Bản tin thời sự sáng 20/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thống nhất nghiên cứu hệ thống tàu điện ngầm kết nối Đà Nẵng và Quảng Nam; bắt đầu thí điểm cấp giấy khai sinh điện tử; cưỡng chế các điểm du lịch trái phép ở hồ Trị An; doanh nghiệp suýt mất 5 container điều xuất sang Algeria…

Thống nhất nghiên cứu hệ thống tàu điện ngầm kết nối Đà Nẵng và Quảng Nam

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Đà Nẵng và Quảng Nam thống nhất nghiên cứu nhiều dự án giao thông kết nối 2 địa phương.

Cầu Quảng Đà, một trong những dự án giao thông kết nối TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam

Cầu Quảng Đà, một trong những dự án giao thông kết nối TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam

Ngày 19/4, Sở GTVT TP. Đà Nẵng cho biết vừa có buổi làm việc với Sở GTVT tỉnh Quảng Nam về định hướng phát triển hệ thống giao thông kết nối, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của 2 địa phương.

Theo đó, Sở GTVT 2 địa phương đã làm việc xoay quanh việc tiếp tục kiểm tra, rà soát việc lập quy hoạch, định hướng phát triển, hệ thống giao thông các tuyến đường lớn kết nối tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.

Cụ thể, 2 địa phương phối hợp nghiên cứu quy hoạch tuyến cao tốc CT21 (Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Cửa khẩu Bờ Y, Kon Tum) theo hướng xem xét sử dụng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhằm hạn chế GPMB, (vị trí chuyển tuyến tại Trạm thu phí Phong Thử để nối với thị trấn Thạnh Mỹ), các tuyến đường kết nối từ cửa khẩu quốc tế Nam Giang về thành phố Đà Nẵng và thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Đồng thời, nghiên cứu, triển khai phương án kết nối vận tải hành khách công cộng có khối lượng lớn giữa hai địa phương, thống nhất hướng tuyến và loại xe di chuyển trên các tuyến đường kết nối giữa hai địa phương, nhất là tuyến đường biển sân bay Chu Lai - Đà Nẵng.

Xây dựng kế hoạch kết nối giao thông đường thủy tuyến Đà Nẵng - Hội An sau khi Dự án sông Cổ Cò được nạo vét, khơi thông. Nghiên cứu, xem xét khai thác hợp lý tuyến du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng - Cù Lao Chàm.

Đáng chú ý, đại diện Sở GTVT 2 địa phương thống nhất nghiên cứu, lập công tác chuẩn bị đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn thực hiện tuyến LRT/MRT kết nối giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, phấn đấu hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án vào năm 2024, đầu tư xây dựng vào giai đoạn 2025 - 2030.

Bắt đầu thí điểm cấp giấy khai sinh điện tử

Bộ Tư pháp đang thí điểm cấp giấy khai sinh, trích lục khai tử điện tử tại Hà Nội và Hà Nam từ 17/4; đến tháng 6 sẽ triển khai cả nước.

Bản mẫu giấy khai sinh và trích lục khai tử điện tử

Bản mẫu giấy khai sinh và trích lục khai tử điện tử

Theo ông Nguyễn Thanh Hải (Cục trưởng Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp), sau hai ngày triển khai, Hà Nội đã cấp được 212 giấy khai sinh điện tử, 27 trích lục khai tử điện tử. Con số ở Hà Nam lần lượt là 11 và 4.

Việc thí điểm cấp bản điện tử giấy tờ hộ tịch được giao cho Sở Tư pháp Hà Nội và Hà Nam. Việc này chỉ áp dụng cho trường hợp đăng ký khai sinh mới.

Sau một tháng thí điểm, Bộ Tư pháp sẽ đánh giá để dự kiến triển khai trên cả nước từ tháng 6.

Về quy trình, khi người dân đi đăng ký khai sinh, khai tử có yêu cầu, cán bộ tư pháp sẽ cấp bản điện tử đi kèm với bản giấy. Bản điện tử sẽ được gửi về địa chỉ gmail hoặc phương tiện khác do người dân đăng ký.

Theo ông Hải, việc thí điểm này được thực hiện sau quá trình Bộ Tư pháp nghiên cứu kỹ thuật, chỉnh lý để liên thông với dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bản điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân như khi lên máy bay, thay vì phải xuất trình giấy khai sinh bản giấy của con, cha mẹ chỉ cần cung cấp bản điện tử có QR Code cho cán bộ có thẩm quyền để "quét" thông tin khai sinh và nó có giá trị pháp lý như bản giấy.

Quy định về sử dụng bản điện tử giấy hộ tịch có từ ngày 18/2/2022 nhưng đến nay chỉ có Hà Nội và Hà Nam thí điểm. Bản điện tử giấy tờ hộ tịch sẽ thay bản giấy trong các giao dịch, thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến hoặc khi làm thủ tục đăng ký hộ tịch trực tiếp tại cơ quan đăng ký hộ tịch mà cơ sở dữ liệu điện tử chưa được vận hành thống nhất.

Cưỡng chế các điểm du lịch trái phép ở hồ Trị An

Chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế các công trình xây trái phép ở hồ Trị An (tỉnh Đồng Nai) sau khi các cơ sở du lịch sinh thái không tự tháo dỡ.

Xe múc tháo dỡ các công trình kiên cố bên hồ Trị an

Xe múc tháo dỡ các công trình kiên cố bên hồ Trị an

Sáng 19/4, UBND xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu cùng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai và Công ty Thủy điện Trị An lập đoàn cưỡng chế các công trình du lịch sinh thái xây dựng trái phép ở hồ Trị An.

Đoàn đã giải thích, vận động chủ các cơ sở tự nguyện tháo dỡ công trình trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng. Với những công trình kiên cố, các cơ sở không hợp tác, lực lượng chức năng đã cho xe múc phá bỏ, trả lại nguyên trạng.

Ông Trần Đức Sơn, Chủ tịch UBND xã Mã Đà cho biết, trên địa bàn có hơn 30 điểm du lịch sinh thái. Tất cả các công trình này đều xây dựng trái phép, xâm phạm đất rừng, lòng hồ Trị An. Địa phương đã lập biên bản, đồng thời vận động để các chủ cơ sở tự tháo gỡ.

Hồ Trị An rộng 323 km2 thuộc huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom và Định Quán. Hồ nằm cạnh rừng nguyên sinh nên vào cuối tuần, hàng trăm người đổ về đây cắm trại, câu cá, vui chơi. Nắm bắt nhu cầu, nhiều nhà đầu tư mua đất rừng, rẫy bằng giấy tay (do đất chưa có sổ đỏ) rồi dựng lều trại, quán cà phê, cơ sở lưu trú.

Các cơ sở này đầu tư hàng loạt lều trại bằng khung sắt, lợp mái lá, đổ nền kiên cố. Để hút du khách, ngoài nghỉ dưỡng, ăn uống, các dịch vụ liên quan đến sông nước như ca nô, kayak, chèo SUP cũng được triển khai. Không chỉ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất rừng, các cơ sở còn lấn chiếm diện tích vùng bán ngập của lòng hồ. Việc này gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường nguồn nước, tiềm ẩn nguy hiểm...

Doanh nghiệp suýt mất 5 container điều xuất sang Algeria

Một doanh nghiệp Việt xuất khẩu 5 container hạt điều sang Algeria suýt mất tiền hàng vì khách mua mất năng lực pháp lý.

Các container điều trong vụ lô hạt điều bị mất kiểm soát được tạm giữ trước đó tại cảng Genoa (Italy).

Các container điều trong vụ lô hạt điều bị mất kiểm soát được tạm giữ trước đó tại cảng Genoa (Italy).

Thông tin này được Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) cho biết khi gửi cảnh báo đến các hội viên, ngày 19/4. Theo Vinacas, tháng 8/2022, một công ty Việt Nam xuất khẩu 5 container hạt điều sang Algeria qua trung gian đặt tại Nam Phi. Công ty trung gian Nam Phi chỉ đặt cọc 10% giá trị tiền hàng và trả số tiền còn lại khi hàng cập cảng.

Tuy nhiên, khi hàng đến cảng Mostaganem, khách hàng là Công ty Eurl ATS Food (Algeria) không thể làm thủ tục thông quan vì họ bị Bộ Thương mại Algeria đưa vào danh sách gian lận thương mại từ tháng 6/2022.

Sau đó, doanh nghiệp Việt và hãng tàu đã làm thủ tục đổi người nhận hàng theo đề nghị của trung gian tại Nam Phi, song hải quan Algeria không chấp nhận.

Theo hải quan cảng Mostaganem, Công ty Eurl ATS Food mất năng lực pháp lý để thực hiện các thủ tục như nhập khẩu, đổi doanh nghiệp nhận hàng thay thế hay tái xuất hàng. Hàng nằm ở cảng hơn 5 tháng, theo quy định hải quan Algeria được quyền bán đấu giá số container này.

Trước sự việc trên, Vinacas đã nhờ Thương vụ Việt Nam tại Algeria liên hệ hải quan Algeria hủy việc đấu giá sung công quỹ. Nhờ đó, doanh nghiệp Việt đang hoàn thiện thủ tục để hoàn trả hàng về Việt Nam.

Hiệp hội Điều đánh giá, vụ xuất khẩu sang Algeria gần tương tự vụ 100 container điều đi Italy, là do doanh nghiệp không nắm rõ thông tin khách hàng mà chỉ tin vào môi giới.

Năm 2022, doanh nghiệp xuất khẩu điều từng bị mất kiểm soát 35 trong 100 container điều xuất sang Italy. Lúc đó, các doanh nghiệp Việt chưa nhận được tiền, còn người mua, bằng cách nào đó, đã lấy được bộ chứng từ gốc. Sau hàng loạt hỗ trợ và vào cuộc của luật sư, Hiệp hội và nhà chức trách của 2 quốc gia, 35 container hạt điều đã được hoàn trả lại cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đường vành đai qua TP. Tân An thông xe 12 km dịp 30/4

Gần 12 km trong tổng 23 km đường vành đai qua TP. Tân An (tỉnh Long An) sẽ được thông xe trước để giảm áp lực giao thông qua địa bàn dịp lễ 30/4.

Đoạn sẽ thông xe trước 30/4 để phục vụ đi lại người dân

Đoạn sẽ thông xe trước 30/4 để phục vụ đi lại người dân

Thông tin được ông Đặng Hoàng Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết ngày 19/4.

Đoạn được thông xe từ Cụm công nghiệp Tú Phương (xã Lợi Bình Nhơn) giao Quốc lộ 1 (phường Tân Khánh, Khánh Hậu) đến Tỉnh lộ 827A (An Vĩnh Ngãi và xã Bình Tâm, TP. Tân An). Hiện, các đơn vị thi công hoàn thiện công đoạn cuối như thảm nhựa, kẻ vạch, lắp biển báo để kịp đưa vào sử dụng tuần sau.

Đường vành đai TP. Tân An dài gần 23 km, có điểm đầu giao ngã tư Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa và điểm cuối giao Quốc lộ 1 tại Phường 5, TP. Tân An. Dự án gồm 9 gói thầu, khởi công năm 2019, tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng.

Hiện 6 gói thầu đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Các gói thầu còn lại, trong đó có dự án cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (nối xã Bình Tâm và xã Nhơn Thạnh Trung) kinh phí hơn 600 tỷ đồng sẽ hoàn thiện vào cuối năm.

Lắp thêm 4 máy phát điện cho Côn Đảo

Điện lực sẽ lắp 4 máy phát, cùng 9 máy hiện có nâng tổng công suất khoảng 16 MW đảm bảo cấp điện cho người dân Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Một tổ máy phát cung cấp điện cho Côn Đảo

Một tổ máy phát cung cấp điện cho Côn Đảo

Thông tin được ông Nguyễn Văn Giáp, Giám đốc Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết ngày 19/4. Trong đó, tổ máy phát điện diesel công suất khoảng 1,5 MW được vận hành thử ở TP.HCM sẽ đưa ra Côn Đảo lắp phục vụ cho người dân trước dịp lễ 30/4.

Ba tổ máy khác cùng công suất sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm nay và trong năm 2024. Cùng 9 tổ máy hiện có, công suất cấp điện cho Côn Đảo tối đa sẽ được nâng lên 16 MW.

Việc bố trí thêm máy phát nhằm giảm tải cho hệ thống phát điện trên đảo đã cũ, song phải hoạt động liên tục 20 - 22 giờ mỗi ngày. Cuối năm ngoái, 3 tổ máy phát điện bị hỏng, khiến nguồn phát điện ở đảo giảm 4 MW, không cung cấp đủ cho sản xuất, kinh doanh.

Theo Ban Quản lý dự án điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của Côn Đảo bình quân là 16 - 22% trong giai đoạn 2015 - 2019, giảm hai năm tiếp theo do Covid-19. Dự báo đến 2025 đạt hơn 24,5 MW, tức tăng 27,3% và sẽ đạt 114,4 MW vào 2045. Năm ngoái, ngành điện phải bù lỗ 190 tỷ đồng vì cấp điện bằng máy phát diesel.

Để cấp điện ổn cho Côn Đảo, EVN kiến nghị đầu tư tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển để kéo điện ra Côn Đảo. Tuyến gồm phần dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm trên đảo 6,1 km cùng các hạng mục khác. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.

Đây được cho là phương án khả thi, đảm bảo hiệu quả tài chính, khả năng cấp điện liên tục và ở giá chấp nhận được. Cách này cũng tạo điều kiện hình thành tuyến cáp quang giữa đất liền và Côn Đảo.

TP.HCM giảm 3.238 chuyến của 21 tuyến xe buýt có trợ giá trong dịp nghỉ lễ 30/4

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa ban hành kế hoạch về việc phục vụ các ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5.

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt để phục vụ hành khách trong dịp lễ 30/4. Ảnh minh họa

Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP.HCM điều chỉnh nhiều tuyến xe buýt để phục vụ hành khách trong dịp lễ 30/4. Ảnh minh họa

Theo đó, căn cứ vào nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 các năm trước, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM chia các tuyến xe buýt trên địa bàn Thành phố thành các nhóm tuyến cần điều chỉnh và giữ ổn định để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách.

Đầu tiên là nhóm tuyến cần tăng số chuyến xe thực hiện/ngày. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM dự báo, trong đợt lễ này, hành khách sẽ có nhu cầu đi bằng xe buýt đến huyện Cần Giờ tăng cao. Như vậy, trong dịp lễ năm nay, sẽ điều chỉnh tăng 26 chuyến/ngày của hai tuyến là 77 và 90, tổng số chuyến tăng trong 5 ngày nghỉ lễ là 130 chuyến xe.

Tiếp theo là nhóm tuyến có sản lượng giảm vào dịp lễ. Trung tâm ghi nhận sản lượng hành khách tham gia đi lại vào các ngày này giảm khối lượng. Do đó, cần điều chỉnh lại cơ cấu số chuyến thực hiện/ngày cho phù hợp với nhu cầu đi lại của hành khách, cụ thể: giảm 3.238 chuyến của 21 tuyến xe buýt có trợ giá (các tuyến xe buýt số 1, 4, 6, 8, 16, 20, 27, 31, 36, 43, 45, 53, 59, 65, 68, 69, 72, 102, 104, 110 và 148).

Kế đến là nhóm tuyến ngưng hoạt động. Trong dịp lễ này học sinh và sinh viên sẽ được nghỉ học từ ngày 29/4 đến hết ngày 3/5. Do đó, các tuyến xe buýt số 50, 52 sẽ tạm thời ngưng hoạt động. Cụ thể, từ ngày 29/4 đến ngày 3/5, giảm 780 chuyến.

Về nhóm tuyến xe buýt kết nối sân bay Tân Sơn Nhất. Các đơn vị vận tải đang đảm nhận khai thác trên các tuyến xe buýt số 103, 109, 152 và 72-1 phải đảm bảo hoạt động đúng các thông số đã được Sở GTVT và biểu đồ chạy xe do Trung tâm ban hành.