Tân Túc, kéo dài trên khoảng 45 km Quốc lộ 1, từ TP. Thủ Đức đến huyện Bình Chánh.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Bình, Phó phòng CSGT TP.HCM, camera sẽ ghi nhận hình ảnh xe vi phạm giao thông với độ chính xác cao, đảm bảo các yếu tố pháp lý. Sau khi có dữ liệu từ camera, Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (thuộc PC08) sẽ lập hồ sơ gửi về chủ xe để xử phạt.

Quốc lộ 1 đoạn đi qua TP.HCM là tuyến đường cửa ngõ, huyết mạch, đông xe, nhất là ôtô chở hàng hóa từ khu vực Đông Nam Bộ xuống miền Tây, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

Theo thống kê của phòng CSGT TP.HCM, trong năm 2021 đã trích xuất lỗi vi phạm từ camera hơn 110.000 trường hợp ở Thành phố. Hơn 25.000 trường hợp đóng phạt, số còn lại chưa chấp hành; số tiền phạt gần 29 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm nay, hệ thống camera ghi nhận 19.500 vi phạm, chủ yếu lỗi dừng đỗ không đúng quy định, tốc độ, không chấp hành biển báo, tín hiệu đèn...

Năm ngoái, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM xây dựng hệ thống camera giám sát, phần mềm để "phạt nguội" trên 30 tuyến đường, tại 180 điểm với vốn đầu tư 454 tỷ đồng. Hệ thống này có các chức năng chính: giám sát xe vượt đèn đỏ; chạy quá tốc độ; đi sai làn đường, ngược chiều, đi vào đường cấm, giờ cấm; xe dừng đỗ không đúng quy đinh; xe vi phạm tải trọng.