Hà Nội dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu từ 0 giờ ngày 19/7
Thành phố Hà Nội yêu cầu dừng các dịch vụ không thiết yếu từ 0 giờ ngày 19/7 để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.
Hà Nội dừng tất cả các dịch vụ không thiết yếu từ 0 giờ ngày 19/7 |
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký Công điện số 15 về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 0 giờ ngày 19/7 trên địa bàn toàn Thủ đô.
Theo công điện này, Chủ tịch thành phố Hà Nội yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…
Thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên.
Tuy vậy, các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hoạt động bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu; các cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về, khám bệnh, chữa bệnh... yêu cầu bắt buộc khai báo y tế bằng mã QRCode.
Đối với các cơ quan, công sở của thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố bố trí không quá 1/2 số lượng cán bộ, công chức, viên chức; người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công.
Theo Công điện số 15, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho nhân dân trên địa bàn... Khuyến khích mọi người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà.
Chuẩn bị kịch bản ứng phó 300.000 ca Covid-19
Bộ Y tế chuẩn bị kỹ phương án ứng phó theo ba cấp độ dịch bệnh là 100.000 ca Covid-19; 200.000 ca và cao nhất 300.000 ca.
TP.HCM xây dựng bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 |
Thủ tướng nêu yêu cầu trên với Bộ Y tế ngày 17/7, đồng thời lưu ý việc xây dựng kịch bản cao hơn để không bị động, lúng túng khi tình huống xấu hơn.
Bộ trưởng Y tế chịu trách nhiệm sẵn sàng trang thiết bị, vật tư y tế; hướng dẫn cách ly xã hội; có phương án tăng cường năng lực điều trị tại từng địa phương; bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời máy thở, oxy... Bộ huy động, sử dụng các nguồn lực hợp pháp để mua sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế.
Bộ Quốc phòng được giao huy động lực lượng, trong đó có dân quân tự vệ, tham gia đảm bảo vận chuyển lương thực, hàng thiết yếu; xây dựng bệnh viện dã chiến; triển khai chiến dịch tiêm vaccine. Bộ Giao thông vận tải đảm bảo xe vận tải thông suốt giữa các địa phương, có phương án thống nhất kiểm soát người và phương tiện trên địa bàn giãn cách.
Bộ Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, mất việc làm. Các bộ hỗ trợ tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu kiểm soát người từ tỉnh cách ly xã hội đến nơi khác.
Ngày 17/7, căn cứ đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng quyết định áp dụng cách ly xã hội 19 tỉnh thành theo Chỉ thị 16, gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai (đã thực hiện); bổ sung TP. Cần Thơ và các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Thời điểm bắt đầu áp dụng do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Dừng các chuyến bay đến Cà Mau, Rạch Giá từ ngày 19/7 đến hết 1/8
Từ ngày 19/7 đến hết 1/8, các chuyến bay đến sân bay Cà Mau, Rạch Giá tạm dừng, một số đường bay đến phía Nam sẽ giảm tần suất.
Dừng các chuyến bay đến Cà Mau, Rạch Giá từ ngày 19/7 đến hết 1/8. Ảnh minh họa |
Theo quyết định ngày 18/7 của Cục Hàng không Việt Nam, các đường bay Hà Nội - Phú Quốc, Hà Nội - Cần Thơ sẽ chỉ khai thác một chuyến mỗi chiều mỗi ngày. Riêng đường bay TP.HCM - Hà Nội khai thác theo lịch bay cũ, 13 chuyến mỗi ngày, để đáp ứng nhu cầu của nhiều hành khách từ TP.HCM ra Bắc.
Chặng từ TP.HCM đến Đà Nẵng, Quy Nhơn, Cam Ranh, Buôn Ma Thuột được khai thác 1 - 2 chuyến mỗi ngày như hiện nay.
Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng cho biết sẽ giám sát hoạt động vận chuyển khách đi và đến các tỉnh, thành phố phía Nam. Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không và sân bay tạo điều kiện vận chuyển người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về địa phương.
Cụ thể, Cục Hàng không yêu cầu hãng bay làm việc với các địa phương để lập kế hoạch thực hiện chuyến bay trên cở sở trọn gói.
Hành khách trên các chuyến bay nội địa đều phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực theo quy định của Bộ Y tế. Hiện nay các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đều có dịch vụ xét nghiệm cho khách đi máy bay.
Từ đề xuất của địa phương, đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã dừng khai thác các đường bay từ TP.HCM đến Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, còn duy nhất đường bay Hà Nội - TP.HCM để kết nối các tỉnh Bắc - Nam.
Lái xe trong 19 tỉnh phía Nam không cần giấy xét nghiệm âm tính
Lái xe vận tải trong nội bộ 19 tỉnh phía Nam đang cách ly xã hội theo Chỉ thi 16 không cần giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.
Lái xe trong 19 tỉnh phía Nam đang cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 không cần giấy xét nghiệm âm tính |
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo) đã thống nhất quy định xét nghiệm với lái xe vận tải, để đảm bảo hàng hóa thông suốt.
Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, vướng mắc nhất hiện nay là yêu cầu lái xe, người đi cùng có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Nhưng mỗi địa phương lại yêu cầu khác nhau đối với loại xét nghiệm và thời hạn của kết quả. Nơi yêu cầu RT-PCR, nơi chấp nhận xét nghiệm nhanh. Vì vậy, ông Tuấn đề nghị có hướng dẫn để địa phương thực hiện thống nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định Bộ Y tế chấp nhận kết quả xét nghiệm RT-PCR và xét nghiệm nhanh do tất cả cơ sở y tế từ cấp xã trở lên xác nhận. Kết quả có hiệu lực trong 3 ngày. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các đơn vị kiểm tra dọc tuyến vận tải để bố trí thêm điểm xét nghiệm nhanh, nhằm không xảy ra ách tắc. Các điểm nghỉ sẽ được bố trí xét nghiệm nhanh cho lái xe đường dài.
Ban chỉ đạo đã bàn và thống nhất giao Bộ Y tế hướng dẫn việc vận tải, lưu thông hàng hóa trong nội bộ 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện Chỉ thị 16. Tinh thần là lái xe, người đi cùng không cần có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, nhưng phải khử khuẩn, không tiếp xúc người khác. Lái xe chạy qua lại giữa các địa phương cần có mã QR để đảm bảo thông suốt.
Ban chỉ đạo sẽ có bộ phận thường trực điều hành từ Hà Nội, kết nối với các bộ phận của 19 tỉnh, thành phía Nam để giải quyết vướng mắc phát sinh hàng ngày.
Cửa hàng Bách hoá xanh tại Sóc Trăng bị phạt vì bán cao hơn giá niêm yết
Quản lý thị trường Sóc Trăng vừa xử phạt một cửa hàng Bách hoá xanh vì bán hàng cao hơn giá niêm yết.
Quản lý thị trường Sóc Trăng kiểm tra, xử phạt cửa hàng Bách hoá xanh tại TP Sóc Trăng |
Theo Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng, tại thời điểm kiểm tra cửa hàng thuộc hệ thống Bách hoá xanh ở TP. Sóc Trăng, lực lượng chức năng ghi nhận nơi này bán ra một số sản phẩm cao hơn giá niêm yết. Chẳng hạn, cháo tươi thịt thăn, niêm yết 13.500 đồng một gói, bán ra 14.600 đồng; cháo tươi lươn đậu xanh, niêm yết 22.500 đồng, bán ra 24.000 đồng một gói; hay cháo tươi rau củ thập cẩm, niêm yết 14.500 đồng một gói, bán ra 20.000 đồng...
Đại diện Bách hóa xanh cũng xác nhận có sai sót không thay giá tại cửa hàng, chứ không phải cố ý bán cao hơn so với giá niêm yết. Tuy vậy, cửa hàng này vẫn bị phạt hành chính theo quy định vì hành vi bán sai giá niêm yết.
Theo Cục Quản lý thị trường Sóc Trăng, sau quyết định của Thủ tướng áp dụng Chỉ thị 16 với 19 tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có Sóc Trăng, sức mua tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn tỉnh tăng cao. Giá một số mặt hàng cũng theo đó biến động, tăng từ 10 - 20% tùy loại. Tuy nhiên, lượng hàng hóa tại các siêu thị, chợ vẫn luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu người dân.
TP.HCM: Nhiều chợ truyền thống mở cửa lại với thí điểm bán hàng tươi sống
Sẽ có 13 chợ truyền thống bị tạm ngưng hoạt động tại nhiều quận, huyện được tổ chức mở bán thí điểm các mặt hàng tươi sống.
Chợ Phú Thọ được mở lại sạp rau củ quả đầu tiên |
Đây là thông tin được ban lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết. Theo đó, để được bán lại, các chợ này phải lên phương án tổ chức hoạt động và tiểu thương có kết quả xét nghiệm âm tính.
Cụ thể, các chợ tại: quận Bình Tân (chợ Kiến Thành); Quận 5 (chợ Xã Tây); Quận 6 (chợ Phú Định, Minh Phụng); Quận 8 (chợ Phú Lợi 1, Phú Định); Quận 10 (chợ Nhật Tảo); huyện Bình Chánh (chợ Bà Lát, Vĩnh Lộc A); huyện Hóc Môn (chợ Hóc Môn); huyện Nhà Bè (chợ Cầu Kinh, chợ Ấp 3).
Trước đó, chợ Phú Thọ (Quận 11) cũng đã triển khai bán lại mặt hàng rau củ quả với số lượng là 6 tiểu thương. Ban quản lý ở đây cho biết, ngày đầu lượng khách mua khá ổn định không có chen lấn do quản lý chặt chẽ. Dẫu vậy, hàng hóa cũng hết khá sớm do nhu cầu cao.
Cùng với mô hình mở lại nhiều chợ truyền thống rau và hàng tươi sống, Sở Công Thương cũng đề nghị các quận, huyện triển khai mô hình bán hàng trực tuyến tại nhiều chợ truyền thống Phú Lâm, Minh Phụng, Bình Tây, Tân Hoà Đông...
Hiện ban quản lý các chợ đã kết nối, triển khai đến tiểu thương thực hiện duy trì cung ứng hàng hóa cho người dân bằng hình thức bán hàng qua điện thoại, tiểu thương đăng ký với Ban Quản lý thông tin tham gia bán hàng để đưa đến người dân. Về phía tiểu thương, họ cũng đã đăng ký tham gia việc bán hàng trên Zalo, Facebook và fanpage của chợ thể hiện đầy đủ số điện thoại, địa chỉ liên lạc khi người dân có nhu cầu.
Theo Ban Quản lý chợ Bình Thới, ngày 19/7 sẽ triển khai hệ thống online cho bà con đăng ký giờ đi chợ. Theo danh sách mà Ban Quản lý có, trước nửa tiếng chợ sẽ nhắn tin báo cho bà con tới đúng giờ đã đăng ký.