Bản tin thời sự sáng 20/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi công, khánh thành 80 công trình quy mô lớn dịp 30/4; Bộ Chính trị quy định cơ cấu đảng bộ các tỉnh, thành sau sáp nhập; truy sữa và sản phẩm dinh dưỡng của đường dây hàng giả lọt vào bệnh viện; giá vàng miếng SJC giảm sâu 6 triệu đồng một lượng…

Khởi công, khánh thành 80 công trình quy mô lớn dịp 30/4

80 công trình, dự án lớn trên cả nước đồng loạt khởi công, khánh thành vào ngày 19/4, mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẵn sàng phục vụ khách hàng trước 30/4

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất sẵn sàng phục vụ khách hàng trước 30/4

Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sự kiện khởi công đồng loạt 80 công trình, dự án trọng điểm quốc gia nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, kết nối từ điểm cầu chính TP.HCM đến tất cả các công trình, dự án còn lại trên cả nước.

Bộ Xây dựng, cơ quan chủ trì sự kiện cho biết, 80 dự án được tổ chức khởi công, khánh thành trong dịp này có tổng vốn đầu tư hơn 445.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách là 260.000 tỷ đồng. Các dự án khởi công, khánh thành sáng 19/4 có khoảng 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng, 12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án công trình thủy lợi.

Tại TP.HCM có 6 dự án lớn được khánh thành, khởi công gồm: Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; thông xe kỹ thuật đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn; khởi công hạng mục lấn biển thuộc Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ; khởi công Dự án Vành đai 2 TP.HCM.

Một loạt dự án trọng điểm khác cũng đồng loạt được khánh thành, khởi công như khánh thành công trình làm mới đường trục ven biển ĐT.719B thuộc Dự án thành phần cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang; khởi công Trung tâm thương mại AEON vốn đầu tư 1.180 tỷ đồng tại Hải Dương; khởi công Dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại và du lịch tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; khởi công Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng...

Bộ Chính trị quy định cơ cấu đảng bộ các tỉnh, thành sau sáp nhập

Theo quy định của Bộ Chính trị, đảng bộ các tỉnh, thành sau sáp nhập được giữ nguyên số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy trong nhiệm kỳ mới và giảm dần trong 5 năm.

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII

Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII

Nội dung này được quy định trong Chỉ thị số 45 về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, do Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành.

Theo quy định mới này, đối với địa phương hợp nhất, sáp nhập, Bộ Chính trị nêu rõ, được giữ số lượng ban chấp hành, ban thường vụ, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy nhiệm kỳ 2025 - 2030 như số lượng được chỉ định tại thời điểm sau hợp nhất, sáp nhập nhiệm kỳ 2020 - 2025 (trừ các nhân sự không đủ tuổi tái cử, chuyển công tác khác hoặc có nguyện vọng nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi).

Bộ Chính trị cũng quy định số lượng này sẽ thực hiện giảm dần trong thời gian 5 năm sau khi hợp nhất, sáp nhập. Đến nhiệm kỳ 2030 - 2035, số lượng cấp ủy sẽ thực hiện theo quy định mới của Bộ Chính trị.

Ở các địa phương không hợp nhất, sáp nhập, số lượng ban chấp hành, ban thường vụ thực hiện như nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo quy định của Bộ Chính trị, định hướng cơ cấu ban thường vụ gồm: bí thư, phó bí thư; chủ tịch HĐND (bí thư hoặc phó bí thư kiêm nhiệm), chủ tịch UBND; 1 phó chủ tịch HĐND, 1 phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy và trưởng các ban: tổ chức, tuyên giáo và dân vận, nội chính.

Trong ban thường vụ còn có chủ tịch mặt trận tổ quốc (đối với nơi có từ 3 phó bí thư trở lên thì phân công 1 người kiêm chủ tịch mặt trận tổ quốc); chỉ huy trưởng quân sự, giám đốc công an; người đứng đầu một số đảng bộ xã, phường, đặc khu và lĩnh vực quan trọng cần tập trung sự lãnh đạo của ban thường vụ cấp ủy.

Đối với tỉnh, thành phố được bố trí 2 phó bí thư, Bộ Chính trị định hướng không bố trí phó bí thư kiêm chủ tịch mặt trận tổ quốc; bổ sung 1 phó chủ tịch mặt trận tổ quốc có cơ cấu tham gia ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đối với những nơi bố trí phó bí thư kiêm chủ tịch mặt trận tổ quốc.

Đối với tỉnh, thành phố hợp nhất, sáp nhập, số lượng ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có thể bố trí bổ sung 1 - 2 cơ cấu.

Bộ Chính trị lưu ý, cán bộ được Trung ương điều động, luân chuyển giữ chức vụ bí thư, phó bí thư cấp ủy hoặc phó bí thư, chủ tịch UBND cấp tỉnh nằm trong số lượng ủy viên ban chấp hành, ủy viên thường vụ cấp ủy nêu tại chỉ thị này.

Truy sữa và sản phẩm dinh dưỡng của đường dây hàng giả lọt vào bệnh viện

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện rà soát sữa và sản phẩm dinh dưỡng đang tư vấn bệnh nhân dùng, trong bối cảnh phát hiện một số nhãn hiệu thuộc công ty sản xuất hàng giả.

Loại sữa mà bệnh nhân sử dụng tại Bệnh viện 108 do công ty sản xuất hàng giả cung cấp. Ảnh: Bệnh nhân cung cấp

Loại sữa mà bệnh nhân sử dụng tại Bệnh viện 108 do công ty sản xuất hàng giả cung cấp. Ảnh: Bệnh nhân cung cấp

"Bệnh viện phải rà soát xem đã sử dụng từ khi nào, dùng cho ai và thông tin lại cho người bệnh... Nếu bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe liên quan đến sử dụng các sản phẩm này thì cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm do đã tư vấn dùng", TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế cho biết ngày 19/4.

Các ngày qua, lần lượt Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rồi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn thông báo dừng tư vấn sử dụng và thu hồi sản phẩm sữa Hofumil Gold Plus, Hapomil do phát hiện chúng thuộc công ty sản xuất sữa giả.

Trước đó, Bộ Công an thông tin triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng. Sữa giả được bán ở nhiều nơi từ các cửa hàng bán lẻ đến sàn thương mại điện tử.

Về việc sữa của công ty sản xuất hàng giả lọt vào bệnh viện qua đấu thầu rộng rãi, ông Đức cho biết, Bộ Y tế không hạn chế nhà thầu nhưng cần đảm bảo chất lượng.

Ngày 19/4, Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế đề nghị các địa phương thắt chặt kiểm soát thực phẩm giả hoặc kém chất lượng, quản lý sản phẩm doanh nghiệp tự công bố hoặc đăng ký bản công bố chất lượng. Các cơ quan chức năng hậu kiểm, rà soát sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, ứng dụng bán hàng, website... để xử lý sản phẩm chưa công bố chất lượng hoặc quảng cáo sai phạm.

Người dân cũng cần trang bị kiến thức phân biệt quảng cáo vi phạm, ví dụ quảng cáo có bác sĩ, cam kết khỏi bệnh, thiếu dòng cảnh báo... Khi mua hàng, kiểm tra kỹ thông tin trên nhãn hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu).

Cảnh giác khi mua hàng được quảng cáo "uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh"; hoặc có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm; không có dòng chữ "thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"…

Giá vàng miếng SJC giảm sâu 6 triệu đồng một lượng

Mỗi lượng vàng miếng giảm tới 6 triệu đồng xuống 114 triệu đồng, ngay sau chỉ đạo ổn định thị trường của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc.

Chiều 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn hạ giá vàng miếng về 112 - 114 triệu đồng/lượng

Chiều 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn hạ giá vàng miếng về 112 - 114 triệu đồng/lượng

Sáng 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) liên tục điều chỉnh biểu giá mua bán vàng miếng. Tới 10h15, SJC niêm yết giá vàng miếng tại 113 - 117 triệu đồng một lượng, giảm 4 triệu đồng ở chiều mua vào và 3 triệu đồng chiều bán ra so với ngày 18/4. Chênh lệch giữa giá mua và bán nới rộng lên 4 triệu đồng một lượng.

Mỗi lượng nhẫn trơn cũng được SJC giảm 2,5 triệu đồng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng ở chiều bán ra, xuống 111,5 - 115,5 triệu đồng. Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) hạ giá nhẫn trơn về 112 - 116 triệu đồng một lượng.

Tới chiều 19/4, giá vàng miếng và nhẫn trơn tiếp tục giảm thêm vài triệu đồng một lượng so với phiên sáng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) hạ giá vàng miếng về 112 - 114 triệu đồng một lượng, thấp hơn 5 triệu đồng ở chiều mua vào và 6 triệu đồng chiều bán ra so với cuối ngày 18/4. Vàng nhẫn trơn tại SJC trong ngày 19/4 cũng giảm với biên độ 3,5 - 4,5 triệu xuống 109,5 - 113,5 triệu đồng một lượng.

Giá vàng trong nước giảm mạnh ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có giải pháp ổn định thị trường vàng. Vài ngày gần đây, giá vàng miếng trong nước nhảy vọt, dẫn đến mức chênh lệch với thị trường thế giới đẩy lên 15 triệu đồng một lượng.

Từ tháng 6 năm ngoái đến nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn thực hiện chính sách "ấn định" giá vàng miếng bằng cách bán can thiệp cho 4 ngân hàng quốc doanh và SJC. Tuy nhiên, nguồn cung thực tế trên thị trường không đáp ứng đủ lực mua từ người dân, đặc biệt vào những thời điểm giá thế giới lên cao.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại 3.327 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 104,8 triệu đồng mỗi lượng. Hiện, chênh lệch giữa hai thị trường giảm còn 10 triệu đồng mỗi lượng.

Hơn 13.000 tỷ đồng bồi thường, tái định cư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Ninh Thuận đang tập trung kiểm kê các hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án điện hạt nhân, dự kiến tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 13.000 tỷ đồng.

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nơi được quy hoạch Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nơi được quy hoạch Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1

Thông tin trên được đại diện UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I, tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Đến nay, Ninh Thuận đã lập Ban chỉ đạo di dân tái định cư Dự án, phân công từng sở, ngành, địa phương, lên các mốc thời gian chi tiết cụ thể. Theo lộ trình, Tỉnh sẽ hoàn thành công tác kiểm đếm, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào cuối tháng 12/2025.

Qua kiểm kê, có 1.461 hộ với 5.229 người dân trực tiếp bị ảnh hưởng khi thực hiện hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Trong đó, tại Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam), có 617 hộ dân với 2.910 người bị ảnh hưởng. Dự trù kinh phí bồi thường, hỗ trợ và xây dựng các công trình tái định cư khoảng 6.450 tỷ đồng. Khu tái định cư sẽ được xây dựng rộng khoảng 64,85 ha.

Tại Dự án Nhà máy 2 (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), có 844 hộ dân với 2.319 người bị ảnh hưởng. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ và xây dựng công trình tái định cư dự kiến khoảng 6.560 tỷ đồng. Khu tái định cư sẽ được xây dựng trên diện tích 54,4 ha.

Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Thuận đang phối hợp với ngành liên quan căn cứ nghị quyết của Quốc hội về "một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận" và các quy định hiện hành để có chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng; chậm nhất trong tháng 4 phải hoàn thành để làm cơ sở chi trả cho người dân.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với tổng công suất 4.000 MW từng được Quốc hội thông qua năm 2009. Nhà máy 1 quy hoạch tại thôn Vĩnh Trường rộng 440 ha. Nhà máy 2 quy hoạch tại thôn Thái An rộng 380 ha.

Sau nhiều lần lùi khởi công, cuối năm 2016, Quốc hội ra Nghị quyết tạm dừng chủ trương đầu tư Dự án. Đến tháng 11/2024, Quốc hội quyết nghị tiếp tục thực hiện Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam. Ninh Thuận được giao thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Hành khách Vietnam Airlines sắp được sử dụng Internet trên tàu bay

Dự án Dịch vụ Internet trên tàu bay (IFC) cho đội bay Airbus A350 sẽ được thực hiện từ tháng 7/2025, đánh dấu bước tiến mới trong chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm hành khách của Vietnam Airlines.

Máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines

Máy bay Airbus A350 của Vietnam Airlines

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức ký kết và trao hợp đồng hợp tác triển khai dịch vụ Internet trên tàu bay (IFC) cho đội bay Airbus A350. Dự án sẽ được thực hiện từ tháng 7/2025.

Trong giai đoạn đầu, dịch vụ sẽ được lắp đặt trên 10 tàu bay Airbus A350 - dòng máy bay hiện đại đang khai thác các đường bay dài tới Mỹ, châu Âu và một số đường bay nội địa. Dự kiến từ năm 2026, Vietnam Airlines sẽ mở rộng triển khai IFC trên toàn bộ đội bay thân rộng, mang đến trải nghiệm kết nối liền mạch cho hàng triệu hành khách mỗi năm.

Trước đó, năm 2024, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác, thống nhất lộ trình triển khai dịch vụ IFC trên các chuyến bay quốc tế và nội địa, bao gồm việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, lắp đặt thiết bị, cấu hình phần mềm và hỗ trợ vận hành.

Với công nghệ kết nối hàng không tiên tiến, dịch vụ Internet trên không của Vietnam Airlines có thể đạt tốc độ tới 60 Mbps, đáp ứng tốt nhu cầu làm việc, giải trí và kết nối xuyên suốt hành trình của hành khách.

Lâm Đồng siết chặt việc quyết toán vốn đầu tư công

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu đẩy nhanh quyết toán vốn đầu tư công, xử lý nghiêm và công khai các trường hợp chậm trễ, vi phạm.

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương trong Tỉnh công khai danh sách chủ đầu tư chậm nộp quyết toán vốn đầu tư công

Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các địa phương trong Tỉnh công khai danh sách chủ đầu tư chậm nộp quyết toán vốn đầu tư công

Ngày 19/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành chỉ đạo về việc triển khai công tác quyết toán vốn đầu tư công đối với các dự án đã hoàn thành trên địa bàn.

Theo đó, UBND Tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm quy định về quyết toán vốn đầu tư công, đảm bảo việc lập, thẩm tra và phê duyệt quyết toán đúng thời hạn.

Đồng thời, các địa phương cần công khai danh sách chủ đầu tư chậm nộp quyết toán và xử phạt hành chính theo quy định.

Danh sách các nhà thầu vi phạm thời gian lập hồ sơ quyết toán cũng sẽ được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, nhằm ngăn chặn việc tiếp tục tham gia các gói thầu mới.

UBND Tỉnh yêu cầu rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư công cần bố trí để thanh toán cho các dự án đã hoàn thành; chủ động cân đối nguồn vốn và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, nhằm thanh toán dứt điểm, tránh phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Sở Tài chính được giao nhiệm vụ tổng hợp và báo cáo quyết toán vốn đầu tư công hàng năm theo chỉ đạo của UBND Tỉnh, đồng thời đảm bảo thực hiện báo cáo đúng thời hạn.

Bên cạnh đó, Sở có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra các ban quản lý dự án và chủ đầu tư trong việc lập báo cáo quyết toán, cũng như đề xuất biện pháp xử lý đối với các vi phạm.

Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục rà soát tình hình thẩm tra, phê duyệt quyết toán, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan và đề xuất xử lý những trường hợp chậm trễ.

Các ban quản lý dự án và chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm túc quy định về hồ sơ và thời gian lập quyết toán, đảm bảo việc lưu trữ hồ sơ đúng quy định.

UBND Tỉnh cũng yêu cầu kiểm tra các dự án đã hoàn thành nhưng chưa được quyết toán, xác định nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp.

Đối với các dự án chưa đủ hồ sơ quyết toán, cần làm rõ lý do chậm trễ, rà soát hợp đồng liên quan và tiến hành quyết toán theo đúng quy định pháp luật.

Sẽ xử lý cá nhân, tổ chức kêu gọi đầu tư dự án uST thông qua Skyway

Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an vừa phát đi cảnh báo về các hình thức huy động vốn trái phép thông qua mạng xã hội, đặc biệt nhắm vào Dự án uST và Công ty SkyWay Capital với mô hình đa cấp tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Một hình ảnh quảng cáo của Tập đoàn Skyway

Một hình ảnh quảng cáo của Tập đoàn Skyway

Qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát hình sự xác định, thời gian qua, trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok nổi lên nhiều hội, nhóm, tài khoản mạng xã hội kêu gọi huy động vốn, đầu tư mua cổ phần của các dự án và đầu tư tiền ảo… Điển hình như việc kêu gọi đầu tư mua cổ phần, huy động vốn Dự án uST thông qua Công ty SkyWay Capital.

uST được giới thiệu là dự án giao thông công nghệ tiên tiến bằng đường dây trên không (cáp treo) thuộc sở hữu của Công ty Unisky String Technologies Inc có trụ sở tại Mỹ và Belarus.

Để thực hiện việc huy động vốn, từ năm 2015, công ty chủ quản Dự án đã liên kết với Công ty đầu tư tài chính SkyWay Capital (quỹ đầu tư, công ty con đồng chủ sở hữu, lập ra để tách bạch giữa việc huy động vốn và phát triển chuyên môn, có trụ sở tại Đức) để thực hiện việc huy động vốn từ cộng đồng. Công ty SkyWay Capital đã từng bị điều tra do nghi vấn lừa đảo, huy động vốn trái phép với mô hình đa cấp, cảnh báo đầu tư, thiếu minh bạch, rủi ro cao tại nhiều quốc gia như Belarus, Nga, Bỉ, Lithuania, Estonia, Australia, Ấn Độ, châu Âu. Tại một số quốc gia, nhiều nhà đầu tư đã khiếu nại vì không nhận được lãi, không thể rút vốn, kênh hỗ trợ khách hàng bị đóng băng.

Sau khi tin tưởng theo những lời hứa hẹn của các cá nhân kêu gọi đầu tư, các cá nhân tham gia đầu tư sẽ được cấp một mã giới thiệu và đăng ký tài khoản (quản lý đầu tư) tại website://new.swc.capital/. Để mua cổ phiếu, nhà đầu tư phải thanh toán qua tiền điện tử hoặc thẻ tín dụng (Visa/Master Card).

Công ty SkyWay Capital có mô hình phát triển mạng lưới người tham gia theo hình kim tự tháp. Khi tham gia vào hệ thống, nhà đầu tư được hưởng cổ tức hàng tháng theo số lượng cổ phần sở hữu, ngoài ra được hưởng hoa hồng khi giới thiệu người đầu tư mới tham gia vào hệ thống. Tỷ lệ được hưởng lợi hoa hồng dao động từ 0,5% đến 17% phụ thuộc vào năng lực giới thiệu, phát triển nhánh dưới của nhà đầu tư.

Tại Việt Nam, Dự án uST và Công ty SkyWay Capital chưa được cấp phép hoạt động, huy động vốn. Các cơ quan chức năng Việt Nam, trong đó có Bộ Công an, đã nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn huy động vốn mô hình đa cấp trong thời gian trước đây.

3.500 tấn giá đỗ ngâm "nước kẹo" được bán ra thị trường ở Nghệ An

Cơ quan công an xác định, tính đến thời điểm bị phát hiện, 4 cơ sở trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã đưa ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ ngâm, tưới hóa chất.

Cơ quan chức năng kiểm tra các thùng chứa giá đỗ

Cơ quan chức năng kiểm tra các thùng chứa giá đỗ

Ngày 19/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Cơ quan chức năng cũng thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 4 chủ cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh, gồm: Lưu Mạnh Hưởng (SN 1993), Lưu Văn Trung (SN 1997), cùng trú xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Trần Khắc Duy (SN 1990) và Nguyễn Văn Hướng (SN 1998), cùng trú tại phường Vinh Tân, thành phố Vinh.

Trước đó, ngày 11/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu chủ trì phối hợp với công an các phường: Trung Đô, Vinh Tân, Nghi Phú (thành phố Vinh); Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường Nghệ An); Phòng 3, Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh đồng loạt kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Vinh.

Cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ gần 2.000 thùng chứa giá đỗ các loại có tổng khối lượng khoảng 25 tấn, 25 lít dung dịch hóa chất "nước kẹo" (6-Benzylaminopurine) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.

Quá trình đấu tranh, công an làm rõ, các chủ cơ sở sản xuất giá đỗ nói trên sử dụng "nước kẹo" ngâm, tưới để giá đỗ to, mập, rễ ngắn, đẹp.

Từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, 4 cơ sở này đã bán ra thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm ngâm, tưới "nước kẹo".

Tin cùng chuyên mục