Bản tin thời sự sáng 19/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là quân đội huy động gần 270.000 người, 10 máy bay ứng phó áp thấp nhiệt đới; từ tháng 11, khối ngoại không cần ký quỹ 100% khi mua chứng khoán; Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn, giảm học phí cho học sinh vùng bão lũ; hợp long cầu vượt sông Đào trong dự án đường hơn 5.000 tỷ đồng tại Nam Định…

Quân đội huy động gần 270.000 người, 10 máy bay ứng phó áp thấp nhiệt đới

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho biết, quân đội đã huy động 268.806 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và hơn 4.000 phương tiện sẵn sàng ứng phó áp thấp nhiệt đới.

Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Công Binh 544, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ cưa dọn cây đổ sau bão Yagi

Các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Công Binh 544, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội hỗ trợ cưa dọn cây đổ sau bão Yagi

Chiều 18/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp với các bộ, ban ngành và trực tuyến với 11 tỉnh, thành phố từ Ninh Bình đến Bình Định về ứng phó với áp thấp nhiệt đới (sắp mạnh lên thành bão số 4).

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp lo lắng việc áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão số 4 sẽ di chuyển chậm nên có nhiều diễn biến khó lường. Trong đó, vấn đề lo ngại nhất là mưa lớn có thể xảy ra ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và một phần của Quảng Ngãi.

Tại cuộc họp, Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Bộ Quốc phòng đã ban hành 2 công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đặc biệt là Quân khu 3, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân khu 7 sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó với áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão số 4.

Cụ thể, các đơn vị đã huy động 268.806 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ sẵn sàng tham gia ứng phó.

Ngoài ra, còn có hơn 4.000 phương tiện (trong đó có 10 máy bay trực thăng) sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế khi có yêu cầu.

Đại tá Hải Châu cũng đề nghị các địa phương làm tốt công tác rà soát, báo động khu vực sạt lở để sớm có phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng của bão cần làm tốt các phương án "4 tại chỗ", đặc biệt là đảm bảo thông tin liên lạc khi bị chia cắt.

Từ tháng 11, khối ngoại không cần ký quỹ 100% khi mua chứng khoán

Từ ngày 2/11, nhà đầu tư nước ngoài không phải ký quỹ 100% trước khi giao dịch, đánh dấu một nút thắt quan trọng trong quá trình nâng hạng thị trường được gỡ bỏ.

Nhà đầu tư đang thực hiện giao dịch tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM

Nhà đầu tư đang thực hiện giao dịch tại một công ty chứng khoán ở TP.HCM

Bộ Tài chính vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều về giao dịch, bù trừ và thanh toán, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (non pre-funding) khi đặt lệnh như trước đây.

Để thực hiện, các công ty chứng khoán phải đánh giá năng lực của khách hàng nhằm xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận. Nếu nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thiếu tiền, công ty chứng khoán sẽ thanh toán phần thiếu hụt thông qua tài khoản tự doanh của mình. Đơn vị này cũng sẽ phải bán ngay khi chứng khoán về tài khoản.

"Các khoản lỗ, lãi và chi phí khác phát sinh khi được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài", thông tư mới quy định.

Bộ Tài chính cũng chỉ rõ, ngân hàng nơi nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mở tài khoản lưu ký chứng khoán sẽ chịu trách nhiệm thanh toán số tiền thiếu hụt nếu xác nhận sai số dư tiền gửi của khách hàng với công ty chứng khoán, dẫn tới thiếu tiền thanh toán giao dịch chứng khoán.

Nhà đầu tư nước ngoài phải ký quỹ 100% tiền giao dịch được xem là nút thắt lớn nhất trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán. Các chuyên gia và đơn vị phân tích đều cho rằng, yêu cầu này gây khó khăn và ảnh hưởng lợi ích nhà đầu tư ngoại vì giao dịch thành công hay không, họ vẫn phải chịu ảnh hưởng từ chênh lệch tỷ giá, đặc biệt là các tổ chức đầu tư lớn.

Trên thế giới, hiện còn rất ít thị trường sử dụng cơ chế ký quỹ trước khi giao dịch. Thay vào đó, họ sử dụng tài sản đảm bảo để giảm thiểu rủi ro.

Việt Nam đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025. Thị trường chứng khoán đang được hai tổ chức MSCI và FTSE Russell xếp vào nhóm 3 - thị trường cận biên. Trong đó, FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm 2 - thị trường mới nổi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn, giảm học phí cho học sinh vùng bão lũ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các tỉnh, thành xem xét hỗ trợ hoặc không thu học phí với trẻ mầm non, học sinh phổ thông, để chia sẻ khó khăn với người dân sau bão Yagi.

Học sinh trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn, Yên Bái, đi học trở lại sau bão

Học sinh trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn, Yên Bái, đi học trở lại sau bão

Sau khi đánh giá những ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi gây ra, ngày 18/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương căn cứ mức độ thiệt hại của người dân để xem xét hỗ trợ cho học sinh, đặc biệt những em ở vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Trước đó, cơ quan này đã đề nghị các trường đại học ưu tiên bố trí nguồn lực để miễn giảm học phí và có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp với từng sinh viên; hướng dẫn sinh viên vay vốn, khắc phục khó khăn sau bão.

Hiện, chính sách học phí thuộc thẩm quyền của địa phương và các trường đại học.

Theo Nghị định 81 (năm 2021) và 97 (năm 2023) của Chính phủ, trần học phí công lập ở mầm non và phổ thông từ 50.000 - 650.000 đồng một học sinh, một tháng. Hiện, các địa phương thu mức 8.000 - 340.000 đồng, tùy cấp học và địa bàn. Riêng trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học được miễn học phí.

Với bậc đại học, mức học phí từ gần 2 triệu đến 25 triệu đồng mỗi tháng, phổ biến là 2 - 4 triệu đồng. Nhiều trường đã chủ động thống kê số sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão Yagi để hỗ trợ về tài chính, như giãn thời gian đóng học phí, cấp học bổng.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo đến ngày 16/9, ngành giáo dục 18 tỉnh, thành thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Học sinh ở 18 tỉnh, thành phía Bắc mất gần 41.600 bộ sách giáo khoa do lũ lụt.

Bão Yagi và hoàn lưu của bão còn khiến 52 học sinh, trẻ em và 3 giáo viên tử vong; một số học sinh, giáo viên bị mất tích hoặc bị thương; 17 trường học không thể khôi phục, phải xây mới trong thời gian tới; 99 trường chưa xác định được thời gian mở cửa đón học sinh học trực tiếp.

Hợp long cầu vượt sông Đào trong dự án đường hơn 5.000 tỷ đồng tại Nam Định

Sau 2 năm thi công, cầu Đống Cao bắc qua sông Đào thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đã hợp long, dự kiến trong quý IV/2024 thông xe kỹ thuật.

Cầu Đống Cao có chiều dài 761,8m bắc qua sông Đào

Cầu Đống Cao có chiều dài 761,8m bắc qua sông Đào

Sáng 18/9, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định tổ chức lễ hợp long cầu Đống Cao bắc qua sông Đào, kết nối 2 huyện Nghĩa Hưng và Ý Yên của tỉnh Nam Định.

Đây là cây cầu quan trọng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 2).

Tuyến đường này là dự án giao thông trọng điểm của Tỉnh với chiều dài khoảng 46 km; tổng mức đầu tư là 5.326,5 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách Tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Cầu Đống Cao bắc qua sông Đào rộng 12 m, chiều dài 761,8 m, gồm 17 nhịp (3 nhịp chính dầm hộp liên tục và 14 nhịp dẫn bằng dầm Super T).

Đại diện nhà thầu cho biết, cầu Đống Cao được khởi công từ tháng 8/2022, hợp đồng thi công tới năm 2025 nhưng đến nay công trình đã hoàn thành 90% khối lượng.

Sau khi hợp long cầu, các hạng mục khác như hệ thống an toàn giao thông, đèn chiếu sáng, lan can, thảm nhựa... sẽ được nhà thầu gấp rút hoàn thiện. Dự kiến, trong quý IV/2024 cầu sẽ thông xe kỹ thuật, nhanh hơn hợp đồng gần 1 năm.

Cầu Đống Cao sau khi hoàn thành sẽ thay thế cho phà Đống Cao đã hoạt động nhiều năm qua.

Không cập nhật thông tin trước 1/10 sẽ bị dừng giao dịch online

Công ty CP Chứng khoán TP.HCM - HSC (HoSE: HCM) vừa gửi thông báo tới nhà đầu tư về việc cập nhật thông tin căn cước công dân để đảm bảo giao dịch không bị gián đoạn.

Nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới khách hàng về việc cập nhật thông tin cá nhân nhằm chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Nhiều công ty chứng khoán đã gửi thông báo tới khách hàng về việc cập nhật thông tin cá nhân nhằm chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Công ty Chứng khoán HSC vừa gửi thông báo tới khách hàng về việc bổ sung các hình thức cập nhật thông tin từ chứng minh nhân dân (CMND) sang thẻ căn cước/căn cước công dân (CC/CCCD) nhằm chuẩn hóa dữ liệu nhà đầu tư theo chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

"Để tránh gián đoạn dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến tại HSC, khách hàng vui lòng thực hiện cập nhật thông tin chậm nhất trước ngày 1/10”, công ty chứng khoán này thông báo.

Cũng theo HSC, khách hàng sử dụng dịch vụ của công ty có thể cập nhật bằng cách gửi thông tin qua email đã đăng ký.

Tương tự HSC, Công ty Chứng khoán Pinetree cũng thông báo từ ngày 1/10, khách hàng chưa thực hiện cập nhật thông tin để chuẩn hóa dữ liệu sẽ bị dừng cung cấp các dịch vụ giao dịch trực tuyến trên tài khoản giao dịch chứng khoán.

Khách hàng sử dụng dịch vụ của Pinetree sẽ phải thực hiện trực tiếp tại quầy giao dịch, đồng thời thực hiện chuẩn hóa thông tin tại quầy.

Cũng từ ngày 1/10, để đảm bảo nguyên tắc giao dịch điện tử tại Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), các trường hợp khách hàng không cập nhật CCCD trên tài khoản sẽ phải đến trực tiếp tại công ty chứng khoán này để thực hiện giao dịch.

Đầu tháng 8, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đã gửi thông báo tới nhà đầu tư về việc thực hiện cập nhật/điều chỉnh thông tin CMND/CCDD không gắn chip sang CCCD gắn chip trước ngày 20/8.

Thời hạn cập nhật/điều chỉnh sang CCCD gắn chip tại Công ty Chứng khoán VNDirect là ngày cuối cùng của tháng 8. Còn với Công ty Chứng khoán Everest, thời hạn cập nhật muộn nhất là ngày 30/9.

Theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thông tin của nhà đầu tư cần được cập nhật để khớp đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư/hệ thống định danh và xác thực điện tử/CCCD gắn chip.

Bắc Kạn khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở và vỡ đập bùn thải chì kẽm

Mưa lũ đã làm vỡ hồ chứa thải số 1 xưởng tuyển khoáng của Mỏ kẽm chì Chợ Điền tại thôn Bản Nhượng, xã Bản Thi của Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico.

Hiện trường nơi xảy ra vụ vỡ đập, chất thải

Hiện trường nơi xảy ra vụ vỡ đập, chất thải

Ngày 18/9, ông Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây mưa to, kéo dài, nước ngập xoáy vào chân đập đã gây sạt lở, vỡ hồ chứa thải số 1 xưởng tuyển khoáng của Mỏ kẽm chì Chợ Điền tại thôn Bản Nhượng, xã Bản Thi của Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico.

Sự cố này đã làm bùn và nước thải trong hồ thải chảy trôi theo nước mưa lũ xuống phía hạ lưu, làm ảnh hưởng đến một số hộ dân, tràn ra suối Bản Thi, suối Yên Thịnh. Ước tính khối lượng bùn thải quặng bị tràn ra ngoài khoảng 1.000 - 1.500 m3.

Ngay sau khi gặp sự cố, Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn - TMC thuộc Công ty CP Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để khắc phục sự cố hồ thải và thu dọn bùn thải bị chảy tràn.

Sau khi nắm được thông tin, Ủy UBND huyện Chợ Đồn đã ban hành văn bản chỉ đạo Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn - TMC khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện, vật tư khắc phục ngay vị trí thân đập bị sạt lở và dọn dẹp bùn thải, gia cố hồ thải đảm bảo an toàn.

Đồng thời chỉ đạo UBND xã Bản Thi, Yên Thịnh phối hợp với công ty khẩn trương khắc phục sự cố.

Các bên liên quan thông báo cho người dân sinh sống, sản xuất nông nghiệp và gần khu vực dòng chảy bị ô nhiễm để di dời hoặc có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.

Tàu chở 8 người chìm ở biển Quảng Nam

Tàu An Bình Phát 68 chở 4.000 tấn đá bột đến Quảng Ngãi, khi đến vùng biển Quảng Nam bị sóng lớn đánh chìm, các thuyền viên trôi dạt trên bè cứu sinh, chiều 18/9.

Cảnh sát biển ứng cứu 8 thuyền viên trên bè cứu sinh lên tàu, đưa vào bờ an toàn

Cảnh sát biển ứng cứu 8 thuyền viên trên bè cứu sinh lên tàu, đưa vào bờ an toàn

Khoảng 13h, tàu An Bình Phát 68 đi đến vùng biển xã Bình Hải, huyện Thăng Bình. Khi cách bờ khoảng 4,5 hải lý (hơn 8 km) về hướng đông, tàu gặp thời tiết không thuận lợi. Mưa lớn cùng với sóng to khiến tàu bị nghiêng 45 độ, sau đó chìm dần.

Thuyền trưởng phát tín hiệu ứng cứu khẩn cấp, 8 thuyền viên trên tàu lên bè cứu sinh. Khu vực tàu gặp nạn gió cấp 6, có lúc giật cấp 8, biển động mạnh.

Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Nam, cho biết lúc 14h20 tàu Cảnh sát biển 2016, 601 (Cảnh sát biển Vùng 2) chạy ra khu vực tàu chìm. Các chiến sĩ đã triển khai lực lượng tiếp cận bè cứu sinh. Đến 16h, cảnh sát biển tiếp cận đưa 8 thuyền viên lên tàu. Hiện, cơ quan chức năng xác định vị trí tàu chìm để có phương án trục vớt.

Khởi tố 3 bị can trong vụ thi công công trình giao thông kém chất lượng

Mưa bão làm lộ tuyết đường kém chất lượng ở xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, do vậy giám đốc công ty thi công và trưởng phòng quản lý dự án đã bị khởi tố.

Tuyến đường Thôn 9 đi Thôn 10 (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm) để xảy ra nhiều sai phạm dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng. (Nguồn: Báo Lâm Đồng)

Tuyến đường Thôn 9 đi Thôn 10 (xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm) để xảy ra nhiều sai phạm dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng. (Nguồn: Báo Lâm Đồng)

Ngày 18/9, Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ban hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 3 bị can, do liên quan đến thi công công trình đường giao thông kém chất lượng.

Các bị can gồm: Phan Tấn Em, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Thanh; Hà Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Quản lý dự án và Phan Dương Chí nhân viên, đều thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Bảo Lâm.

Cả 3 bị can bị khởi tố để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về thi công công trình xây dựng” được quy định tại Điều 298 Bộ luật Hình sự.

Bị can Phan Tấn Em và Phan Dương Chí bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm khởi tố về tội “Đưa hối lộ và nhận hối lộ” xảy ra tại công trình xây dựng đường giao thông ở xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm).

Trước đó, vào tháng 8/2023, một số cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng một số tuyến đường thuộc huyện Bảo Lâm, trong đó có tuyến đường từ Thôn 9 đi Thôn 10 thuộc xã Lộc Nam bị hư hỏng, bộc lộ dấu hiệu kém chất lượng sau mưa bão.

Tuyến đường này dài hơn 2,1 km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, nền đường rộng 6,5 m, mặt đường rộng 3,5 m. Kết cấu mặt đường dày 36 cm cấp phối đá dăm, bề mặt thảm bê tông nhựa hạt trung 7 cm với tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng.

Đây là tuyến đường do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Bảo Lâm làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Nguyên Thanh. Công trình được khởi công vào tháng 9/2021.

Tuy nhiên, trong đợt mưa bão vào cuối tháng 7/2023, tuyến đường này đã bị hư hỏng, đứt gãy đoạn qua cống suối Đạ Srăng và bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy việc thi công không đúng thiết kế kỹ thuật.

Sau quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra Công an huyện Bảo Lâm đã trưng cầu giám định chất lượng công trình.

Khách đi và đến 5 bến xe ở TP.HCM sẽ có ôtô trung chuyển

Thành phố lập phương án dùng ôtô trung chuyển khách đi và đến 5 bến xe liên tỉnh trên địa bàn các ngày trong tuần, kể cả lễ Tết để thuận lợi cho người dân đi lại.

Khách lên xe trung chuyển tại bến Miền Đông mới

Khách lên xe trung chuyển tại bến Miền Đông mới

Phương án trung chuyển khách vừa được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề nghị Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) phối hợp các bên liên quan thực hiện.

Trước đó, theo mô hình trung chuyển được đơn vị trên đưa ra, việc triển khai sẽ thông qua phần mềm, ứng dụng trên điện thoại thông minh với việc tương tác giữa các bên liên quan (bến xe, doanh nghiệp vận tải, đơn vị trung gian...) để tổ chức đưa đón khách.

Khách có nhu cầu sẽ tải ứng dụng, đăng ký thông tin, theo dõi lộ trình xe trung chuyển đã đăng ký trên ứng dụng. Họ sẽ được đón, trả tại các địa điểm như trong bến xe, trung tâm thương mại, bệnh viện, hoặc theo nhu cầu thực tế với các vị trí cập nhật trên ứng dụng.

Ôtô trung chuyển sẽ dùng loại 29 chỗ trở xuống, hoạt động tất cả ngày trong trong tuần, kể cả lễ, Tết. Chi phí vận chuyển tính vào giá vé xe của hành khách.

Việc trung chuyển khách được Samco đề xuất làm hai giai đoạn. Đầu tiên sẽ áp dụng tại bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức) với việc chuyển tiếp qua một số khu vực nội thành, gồm: quận 1, 3, 5, 7, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, TP. Thủ Đức. Tùy theo nhu cầu thực tế, các đơn vị sau đó sẽ mở rộng sang những địa bàn khác.

Giai đoạn sau, việc trung chuyển khách áp dụng cho 4 bến xe liên tỉnh còn lại ở TP.HCM, gồm: Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), Miền Đông cũ (Bình Thạnh), An Sương (huyện Hóc Môn) và Ngã tư Ga (quận 12). Những nơi này dự kiến được áp dụng từ năm 2025.

Tin cùng chuyên mục