Thủ tướng yêu cầu tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành triển khai chiến dịch tổng rà soát tài khoản ngân hàng, sim điện thoại để phòng ngừa tội phạm lừa đảo trực tuyến.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sáng 17/5 |
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sáng 17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước cùng thực hiện nhiệm vụ. Mục tiêu là tăng cường quản lý nhà nước, phòng ngừa và xử lý hiệu quả tình trạng lừa đảo trực tuyến.
Hiện cả nước có gần 183 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và 120 triệu thuê bao di động.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức xã hội về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, cải cách hành chính và đề án 06; tổ chức sâu rộng các phong trào "Toàn dân thi đua đổi mới sáng tạo", "Chuyển đổi số toàn dân" và "Bình dân học vụ số". Bộ Công an được giao hoàn thiện các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Dữ liệu, thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và quy định hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, sản phẩm và dịch vụ dữ liệu, trình ban hành trong tháng 6/2025.
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sớm đăng ký các dự án khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và bố trí kinh phí thực hiện. Bộ Tài chính được giao xây dựng danh mục và mã số đơn vị hành chính phù hợp với phương án sáp nhập tỉnh, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời hoàn thiện chính sách thí điểm phát triển thị trường tài sản mã hóa…
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xây dựng 11.500 trạm BTS 5G, tốc độ Internet di động tăng mạnh, vào top 20 thế giới và đã cấp phép thí điểm Internet vệ tinh. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến, với 70% người dân tại đô thị sử dụng hằng ngày. Cả nước đã hoàn thành cấp căn cước công dân gắn chip cho toàn bộ công dân đủ điều kiện, kích hoạt hơn 63,4 triệu tài khoản định danh điện tử, cung cấp 43 tiện ích trên VNeID và làm sạch 12,8 triệu dữ liệu giấy phép lái xe.
Trong lĩnh vực y tế, hơn 15,5 triệu hồ sơ đã được tích hợp vào sổ sức khỏe và bệnh án điện tử; hệ thống điều phối dữ liệu y tế đi vào hoạt động tại 29 tỉnh, thành với 172 cơ sở y tế. Hiện đã có trên 2,9 triệu người thuộc diện chính sách nhận trợ cấp an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng và 80% người dân nhận lương hưu, bảo hiểm xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt.
Đầu tư gần 19.400 tỷ đồng nối dài đại lộ Đông Tây đến Long An
Để nối dài đường Võ Văn Kiệt (đại lộ Đông Tây) thuộc TP.HCM đến Long An với chiều dài gần 15 km, tổng chi phí đầu tư ước tính gần 19.400 tỷ đồng.
![]() |
Đường Võ Văn Kiệt trên đại lộ Đông Tây ở TP.HCM |
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, tuyến đường nối dự kiến có tổng chiều dài khoảng 14,6 km. Điểm đầu tuyến giao cầu vượt Quốc lộ 1 trên đường Võ Văn Kiệt, huyện Bình Chánh; điểm cuối tại ranh tỉnh Long An - trùng với điểm đầu Dự án ĐT.823D.
Dự án gồm 3 đoạn, đoạn đầu từ cầu vượt Quốc lộ 1 tới nút giao đường Tân Tạo - Chợ Đệm (đường Võ Trần Chí, dài 2,7 km). Đây cũng là đoạn TP.HCM trước đây triển khai theo hợp đồng BOT nhưng chưa xong và đã dừng hợp đồng với nhà đầu tư.
Đoạn kế tiếp từ điểm giao đường Tân Tạo - Chợ Đệm đến Vành đai 3, dài 6,6 km, bao gồm xây nút giao với tuyến vành đai này. Đoạn còn lại từ Vành đai 3 đến ranh Long An, dài 5,3 km.
Tuyến đường nối dự kiến được xây dựng theo tiêu chuẩn trục chính đô thị với vận tốc 80 km/h cho làn xe cơ giới và 60 km/h cho làn hỗn hợp. Ngoài đoạn đầu dài 2,7 km đã xác định chiều rộng khi đầu tư hoàn thiện là 60 m, phần còn lại dự kiến có quy mô tương tự.
Ngoài các phương án trên, trên tuyến dự kiến được xây dựng các cầu vượt sông, gồm: Cái Trung, Hưng Nhơn, Láng Le Bàu Cò, Kênh A, An Hạ - Xáng An Hạ. Dự án cũng bao gồm xây nút giao đồng bộ với Vành đai 3 nhằm kết nối đồng bộ 2 tuyến đường.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tổng mức đầu tư toàn tuyến đường nối dài 14,6 km được tính toán sơ bộ gần 19.400 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm phần lớn với khoảng 12.875 tỷ đồng, phần xây lắp 3.769 tỷ đồng. Còn lại dành cho các chi phí dự phòng, tư vấn...
Đường Võ Văn Kiệt rộng 60 m (đáp ứng 6 - 10 làn xe), dài khoảng 13 km tính từ cầu Calmette, Quận 1 đến nút giao Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh. Đây là một phần của đại lộ Đông - Tây (Võ Văn Kiệt - hầm Thủ Thiêm - Mai Chí Thọ). Đường thông xe năm 2009 giúp TP.HCM liên kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình Dương khởi công 2 khu công nghiệp xanh hơn 1.000 ha
Khu công nghiệp Cây Trường và Bàu Bàng 2 được khởi công xây dựng với mô hình sinh thái thông minh, phát thải thấp khi đi vào hoạt động.
![]() |
Phó Thủ tướng Mai Văn Chính cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương thực hiện nghi thức khởi công hai khu công nghiệp |
Sáng 17/5, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp với Tổng công ty Becamex IDC khởi công xây dựng Khu công nghiệp Cây Trường và Bàu Bàng 2 tại huyện Bàu Bàng.
Đây được xem là động thái khởi đầu trong quá trình xây dựng trung tâm công nghiệp sinh thái thông minh theo chuẩn quốc tế, đưa khu vực Bàu Bàng thành trung tâm công nghiệp, đổi mới sáng tạo của địa phương này.
Khu công nghiệp Cây Trường rộng 700 ha với tổng vốn đầu tư hơn 5.459 tỷ đồng. Dự án ưu tiên thu hút các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường và sẵn sàng tiếp nhận các nhà đầu tư dịch chuyển từ khu vực phía Nam của Tỉnh.
Khu công nghiệp Bàu Bàng 2 rộng 380 ha (trong tổng quy mô mở rộng 1.000 ha) tại huyện Bàu Bàng và một phần huyện Dầu Tiếng. Đây là điểm đến của nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, cơ khí chính xác, điện tử và công nghiệp hỗ trợ.
Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC cho biết, các mô hình đầu tư của Tổng công ty đang chuyển dịch theo hướng phát triển khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp phát thải thấp, đồng thời tích hợp yếu tố đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0 và năng lượng tái tạo.
Việc phát triển hệ thống năng lượng mặt trời áp mái, trang trại điện mặt trời, lưu trữ năng lượng thông minh sẽ giúp các khu công nghiệp chủ động nguồn cung điện, đáp ứng yêu cầu vận hành bền vững.
"Chúng tôi hợp tác với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu tiền khả thi và hoạch định lộ trình xây dựng khu công nghiệp sinh thái quốc tế (EIP 2.0) tại Cây Trường và Bàu Bàng. Đây không chỉ là chiến lược phát triển xanh, mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội cho doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao về phát thải carbon", ông Thuận nói.
Đồng Nai mời gọi đầu tư dự án đường sắt hơn 34.000 tỷ đồng
Đồng Nai đang mời gọi đầu tư dự án kéo dài tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đến huyện Trảng Bom hơn 34.700 tỷ đồng nhằm tăng cường kết nối vùng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng.
![]() |
Tàu metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). |
Tuyến metro được đề xuất kéo dài từ ga cuối Suối Tiên của tuyến Metro số 1 (TP.HCM) đến khu vực xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), với tổng chiều dài hơn 20 km. Trong đó, đoạn thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai dài hơn 18 km, đi qua địa bàn TP. Biên Hòa và huyện Trảng Bom, gồm 12 ga dừng và 1 depot diện tích khoảng 23,4 ha.
Dự án được định hướng đầu tư theo hình thức sử dụng vốn hỗn hợp, bao gồm ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, hợp đồng BOT và khai thác quỹ đất.
UBND tỉnh Đồng Nai đang hoàn thiện hồ sơ và kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương triển khai thực hiện Dự án.
Dự án nằm trong danh mục mời gọi đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai năm 2025. Đồng thời, UBND Tỉnh cũng chấp thuận để Sở Xây dựng thực hiện xúc tiến, tìm kiếm nhà đầu tư cho các dự án thuộc lĩnh vực kết nối hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy phát triển kết nối vùng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải công cộng.
Tháng 4, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi UBND TP.HCM đề nghị phối hợp triển khai các dự án kết nối giao thông giữa hai địa phương. Trong đó, Tỉnh kiến nghị TP.HCM hỗ trợ kết nối hạ tầng, công nghệ tuyến Metro số 1 kéo dài qua Bình Dương và đến Đồng Nai.
Hà Nội khởi công đường hơn 2.000 tỷ đồng, hoàn thành năm 2027
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính dài 12,5 km, vốn đầu tư 2.080 tỷ đồng dự kiến hoàn thành sau 2 năm thi công.
![]() |
Nhiều máy móc cỡ lớn đã được huy động để triển khai Dự án đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính |
Ngày 17/5, UBND TP. Hà Nội tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính (đoạn nối từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn - Tam Chúc), huyện Mỹ Đức và huyện Ứng Hòa.
Báo cáo tại lễ khởi công, ông Ngô Ngọc Vân - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, Dự án nhằm góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính theo quy hoạch được duyệt, tăng cường liên kết vùng giữa Hà Nội với các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Ninh Bình với điểm đầu tại Km35+870 giao với đường trục phía Nam, điểm cuối tại Km49+095 giao với đường Hương Sơn - Tam Chúc.
Tuyến đường có chiều dài 12,5 km với mặt cắt ngang 21 m; xây dựng 4 nút giao chính gồm: nút giao với đường trục phía Nam (vị trí đầu tuyến); nút giao với Quốc lộ 21B; nút giao với đường liên xã Hương Sơn; nút giao với đường Hương Sơn - Tam Chúc; xây dựng cầu vượt sông Đáy và sông Châu Giang (kênh Ngoại Độ); xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, lắp đặt hệ thống tổ chức giao thông, cây xanh, vỉa hè, chiếu sáng, bố trí dải phân cách giữa có trồng cây, đảm bảo cảnh quan và sự tương đồng của toàn tuyến đường.
Theo ông Ngô Ngọc Vân, Dự án có tổng mức đầu tư 2.080 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP. Hà Nội.
Đến nay, Dự án đã hoàn chỉnh thủ tục đầu tư, đã lựa chọn nhà thầu thi công, Chủ đầu tư và nhà thầu đã ký hợp đồng xây lắp với giá trị 1.338 tỷ đồng, thời gian thi công 690 ngày.
Công tác giải phóng mặt bằng được 2 huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa triển khai khẩn trương, đạt kết quả tích cực, tạo điều kiện sẵn sàng khởi công xây dựng.
Đà Nẵng thu hơn 11.400 tỷ đồng 4 tháng đầu năm từ lưu trú, ăn uống, lữ hành
Trong 4 tháng đầu năm 2025, doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành Đà Nẵng đạt hơn 11.400 tỷ đồng.
![]() |
Doanh thu du lịch của Đà Nẵng trong 5 ngày lễ 30/4 và 1/5 năm 2025 tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2024 |
Chiều 17/5, tại Hội thảo “Du lịch Đà Nẵng trong kỷ nguyên mới: Hội nhập và bứt phá”, bà Nguyễn Thị Anh Thi - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho hay, hoạt động du lịch của Thành phố đang tăng trưởng mạnh mẽ, là điểm sáng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, số lượng khách được các cơ sở lưu trú phục vụ đạt hơn 3,5 triệu lượt, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 1,7 triệu lượt, tăng 43% so với cùng kỳ năm 2024, khách nội địa đạt gần 1,8 triệu lượt, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 11.400 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2024.
Trong dịp lễ 30/4 và 1/5 năm 2025, Đà Nẵng đón khoảng 610.000 lượt khách, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ các hoạt động du lịch trong 5 ngày lễ ở Đà Nẵng ước đạt 2.426 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2024.
“Trong thời gian tới, việc thực hiện chủ trương hợp nhất tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng không chỉ mở rộng không gian địa lý, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước, mà còn mở ra một tầm nhìn phát triển hoàn toàn mới.
Trong bối cảnh đó, ngành du lịch Đà Nẵng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đóng vai trò tiên phong trong quá trình tái cấu trúc không gian phát triển chung nhằm khai thác tối đa tiềm năng về văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và nâng cao tính liên kết vùng”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cán bộ Vĩnh Phúc, Hòa Bình sau hợp nhất về Phú Thọ sẽ được bố trí ở nhà công vụ
Dự kiến có 4.405 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình đăng ký lưu trú tại tỉnh Phú Thọ sau khi hợp nhất.
![]() |
Một góc TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ |
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang chủ trì Hội nghị nghe các sở, ngành báo cáo phương án bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập tỉnh.
Tại Hội nghị, Sở Xây dựng đã báo cáo phương án xây dựng nhà ở công vụ, bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình.
Theo đó, tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình dự kiến đăng ký lưu trú là 4.405 người. Trong đó, cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý là 270 người, công chức, viên chức là 4.135 người.
Qua rà soát, Sở Xây dựng đã tổ chức làm việc với 3 đơn vị đang quản lý, vận hành nhà ở đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước gồm khu ký túc xá Trường Đại học Hùng Vương, khu nhà khách Trung tâm Hội nghị tỉnh Phú Thọ và khu chung cư sinh viên Khu đô thị Minh Phương để bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập tỉnh.
Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang nhấn mạnh, việc bố trí nhà ở công vụ, nhà ở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sau sáp nhập tỉnh là nhiệm vụ cấp thiết, cần triển khai đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế.
Đối với nhà ở công vụ cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, ông Quang yêu cầu, trước mắt nghiên cứu, tính toán bố trí phương án nhà ở công vụ tại khuôn viên trụ sở Tỉnh ủy, UBND Tỉnh và Trung tâm hội nghị Tỉnh, bảo đảm phù hợp với quy định hiện hành về các trường hợp được hưởng chế độ nhà ở công vụ.
Ông Quang giao Sở Xây dựng khẩn trương rà soát quỹ nhà ở hiện có, đề xuất phương án cải tạo, bố trí nhà ở lưu trú cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời căn cứ nhu cầu thực tế, nghiên cứu xây dựng mới khu nhà ở công vụ tại khuôn viên Trung tâm hội nghị Tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu trước mắt và có thể linh hoạt chuyển đổi công năng sử dụng phù hợp với yêu cầu thực tế trong thời gian tới, báo cáo UBND Tỉnh.
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, ưu tiên bố trí cho các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định pháp luật, đặc biệt là những trường hợp gặp khó khăn về chỗ ở.
Lào Cai phân luồng riêng cho quả vải tươi xuất khẩu từ 20/5
Để hỗ trợ quả vải tươi từ các tỉnh như Bắc Giang, Hải Dương xuất khẩu thuận lợi sang Trung Quốc, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đưa ra phương án phân luồng riêng cho phương tiện chở vải tại cửa khẩu Kim Thành, bắt đầu từ ngày 20/5.
![]() |
Năm 2024, khoảng 40.000 tấn vải tươi đã xuất khẩu thuận lợi qua cửa khẩu Kim Thành |
Theo phương án, các xe chở vải tươi sẽ được ưu tiên đi qua cổng kiểm soát riêng, tập kết tại khu vực chờ làm thủ tục thông quan, sau đó di chuyển đến bãi trước nhà kiểm soát liên ngành để xuất cảnh nhanh chóng.
Các loại hàng hóa xuất khẩu khác và xe thùng rỗng của Trung Quốc xuất hàng xong quay đầu về được hướng dẫn, sắp xếp khoa học, bảo đảm không ùn tắc.
Theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, phương án của Ban cũng đề nghị 2 lực lượng quan trọng là biên phòng và hải quan có mặt sớm từ 6h sáng để từ 6h15 đã có thể giải quyết cho vải tươi thông quan, bảo đảm giữ chất lượng tốt nhất.
"Khi xe vải vận chuyển tới cửa khẩu Kim Thành, chúng tôi bố trí lực lượng để đón, hướng dẫn tại các bến bãi; phối hợp cùng biên phòng, hải quan sắp xếp, phân luồng để giải quyết thủ tục nhanh nhất, ưu tiên cho vải tươi xuất khẩu thuận lợi", ông Quốc cho biết thêm.
Năm 2024, khoảng 40.000 tấn vải tươi đã xuất khẩu thuận lợi qua cửa khẩu Kim Thành, đạt giá trị hơn 20 triệu USD.