Bản tin thời sự sáng 20/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội được yêu thích nhất thế giới để du lịch một mình; Bộ Nội vụ không đồng ý chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập; Chủ tịch Vĩnh Phúc yêu cầu công an vào cuộc vụ dỡ biệt phủ trên núi; hàng chục chung cư tại TP.HCM bị chậm sổ hồng vì xây sai phép…

Hà Nội được yêu thích nhất thế giới để du lịch một mình

Trong top 15 điểm đến thịnh hành nhất thế giới 2023 cho các chuyến du lịch một mình, Việt Nam có hai đại diện là Hà Nội xếp thứ nhất và TP.HCM xếp thứ sáu.

Phố đi bộ ở trung tâm thủ đô Hà Nội

Phố đi bộ ở trung tâm thủ đô Hà Nội

Xếp hạng được dựa trên nghiên cứu mới nhất của công ty du lịch hàng đầu của Anh Explore Worldwide về dữ liệu tìm kiếm toàn cầu. Mối quan tâm với thủ đô Việt Nam của khách quốc tế tăng hơn 940% so với số lượng tìm kiếm của năm ngoái, TP.HCM tăng 480%.

"Không có gì khó hiểu khi Hà Nội xứng đáng là điểm đến cho chuyến phiêu lưu một mình. Sở hữu vẻ đẹp đầy tính thẩm mỹ và những kiến trúc cổ xưa, Hà Nội là một nơi giàu giá trị văn hóa. Du khách đi một mình có nhiều hoạt động để trải nghiệm nơi này như ghé thăm các khu chợ ẩm thực, di tích lịch sử hay đơn giản là ngắm nhìn những con đường đầy màu sắc", công ty du lịch có trụ sở tại Anh nhận xét.

Explore Worldwide đánh giá TP.HCM là "thành phố nhộn nhịp nhất Việt Nam", nơi có sự hòa quyện thú vị giữa truyền thống - hiện đại. Những điểm đến được gợi ý gồm khám phá địa đạo Củ Chi, đi thuyền và ăn tối trên tầng thượng của một tòa nhà chọc trời ngắm toàn cảnh thành phố chỉ trong cùng một ngày.

Các thành phố còn lại gồm: Bangkok (Thái Lan), Đài Bắc (đảo Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), Phnom Penh (Campuchia), Kuala Lumpur (Malaysia), Perth (Australia), Singapore, Sydney, Quảng Châu (Trung Quốc), Zurich (Thụy Sỹ), Melbourne (Australia), Nice (Pháp), Manila (Philippines). Chỉ có hai thành phố châu Âu nằm trong top cho thấy xu hướng tìm kiếm và ghé thăm các điểm đến châu Á - Thái Bình Dương đang thành trào lưu mới của khách du lịch độc hành.

Bộ Nội vụ không đồng ý chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập

Bộ Nội vụ cho rằng, nếu chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) thành đơn vị sự nghiệp công lập sẽ vướng rất nhiều các văn bản pháp lý có liên quan như tổ chức bộ máy, đấu thầu, quản lý giá phí..., không tách bạch được chức năng kinh doanh với quản lý nhà nước.

A0 sẽ tách khỏi EVN để về Bộ Công Thương

A0 sẽ tách khỏi EVN để về Bộ Công Thương

Bộ Nội vụ vừa gửi Thủ tướng Chính phủ văn bản góp ý điều chuyển A0 từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Bộ Công Thương.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, việc chuyển đổi quản lý, chỉ đạo A0 từ EVN về bộ này có thể thực hiện theo 1 trong 2 phương án.

Phương án 1 là A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương.

Phương án 2 là A0 trở thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.

Góp ý cho đề xuất của Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ cho rằng: "Trường hợp chuyển A0 thành đơn vị sự nghiệp công lập sẽ vướng rất nhiều các văn bản pháp lý có liên quan và sẽ không tách bạch được chức năng kinh doanh với chức năng quản lý nhà nước theo yêu cầu...".

Ngược lại, việc tách A0 từ EVN sang Bộ Công Thương và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp có đầy đủ cơ sở pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện được ngay.

Theo Bộ Nội vụ, việc chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện thuộc Bộ Công Thương, hoạt động độc lập với bên bán điện và bên mua điện chỉ thay đổi về đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bảo đảm phù hợp với lộ trình, yêu cầu tại Quyết định số 168/QĐ-TTg, tạo điều kiện vận hành cơ chế thị trường trong mối quan hệ giữa đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia với đơn vị phát điện, đơn vị truyền tải điện, đơn vị phân phối điện theo quy định của Luật Điện lực.

Do đó, Bộ Nội vụ đề xuất hoàn thiện phương án chuyển nguyên trạng A0 từ EVN về Bộ Công Thương và xây dựng Đề án chuyển A0 thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện thuộc Bộ Công Thương.

Chủ tịch Vĩnh Phúc yêu cầu công an vào cuộc vụ dỡ biệt phủ trên núi

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu công an sớm cho ý kiến đối với phương án cưỡng chế chi tiết do UBND TP. Vĩnh Yên lập và hỗ trợ địa phương này xử lý các vi phạm đất đai.

Loạt biệt phủ xây dựng trái phép trên khu vực núi Đinh

Loạt biệt phủ xây dựng trái phép trên khu vực núi Đinh

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành vừa ban hành thông báo kết luận tại Phiên họp tháng 5, triển khai nhiệm vụ tháng 6 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, ông Thành giao Công an tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo công an huyện, thành phố hỗ trợ UBND cấp huyện, xã trong việc xử lý vi phạm đất đai, cưỡng chế xử lý vi phạm đất đai.

Đặc biệt, ông Lê Duy Thành yêu cầu, công an phải sớm xem xét, cho ý kiến đối với phương án cưỡng chế chi tiết do UBND TP. Vĩnh Yên lập và hỗ trợ địa phương này trong việc xử lý các vi phạm trên diện tích đất thu hồi từ Công ty TNHH Kim Long.

Đối với UBND TP. Vĩnh Yên, ngoài xử lý đất thu hồi từ Công ty TNHH Kim Long, ông Lê Duy Thành còn nhấn mạnh yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm đất đai trên diện tích khu đất bãi rác phường Khai Quang, khu đất thu hồi từ Công ty Nhân Nghĩa và Trường Đại học Dầu khí thuộc TP. Vĩnh Yên.

Sở Nội vụ Vĩnh Phúc được giao đưa nội dung kiểm điểm công tác quản lý đất đai vào chương trình họp hàng tháng; kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã buông lỏng quản lý đất đai không ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm đất đai hoặc thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm.

Trước đó, năm 2018, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định thu hồi toàn bộ đất trồng mía đã giao cho Công ty TNHH Kim Long với lý do hết hạn sử dụng đất và không được gia hạn theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, nhiều căn nhà kiên cố, "biệt phủ" đã được xây dựng, hoàn thiện xung quanh khu vực này, gây bức xúc dư luận thời gian dài.

Hàng chục chung cư tại TP.HCM bị chậm sổ hồng vì xây sai phép

Hơn 30 dự án nhà ở bị Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM xử lý vi phạm xây sai phép, ảnh hưởng đến việc cấp sổ hồng.

Dự án Khu đô thị Celadon City, quận Tân Phú do Công ty Gamuda Land làm chủ đầu tư nằm trong nhóm các dự án bị xử phạt vì xây dựng sai phép

Dự án Khu đô thị Celadon City, quận Tân Phú do Công ty Gamuda Land làm chủ đầu tư nằm trong nhóm các dự án bị xử phạt vì xây dựng sai phép

Báo cáo về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) vừa được UBND TP.HCM công bố cho biết, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử lý vi phạm đối với 33 dự án nhà ở, tham mưu ban hành 69 quyết định xử phạt hành chính.

Các sai phạm tại những dự án này rơi vào nhóm: xây dựng sai phép, sai thiết kế được duyệt, sai quy hoạch, sử dụng không đúng công năng. Cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở ban hành văn bản thẩm định, dẫn đến giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà bị chậm.

Báo cáo này đề cập đến việc cấp sổ hồng tại dự án phát triển nhà ở thương mại. Trong số hàng chục dự án bị nhắc nhở, có cả chủ đầu tư trong nước lẫn nước ngoài, các dự án từ phân khúc trung bình đến cao cấp.

Ở nhóm dự án trung - cao cấp, Khu đô thị Celadon City (quận Tân Phú) của Công ty Gamuda Land; chung cư Estella, TP. Thủ Đức do Công ty TNHH Liên doanh Estella; dự án Hà Đô Centrosa Garden, Quận 10 của Công ty CP Hà Đô 756 Sài Gòn bị nhắc nhở.

Ngay cả nhóm doanh nghiệp bất động sản có thâm niên hoạt động tại TP.HCM như: Đất Xanh Group và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai cũng lần lượt bị xử phạt tại Dự án Chung cư Opal Garden, TP. Thủ Đức và Chung cư Giai Việt, Quận 8. Trường hợp Dự án The Manor (quận Bình Thạnh) của Công ty Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) bị xử phạt vì chưa phân chia, chuyển đổi mục đích sử dụng phần sở hữu chung hoặc sử dụng chung trái quy định.

Chung cư Khang Gia, quận Tân Phú của Công ty CP Đầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia bị xử phạt vì xây dựng công trình sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch, không báo cáo cơ quan quản lý và hiện chung cư vẫn chưa được nghiệm thu…

Tài xế taxi sân bay Tân Sơn Nhất dùng chiêu tăng cước 10 lần

Người chạy taxi lắp công tắc phụ phía dưới cần số với đường dây điện nối vào đồng hồ tính tiền trên xe, sau đó tác động nâng giá cước lên gấp 10 lần quy định.

Công tắc phụ lắp trên taxi bị phát hiện

Công tắc phụ lắp trên taxi bị phát hiện

Ngày 19/6, hai taxi hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, bị Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng đơn vị liên quan xử phạt do gian lận giá cước lúc chở khách.

Khi kiểm tra taxi biển TP.HCM, lực lượng chức năng phát hiện xe có hai công tắc phụ lắp dưới cần số. Tài xế được yêu cầu chạy từ ga quốc tế sân bay ra đường Trần Quốc Hoàn rồi quay trở lại. Với tổng chiều dài đi và về hơn hai km, giá cước thực tế là 54.000 đồng, song khi tài xế dùng công tắc phụ, giá cước hiển thị trên đồng hồ tính tiền tăng hơn 540.000 đồng.

Cùng ngày, một taxi biển số Đồng Nai cũng hoạt động ở Tân Sơn Nhất cũng bị phát hiện lỗi tương tự. Tài xế lắp công tắc phụ trên xe, mỗi lần vào hoặc trả số sẽ kích giá cước tăng thêm 3.000 đồng. Hiện, mỗi xe bị Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử phạt 11,7 triệu đồng, tước phù hiệu taxi hai tháng.

Tân Sơn Nhất là sân bay có lượng khách đông nhất nước, trung bình mỗi ngày đón 60.000 - 70.000 lượt, nên nhu cầu ra vào bằng taxi, ôtô công nghệ rất lớn. Nơi này thường bị nhiều khách phản ánh tình trạng "chặt chém" giá cước taxi.

Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm gần 1.500 tỷ đồng sau kiểm toán

Sau kiểm toán, lãi ròng sau thuế của nhà thầu xây dựng này âm 2.594 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.450 tỷ đồng.

Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm gần 1.500 tỷ đồng sau kiểm toán

Xây dựng Hòa Bình lỗ thêm gần 1.500 tỷ đồng sau kiểm toán

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) mới đây đã công bố các tờ trình tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, dự kiến tổ chức ngày 27/6.

Theo tờ trình này, Công ty hiện đã có Báo cáo tài chính hợp nhất 2022 đã được kiểm toán với những số liệu biến động mạnh. Cụ thể, doanh thu thuần sau kiểm toán tăng 26 tỷ đồng, đạt mốc 14.149 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021.

Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đã được điều chỉnh về mức âm 2.594 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.450 tỷ đồng so với trước kiểm toán. Trong khi đó, vào năm 2021, doanh nghiệp này từng báo lãi 103 tỷ đồng.

Theo tờ trình, tổng tài sản của nhà thầu xây dựng này tại thời điểm 31/12/2022 là 15.573 tỷ đồng, giảm hơn 1.300 tỷ đồng so với trước kiểm toán và giảm 6,05% so với năm 2021.

Vốn chủ sở hữu cũng giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với trước kiểm toán về còn 1.196 tỷ đồng, con số này giảm hơn 70% so với năm trước đó.

Sang năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu tổng doanh thu 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu này đều giảm mạnh so với kế hoạch doanh thu thuần 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng trong năm 2022.

Cũng trong tờ trình này, Xây dựng Hòa Bình dự kiến trình Đại hội về việc phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu phổ thông. Giá tối thiểu 12.000 đồng/CP. Nếu phát hành thành công, số tiền thu về tối thiểu là 3.288 tỷ đồng.

Theo đó, toàn bộ số tiền thu được từ các đợt chào bán được sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.

Chôn trụ bêtông trên đường bít đường mòn ngăn ô tô chở cát lậu

Để ngăn xe vào chở cát khai thác trái phép, huyện Sơn Tịnh (tỉnh Quảng Ngãi) chôn 26 trụ bêtông bít 18 đường mòn, lắp nhiều camera giám sát.

Khu vực cát bị khai thác trái phép

Khu vực cát bị khai thác trái phép

Các trụ bêtông được chôn trên đường vào bãi cát ở thôn Trường Xuân và thôn Thọ Lộc Tây, xã Tịnh Hà (bờ bắc sông Trà Khúc) từ tháng 5 đến nay. Mỗi trụ đường kính 1 - 2 m, chôn sâu hơn một mét, chiều cao trên mặt đất 2 m. Ngoài trụ, nhiều camera được lắp trên tuyến để giám sát khai thác trái phép. Việc lắp đặt do công an huyện tham mưu, địa phương quyết toán kinh phí.

Thượng tá Nguyễn Văn Đồng, Trưởng Công an huyện Sơn Tịnh cho biết, bãi cát trên bị khai thác không phép hơn 20 năm qua. Gần khu vực có khoảng 100 hộ sống bằng nghề xúc cát. Các ôtô tải từ đường chính, theo các lối mòn vào bãi mua cát chở đi tiêu thụ. Người dân thường lấy cát vào ban đêm, cử người canh gác. Việc lấy cát lậu ngoài làm thất thu ngân sách còn gây nguy hiểm cho người dân khi trời tối xe chở cát phóng nhanh, vượt ẩu.

Mới đây, Quảng Ngãi cho các doanh nghiệp đấu giá mỏ cát trên các sông, nhằm đưa khai thác cát vào quy củ và thu thuế tài nguyên. Tại bãi cát nói trên, một công ty đã trúng đấu giá với trữ lượng dự báo khoảng 13.000 m3, song vẫn bị khai thác trái phép rầm rộ. Ba tháng qua, công an huyện đã xử lý 35 vụ và 38 người vi phạm.