Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu kiểm tra ngay khi người dân tố giác bán hàng giả
Các bộ ngành, địa phương phải kiểm tra, xử lý ngay khi người dân phản ánh tình trạng buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn.
![]() |
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại cuộc họp, ngày 19/5 |
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả theo chỉ đạo của Thủ tướng. Tổ này mở đợt cao điểm truy quét buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, không rõ xuất xứ, từ 15/5 - 15/6. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia là cơ quan thường trực.
Tại phiên họp thứ nhất của Tổ công tác sáng 19/5, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đánh giá, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn phức tạp, phạm vi rộng, đối tượng nhiều. Việc này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lòng tin của người dân, gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ là "rất quan trọng, mang tính lâu dài". Ông yêu cầu các bộ ngành, địa phương kiểm tra ngay khi người dân phản ánh có tình trạng buôn bán, sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Các vi phạm sẽ phải xử lý nghiêm minh.
Ngoài việc kiểm tra khi được báo tin, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng cho rằng, việc phòng chống, hàng giả, kém chất lượng cần được tiến hành thường xuyên nhằm đẩy lùi, tiến tới chấm dứt tình trạng này.
Theo đó, các bộ, ngành thành viên của Tổ công tác được giao hoàn thiện, ban hành kế hoạch hành động chi tiết thực hiện đợt cao điểm đấu tranh buôn lậu, gian lận thương mại trong ngày 20/5.
Các bộ ngành phải rà soát hệ thống văn bản pháp luật nhằm kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền bổ sung quy định. Việc này nhằm phòng ngừa các đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật để sản xuất hàng giả, kém chất lượng.
Theo các báo cáo, từ đầu năm, các đơn vị, địa phương bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm. Trong đó, hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ. Các cơ quan thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng, khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng.
TP.HCM nghiên cứu làm đường trên cao hai tầng
TP.HCM nghiên cứu làm đường hai tầng để hình thành trục đường tốc độ nhanh, giảm giải phóng mặt bằng đối với Dự án cầu Phú Mỹ 2, kết nối với sân bay Long Thành.
![]() |
Phối cảnh đường hai tầng đang được nghiên cứu |
Thông tin được ông Vương Quang Hưng, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình giao thông đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết ngày 19/5. Giải pháp này đang được nghiên cứu triển khai ở Dự án xây tuyến đường tốc độ nhanh kết nối Nam Sài Gòn đến sân bay Long Thành (Đồng Nai), thông qua cầu Phú Mỹ 2.
Do trên tuyến có một số đoạn, như đường Hoàng Quốc Việt, Quận 7, lộ giới nhỏ nên Thành phố tính phương án đường trên cao hai tầng, giúp tăng năng lực lưu thông của các loại xe và hạn chế đền bù, giải phóng mặt bằng.
"Đây là lần đầu tiên TP.HCM nghiên cứu giải pháp này, nhưng thực tế nhiều nước đã áp dụng, nhất là Trung Quốc", ông Hưng nói và cho biết, đây mới trong giai đoạn nghiên cứu sơ bộ, sẽ có những phương án cụ thể hơn trong thời gian tới.
Phú Mỹ 2 là một trong những cây cầu tạo hướng kết nối mới giữa TP.HCM và Đồng Nai, đã được hai địa phương thống nhất triển khai. Trong đó, cơ quan chủ quản thực hiện công trình này là UBND TP.HCM.
Dự án bao gồm xây đường và cầu, hướng tuyến dự kiến từ đường Nguyễn Hữu Thọ, đi theo hướng đông, kết nối vào đường Hoàng Quốc Việt đến Đào Trí, Quận 7. Tuyến sau đó vượt sông Đồng Nai và kết nối với đường Liên Cảng, đường 25C tại Nhơn Trạch, Đồng Nai, hướng đến sân bay Long Thành.
Tổng chiều dài Dự án được nghiên cứu khoảng 16,7 km, quy mô 8 làn xe (6 làn cơ giới, 2 làn thô sơ), tổng mức đầu tư sơ bộ gần 21.500 tỷ đồng.
Sau buổi làm việc hồi tháng 4 năm nay, TP.HCM và Đồng Nai giao Sở Xây dựng hai tỉnh thành rà soát, thống nhất cập nhật vị trí cầu Phú Mỹ 2 và đường kết nối vào các đồ án quy hoạch có liên quan của hai địa phương.
Sở Xây dựng, Sở Tài chính của hai tỉnh thành chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án, hình thức, nguồn vốn đầu tư công trình, hoàn tất trong quý 3 năm nay để làm cơ sở triển khai. Dự án được đặt mục tiêu thông qua chủ trương đầu tư trong quý IV/2025, khởi công năm 2027.
Ngoài tuyến đường trên, TP.HCM trước đó nghiên cứu làm đường trên cao ở một số trục đường như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh); Trường Chinh - Cộng Hòa ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất... Đồng thời, một số dự án lớn khác Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó đoạn thiết kế đường trên cao như các công trình mở rộng Quốc lộ 13, đường trục Bắc - Nam theo hình thức BOT.
Bình Thuận đề xuất lấn gần 85ha mặt biển để mở đường ven Phan Thiết
Tuyến đường ven biển qua TP. Phan Thiết có chiều dài 14,6 km, điểm đầu tại vòng xoay đường ĐT 706B (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết), điểm cuối tại khu vực dốc Campuchia (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết).
![]() |
Khu vực dự án tuyến đường ven biển TP. Phan Thiết dự kiến xây dựng |
Ngày 19/5, UBND tỉnh Bình Thuận vừa đề xuất lên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về Dự án tuyến đường ven biển qua TP. Phan Thiết.
Theo thiết kế, tuyến đường ven biển qua TP. Phan Thiết có chiều dài 14,6km, điểm đầu tại vòng xoay đường ĐT 706B (phường Phú Hài, TP. Phan Thiết), điểm cuối tại khu vực dốc Campuchia (xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết). Tuyến đường được thiết kế mặt cắt ngang 36,5 m, gồm 6 làn xe cơ giới, vỉa hè và dải phân cách; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.493 tỷ đồng, triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030.
Đây được xem là công trình giao thông trọng điểm trong giai đoạn 2026 - 2030 của tỉnh Bình Thuận, giúp kết nối các tuyến đường ven biển ở khu vực phía Bắc và Nam tỉnh Bình Thuận.
Để thực hiện Dự án, chủ đầu tư đề xuất được san lấp khoảng 84,8 ha biển để xây dựng đường và hình thành các khu công viên cảnh quan ven biển. Một cầu vượt sông Cà Ty cũng được đề xuất xây dựng tại khu vực phường Phú Hài.
Tỉnh ủy Bình Thuận thống nhất chủ trương đầu tư Dự án, đánh giá đây là công trình có ý nghĩa chiến lược, giúp kết nối không gian đô thị ven biển, thúc đẩy phát triển du lịch và hoàn thiện hạ tầng theo định hướng quy hoạch chung TP. Phan Thiết đến năm 2040. Ban Thường vụ cũng đề nghị UBND Tỉnh sớm hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến các bộ ngành Trung ương, đảm bảo đúng quy định pháp luật về đầu tư và quản lý tài nguyên biển.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có các tuyến đường ven biển như đoạn Liên Hương - Bình Thạnh (5,8 km); đoạn cầu Sông Lũy - Hòa Thắng (23 km); ĐT 706B (16,4 km); ĐT 706B - cầu Hùng Vương (4 km); ĐT 719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện (32,5 km) và đoạn qua thị xã La Gi (6 km).
Sân bay Liên Khương dự kiến đóng cửa 6 tháng
Sân bay Liên Khương giúp kết nối TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) dự kiến đóng cửa 6 tháng để nâng cấp đường băng, đường lăn, với tổng kinh phí 1.045 tỷ đồng.
![]() |
Một góc sân bay Liên Khương |
Thông tin được nêu trong kết luận của lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng tại cuộc họp mới đây liên quan Dự án sửa chữa đường băng, đường lăn của Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Hiện thời gian cụ thể đóng cửa sân bay chưa ấn định.
Dự án do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp đường cất hạ cánh lên chiều dài 3.250 m, rộng 45 m cùng sân quay đầu. Các đường lăn E1, E2, hệ thống liên quan đường băng, dải hãm phanh hai đầu đường cất hạ cánh cũng được nâng cấp; bổ sung hệ thống thoát nước, đèn hiệu, biển báo hàng không...
Sân bay Liên Khương nằm tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, cách trung tâm TP. Đà Lạt khoảng 28 km. Công trình do Pháp xây dựng năm 1933 và được Mỹ nâng cấp vào năm 1956. Năm 1997, đường băng được kéo dài từ 1.480 m lên 2.354 m, đạt tiêu chuẩn sân bay cấp 3C theo quy định Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Giai đoạn 2003 - 2007, sân bay được cải tạo, mở rộng, nâng cấp lên cấp 4D, khai thác các loại máy bay như Airbus A320, A321. Hiện mỗi năm, sân bay phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách, trong đó có nhiều đoàn du lịch đến từ Hàn Quốc, Thái Lan...
UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị, chủ đầu tư lựa chọn thời điểm đóng cửa sân bay hợp lý, tránh mùa cao điểm du lịch để giảm tác động đến người dân, doanh nghiệp và kinh tế địa phương. Ngoài ra, công tác chuẩn bị đầu tư cần được thực hiện khẩn trương, gồm thiết bị, nhân lực, vật liệu... để sẵn sàng thi công ngay khi sân bay đóng cửa.
Tỉnh giao các sở ngành liên quan phối hợp chủ đầu tư rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị đầu tư, các giải pháp thi công nhằm đảm bảo tiến độ và rút ngắn thời gian đóng cửa sân bay Liên Khương xuống còn 6 tháng, thay vì 8 tháng như dự kiến trước đây. Một tổ điều phối được thành lập để xử lý kịp thời các phát sinh, đảm bảo dự án đúng tiến độ.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Cảng hàng không Liên Khương sẽ đạt cấp 4E, có thể khai thác các dòng máy bay thân rộng như Boeing 787, Airbus A350, phục vụ 5 triệu hành khách và 20.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Sau năm 2030, đường băng kéo dài lên 3.600 m, nâng công suất lên 7 triệu khách/năm.
Hạ tầng kỹ thuật sẽ được đồng bộ với nhà ga T2, khu bảo dưỡng tàu bay, ga hàng hóa, trạm cấp nhiên liệu, xử lý nước thải... Tổng diện tích sử dụng đất đến năm 2050 khoảng 340 ha.
TP.HCM có thêm công viên 20.000 m2
Dự án công viên rộng gần 20.000 m2 ở xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi (TP.HCM) khởi công sáng 19/5 giúp tăng mảng xanh, không gian công cộng cho khu vực.
![]() |
Phối cảnh khu trung tâm công viên |
Công trình bao gồm nhiều phân khu như: vui chơi, giải trí, thể dục thể thao. Bên trong công viên được xây dựng các đường đi dạo, trồng cỏ, cây cảnh, hệ thống tưới, chiếu sáng, lắp đặt trò chơi thiếu nhi, dụng cụ thể thao... Dự án cũng bao gồm xây dựng nhà vệ sinh cùng nhiều hạng mục phụ trợ khác.
Ngoài ra, ở trung tâm công viên sẽ bố trí quảng trường để tổ chức các sự kiện ngoài trời của địa phương, sinh hoạt cộng đồng... Tổng mức đầu tư dự án gần 22 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Ông Đậu An Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, đây là dự án công viên đầu tiên do đơn vị thực hiện trong chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng trên địa bàn Thành phố, giai đoạn 2020 - 2030. Dự án khi hoàn thành giúp cải tạo cảnh quan, môi trường, chỉnh trang đô thị và phục vụ nhu cầu của người dân, trong điều kiện khu vực đang thiếu mảng xanh.
Toàn TP.HCM đang có khoảng 400 công viên, bao gồm công viên công cộng và trong khuôn viên khu ở, với hơn 235.000 cây xanh. Trong đó, các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn khu vực ngoại thành. Tổng diện tích đất quy hoạch cho công viên cây xanh ở thành phố hơn 11.400 ha, tương ứng 7 m2/người nhưng thực tế đang rất thấp, chỉ khoảng 500 ha. Với dân cư thường trực ở thành phố khoảng 10 triệu người, tỷ lệ trên chỉ đạt bình quân 0,55 m2/người.
Hòa Bình có khu đô thị rộng hơn 181 ha, tổng vốn đầu tư 8.700 tỷ đồng
Dự án Khu đô thị Mông Hóa - Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) có diện tích 181,5 ha, tổng vốn đầu tư 8.700 tỷ đồng.
![]() |
Một góc TP Hòa Bình |
UBND tỉnh Hòa Bình vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu đô thị Mông Hóa - Kỳ Sơn tại xã Mông Hóa và phường Kỳ Sơn (TP. Hòa Bình).
Theo quyết định, Dự án có diện tích gần 181,5 ha. Trong đó, đất ở là hơn 47 ha, đất cây xanh là gần 91 ha, đất giao dịch gần 5,5 ha, ngoài ra là đất thương mại dịch vụ, đất hạ tầng kỹ thuật, đất công trình công cộng…
Về sơ bộ cơ cấu sản phẩm, Dự án cung cấp nhiều loại hình nhà ở như 514 lô đất biệt thự cao 3 tầng, hơn 1.200 lô đất liền kề cao 4 tầng và khu chung cư cao tầng hơn 2.800 căn hộ. Trong diện tích quy hoạch khu đô thị, hơn 9,5 ha đất được bố trí cho phát triển dự án nhà ở xã hội riêng biệt.
Tổng vốn đầu tư Dự án hơn 8.700 tỷ đồng, gồm 279 tỷ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư và trồng rừng thay thế. Dự án sẽ được đấu thầu chọn nhà đầu tư. Doanh nghiệp phải xây thô hoàn thiện mặt ngoài toàn bộ các căn nhà ở thấp tầng và xây chung cư cao tầng tại dự án mới được mở bán. Tiến độ triển khai trong 8 năm, thời hạn hoạt động 50 năm.
Điểm kinh doanh vàng miếng tại TP.HCM phải treo biển nhận diện
Các điểm kinh doanh vàng miếng tại TP.HCM phải treo bảng hiệu, niêm yết công khai giấy phép để người dân nhận diện là điểm mua bán vàng miếng hợp pháp.
![]() |
Vàng miếng tại cửa hàng của SJC trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM). |
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được phép kinh doanh vàng miếng trên địa bàn TP.HCM thực hiện đầy đủ trách nhiệm tại Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng.
Đồng thời, tại các địa điểm mua, bán vàng miếng, cơ quan quản lý đề nghị các đơn vị phải thông tin cho khách hàng, người dân nhận diện được đây là địa điểm mua bán vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Cụ thể, các đơn vị thực hiện treo bảng hiệu ghi rõ thông tin là địa điểm được cấp phép kinh doanh mua, bán vàng miếng và niêm yết công khai bản sao có chứng thực giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đã cấp cho đơn vị... tùy theo vị trí phù hợp. Việc này đảm bảo để người dân nhận biết được địa điểm mua bán vàng miếng hợp pháp nhằm phân biệt với các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ khác.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được yêu cầu chấp hành chế độ báo cáo đúng quy định, đảm bảo số liệu, thông tin báo cáo phản ánh đầy đủ, kịp thời, chính xác tình hình hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng, doanh nghiệp theo quy định tại các thông tư hướng dẫn Nghị định 24.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước lưu ý báo cáo tình hình kinh doanh mua, bán vàng miếng và báo cáo thay đổi nội dung thông tin trên giấy phép kinh doanh, điều chỉnh địa điểm kinh doanh gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 theo đúng quy định.
Hiện, cả nước có 22 ngân hàng và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng như SJC, DOJI, PNJ, Mi Hồng, Bảo Tín Minh Châu, Vàng Phú Quý, Vàng Kim Ngọc Phú, Vàng bạc đá quý Ngọc Hải...