Bản tin thời sự sáng 19/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công cầu Phong Châu mới trong tháng 12; vàng nhẫn trơn lần đầu vượt 85 triệu đồng; Đồng Nai thu hồi hơn 1.300 m2 đất do Dofico quản lý; sai phạm của 4 cán bộ trong vụ sạt lở taluy ở Đà Lạt…

Khởi công cầu Phong Châu mới trong tháng 12

Cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C sẽ được áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà thầu để khởi công xây dựng trong tháng 12/2024.

Vị trí cầu Phong Châu

Vị trí cầu Phong Châu

Trong cuộc họp sáng 18/10, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói, đầu tư xây dựng cầu Phong Châu là nhiệm vụ cấp bách, phải thực hiện khẩn trương, áp dụng cơ chế đặc thù, lựa chọn nhà thầu xây cầu nhanh nhất, đảm bảo an toàn, chất lượng.

Bộ Giao thông vận tải được giao làm chủ đầu tư. Các bộ, ngành thống nhất áp dụng cơ chế trong tình huống xây dựng công trình khẩn cấp để hoàn thành điều tra, khảo sát, thiết kế, phê duyệt quyết định đầu tư; áp dụng cơ chế đặc thù lựa chọn nhà thầu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các nhà thầu thi công xong móng cầu trước tháng 4/2025 - trước khi mùa mưa bão bắt đầu; hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2025.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cũng thống nhất sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương trong năm 2024, giải ngân theo tiến độ của Dự án.

Trước đó, 10h ngày 9/9/2024, cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng, nối hai xã Hương Nộn, huyện Tam Nông và Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao sập 2 nhịp khiến 8 người mất tích. Đến nay, thi thể 4 nạn nhân đã được tìm thấy.

Cầu sập khiến việc đi lại của người dân hai bên bờ sông Hồng rất vất vả, phải đi vòng xa hơn 40 - 50 km. Trước đề nghị của chính quyền, ngày 29/9, Lữ đoàn 249 lắp cầu phao nối hai xã Hương Nộn và Phùng Nguyên, vị trí cách cầu Phong Châu khoảng 300 m về phía hạ lưu.

Vàng nhẫn trơn lần đầu vượt 85 triệu đồng

Mỗi lượng vàng nhẫn trơn sáng 18/10 tăng hơn nửa triệu, xác lập kỷ lục mới trên 85 triệu đồng.

Mỗi lượng vàng nhẫn trơn tăng gần 22 triệu đồng so với đầu năm

Mỗi lượng vàng nhẫn trơn tăng gần 22 triệu đồng so với đầu năm

Sáng 18/10, các thương hiệu kinh doanh vàng lớn đồng loạt điều chỉnh biểu giá mua bán vàng nhẫn trơn 24K lên mức kỷ lục mới.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá mua bán nhẫn trơn tại 83,65 - 84,75 triệu đồng, tăng 750.000 đồng chiều mua vào và 650.000 đồng chiều bán ra so với hôm trước. Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, Bảo Tín Minh Châu cũng nâng 650.000 đồng một lượng nhẫn trơn, lên 84,1 - 85,1 triệu đồng. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết ở mức 84 - 85 triệu đồng.

Từ đầu tuần đến nay, mỗi lượng vàng nhẫn tăng nhanh 1,75 triệu đồng, tương đương 2%. Còn so với đầu năm, mỗi lượng vàng nhẫn trơn tăng gần 22 triệu đồng, ghi nhận hiệu suất sinh lời gần 35%.

Trong khi đó, giá vàng miếng sáng 18/10 vẫn tiếp tục đi ngang do Ngân hàng Nhà nước chưa thay đổi giá bán can thiệp. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giữ nguyên mức giá 84 - 86 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, mỗi ounce vàng chính thức xác lập kỷ lục mới, vượt 2.700 USD. Hiện mỗi ounce vàng giao dịch quanh 2.708 USD, quy đổi theo tỷ giá bán tại Vietcombank tương đương 82,9 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng trong nước chênh lệch 2 - 3 triệu đồng/lượng so với giá thế giới.

Đồng Nai thu hồi hơn 1.300 m2 đất do Dofico quản lý

UBND tỉnh Đồng Nai vừa có quyết định thu hồi hơn 1.300 m2 đất do Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) quản lý, sử dụng trên địa bàn TP. Biên Hòa.

1.300 m2 đất thu hồi của Dofico được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai quản lý

1.300 m2 đất thu hồi của Dofico được giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai quản lý

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định về việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Đồng Nai.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi hơn 1.300 m2 đất tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa của Dofico.

UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở Tài nguyên và Môi trường Tỉnh thực hiện quyết định thu hồi đất và giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh quản lý.

Đồng thời, chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Tỉnh cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính. Thực hiện việc cắm mốc ranh giới khu đất để bàn giao đất cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh quản lý theo quy định.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Hiệp Hòa giao quyết định thu hồi đất cho Dofico. Trường hợp Dofico không nhận quyết định này hoặc vắng mặt thì phải lập biên bản, niêm yết quyết định này tại trụ sở UBND phường Hiệp Hòa, tại nơi sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư phường Hiệp Hòa.

Sai phạm của 4 cán bộ trong vụ sạt lở taluy ở Đà Lạt

Bốn cựu cán bộ đô thị TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị cáo buộc thiếu trách nhiệm khi không phát hiện sai phạm dẫn đến công trình taluy bị sạt lở làm 2 người chết hơn 1 năm trước.

Hiện trường sạt lở taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP. Đà Lạt

Hiện trường sạt lở taluy trên đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP. Đà Lạt

Ngày 18/10, Công an TP. Đà Lạt ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố Trần Quốc Hà, Mạc Phương Hải (cùng là cán bộ Phòng Quản lý đô thị TP. Đà Lạt); Võ Khánh Toàn, Phạm Hoàng Duy (công chức địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường UBND Phường 10, TP. Đà Lạt) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Liên quan đến vụ án, Nguyễn Uy Vũ và Dương Viết Phong (cán bộ giám sát thi công) bị cáo buộc tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo kết luận điều tra, năm 2021, UBND TP. Đà Lạt cấp phép công trình taluy được xây trên đất 4 thửa tại hẻm 15/2 Yên Thế, Phường 10, do 4 người sở hữu. Sau đó, một người trong số họ thay mặt ký hợp đồng với ông Nguyễn Uy Vũ (Giám đốc Công ty Xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng) xây kè chắn, đắp đất với giá trị hợp đồng gần 7 tỷ đồng. Chủ đầu tư và đơn vị thi công thống nhất lập hồ sơ thiết kế sai với giấy phép xây dựng được cấp.

Trong quá trình thi công, ngày 17/4/2023, nhóm cán bộ Đội quản lý trật tự đô thị TP. Đà Lạt gồm Mạc Phương Hải, Trần Quốc Hà và một người khác đến kiểm tra công trình. Tuy nhiên, họ không đối chiếu với bản vẽ thiết kế được phê duyệt và giấy phép xây dựng.

Bị can Phạm Hoàng Duy không giám sát kỹ thuật, không kiểm tra đo đạc công trình taluy. Còn ông Võ Khánh Toàn phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Đà Lạt kiểm tra công trình, song không đối chiếu thực tế công trình với bản vẽ thiết kế được phê duyệt nên không phát hiện được sai phạm.

Đến ngày 29/6/2023, bờ taluy bị sạt lở, kéo một lượng đất đá lớn tràn xuống hẻm 36 đường Hoàng Hoa Thám làm 2 người chết, nhiều nhà dân bị đổ sập, thiệt hại hơn 4,1 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, nguyên nhân trực tiếp gây ra vụ sạt lở là do quá trình thi công taluy không tuân thủ đúng thiết kế được duyệt. Cụ thể, taluy được xây sai vị trí, cao hơn so với hồ sơ được cấp phép. Bên cạnh đó, thiết kế kè không đảm bảo khả năng chịu lực, kết hợp với biện pháp thi công không phù hợp đã khiến công trình bị yếu, sạt lở khi mưa lớn.

Tàu cao tốc Hạ Long - Cát Bà hoạt động từ tháng 11

Tàu cao tốc từ Hạ Long đến trung tâm thị trấn Cát Bà dự kiến chở khách từ ngày 15/11, thời gian di chuyển một tiếng.

Tàu cao tốc chạy tuyến Hạ Long - Cát Bà dự kiến chở khách từ ngày 15/11

Tàu cao tốc chạy tuyến Hạ Long - Cát Bà dự kiến chở khách từ ngày 15/11

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tuyến tàu cao tốc này được chạy thử trong ngày 18/10, tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Theo đơn vị vận hành, chuyến tàu khởi hành lúc 7h30 hàng ngày từ Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, TP. Hạ Long đến vịnh Đồng Hồ thuộc trung tâm thị trấn Cát Bà, TP. Hải Phòng, lúc 8h30. Sau đó, tàu tiếp tục đưa khách đến cảng Đồng Bài và quay lại vịnh Đồng Hồ. Chuyến trở về Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long xuất phát lúc 15h cùng ngày.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, đây là tuyến vận chuyển hành khách đường biển bằng tàu cao tốc hiện đại đầu tiên được khai thác, kết nối vùng di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Tuyến này sử dụng tàu cao tốc hai thân có thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, sức chứa 300 khách với nhiều tiện ích giải trí. Tàu có tốc độ tối đa 28 hải lý một giờ, tính ổn định cao, chống ồn, chống say sóng, có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, gió cấp 7.

Tuyến tàu cao tốc nối Hạ Long - Cát Bà sẽ giúp người dân và du khách có thêm trải nghiệm thú vị, giảm lưu lượng, áp lực cho các tuyến phà vốn rất đông đúc vào cuối tuần, đồng thời, tăng cường kết nối quần thể vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà sau khi được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Nam hành khách giấu 7 kg vàng trong người từ Hong Kong về sân bay Nội Bài

Nam hành khách bị phát hiện giấu 7 miếng vàng quanh cạp quần và trong đế giày khi nhập cảnh từ Hong Kong về sân bay quốc tế Nội Bài.

Tang vật bị thu giữ

Tang vật bị thu giữ

Sự việc được Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) phát hiện lúc 9h30 ngày 18/10, khi người khách vừa nhập cảnh trên chuyến bay UO550 từ Hong Kong.

Người này khai được thuê vận chuyển 7 miếng vàng (khoảng 7 kg) từ Hong Kong sang Việt Nam với tiền công 100 USD (khoảng 2,5 triệu đồng) một miếng; đến sân bay Nội Bài sẽ có người đón để nhận hàng. Nghi phạm và tang vật được chuyển cho Công an TP. Hà Nội tiếp tục điều tra.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan Nội Bài cho biết, trước tình hình biến động thị trường vàng hiện nay, đơn vị đã tập trung phòng ngừa hành vi gian lận. Việc xác định được nghi phạm này dựa trên sàng lọc bằng phần mềm quản lý thông tin hành khách xuất nhập cảnh.

Trước đó, ngày 5/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phát hiện người đàn ông giấu 3 kg vàng (ước tính 6 tỷ đồng) trong giày và vùng kín; vụ còn lại giấu trong người và hành lý 6 miếng vàng, nặng 3 kg.

Hơn 140 vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với hàng xuất khẩu Việt Nam

Đến hết tháng 8/2024, có 141 vụ điều tra chống bán phá giá hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, có 52 vụ việc tự vệ thương mại; 37 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại...

Sản xuất thép trong nước.

Sản xuất thép trong nước.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến hết tháng 8/2024, đã có 257 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, điều tra chống bán phá giá có 141 vụ việc; tự vệ thương mại là 52 vụ việc; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại là 37 vụ việc và chống trợ cấp là 27 vụ việc.

Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật vào tháng cuối hàng quý) gửi các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.

Ngoài ra, công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực. Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ở chiều ngược lại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 29 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tiếp tục triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại. Cụ thể, tiếp tục điều tra, rà soát 7 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 2 vụ việc mới, khởi xướng rà soát 2 vụ việc rà soát cuối kỳ; tiếp nhận và xử lý 9 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.

Hiện tại, trong số 29 vụ việc điều tra, có 17 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực.

Tin cùng chuyên mục