Bản tin thời sự sáng 20/12

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là từ 1/7/2021, mua nhà là có hộ khẩu Hà Nội; tiền điện giảm giá đợt 2 sẽ được hoàn trả trong hóa đơn tháng 1/2021; Công an Hà Nội phá án vụ "tuồn" gần 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài; ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM từ ngày 31/3/2021, thay bằng thẻ chip…

Từ 1/7/2021, mua nhà là có hộ khẩu Hà Nội

Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực từ 1/7/2021 sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi muốn đăng ký thường trú, tạm trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật Cư trú năm 2020 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi muốn đăng ký thường trú, tạm trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh minh họa

Luật Cư trú năm 2020 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi muốn đăng ký thường trú, tạm trú tại các thành phố trực thuộc Trung ương. Ảnh minh họa

Luật Cư trú 2020 được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2020 có những thay đổi trong quy định về điều kiện đăng ký thường trú.

Theo đó, Khoản 1 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định: "Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó".

Như vậy, theo Luật mới, nếu mua nhà và có chỗ ở hợp pháp ở các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP.HCM... thì sẽ có hộ khẩu tại thành phố đó trong trường hợp thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký thường trú theo quy định và nhà ở không thuộc các địa điểm không được đăng ký thường trú mới theo Điều 23 Luật Cư trú 2020 như: Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép…

Trước đó, quy định cũ về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương tại Điều 20 Luật Cư trú năm 2006, sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013 quy định: "Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên".

Tiền điện giảm giá đợt 2 sẽ được hoàn trả trong hóa đơn tháng 1/2021

Tổng số tiền hỗ trợ khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020 - sau 2 đợt hỗ trợ, giảm giá dự kiến là hơn 12.300 tỷ đồng.

Số tiền được giảm sẽ được hoàn trả trong hóa đơn tháng 1/2021. Ảnh minh họa

Số tiền được giảm sẽ được hoàn trả trong hóa đơn tháng 1/2021. Ảnh minh họa

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến, cùng với việc giảm 100% tiền điện cho các cơ sở được dùng để cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19; giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 và giảm 10% giá điện của 4 bậc thang đầu cho toàn bộ 26,6 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trong 3 tháng tại các kỳ hóa đơn tháng 10, 11, 12/2020, tổng số tiền giảm giá điện đợt 2 cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khoảng hơn 3.200 tỷ đồng.

Trong đợt 1, việc thực hiện giảm giá điện và giảm tiền điện trong 3 tháng (4 - 6/2020) đạt hơn 9.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020 - sau 2 đợt hỗ trợ, giảm giá dự kiến là hơn 12.300 tỷ đồng (kế hoạch ban đầu của Chính phủ đưa ra khoảng 11.000 tỷ đồng).

EVN cho biết, do quyết định giảm giá đợt 2 này được đưa ra vào thời điểm tháng 12/2020 nên số tiền được giảm sẽ được hoàn trả trong hóa đơn tháng 1/2021.

Công an Hà Nội phá án vụ "tuồn" gần 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội đã xuất sắc điều tra làm rõ vụ vận chuyển trái phép 30.000 tỷ đồng ra nước ngoài.

Thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền gần 30 nghìn tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép. Ảnh minh họa

Thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền gần 30 nghìn tỷ đồng từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép. Ảnh minh họa

Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03), Công an TP. Hà Nội vừa lập chuyên án đấu tranh và đã khởi tố vụ án "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", khởi tố 10 bị can.

Đây là vụ án nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dài. Phương thức, thủ đoạn của các bị can hết sức tinh vi để chuyển số tiền đặc biệt lớn (gần 30 nghìn tỷ đồng) từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép, nhằm che giấu hành vi phạm tội khác.

Liên quan đến vụ án, trước đó, ngày 25/9/2020, PC03, Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới. Chuyên án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.

Ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM từ ngày 31/3/2021, thay bằng thẻ chip

Bắt đầu từ ngày 31/3/2021, các ngân hàng sẽ không phát hành thẻ nội địa mới là thẻ từ nữa để chuyển sang phát hành thẻ chip.

Các ngân hàng sẽ dừng phát hành thẻ từ từ ngày 31/3/2021

Các ngân hàng sẽ dừng phát hành thẻ từ từ ngày 31/3/2021


Đó là nội dung mới tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thẻ ngân hàng đang được lấy ý kiến.

Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định mới nhằm ngăn ngừa hiện tượng một số ngân hàng vẫn tiếp tục phát hành thẻ mới là thẻ từ cho khách hàng, ảnh hưởng đến lộ trình chuyển đổi thẻ chip nội địa năm 2021.

Do vậy, Ngân hàng Nhà nước bổ sung thời hạn bắt buộc các tổ chức phát hành thẻ ngân hàng mới phải là thẻ chip nội địa để các ngân hàng tích cực trong công tác phát hành thẻ chip, bố trí nguồn nhân lực, kinh phí trong việc hỗ trợ khách hàng chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip.

Thông tư mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/3/2021 để tạo điều kiện cho các ngân hàng có khoảng thời gian triển khai các biện pháp phù hợp trong việc dừng phát hành thẻ từ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng kéo dài thời hạn buộc các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của tổ chức thanh toán thẻ tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa thêm 1 năm so với quy định cũ, đến ngày 31/12/2021.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc gia hạn này để phù hợp với tiến độ triển khai thực tế về chuyển đổi các thiết bị chấp nhân thẻ của các ngân hàng.

Hoàn tất kết luận điều tra Công ty Alibaba lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Cơ quan điều tra đã kê biên 650 thửa đất với tổng giá trị theo kết quả định giá nhà và đất là hơn 1.478 tỷ đồng.

Dự án ma của Công ty CP Địa ốc Alibaba tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Dự án ma của Công ty CP Địa ốc Alibaba tại xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Ngày 19/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM cho biết đã hoàn tất Kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ án Công ty CP Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ thủ đoạn lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Alibaba.

Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu vụ án, là người thành lập và điều hành phương thức lừa đảo. Luyện tổ chức lập ra Công ty Alibaba và 22 pháp nhân khác, vẽ ra 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận, tự phân lô, tách thửa trái pháp luật để bán cho 3.924 bị hại, qua đó chiếm đoạt số tiền hơn 2.373 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra đề nghị truy tố Luyện và 19 đồng phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài tội danh trên, 2 bị can là Võ Thị Thanh Mai, vợ của Luyện, Giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm và Nguyễn Thái Lực, em ruột Luyện, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Địa ốc Xanh, còn bị Cơ quan điều tra đề nghị truy tố thêm tội "rửa tiền". Đối tượng Huỳnh Thị Kim Thắng, Kế toán trưởng Công ty Alibaba cũng bị đề nghị truy tố về tội "rửa tiền."

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã tạm giữ nhiều tài sản của Công ty Alibaba và các bị can. Đáng chú ý, Cơ quan điều tra đã kê biên 650 thửa đất. Tổng giá trị theo kết quả định giá nhà và đất là hơn 1.478 tỷ đồng.

Long An: Áp dụng thu phí tự động tại BOT tuyến Bến Lức - Đức Hòa

Từ 14 giờ ngày 19/12, BOT tuyến Đường tỉnh 830 nối liền 2 huyện Bến Lức và Đức Hòa của Long An áp dụng thu phí tự động.

Trạm thu phí tuyến Đức Hòa - Bến Lức

Trạm thu phí tuyến Đức Hòa - Bến Lức

Ông Nguyễn Anh Tài, Giám đốc Công ty BOT tuyến Đường tỉnh 830, cho biết, từ 14 giờ ngày 19/12, trạm thu phí BOT Bến Lức - Đức Hòa (Long An) chính thức áp dụng thu phí tự động không dừng (ETC).

Theo ông Tài, Công ty đã chủ động phối hợp với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC triển khai dán thẻ thu phí tự động VETC (thẻ E-Tag) cho khách hàng đang sử dụng vé tháng, quý.

Khi đưa vào dịch vụ thu phí ETC, trạm thu phí Đức Hòa - Bến Lức vẫn sử dụng song song 2 hình thức thu phí ETC và thu phí bằng tiền mặt.

BOT Bến Lức - Đức Hòa là dự án BOT giao thông đầu tiên của tỉnh Long An, do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Băng Dương thực hiện với tổng mức đầu tư 1.079 tỷ đồng. Trạm chính thức đi vào hoạt động và thu phí từ ngày 18/6/2018. Thời gian thu phí dự kiến khoảng 18 năm.

Sân bay trực thăng quân y đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động

Sáng 19/12, sân bay cấp cứu trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) chính thức đi vào hoạt động.

Sân bay cấp cứu trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Quân y 175

Sân bay cấp cứu trực thăng trên nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Quân y 175

Đây là sân bay trực thăng quân y đầu tiên được Bộ Quốc phòng cấp phép. Trước đây, các trường hợp cấp cứu từ Trường Sa về đất liền được chuyển bằng trực thăng cấp cứu về sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó mới chuyển về Bệnh viện Quân y 175. Sân bay cấp cứu trực thăng Bệnh viện Quân y 175 đi vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian di chuyển và tăng khả năng cứu chữa cho bệnh nhân được chuyển từ đảo về.

Ngoài phục vụ vận chuyển cấp cứu cho chiến sĩ và người dân gặp tai nạn ở Trường Sa, sân bay cấp cứu trực thăng của Bệnh viện Quân y 175 sẽ là điểm phát triển cấp cứu nhanh, giải quyết tất cả tình huống, sự cố y tế đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ và người dân TP.HCM.

Quảng Nam: Thành lập Vườn quốc gia sông Thanh

Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh rộng hơn 76.660 ha vừa được UBND tỉnh Quảng Nam quyết định chuyển thành vườn quốc gia.

Vườn quốc gia sông Thanh rộng hơn 76.000 ha, với hơn 830 loài thực vật bậc cao sinh sống

Vườn quốc gia sông Thanh rộng hơn 76.000 ha, với hơn 830 loài thực vật bậc cao sinh sống

Vườn quốc gia sông Thanh nằm trên 12 xã của huyện Phước Sơn và Nam Giang. Trong đó, 58.220 ha nằm trong phạm vi bảo vệ nghiêm ngặt, nguyên vẹn toàn bộ tài nguyên rừng và đất rừng.

Hơn 18.360 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái với chức năng bảo vệ cảnh quan, tài nguyên rừng. Khu vực này sẽ phục hồi các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và các giá trị khác của khu rừng; thực nghiệm, nghiên cứu lâm sinh, động, thực vật và địa chất thủy văn; phát triển du lịch sinh thái.

Việc thành lập vườn quốc gia nhằm bảo vệ rừng tốt hơn, tiếp tới xây dựng khu cứu hộ động vật hoang dã của miền Trung - Trường Sơn. Vườn có chức năng bảo tồn các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học, các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển du lịch.

Các nhà chuyên môn ghi nhận nơi đây có hơn 830 loài thực vật bậc cao, trong đó 23 loài đặc hữu của Việt Nam; 49 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong rừng, hệ động vật rất đa dạng, gồm 53 loài thú, 183 loài chim, 44 loài bò sát, 21 loài lưỡng cư, 25 loài cá và nhiều loài động vật không xương sống.