Đà Nẵng chuẩn bị hàng nghìn chỗ ở cho công chức Quảng Nam sau sáp nhập
TP. Đà Nẵng lên phương án sử dụng công sở, ký túc xá trống và xây thêm nhà ở xã hội để đón hàng nghìn công chức từ Quảng Nam chuyển ra làm việc sau sáp nhập.
![]() |
Trung tâm hành chính (khối nhà hình tròn) sẽ là nơi làm việc chính của các sở, ngành TP Đà Nẵng mới |
UBND TP. Đà Nẵng vừa trình Đảng ủy UBND thành phố phương án bố trí trụ sở làm việc và chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, hình thành TP. Đà Nẵng mới. Theo đó, trụ sở Trung tâm hành chính sẽ đặt tại quận Hải Châu (Đà Nẵng), đồng nghĩa với việc phần lớn công chức hiện công tác tại Quảng Nam sẽ chuyển ra Đà Nẵng làm việc, kéo theo nhu cầu lớn về chỗ ở để thuận tiện công tác.
Qua rà soát, hiện Đà Nẵng có 1.681 cơ sở nhà đất; Quảng Nam có 2.610 cơ sở. Trong đó, Đà Nẵng có 112 trụ sở làm việc hiện hữu, Quảng Nam là 509. Thành phố đã yêu cầu Sở Xây dựng Quảng Nam thống kê nhu cầu thuê nhà công vụ và nhà ở xã hội của đội ngũ công chức sẽ chuyển công tác. Dựa trên kết quả khảo sát, TP. Đà Nẵng chia phương án bố trí thành hai nhóm: nhà công vụ (thuê ngắn/dài hạn từ tài sản công) và nhà ở xã hội (mua, bán hoặc thuê - mua).
Cụ thể, các địa điểm bố trí nhà công vụ dự kiến gồm 810 phòng/căn, với tổng kinh phí sửa chữa, cải tạo khoảng 42 tỷ đồng. Trong đó, nhà số 4 Trần Phú (quận Hải Châu) có 10 phòng, ưu tiên bố trí cho cán bộ từ cấp phó giám đốc sở trở lên.
Ký túc xá Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (đường Hà Thị Thân, quận Sơn Trà) có 140 phòng, dành cho cán bộ Quảng Nam, bố trí từ 2 - 4 người/phòng. Khối nhà C - Chung cư nhà ở xã hội Khu E2, khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ có 109 căn hộ, dự kiến dành cho các gia đình cán bộ có cả vợ chồng cùng chuyển công tác. Ký túc xá sinh viên phía Tây - Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) gồm 600 phòng, phục vụ nhu cầu thuê ngắn hạn hoặc dài hạn.
Ngoài ra, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu hoàn thành 10 dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn 2025 - 2029, cung cấp hơn 5.000 căn hộ để bán hoặc cho thuê - mua. Đồng thời, Thành phố đề xuất bổ sung nhóm cán bộ, công chức, viên chức phải chuyển công tác do sắp xếp hành chính vào diện ưu tiên mua nhà ở xã hội theo Điều 79 Luật Nhà ở.
UBND TP. Đà Nẵng cũng kiến nghị cơ chế đặc thù, trong đó cho phép miễn thủ tục bốc thăm khi phân bổ nhà ở xã hội nhằm rút ngắn thời gian sắp xếp; đồng thời giao Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Quốc hội xem xét các cơ chế hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội phục vụ giai đoạn hậu sáp nhập.
TP.HCM khẩn cấp rà soát thuốc, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng giả
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu rà soát thuốc, thiết bị y tế, thực phẩm chức năng giả nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn các sản phẩm này lưu thông trên thị trường.
![]() |
Hàng loạt sản phẩm bị làm giả được công an nhiều địa bàn trên cả nước phát hiện gần đây |
Sở Y tế TPHCM vừa gửi văn bản khẩn cấp, yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh, phòng y tế quận huyện, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm và các cơ sở kinh doanh dược thực hiện rà soát, báo cáo về thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế giả.
Các cơ sở khám, chữa bệnh được yêu cầu nhanh chóng rà soát, kiểm tra danh mục thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế đang sử dụng, kinh doanh trong cơ sở của mình. Điều này nhằm đảm bảo không có sản phẩm nào không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc chưa được phép lưu hành.
Ngoài ra, các cơ sở cần xem xét lại quy trình mua bán thuốc, thực phẩm chức năng và thiết bị y tế. Nếu phát hiện sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ, không đạt chất lượng, các cơ sở cần niêm phong ngừng sử dụng và báo cáo cho cơ quan quản lý để kiểm tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Các cơ sở kinh doanh dược cũng phải thực hiện rà soát, kiểm tra danh mục hàng hóa đang kinh doanh để đảm bảo chỉ kinh doanh những sản phẩm được phép lưu hành, đúng phạm vi cấp phép.
Sở Y tế đã giao Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc tăng cường lấy mẫu và kiểm tra chất lượng của các sản phẩm lưu hành trên thị trường để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Các phòng y tế quận, huyện, và TP. Thủ Đức cũng được yêu cầu thông báo cho cơ sở kinh doanh dược, cơ sở khám chữa bệnh và người dân về nguy cơ sử dụng các sản phẩm giả. Đồng thời, họ phải tăng cường kiểm tra và giám sát hoạt động kinh doanh, quảng cáo sản phẩm y tế trong địa bàn nhằm phát hiện kịp thời các sai phạm.
Văn bản này xuất hiện trong bối cảnh gần đây, lực lượng công an trên khắp cả nước đã triệt phá nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả, bao gồm lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế và thực phẩm chức năng.
6 dự án nhà ở xã hội mới tại Hà Nội dự kiến hoàn thành năm nay
Hà Nội có thể vượt chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội năm nay với hơn 4.700 căn hộ đến từ 6 dự án.
![]() |
Khu nhà xã hội tại ô đất CT4 thuộc dự án Thăng Long Green City đã hoạt động từ quý IV/2021 |
Thông tin trên được Bộ Xây dựng nêu trong kết quả đôn đốc triển khai nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội năm 2025.
Năm nay, Hà Nội được Thủ tướng giao chỉ tiêu hoàn thành 4.670 căn. Qua kiểm tra thực tế, Bộ Xây dựng đánh giá Thành phố có thể hoàn thành vượt chỉ tiêu với hơn 4.700 căn của 6 dự án, tập trung ở các quận, huyện vùng ven như Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đông Anh và Mê Linh.
Tiến độ các dự án có thể hoàn thành năm nay: Khu nhà ở xã hội cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm do Công ty CP Contrexim số 1 và Công ty TNNH In và Thương mại Thái Hà làm chủ đầu tư cung cấp 1.340 căn hộ, đã hoàn thành quý I; Khu nhà xã hội tại 4 ô đất CT1-CT4, Khu nhà ở đô thị Kim Hoa, huyện Mê Linh do Công ty Thương mại và Xây dựng Thân Hà làm chủ đầu tư cung cấp 720 căn hộ, có thể hoàn thành toàn bộ; Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên do Công ty CP Him Lam Thủ đô và Công ty CP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư cung cấp 1.980 căn hộ, có thể hoàn thành 600 căn; Khu nhà ở tại xã Uy Nỗ (phần nhà xã hội) tại huyện Đông Anh do Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư cung cấp 952 căn hộ, có thể hoàn thành 466 căn; Khu nhà xã hội tại các ô CT05, CT06, CT07, Khu đô thị mới Thanh Lâm, Đại Thịnh 2 tại huyện Mê Linh do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư cung cấp 500 căn hộ, đang thi công; Khu nhà xã hội tại ô CT3, CT4, Khu đô thị mới Kim Chung tại huyện Đông Anh do Liên danh Tổng công ty Viglacera và Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà làm chủ đầu tư cung cấp 1.104 căn hộ, có thể hoàn thành toàn bộ.
Bộ Xây dựng yêu cầu thành phố đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thành các dự án trong năm nay. Với quỹ căn còn lại các chủ đầu tư chưa thi công, Bộ giao thời hạn hoàn thành trong đầu năm 2026.
Xuất bán gần 90.000 tấn lương thực dự trữ quốc gia
Cục Dự trữ Nhà nước vừa có công văn về thực hiện xuất bán gần 90.000 tấn lương thực dự trữ quốc gia thuộc kế hoạch xuất bán luân phiên đổi hàng năm 2024 chưa thực hiện xong chuyển sang năm 2025.
![]() |
Xuất bán gần 90.000 tấn lương thực dự trữ quốc gia |
Theo đó, Cục Dự trữ Nhà nước giao các Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực lập kế hoạch bán đấu giá đối với 40.000 tấn thóc nhập kho năm 2022 và hơn 49.519 tấn gạo nhập kho năm 2023.
Về phương thức xuất, bán thóc gạo, các Chi cục Dự trữ Nhà nước khu vực thực hiện phương thức bán đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Cục Dự trữ Nhà nước cho biết, quy trình thực hiện theo quy định của Luật Đấu giá tài sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; các thông tư hướng dẫn nhập, xuất mua bán hàng dự trữ quốc gia của Bộ trưởng Bộ Tài chính; quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (nay là Cục Dự trữ Nhà nước) về việc quy định thẩm quyền trong hoạt động mua, bán lương thực, muối ăn…
Đối với việc xây dựng giá bán thóc, gạo, căn cứ quy định tại thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn nhập, xuất, mua, bán hàng dự trữ quốc gia, các chi cục dự trữ nhà nước khu vực áp dụng phương pháp so sánh.
Cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu các chi cục dự trữ nhà nước gửi toàn bộ hồ sơ, thông tin, tài liệu về xác định giá khởi điểm của từng đơn vị tài sản bán đấu giá về Cục chậm nhất ngày 26/5.
TP.HCM định chuyển đổi toàn bộ xe máy công nghệ sang điện
TP.HCM sẽ hoàn thiện kế hoạch tổng thể chuyển đổi toàn bộ xe máy của tài xế công nghệ sang phương tiện chạy điện trong tháng 6 để lấy ý kiến.
![]() |
Xe của người dân và tài xế công nghệ chờ đèn đỏ tại TP.HCM |
Thông tin tại cuộc họp ngày 17/5, UBND TP.HCM cho biết quy mô dự kiến chuyển đổi xe điện cho tài xế công nghệ là khoảng 400.000 chiếc.
Các đơn vị phụ trách đã khảo sát thực địa, xác định nhu cầu triển khai, địa điểm nghỉ ngơi kết hợp với trạm sạc điện cho tài xế công nghệ. Kế hoạch tổng thể sẽ được hoàn thiện trong tháng 6 để lấy ý kiến chuyên gia. Dự kiến, lộ trình thực hiện cụ thể được công bố vào tháng 7.
Hiện TP.HCM là thị trường hoạt động của nhiều nền tảng gọi xe, giao hàng, đồ ăn và chuyển phát bằng xe hai bánh. Trong đó, Grab, Xanh SM và be là 3 nền tảng đa dịch vụ, phục vụ chở người, giao đồ ăn, vận chuyển hàng.
Ngoài ra, ShopeeFood chuyên giao đồ ăn và hàng loạt đơn vị logistics vận chuyển hàng bằng xe hai bánh như Ahamove, J&T, Viettel Post, VNPost. Đến nay, ngoài tài xế Xanh SM dùng hoàn toàn xe điện, các nền tảng khác cho phép tài xế chủ động chọn loại phương tiện sử dụng xăng hoặc điện.
Để xanh hóa giao thông, TP.HCM cũng đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện, dự kiến trình trong quý IV, tập trung vào chính sách ưu đãi và lộ trình chuyển đổi cho các loại phương tiện như taxi, xe công nghệ, ôtô khách và xe thuộc cơ quan công, doanh nghiệp.
Đề án này cũng dự kiến đề xuất chính sách thu mua, đổi xe cũ sang xe điện, hạn chế phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch tại trung tâm và huyện Cần Giờ... nhằm kiểm soát khí thải đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Sở Xây dựng đang đánh giá tác động và điều kiện thực hiện nhằm đảm bảo khả thi sau khi TP.HCM mới hình thành, gồm Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Gặp lãnh đạo UBND TP.HCM, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiến nghị Thành phố có chính sách hạn chế xe xăng, ưu tiên xe điện từ nay đến 2030, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện và phát triển hệ thống trạm sạc.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được khẳng định chuyển đổi xanh là xu thế và nhu cầu bắt buộc, tạo ra giá trị lớn và động lực mới để thành phố phát triển bền vững. Ông cho biết, Thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi xanh, trước mắt là tổ tư vấn về vấn đề này.
Chủ thương hiệu hoạt huyết Nhất Nhất bị phạt 200 triệu đồng
Công ty TNHH Nhất Nhất bị phạt 200 triệu đồng vì đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về một số sản phẩm.
![]() |
Công ty TNHH Nhất Nhất bị phạt vì đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về một số sản phẩm |
Thông tin từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết đơn vị này vừa ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đối với Công ty TNHH Nhất Nhất.
Theo đó, cơ quan này đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh đối với Công ty TNHH Nhất Nhất (quận Thanh Xuân, Hà Nội) số tiền 200 triệu đồng.
Do doanh nghiệp đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm sữa rửa mặt Lenka, nước ngậm răng miệng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất Kid… nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.
Cơ quan chức năng cho biết trong quá trình điều tra, Công ty TNHH Nhất Nhất đã tích cực phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đồng thời có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm.
Ngoài ra, Công ty TNHH Nhất Nhất đã cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về các sản phẩm trên trang thông tin điện tử của Công ty TNHH Nhất Nhất, trang mạng xã hội Youtube, Facebook.
Trước đó, hồi tháng 5/2016, Công ty TNHH Nhất Nhất đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì quảng cáo thuốc hoạt huyết Nhất Nhất không đúng với nội dung đã đăng ký.
Trên website chính thức, Công ty TNHH Nhất Nhất cho biết doanh nghiệp được thành lập năm 2006, là đơn vị phân phối của Công ty TNHH Dược Phẩm Nhất Nhất (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).
Theo Cổng thông tin Quốc gia về doanh nghiệp, Công ty TNHH Nhất Nhất do ông Lê Đức Lộc (sinh năm 1959) giữ chức vụ Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật. Hiện, doanh nghiệp có vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Huyền và bà Nguyễn Thị Thủy góp mỗi người 50% vốn.
Doanh nghiệp này đang phân phối gần 30 sản phẩm là thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm và thiết bị y tế. Trong đó, có một số sản phẩm nổi bật như thuốc hoạt huyết Nhất Nhất, đại tràng Nhất Nhất, dạ dày Nhất Nhất...
Thủ đoạn nâng giá bán cho các công ty EVN của Tập đoàn Tuấn Ân
Ông chủ Tập đoàn Tuấn Ân bị cáo buộc chi tiền ngoài hợp đồng 5 - 6% cho hai cựu giám đốc Trần Ngọc Linh, Nguyễn Thành Ngôn để được nâng đỡ, trúng thầu.
![]() |
Bị can Huỳnh Tuấn Ân - Chủ tịch Tập đoàn Tuấn Ân |
Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Huỳnh Tuấn Ân - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ".
Ông Trần Ngọc Linh và Nguyễn Thành Ngôn, cùng là cựu giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận và cấp dưới gồm: Trương Tấn Đạt - Phó Giám đốc và Lê Quang Nghĩa - Trưởng Phòng kế hoạch vật tư bị truy tố tội "Nhận hối lộ".
21 bị can còn lại bị cáo buộc về các tội: "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước".
Theo cáo trạng, ông Ân đề nghị Giám đốc EVN Bình Thuận tạo điều kiện cho doanh nghiệp Tuấn Ân trúng các gói thầu cung cấp thiết bị điện. Ông Ân cam kết sẽ chi tiền ngoài hợp đồng 5 - 6% cho EVN Bình Thuận, trong đó cá nhân ông Linh là 1,5% (từ 2019 là 2%). Số tiền chi ngoài hợp đồng này không cố định mà thay đổi tùy thuộc lợi nhuận của Tập đoàn Tuấn Ân với mỗi gói thầu.
Chủ tịch Tuấn Ân còn cho ông Linh góp vốn 500 triệu đồng vào Tập đoàn Tuấn Ân để trở thành cổ đông chiến lược. Mỗi năm, ông Ân trả hơn 20% tiền lãi. Từ đó, ông Linh đồng ý và hứa giúp đỡ cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng thầu.
Trong giai đoạn ông Linh làm giám đốc, Công ty Điện lực Bình Thuận đã tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng tổng 23/26 gói thầu, trị giá đã quyết toán hơn 90 tỷ đồng, gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2021, ông Ngôn được bổ nhiệm Giám đốc Điện lực Bình Thuận và tiếp tục kế thừa "thỏa thuận ngầm" từ giai đoạn trước. Giai đoạn này, ông Ngôn đã chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng gói thầu số 25 và 26 với tổng giá trị hơn 9 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước 4,5 tỷ đồng.
Quá trình tạo điều kiện cho Tập đoàn Tuấn Ân trúng thầu, ông Linh, Ngôn và các cá nhân tại Công ty Điện lực Bình Thuận đã nhiều lần nhận tiền từ doanh nghiệp như đã thỏa thuận.
Trong đó, ông Linh bị cáo buộc đã thỏa thuận, thống nhất và nhận 2,3 tỷ đồng; ông Ngôn nhận 1,3 tỷ đồng; Đạt nhận 4,1 tỷ đồng; Nghĩa nhận 460 triệu đồng.
Theo cáo trạng, Tập đoàn Tuấn Ân có 26 công ty thành viên, hoạt động theo chuỗi sản xuất, phân phối, kinh doanh. Quá trình đấu thầu, cung cấp hàng hóa cho các công ty điện lực, ông Ân đã chỉ đạo công ty thành viên dùng nhiều thủ đoạn để nâng giá.
Từ năm 2018 - 2023, 26 công ty thuộc hệ thống Tập đoàn Tuấn Ân đã để ngoài sổ kế toán thuế gần 545 tỷ đồng, gây thiệt hại về thuế cho Nhà nước hơn 156,1 tỷ đồng.