Giá USD ngân hàng lên sát 23.800 đồng
Giá USD ngân hàng liên tiếp đi lên và ở mức cao nhất lịch sử, gần chạm 23.800 đồng mỗi đôla.
Sáng ngày 17/9, Ngân hàng Nhà nước yết tỷ giá trung tâm ở 23.283 đồng |
Sáng ngày 17/9, Ngân hàng Nhà nước yết tỷ giá trung tâm ở 23.283 đồng, đi ngang so với hôm trước nhưng đã tăng 50 đồng so với đầu tuần. Với biên độ 3%, các nhà băng được yết giá USD 23.584 đồng - 23.981 đồng.
Từ cuối chiều ngày 16/9 đến sáng 17/9, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 23.515 - 23.795 đồng, tăng hơn 100 đồng so với đầu tuần. Nếu so với đầu năm nay, giá USD tại Vietcombank đã tăng hơn 3,8%.
Trên thị trường, giá USD tại phần lớn ngân hàng khác cũng được giao dịch quanh vùng 23.800 đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Tại Eximbank, tỷ giá USD/VND chốt cuối tuần ở mức 23.530 - 23.790 đồng. Còn tại Techcombank, giá USD lên 23.519 – 23.810 đồng.
Sacombank – nhà băng thường giao dịch đôla với mức giá cao hơn mặt bằng thị trường, thậm chí nâng giá USD lên gần 24.000 đồng. Cụ thể, giá mua vào ở mức 23.542 đồng còn giá bán là 23.967 đồng, tăng hơn 65 đồng so với đầu tuần.
Giá USD ngân hàng nóng lên khiến chênh lệch với thị trường chợ đen được thu hẹp. Trên thị trường tự do, giá đôla vẫn giao dịch quanh vùng 24.000 đồng. Một số điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội sáng 17/9 mua vào với giá 23.980, bán ra ở mức 24.030 đồng.
Đề xuất tăng giá mua ô tô công với một số chức danh
Một số chức danh lãnh đạo được nâng giá mua ô tô công từ 1,2 đến 1,6 tỷ đồng mỗi xe, thay vì mức 920 triệu đến 1,1 tỷ đồng, theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Một số chức danh lãnh đạo được nâng giá mua ô tô công từ 1,2 đến 1,6 tỷ đồng mỗi xe |
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ô tô, thay cho Nghị định năm 2019. Theo đó, có bốn nhóm chức danh được sử dụng ô tô công.
Nhóm một, chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá, là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Nhóm hai, chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá, gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao; Phó Chủ tịch nước; Phó Thủ tướng; Phó Chủ tịch Quốc hội.
Hai nhóm chức danh sử dụng ô tô công nêu trên cơ bản giữ như quy định hiện hành. Bí thư Thành ủy Hà Nội và TP.HCM trước đây thuộc nhóm sử dụng ô tô công không nêu mức giá, nay Bộ Tài chính đề xuất quy định mức giá tối đa.
Nhóm ba, chức danh được sử dụng thường xuyên một ô tô trong thời gian công tác, có quy định mức giá. Các chức danh được sử dụng ô tô công với giá mua tối đa từ 1,5 tỷ đồng đến 1,6 tỷ đồng/xe.
Nhóm bốn, chức danh được sử dụng ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác, với các giá mua xe tối đa từ 1,2 tỷ đồng đến 1,45 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho biết, mức giá mua ô tô phục vụ công tác tại Nghị định năm 2019 đã duy trì từ năm 2010 cho đến nay, trong khi giá cả thị trường nói chung và giá ô tô có nhiều biến động.
6 gói thầu sân bay Long Thành bị đề xuất chấm dứt hợp đồng
Sáu gói thầu xây dựng hạ tầng khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn, thuộc Dự án Sân bay Long Thành bị đề xuất chấm dứt hợp đồng do chậm tiến độ.
Công trình Trường THCS tại Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn bị chậm tiến độ. |
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai, các gói thầu chậm tiến độ gồm xây trường tiểu học, THCS; xây trung tâm văn hoá và chợ là các hạng mục thành phần phần nằm trong dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành.
Đơn vị này đang kiểm kê khối lượng thi công, đánh giá các gói thầu, đề xuất UBND tỉnh chấm dứt và thanh lý hợp đồng. Hồi đầu tháng 9, tại cuộc họp với các sở, ngành về tiến độ sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch Đồng Nai Võ Tấn Đức nói sẽ đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư cấm các đơn vị chậm trễ ở khu tái định cư nói trên tham gia các gói thầu ở Đồng Nai.
Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn rộng 280 phục vụ 4.300 hộ gia đình thuộc Dự án Sân bay Long Thành. Trong khu tái định cư có cơ sở tôn giáo, trung tâm văn hóa, trường học, chợ... để phục vụ đời sống người dân. Các công trình này khởi công năm 2021.
Đề xuất lùi hạn đổi cách tính tỷ lệ nội địa hoá linh kiện ô tô
Thay vì bỏ quy định độ rời rạc linh kiện ô tô nhập khẩu - cách xác định tỷ lệ nội địa hóa, từ 1/10, Bộ Tài chính đề nghị lùi cho đến khi có nghị định mới.
Lắp ráp ô tô tại Nhà máy sản xuất Hyundai Thành Công |
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 11 bãi bỏ các văn bản pháp luật quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa với ô tô từ ngày 1/10, trong đó bỏ các quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ôtô nhập khẩu. Các văn bản được bãi bỏ sau gần 20 năm ban hành.
Tuy nhiên, mới đây, Bộ Tài chính đề nghị lùi thời hạn có hiệu lực toàn bộ, hoặc lùi có thời hạn việc bỏ quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu tại Thông tư 11.
Bộ Tài chính đề nghị việc lùi này kéo dài tới sau khi nghị định mới của Chính phủ về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành.
Cơ quan này giải thích, việc bỏ quy định trên có thể dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu bộ linh kiện ô tô đồng bộ, có mức độ rời rạc thấp. Việc này cũng không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền, thiết bị để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước.
Theo Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (Vami), cách tính tỷ lệ nội địa hoá ô tô được các nước ASEAN và thế giới áp dụng hiện nay, là dựa theo tỷ lệ phần trăm giá trị sản xuất trong nước, chứ không tính theo cụm chi tiết được sản xuất nội địa.
Cụ thể, theo Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA), ô tô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỷ lệ nội địa hoá nội khối từ 40% trở lên. Khi đó, hàng hoá được xác định có nguồn gốc từ các nước ASEAN theo cách tính tỷ lệ nội địa hoá nội khối.
Sóc Trăng đầu tư 15 tỷ đồng xây cặp tượng cá chép hoá rồng
Cặp tượng cá chép hóa rồng trị giá gần 15 tỷ đồng xây tại bờ kè hai bên sông Maspero, ở TP. Sóc Trăng, vừa được HĐND Thành phố thông qua.
Phối cảnh tượng cá chép hóa rồng |
Theo thiết kế, tượng cặp "cá chép hoá rồng" có bệ móng, thân trụ và bệ mố bằng bêtông. Phần đế họa tiết làm bằng bêtông ốp đá granite màu đen kích thước 5,6 x 1,82 m; bên hông gắn bộ chữ "Cá chép hóa rồng Sóc Trăng – Việt Nam", bên dưới lắp đặt đèn âm chiếu sáng...
Phần họa tiết chính cá chép hóa rồng làm bằng đá nguyên khối. Bên trong thân rồng được lắp đặt hệ thống phun nước nghệ thuật, đèn chiếu sáng tạo hiệu ứng lung linh...
Công trình dùng vốn ngân sách địa phương, thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025. Dự án có mục tiêu tạo sự đồng bộ với hệ thống vỉa hè hai bên bờ kè sông Maspero, tạo điểm nhấn đô thị cho Thành phố; hình thành điểm tham quan, vui chơi, giải trí, thu hút du khách... Sông Maspero tiền thân là kênh đào do người Pháp khởi xướng, lịch sử hơn 100 năm, nối Phụng Hiệp (Hậu Giang) với Sóc Trăng, phục vụ chở nông sản, lúa gạo. Khu vực này cũng được tổ chức phố đi bộ.
Theo Chủ tịch HĐND TP. Sóc Trăng Trần Văn Trí, trước mắt địa phương xây hai tượng ở hai bên bờ sông, sắp tới làm thêm ba tượng nữa. Lựa chọn tượng cá chép hóa rồng với ý nghĩa TP. Sóc Trăng mới lên đô thị loại hai, giống như vươn mình từ cá chép hóa thành rồng.
Cà Mau kiến nghị Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu
Ngày 17/9, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước tình trạng nguồn cung ứng xăng dầu không đảm bảo, Chủ tịch UBND Tỉnh đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương nhờ can thiệp, tháo gỡ khó khăn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản hỏa tốc gửi Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn về nguồn cung xăng dầu |
Theo Công văn, qua kết quả kiểm tra đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc đối với tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Cụ thể, các cửa hàng xăng dầu chỉ được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cung ứng số lượng hạn chế để hoạt động cầm chừng, xảy ra tình trạng hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu nên chưa đảm bảo nhu cầu nhiên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó là nguồn cung dầu diesel chưa đảm bảo để phục vụ cho gần 4.000 tàu thuyền đánh bắt thủy sản, phương tiện giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp, thi công công trình xây dựng trên địa bàn Tỉnh, nhiều phương tiện không có nhiên liệu hoạt động, công trình xây dựng phải tạm dừng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư trên địa bàn Tỉnh.
Trước tình hình này, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo có giải pháp điều hành giảm giá dầu diesel, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh hạ chi phí sản xuất.
Hàng trăm tấn sầu riêng tươi lần đầu xuất chính ngạch sang Trung Quốc
Lô sầu riêng hàng trăm tấn (khoảng 20 container) sẽ được xuất khẩu chính ngạch lần đầu sang thị trường Trung Quốc kể từ ngày 17/9.
Vườn sầu riêng tại nhà vườn ở Tây Nguyên sắp cho thu hoạch |
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, tại huyện Krông Pắc, UBND tỉnh Đăk Lăk sẽ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa 2 nước.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thu - Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, một trong những đơn vị xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, lô hàng đầu tiên này, Công ty được xuất 3 container (mỗi container khoảng 18 tấn). Toàn bộ số hàng đang chờ kiểm dịch để thông quan vào chiều 17/9. Giá xuất khẩu không được các doanh nghiệp tiết lộ.
Trước đó, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 76 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này, trong đó có 25 mã số cơ sở đóng gói.
Hiện, sầu riêng Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi giá cả cạnh tranh, chất lượng ngày càng tăng. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần thử canh tác sầu riêng cao cấp ở các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam nhưng chưa thành công.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng tươi nhiều nhất của Việt Nam nhưng chủ yếu là xuất tiểu ngạch. Sau thông tin Việt Nam được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, giá sầu riêng tại nhà vườn đang tăng mạnh lên 60.000-70.000 đồng một kg.