Bản tin thời sự sáng 19/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam sẽ khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng trước 2040; Sonadezi muốn thoái vốn tại 12 công ty thành viên; Việt Nam có thêm 29 bảo vật quốc gia; Lâm Đồng chính thức thu hồi đất Dự án King Palace của Hoàn Cầu Đà Lạt…

Việt Nam sẽ khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng trước 2040

Bể than sông Hồng sẽ được khai thác thử nghiệm trước năm 2040, tiến tới quy mô công nghiệp trước 2050, theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội

Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội

Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp than vừa được Thủ tướng phê duyệt, Việt Nam đặt mục tiêu tìm kiếm đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư, lựa chọn công nghệ, phương pháp thăm dò bể than sông Hồng đến năm 2030. Việc thăm dò một phần diện tích và điều tra, đánh giá bể than sông Hồng được hoàn thành trong 15 năm sau đó.

Một số đề tài, dự án nghiên cứu khai thác thử nghiệm tại bể than sông Hồng sẽ được đầu tư, nhằm lựa chọn công nghệ hợp lý.

Theo Cục Khoáng sản Việt Nam, nếu tính đến độ sâu 3.500 m, tổng trữ lượng mỏ than sông Hồng lên đến 210 tỷ tấn, gấp 20 lần mỏ tại Quảng Ninh, trong đó có tới 90% nằm ở Thái Bình. Từ năm 2009, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với một số nước để khai thác thử nghiệm mỏ than sông Hồng.

Quy hoạch của Thủ tướng năm 2016 đặt mục tiêu sau năm 2021 sẽ đầu tư một số dự án thử nghiệm theo phương pháp khai thác hầm lò và công nghệ khí hóa than ngầm tại các khu vực đã được thăm dò, làm căn cứ đầu tư phát triển mỏ than sông Hồng với quy mô công nghiệp, hoặc triển khai thêm một số dự án thử nghiệm để lựa chọn phương pháp, công nghệ khai thác hợp lý.

Tuy nhiên, một số nhà khoa học lo ngại quá trình khai thác mỏ than vùng sông Hồng dẫn đến nguy cơ sụt lún dây chuyền, khiến cả vùng ngập mặn.

Theo quy hoạch của Thủ tướng mới đây, Việt Nam phấn đấu sản lượng khai thác than thương phẩm đạt 45 - 50 triệu tấn (không tính than bùn) năm 2030 sau đó giảm 7 - 10 triệu tấn trong 15 năm năm tiếp theo.

Các địa phương có điểm than trữ lượng nhỏ được khuyến khích khai thác phục vụ nhu cầu tại chỗ. Than bùn được chú trọng làm nhiên liệu và phân bón cho ngành nông, lâm nghiệp. Các mỏ than lớn được khai thác theo tiêu chí xanh, hiện đại, sản lượng cao, an toàn, bền vững, tiết kiệm.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Việt Nam sẽ cải tạo nhà máy sàng tuyển, trung tâm chế biến than hiện có. Nhà máy sàng tuyển tập trung được xây dựng theo từng khu vực để chế biến than.

Sonadezi muốn thoái vốn tại 12 công ty thành viên

Sonadezi vừa có văn bản lấy ý kiến cổ đông về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đề xuất thoái vốn tại 12 công ty thành viên.

Sonadezi xin ý kiến cổ đông về kế hoạch thoái vốn tại 12 công ty thành viên

Sonadezi xin ý kiến cổ đông về kế hoạch thoái vốn tại 12 công ty thành viên

Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp - Sonadezi (UPCoM: SNZ) vừa công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025.

Trong tờ trình, Sonadezi xin ý kiến cổ đông về kế hoạch thoái vốn tại 12 công ty thành viên đang hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, vật liệu, xây dựng...

Sonadezi đề xuất tại các công ty kinh doanh hạ tầng sở hữu các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy đạt dưới 70% sẽ thoái vốn xuống còn 46%; với các công ty có tỷ lệ lấp đầy từ 70% trở lên sẽ thoái vốn xuống còn 36%.

Hiện 6 công ty đang kinh doanh bất động sản khu công nghiệp thuộc sở hữu của Sonadezi là Công ty CP Sonadezi Long Thành (SZL), Công ty CP Sonadezi Châu Đức (SZC), Công ty CP Sonadezi Giang Điền (SZG), Công ty CP Sonadezi Long Bình (SZB), Công ty CP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) và Công ty CP Sonadezi Bình Thuận. Các công ty này được Sonadezi đưa kế hoạch thoái vốn xuống mức 36%.

Riêng Công ty CP Đầu tư xây dựng và Vật liệu Đồng Nai (DND), Sonadezi sẽ đưa tỷ lệ sở hữu từ 52,59% hiện tại về còn 36% vốn.

Ngoài ra, Sonadezi đề xuất thoái sạch vốn tại các 5 đơn vị khác là: Công ty CP Xây dựng Đồng Nai, Sơn Đồng Nai (SDN), Công ty CP Xây dựng dân dụng công nghiệp số 1 Đồng Nai, Công ty CP Đô thị Amata Biên Hòa và Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai (DGT).

Các doanh nghiệp còn lại trong danh mục đầu tư của Sonadezi sẽ được giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.

Sonadezi là doanh nghiệp này được thành lập vào năm 1990, tiền thân là Công ty Phát triển khu công nghiệp Biên Hoà. Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình hoạt động, năm 2016, Sonadezi chính thức hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với tên gọi Tổng công ty CP Phát triển khu công nghiệp.

Tại Sonadezi, UBND tỉnh Đồng Nai hiện là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 99,54%. Theo quyết định của Thủ tướng, Nhà nước sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu 99,54% vốn tại Sonadezi đến năm 2025.

Việt Nam có thêm 29 bảo vật quốc gia

Lá đề chim phượng đất nung thời Lý, thẻ bài cung nữ thời Lê sơ, bảo kiếm an dân vua Khải Định... là những bảo vật quốc gia mới được công nhận.

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) - đền thờ vua An Dương Vương, Hà Nội

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) - đền thờ vua An Dương Vương, Hà Nội

Ngày 18/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính công nhận thêm 29 bảo vật quốc gia mới, trong đó Hà Nội có nhiều nhất. Trong 8 bảo vật quốc gia mới tại Hà Nội có thạp đồng kính hoa 2, niên đại thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, thuộc bộ sưu tập tư nhân Nguyễn Văn Kính.

Hai bảo vật đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là trống đồng Sao Vàng, thuộc văn hóa Đông Sơn, cách nay 2.000 năm; bảo kiếm an dân niên hiệu Khải Định (1916 - 1925).

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có 5 bảo vật mới, gồm: lá đề trang trí chim phượng đất nung thời Lý, thế kỷ 11; đao cẩn tam khí thời Trần, thế kỷ 14; mô hình đất nung kiến trúc thời Lê Sơ, thế kỷ 15; thẻ bài cung nữ ra vào nội cung thời Lê sơ, đời vua Lê Thánh Tông (1466); cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thời Lê trung hưng, năm 1732.

Đà Nẵng có 3 bảo vật mới, gồm: phù điêu Đản sinh Brahma Mỹ Sơn E1, thế kỷ 7-8; tượng Shiva Mỹ Sơn C1, thế kỷ 8; phù điêu Apsara Trà Kiệu, thế kỷ 10.

Hải Phòng có 3 bảo vật là bình đồng Đông Sơn, thế kỷ 2-1 trước sau Công nguyên; bình gốm hoa nâu thế kỷ 11-12; lư hương gốm men lam xám, đời vua Mạc Hậu Hợp, thế kỷ 16.

Hải Dương có bảo vật bộ tượng tam thế Phật chùa Côn Sơn, thời Lê trung hưng; mộc bàn chùa Trăm Gian, thế kỷ 17-20; chum gốm hoa nâu Hiệp An thời Trần, thế kỷ 13-14.

Hai bảo vật tại Ninh Thuận là bia Phước Thiện cuối thế kỷ 8 đầu thế kỷ 9; tượng thờ vua Pô Klong Garai, thế kỷ 16-17.

Nhiều bảo vật khác được công nhận đợt này như sưu tập mũi khoan đá Thác Hai (Đắk Lắk); sưu tập đàn đá Khánh Sơn (Khánh Hòa); sưu tập vàng lá Châu Thành (Trà Vinh); linga vàng Po Dam (Bình Thuận); phù điêu nữ thần Uma (Bạc Liêu); sưu tập cột kinh Phật thời Đinh (Ninh Bình); hai tượng sư tử đá thành Đồ Bàn (Bình Định); bia Đại bia Diên Minh tự bi (Hưng Yên); mộc bản chùa Dâu (Bắc Ninh); khuôn in tín phiếu mệnh giá một đồng và năm mươi đồng (Quảng Ngãi).

Từ năm 2012 đến nay, Thủ tướng Chính phủ 12 lần công nhận 294 bảo vật quốc gia.

Đường sắt đặt mục tiêu lãi 5 tỷ đồng trong năm 2024

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu lợi nhuận Công ty mẹ năm 2024 đạt 5 tỷ đồng, kinh doanh vận tải tiếp tục tăng trưởng.

Đường sắt đặt mục tiêu lãi 5 tỷ đồng trong năm 2024

Đường sắt đặt mục tiêu lãi 5 tỷ đồng trong năm 2024

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đặt mục tiêu năm 2024, Công ty mẹ đạt 6.258 tỷ đồng doanh thu, bằng 100,18% so với năm 2023; trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%. Lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023.

Sản lượng và doanh thu toàn Tổng công ty dự kiến bằng 101% trở lên so với năm 2023. Doanh thu trực tiếp từ vận tải bằng 104,5% trở lên.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, mục tiêu này đặt ra trên cơ sở kết quả khả quan, tích cực trong sản xuất kinh doanh năm 2023. Cụ thể, doanh thu hợp nhất đạt 8.503,8 tỷ đồng, bằng 101,7% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 94,8 tỷ đồng, bằng 115% kế hoạch, trong khi cùng kỳ lỗ 111,9 tỷ đồng.

Riêng Công ty mẹ, doanh thu đạt 6.247 tỷ đồng, bằng 113,2% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế 4,5 tỷ đồng, tương đương 150% chỉ tiêu kế hoạch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao, trong khi năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng.

Lâm Đồng chính thức thu hồi đất Dự án King Palace của Hoàn Cầu Đà Lạt

Sau khi có quyết định chấm dứt hoạt động, thu hồi đất Dự án King Palace, Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt đã có nhiều kiến nghị xem xét và UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định cuối cùng về dự án này.

Dự án King Palace với điểm nhấn là Dinh I.

Dự án King Palace với điểm nhấn là Dinh I.

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng cho biết đã mời đại diện các đơn vị liên quan và Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt đến thực hiện bàn giao 15,8 6ha đất Dự án Khu dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp King Palace cho UBND TP. Đà Lạt quản lý.

Dự án King Palace tọa lạc trên đường Trần Quang Diệu, Phường 10, TP. Đà Lạt do Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt làm Chủ đầu tư. Doanh nghiệp này được thuê Dinh I và các biệt thự, đất trong khuôn viên để thực hiện Dự án King Palace.

Buổi bàn giao khu đất nói trên dự kiến diễn ra chiều 19/1. Ngoài ra, Sở TN&MT Lâm Đồng cũng sẽ thu hồi giấy chứng nhận khu đất đã cấp cho Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt vào tháng 3/2015.

Đây là lần thứ ba Sở TN&MT Lâm Đồng mời các đơn vị liên quan và đại diện Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt đến làm thủ tục bàn giao khu đất.

Theo kết luận thanh tra ngày 12/6/2020, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất Dự án King Palace do qua kiểm tra, xác minh có vi phạm pháp luật đất đai và đầu tư.

Tháng 9/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư Lâm Đồng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án. Trên cơ sở đó, UBND Tỉnh đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 15,86 ha đất đã cho Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt thuê để thực hiện Dự án King Palace.

Công an TP.HCM bán đấu giá hơn 27.000 phương tiện vi phạm trong năm 2023

Theo đại diện Công an TP.HCM, trong năm 2023, lực lượng công an đã tạm giữ hơn 155.000 phương tiện, bán đấu giá hơn 27.500 phương tiện.

Công an TP.HCM bán đấu giá hơn 27.000 phương tiện vi phạm trong năm 2023

Công an TP.HCM bán đấu giá hơn 27.000 phương tiện vi phạm trong năm 2023

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, trong số hơn 155.000 phương tiện bị tạm giữ có hơn 1.500 ô tô, hơn 150.000 xe mô tô. Số phương tiện của Phòng Cảnh sát giao thông đang tạm giữ tại các kho của Công an Thành phố khoảng 32.000 phương tiện và công an các quận, huyện, TP. Thủ Đức khoảng trên 20.000 phương tiện.

Để giảm tải, TP.HCM đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế số lượng phương tiện như: cho người vi phạm đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện; tạm giữ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, bằng lái xe); tăng cường xử lý tang vật, phương tiện bằng hình thức tịch thu bán đấu giá.

Tuy nhiên, số lượng người dân đặt tiền để bảo đảm thay cho tạm giữ phương tiện ít được cá nhân, doanh nghiệp áp dụng mà lựa chọn áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ (đăng ký xe, đăng kiểm xe, bằng lái xe...) để bảo đảm thay cho việc tạm giữ phương tiện.

Trong năm 2023, Công an Thành phố đã tịch thu, bán đấu giá hơn 27.500 phương tiện (trong đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã lập hồ sơ tịch thu, đấu giá 6 đợt với hơn 19.000 phương tiện). Riêng đợt đấu giá lần 3 của Phòng Cảnh sát giao thông về bán đấu giá hơn 5.300 phương tiện, thu hơn 4 tỷ đồng.

Lập hàng chục công ty ma để mua bán hóa đơn trái phép hơn 1.200 tỷ

Thông qua hàng chục công ty ma, Nguyễn Xuân Vinh và đồng phạm đã xuất trên 3.700 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành.

Các đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn.

Các đối tượng trong đường dây mua bán trái phép hóa đơn.

Ngày 18/1, Công an Quận 10 (TP.HCM) cho biết đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn trị giá trên 1.200 tỷ đồng, với 5 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình và phối hợp với các cơ quan chức năng, Công an Quận 10 (TP.HCM) phát hiện trên địa bàn có một số đối tượng lợi dụng cơ chế thông thoáng trong thành lập, đăng ký doanh nghiệp để thành lập hàng hoạt công ty “ma” thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT, thu lợi bất chính nên đã chỉ đạo xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh.

Sau thời gian thu thập thông tin, tài liệu, củng cố chứng cứ, ngày 11/1, Công an Quận 10 đã tổ chức phá án, triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn do đối tượng Nguyễn Xuân Vinh (cư trú tại phường 13, Quận 10) cầm đầu.

Kết quả điều tra ban đầu xác định Nguyễn Xuân Vinh và đồng phạm đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty “ma” trên địa bàn Quận 10 và các địa bàn lân cận thành lập nhằm mua bán trái phép hóa đơn GTGT, thu lời bất chính.

Từ năm 2020 đến nay, thông qua 12/26 công ty ma, Vinh và đồng phạm đã xuất trên 3.700 hóa đơn GTGT cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành, với tổng trị giá ghi khống hơn 1.200 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.