Bản tin thời sự sáng 19/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đá lát vỉa hè tại Hà Nội hư hỏng ở nhiều tuyến phố; thí điểm xe đạp công cộng ở trung tâm Sài Gòn; tìm thấy hậu duệ của rùa hồ Hoàn Kiếm; Vietjet muốn đầu tư mở rộng sân bay Thanh Hóa; từ năm 2021, ngồi ở nhà làm thủ tục đổi giấy phép lái xe...

Đá lát vỉa hè tại Hà Nội hư hỏng ở nhiều tuyến phố

Nhiều tuyến phố lát vỉa hè bằng đá tự nhiên được cho có tuổi thọ lên đến 70 năm, nhưng đã bị nứt vỡ sau sau vài năm sử dụng.

Một điểm đá vỡ nát trên tuyến đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân

Một điểm đá vỡ nát trên tuyến đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân

Gần đây, vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuống cấp dù mới được triển khai chỉnh trang, lát đá như đường Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Chiểu... Trong đó, dự án cải tạo vỉa hè đường Nguyễn Trãi đoạn từ Cầu Mới, Ngã Tư Sở đến ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến triển khai năm 2017. Vỉa hè được bó, lát bằng đá xanh tự nhiên, có kết cấu bền vững đảm bảo sử dụng 50 - 70 năm, mặt hè lát đá kích thước 40x40 cm, độ dày đá 4 cm, bề mặt nhám chống trơn trượt.

Sau ba năm, đến nay tại tuyến đường này, nhiều đoạn bề mặt vỉa hè đã bị bong tróc từng mảng lớn, cách vài chục mét lại có một điểm lún nứt, đá bó vỉa cũng bị rạn nứt.

Đoạn vỉa hè bị xuống cấp nặng nhất là nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, bề rộng hơn 10 m, nhiều điểm đá bị lật tung để lộ lớp vữa bở vụn. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm trong ngày, hàng trăm người điều khiển xe máy lao lên vỉa hè, thậm chí nhiều nơi vỉa hè thành chỗ đậu ô tô.

Tình trạng đá lát vỉa hè bị vỡ vụn cũng xảy ra tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, khu vực các hố cáp viễn thông, đá bị lật lên vứt ngổn ngang, nhiều đoạn bị lún nút, vỡ nham nhở.

Đầu tháng 12, Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu UBND các quận, huyện đôn đốc việc đảm bảo chất lượng thi công lát đá vỉa hè; đề nghị nghiên cứu lựa chọn sử dụng nhóm đá có độ bền uốn cao hoặc tăng chiều dày tấm đá lát, quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ mời thầu, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các loại đá lát.

Thí điểm xe đạp công cộng ở trung tâm Sài Gòn

388 xe đạp đậu ở 43 trạm tại Quận 1 và Quận 3 được cho thuê 10.000 đồng/giờ mỗi chiếc, dự kiến thí điểm 1 năm, nhằm phát triển giao thông công cộng.

Xe đạp thuộc mô hình Mobike cho chạy thử ở Quận 1 từ tháng 10/2020

Xe đạp thuộc mô hình Mobike cho chạy thử ở Quận 1 từ tháng 10/2020

Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM chiều 18/12 cho biết, đang hoàn chỉnh các phương án triển khai mô hình xe đạp công cộng Mobike để trình lại Thường trực UBND TP.HCM thông qua. Hiện chủ trương thí điểm mô hình này được lãnh đạo Thành phố đồng ý sau buổi làm việc tuần trước.

Theo đề xuất, 43 điểm đậu xe sẽ làm trên vỉa hè, trạm buýt ở Quận 1 và dọc hai tuyến Điện Biện Phủ, Võ Thị Sáu (Quận 3) - nơi Thành phố đang nghiên cứu tổ chức làn đường ưu tiên cho xe buýt. Mỗi trạm có diện tích 20 - 30 m2, cho 10 - 20 xe đậu thành hai dãy, bề rộng tối thiểu cho một xe là 1 mét.

Xe đạp sử dụng là loại gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS, đóng hoặc mở khóa thông qua kết nối mạng 2G, 3G, 4G hoặc bluetooth trên di động. Người dùng cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét xung quanh, tìm trạm có xe đạp gần nhất.

Theo Sở Giao thông vận tải, việc thí điểm mô hình này nhằm phát triển giao thông công cộng, giúp đa dạng các loại hình và hỗ trợ kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác. Mô hình được đề xuất sau khi Sở cùng nhà đầu tư khảo sát vị trí, thống nhất với các bên liên quan. Thời gian thí điểm dự kiến 1 năm, sau đó đánh giá để xây dựng phương án đầu tư cụ thể nếu muốn nhân rộng.

Tìm thấy hậu duệ của rùa hồ Hoàn Kiếm

Kết quả phân tích gen cho thấy, rùa mai mềm ở hồ Đồng Mô thuộc loài giải Sinhoe (Rafetus Swinhoei) hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm.

Con rùa ở Hồ Đồng Mô được bẫy bắt và lấy mẫu phân tích gen

Con rùa ở Hồ Đồng Mô được bẫy bắt và lấy mẫu phân tích gen

Sáng 18/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và các đơn vị liên quan đã công bố kết quả trên.

Theo ông Tạ Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, tổ công tác tại hồ Đông Mô đã bẫy, bắt được con rùa mai mềm. Các đơn vị liên quan đã cân, đo và lấy mẫu gồm máu, mô... gửi đi xét nghiệm gen, sau đó thả rùa lại hồ.

Hai trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội đã phân tích, kết luận gen của rùa mai mềm ở hồ Đồng Mô thuộc loài giải Sinhoe hay còn gọi là rùa Hoàn Kiếm. Đây là cá thể rùa cái, nặng 86 kg, dài mai 99,5 cm, rộng mai 75,5 cm.

Rùa Hoàn Kiếm được mô tả lần đầu tiên từ năm 1873, nhưng thực tế có rất ít nghiên cứu về loài rùa mai mềm khổng lồ này. Rùa Hoàn Kiếm hiện còn 4 con, trong đó 2 ở Trung Quốc, 1 ở Đồng Mô và 1 ở Xuân Khanh. Con rùa Rafetus Swinhoei duy nhất sống ở Hồ Gươm đã chết vào tháng 1/2016.

TP.HCM đề xuất đổi hình thức đầu tư cầu 700 tỷ đồng

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng được đề xuất đổi từ hình thức BOT sang dùng vốn ngân sách nhà nước sau 2 năm ngưng thi công.

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý thi công được khoảng 70% nhưng bị đình trệ suốt 2 năm qua, người dân phải đi qua 2 cầu tạm

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý thi công được khoảng 70% nhưng bị đình trệ suốt 2 năm qua, người dân phải đi qua 2 cầu tạm

Nội dung này được UBND TP.HCM đề cập trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm giải quyết vướng mắc tại dự án này sau khi Kiểm toán Nhà nước cho rằng dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý không phù hợp theo Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm dự án BOT trên đường hiện hữu).

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý (dài 83 m, rộng 16 m và đoạn đường dẫn dài 225 m) đã được Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng - IDICO triển khai từ năm 2017 với tổng mức đầu tư 312 tỷ đồng, sau đó được nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí.

Để sớm hoàn thành Dự án, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng cho Thành phố giao các cơ quan chuyên môn lập đề xuất chủ trương đầu tư công với Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý, trình duyệt làm cơ sở triển khai tiếp Dự án. Thành phố sẽ tự cân đối ngân sách để làm Dự án; thanh quyết toán các hạng mục Nhà đầu tư đã thi công và ký biên bản thanh lý để chấm dứt phụ lục hợp đồng BOT trước thời hạn.

Vietjet muốn đầu tư mở rộng sân bay Thanh Hóa

Hãng hàng không Vietjet muốn tham gia đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T2, ga hàng hóa... tại Cảng hàng không Thọ Xuân (Thanh Hoá).

Vietjet muốn đầu tư mở rộng sân bay Thanh Hóa

Vietjet muốn đầu tư mở rộng sân bay Thanh Hóa

Tại buổi gặp giữa UBND tỉnh Thanh Hóa và Hãng hàng không Vietjet Air, Phó Tổng giám đốc Vietjet Đỗ Xuân Quang bày tỏ mong muốn được tham gia xây dựng nhà ga hành khách T2, ga hàng hóa, khu logistics, sửa chữa máy bay... tại Cảng hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa. Kế hoạch này có thể giúp Vietjet chủ động phát triển các dịch vụ mới, góp phần giảm tình trạng quá tải tại các sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Trước những đề xuất của Hãng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho rằng, Vietjet cần xây dựng kế hoạch đầu tư cụ thể để Chủ tịch tỉnh xem xét trình Bộ Giao thông vận tải.

Theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thọ Xuân sẽ là cảng hàng không quốc tế, có chức năng dự bị cho Nội Bài. Đây là sân bay dùng chung dân - quân sự cấp 4E, với công suất 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa một năm.

Để đạt công suất 5 triệu khách mỗi năm, nhà ga hành khách T1 hiện tại sẽ được mở rộng và cải tạo, nhà ga T2 được xây mới. Sân bay Thọ Xuân cũng sẽ được xây dựng thêm một nhà ga hàng hóa, đáp ứng công suất 27.000 tấn hàng mỗi năm.

Từ năm 2021, ngồi ở nhà làm thủ tục đổi giấy phép lái xe

Việc cấp đổi giấy phép lái xe thực hiện ở mức độ 4 trên Cổng thông tin quốc gia sẽ giúp người dân ngồi ở nhà cũng có thể làm thủ tục, giảm bớt chi phí và thời gian đi lại.

Cấp đổi giấy phép lái xe ở mức độ 3, người xin cấp, đổi giấy phép lái xe vẫn phải đến làm thủ tục nộp phí, chụp hình tại điểm cấp đổi giấy phép lái xe tại 252 Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM

Cấp đổi giấy phép lái xe ở mức độ 3, người xin cấp, đổi giấy phép lái xe vẫn phải đến làm thủ tục nộp phí, chụp hình tại điểm cấp đổi giấy phép lái xe tại 252 Lý Chính Thắng, Quận 3, TP.HCM

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến tháng 12/2020, cả nước đã cấp 46,7 triệu giấy phép lái xe mô tô và 8,8 triệu giấy phép lái xe ô tô.

Hiện nay, việc cấp đổi giấy phép lái xe trên phạm vi toàn quốc đã thực hiện trên cổng dịch vụ công quốc gia ở mức độ 3. Từ tháng 7/2020 đã triển khai thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam cấp đổi giấy phép lái xe ở mức độ 4 (người đổi giấy phép lái xe làm thủ tục, nạp tiền tại nhà) trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Dự kiến sau khi đánh giá sẽ triển khai trong năm 2021 thực hiện trên toàn quốc cấp đổi giấy phép lái xe ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo Tổng cục Đường bộ, trước đây thi bằng phương pháp thủ công và có cán bộ sát hạch ngồi trên xe để chấm thi, tỷ lệ học viên thi đạt lái xe ô tô là 90 - 95%. Tuy nhiên, sau khi áp dụng thiết bị, công nghệ chấm thi tự động tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành, tỷ lệ trung bình thi đạt lái xe ô tô là 50 - 65%.

Kết quả ứng dụng công nghệ chấm thi lái xe ô tô cho thấy chất lượng sát hạch đã nâng rõ rệt. Các cuộc thi sát hạch được thực hiện công khai, minh bạch, hạn chế sự can thiệp của con người vào kết quả. Do đó, đã hạn chế các tiêu cực tới mức thấp nhất và được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Quảng Ninh: Đường dây buôn lậu 300 tấn hàng hóa bị triệt phá

30 người trong đường dây buôn lậu 300 tấn hàng hoá qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh bị bắt giữ.

Cảnh sát khám xét một kho hàng ở gần cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh ngày 18/12

Cảnh sát khám xét một kho hàng ở gần cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Quảng Ninh ngày 18/12

Tối 18/12, đại diện Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) phối hợp với lực lượng địa phương phát hiện nhiều xe tải, container chở hàng lậu tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.

Kiểm tra kho chứa hàng hóa cạnh cửa khẩu, nhà chức trách phát hiện khoảng 100 tấn hàng đã được thông quan.

Khám xét đồng loạt các kho chứa hàng tại Hưng Yên, Hà Nội..., nhà chức trách thu giữ thêm gần 200 tấn hàng hóa, 20 xe container và xe tải các loại. Loại hàng hóa bị thu giữ đa phần là quần áo, mỹ phẩm, phụ tùng ô tô, xe máy, hàng điện tử.

Trong số hơn 30 người bị bắt giữ, Cơ quan điều tra xác định Đào Văn Chấp, trú tại phường Ka Long, thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cầm đầu đường dây buôn lậu. Bước đầu, nhóm này khai trung bình mỗi ngày vận chuyển, buôn bán khoảng hơn 200 tấn hàng hóa các loại, trị giá hàng chục tỷ đồng.

Nhà chức trách xác định đây là đường dây buôn lậu hoạt động có tổ chức, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới quy mô đặc biệt lớn, phức tạp, liên quan nhiều người ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước.

Tin cùng chuyên mục