Bản tin thời sự sáng 18/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 18/8, thêm 7 ca mắc mới Covid-19; Kỳ họp 47 Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Kỷ luật 2 trung tướng; từ 0 giờ ngày 19/8, nhà hàng, quán cà phê tại Hà Nội thực hiện giãn cách...

Sáng 18/8, thêm 7 ca mắc mới Covid-19, trong đó Quảng Nam, Hải Dương và Hà Nội có 6 ca

Sáng ngày 18/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 7 ca mắc mới Covid-19, trong đó, 6 ca cộng đồng (Quảng Nam 3 ca, Hải Dương 2 ca và Hà Nội 1 ca) và 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay tại Cần Thơ. Việt Nam hiện có 983 bệnh nhân.

Sáng ngày 18/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 7 ca mắc mới Covid-19, trong đó 6 ca cộng đồng

Sáng ngày 18/8, Bộ Y tế đã công bố thêm 7 ca mắc mới Covid-19, trong đó 6 ca cộng đồng

Tính đến 6h ngày 18/8, Việt Nam có tổng cộng 645 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 505 ca. Tính từ 18h ngày 17/8 đến 6h ngày 18/8 đã 7 ca mắc mới, trong đó có 1 ca nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 87.672 người. Trong đó, 3.395 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 24.511 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 59.766 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này có 467 bệnh nhân/976 bệnh nhân Covid-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh. Đến nay, Việt Nam đã có 24 ca tử vong.

Tính đến sáng ngày 18/8, trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 47 ca, số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 23 ca, số ca âm tính lần 3 là 48 ca.

Kỳ họp 47 UBKTTW: Kỷ luật 2 trung tướng tại nguyên Tư lệnh và nguyên Phó Tư lệnhQuân đoàn 4

Từ ngày 11 - 13/8/2020, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW) đã họp Kỳ 47. Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp.

Quang cảnh Kỳ họp 47 Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Quang cảnh Kỳ họp 47 Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung sau:

Xem xét đề nghị thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy, các đồng chí: Trung tướng Nguyễn Văn Thành, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4; Trung tướng Trần Xuân Ninh, nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 4; Đại tá Mai Văn Hào, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 và Đại tá Phan Văn Tiên, nguyên Cục trưởng Cục Hậu cần Quân đoàn 4 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. Đại tá Nguyễn Xuân Đông, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ; Đại tá Phạm Bảo, nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Binh đoàn 15 đã có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai tại đơn vị. Đại tá Nguyễn Văn Giang, nguyên Hệ trưởng Hệ 5, Học viện Quân y đã có vi phạm, khuyết điểm trong công tác quản lý, sử dụng Ký túc xá của Nhà trường.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo các đồng chí Trung tướng Nguyễn Văn Thành, Trung tướng Trần Xuân Ninh, Đại tá Mai Văn Hào, Đại tá Phan Văn Tiên và Đại tá Nguyễn Văn Giang; khiển trách các đồng chí Đại tá Nguyễn Xuân Đông, Đại tá Phạm Bảo và Đại tá Nguyễn Tuấn Anh.

Tại kỳ họp UBKTTW cũn xem xét đề nghị của Tỉnh ủy Gia Lai về thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Văn Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai, Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm; căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đồng chí Nguyễn Văn Quân.

TP. Hà Nội: Từ 0 giờ ngày 19/8, nhà hàng, quán cà phê thực hiện giãn cách

Phát biểu tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP. Hà Nội, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu nhà hàng, quán cà phê phải thực hiện giãn cách tối thiểu 1m, từ 0h ngày 19/8.

Các cửa hàng trên phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm vào cuối tháng 4/2020

Các cửa hàng trên phố Tạ Hiện, quận Hoàn Kiếm vào cuối tháng 4/2020

Theo ông Quý, quán bia hơi thường tập trung đông người, nếu có ca bệnh thì nguy cơ lây lan rất lớn. Bên cạnh việc giãn cách chỗ ngồi, tổ chức đo thân nhiệt cho khách vào, Thành phố khuyến khích nhà hàng, quán bia, giải khát sử dụng vách ngăn.

Nhận định thời gian tới Hà Nội có thể xuất hiện các ca bệnh mới, nhưng ông Quý cho rằng "nguy cơ lây lan rộng không cao và việc phòng, chống dịch vẫn nằm trong kiểm soát của Thành phố".

Phó chủ tịch thường trực phụ trách UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu yêu cầu huy động thêm lực lượng để kiểm soát các nhà hàng, quán bia; có thể đóng cửa cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng dịch.

"Người dân cố gắng không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, nếu phải ra đường thì thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang", ông Sửu đề nghị.

Hà Nội: Đục thí điểm 5 vòm cầu đường sắt phía Nam cầu Long Biên

Các vòm cầu được đục thông đợt này gồm vòm số 79, 80, 81, 82, 83, đoạn khu vực gầm cầu nối từ Hàng Cót đến Hàng Giấy.

Đơn vị thi công tiến hành đục thông vòm cầu đường sắt phía Nam cầu Long Biên

Đơn vị thi công tiến hành đục thông vòm cầu đường sắt phía Nam cầu Long Biên

Ngày 17/8, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã triển khai đục thông thí điểm 5 vòm cầu dẫn đường sắt phía Nam cầu Long Biên, làm cơ sở mở rộng không gian văn hóa phố cổ Hà Nội.

Thông tin từ Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội, việc chọn ra từng loại hình vòm cầu để thí điểm đợt này tạo điều kiện thuận lợi về kỹ thuật, kinh nghiệm xử lý các vòm cầu tiếp theo trong thời gian tới.

Việc thí điểm đục 5 vòm cầu nhằm phục hồi nguyên trạng, từng bước hiện thực hóa đề án “Không gian văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch khu vực 131 vòm cầu theo chủ trương bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trong tổng thể di sản văn hóa Hà Nội” của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.

Sau khi hoàn thành việc đục thông các vòm cầu dẫn đường sắt, quận Hoàn Kiếm sẽ phát triển thành không gian văn hóa thương mại, dịch vụ du lịch, nơi giới thiệu, tôn vinh các sản phẩm làng nghề, ẩm thực truyền thống cùng các sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn./.

Kiến nghị mở lại các đường bay quốc tế

Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiến nghị Chính phủ mở lại các đường bay quốc tế với những nước đã kiểm soát được Covid-19.

Máy bay đậu tại Tân Sơn Nhất khi nhiều đường bay dừng hoạt động vào tháng 4 do Covid-19

Máy bay đậu tại Tân Sơn Nhất khi nhiều đường bay dừng hoạt động vào tháng 4 do Covid-19

Cùng với việc mở lại đường bay quốc tế, hiệp hội này cuối tuần trước kiến nghị Thủ tướng ban hành quy trình phòng, chống dịch và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Từ đó, Chính phủ cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch.

Ngoài ra, hiệp hội này còn đề nghị một số cơ chế khác như: cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000 - 27.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 3 - 4 năm; kéo dài thời gian miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021; giảm 70% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong 6 tháng, để không ảnh hưởng các chuyến bay.

Bộ Giao thông vận tải đồng ý mở rộng cao tốc Long Thành

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đồng ý lập dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành lên 10 làn xe.

Cao tốc TP .CM - Long Thành - Dầu Giây qua thị trấn Long Thành, đoạn giao với quốc lộ 51, năm 2018

Cao tốc TP .CM - Long Thành - Dầu Giây qua thị trấn Long Thành, đoạn giao với quốc lộ 51, năm 2018

Bộ Giao thông vận tải vừa giao Tổng công ty Cửu Long lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, trình trong quý IV để Bộ xem xét đưa vào kế hoạch trung hạn 2021 - 2025.

Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030, đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến thị trấn Long Thành (Đồng Nai) sẽ mở rộng 8 - 10 làn xe. Đoạn còn lại từ Long Thành đến Dầu Giây giữ nguyên 4 làn xe.

Trước đó, để giải quyết tình trạng kẹt xe liên tục trên cao tốc Long Thành, UBND Đồng Nai kiến nghị Bộ Giao thông vận tải mở rộng đường này từ 4 lên 12 làn. Sau đó, Bộ giao Tổng công ty Cửu Long khảo sát, nghiên cứu để đề xuất phương án.

Tổng công ty Cửu Long đề xuất, từ nút giao An Phú (Quận 2, TP.HCM) đến thị trấn Long Thành dài 24 km sẽ mở rộng từ 4 lên 8 làn xe từ năm 2025 với nguồn vốn hơn 9.800 tỷ đồng. Sau năm 2040, đoạn này cần được mở rộng lên 10 làn xe. Riêng 31 km từ Long Thành đi Dầu Giây sẽ giữ nguyên vì có thể đáp ứng nhu cầu lưu thông đến năm 2040.