Bản tin thời sự sáng 20/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất kéo dài thời gian thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi; thu hồi 6.300 m2 “đất vàng” ở trung tâm TP.HCM; vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn, Chứng khoán Tiên Phong bị phạt tiền; Bộ GTVT không đồng ý quy hoạch sân bay Mộc Châu…

Đề xuất kéo dài thời gian thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi

Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất kéo dài thời gian thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi đến hết năm 2022, thay vì kết thúc ngày 6/9.

Tại một số đoạn đường Nguyễn Trãi, thưa vắng trong tuần đầu thí điểm phân làn
Tại một số đoạn đường Nguyễn Trãi, thưa vắng trong tuần đầu thí điểm phân làn

Sau một tháng thí điểm phân làn từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân bằng dải phân cách cứng, Sở GTVT Hà Nội cho rằng có kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác hiệu quả của phương án thí điểm trong thời gian học sinh, sinh viên đi học trở lại và thời điểm lưu lượng phương tiện gia tăng vào cuối năm, Sở đề xuất Thành phố tiếp tục cho thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi từ 6/9 - 31/12.

Sở GTVT Hà Nội đánh giá, sau một tháng thí điểm, tình hình giao thông trên tuyến đường đã có cải thiện, đặc biệt vào cao điểm sáng. Cả hai chiều từ Khuất Duy Tiến đi Ngã Tư Sở và ngược lại đều giảm ùn ứ, phương tiện lưu thông trật tự hơn…

Theo phương án công bố ngày 29/7, Hà Nội thí điểm phân làn đường Nguyễn Trãi trong một tháng, từ ngày 6/8 - 6/9. Sau đó, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và có phương án tiếp theo. Hai làn sát vỉa hè đường Nguyễn Trãi sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ và xe buýt; 3 - 4 làn sát dải phân cách giữa dành cho ôtô. Việc điều chỉnh phân làn và phương tiện được thực hiện bằng dải phân cách cứng như mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động... kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ.

Tuyến đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Khuất Duy Tiến - nút giao hầm chui Thanh Xuân) dài 2,1 km, rộng 19 - 23 m, có 5 làn xe mỗi chiều (một số đoạn rộng có 6 làn xe). Đây là tuyến đường huyết mạch phía Tây Nam Thủ đô, kết nối với Quốc lộ 6 đi Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên.

Thu hồi 6.300 m2 “đất vàng” ở trung tâm TP.HCM

Chính quyền TP.HCM thu hồi hai lô đất diện tích gần 6.300 m2 ở khu trung tâm trước đó bị Tổng công ty Lương thực miền Nam - Vinafood 2 thâu tóm.

Khu đất gần 6.300 m2 ở đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh, Quận 1

Khu đất gần 6.300 m2 ở đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh, Quận 1

Quyết định thu hồi các khu đất số 33 đường Nguyễn Du, 34-36 và 42 đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1 vừa được UBND TP.HCM ban hành nhằm thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 1/2021.

Diện tích nói trên là đất công được UBND TP.HCM giao cho Vinafood 2 (100% vốn nhà nước) năm 2015 để đầu tư dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, thời hạn giao đất 50 năm.

Vinafood 2 sau đó đã hợp tác, liên kết Công ty TNHH Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng địa ốc Việt Hân để cùng khai thác khu đất trên (thành lập Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng - Dịch vụ Việt Hân Sài Gòn), rồi thoái vốn khiến toàn bộ khu đất rơi vào tay tư nhân. Thời điểm đó, tổng giá trị các khu đất được xác định là 730 tỷ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ ước tính tiền sử dụng đất của 4 khu đất vào năm 2015 hơn 1.979 tỷ đồng.

Theo cơ quan thanh tra, quá trình hợp tác triển khai dự án, Vinafood 2 đã 4 lần cố ý làm trái ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo quyết định của UBND Thành phố, Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng - Dịch vụ Việt Hân Sài Gòn phải bàn giao diện tích đất thu hồi cho Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố quản lý; đồng thời công ty này được yêu cầu thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính.

Trung tâm Phát triển quỹ đất Thành phố được giao tiếp nhận, quản lý và đề xuất phương án sử dụng đối với 6.300 m2 đất này, trình Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND TP.HCM.

Vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn, Chứng khoán Tiên Phong bị phạt tiền

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TP.HCM) với tổng số tiền là 250 triệu đồng.

UBCKNN xử phạt Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong 250 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

UBCKNN xử phạt Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong 250 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán

Trong đó, phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn.

Cụ thể, trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số công ty cổ phần chưa đại chúng năm 2022, nội dung Hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa Công ty và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu. Như vậy, Công ty chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.

Phạt tiền 125 triệu đồng theo quy định do vi phạm quy định cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Cụ thể, Công ty cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.

Bộ GTVT không đồng ý quy hoạch sân bay Mộc Châu

Bộ GTVT giải thích quy hoạch đường bộ đến năm 2030 có cao tốc Hà Nội - Mộc Châu (Sơn La) nên không đề xuất xây dựng sân bay tại huyện này.

Bộ GTVT không đồng ý đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch mạng cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa

Bộ GTVT không đồng ý đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch mạng cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh minh họa

Bộ GTVT vừa trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Sơn La về việc đưa sân bay Mộc Châu vào Quy hoạch mạng cảng hàng không thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ GTVT, Quy hoạch đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2050, đã hoạch định tuyến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Mộc Châu dài khoảng 145 km, dự kiến đầu tư trước năm 2030. Tuyến cao tốc được đưa vào khai thác sẽ kết nối thuận lợi tới sân bay Nội Bài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên địa bàn Sơn La, Bộ GTVT đã đưa sân bay Nà Sản vào Quy hoạch cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030, cho phép Tỉnh là cơ quan có thẩm quyền thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Vì thế, Bộ GTVT không đưa sân bay Mộc Châu vào quy hoạch.

Tuy nhiên, Bộ GTVT ủng hộ tỉnh Sơn La có thể đầu tư sân bay chuyên dùng để phát triển du lịch, sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng, đồng thời chủ trì kêu gọi các nguồn lực để đầu tư.

Hiện nay có sân bay Hồ Tràm (Lộc An, Bà Rịa - Vũng Tàu) được Bộ Quốc phòng phê duyệt là sân bay chuyên dùng.

Trước đó đầu tháng 9, UBND tỉnh Sơn La đề xuất với Bộ GTVT bổ sung vào quy hoạch sân bay Mộc Châu.

Thư ký tòa soạn báo nhận 200 triệu đồng để gỡ bài trên Facebook

Ông Phùng Thanh Bình, Thư ký tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống bị Công an tỉnh Phú Thọ tạm giữ hình sự vì hành vi nhận 200 triệu đồng để gỡ bài trên đăng trên Facebook.

Cơ quan an ninh điều tra phát hiện Phùng Thanh Bình đang nhận số tiền 200 triệu đồng để gỡ bài trên đăng trên Facebook. Ảnh minh họa

Cơ quan an ninh điều tra phát hiện Phùng Thanh Bình đang nhận số tiền 200 triệu đồng để gỡ bài trên đăng trên Facebook. Ảnh minh họa

Ngày 19/9, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị đang tạm giữ ông Phùng Thanh Bình (hiện là Thư ký tòa soạn Báo Sức khỏe và Đời sống) để điều tra, làm rõ, xử lý theo quy định.

Trước đó, Công an tỉnh Phú Thọ nhận được đơn tố cáo của đại diện lãnh đạo Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ (trụ sở ở phường Gia Cẩm, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) về việc Phùng Thanh Bình yêu cầu đưa 200 triệu đồng để gỡ bài đăng liên quan đến trường này trên trang trên Fanpage "Báo chí Điều tra".

Ngay sau đó, Công an tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo Phòng An ninh điều tra và Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, tiến hành xác minh, làm rõ.

Quá trình xác minh, cơ quan an ninh điều tra phát hiện Phùng Thanh Bình đang nhận số tiền 200 triệu đồng của anh Hoàng Mạnh L. (cán bộ Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ) ở gần tòa nhà Luxury Park View (trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) nên đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang.

Theo Công an tỉnh Phú Thọ, hiện đơn vị đã ra quyết định tạm giữ đối với ông Phùng Thanh Bình để điều tra, làm rõ để xử lý theo quy định.

Đề nghị truy tố Giám đốc Louis Holding về tội thao túng chứng khoán

Bộ Công an cho rằng, ông Đỗ Thành Nhân và đồng phạm đã cấu kết sử dụng các tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, người thân của ông Nhân để mua bán, thâu tóm cổ phiếu và giao dịch mua bán, khớp lệnh.

Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings.

Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận vụ án, đề nghị truy tố ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch Công ty CP Louis Holdings) về tội thao túng thị trường chứng khoán.

Ba người bị cáo buộc đồng phạm của ông Nhân, gồm: Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thùy Liên (nhân viên Công ty Trí Việt) và Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc Hành chính Công ty Louis Holding).

Theo cáo buộc, giai đoạn 2020 - 2021, Louis Holdings mua cổ phần sở hữu 6 công ty rồi niêm yết trên sàn chứng khoán. Thời điểm đó, ông Nhân là người đại diện pháp luật của 3 công ty. Ba doanh nghiệp còn lại được ông này nhờ cổ đông, bạn bè, người thân đứng tên.

Cuối năm 2020, Công ty CP Đầu tư và phát triển Công nghiệp Bảo Thư (mã BII) do ông Nguyễn Văn Dũng làm Chủ tịch HĐQT hoạt động yếu kém. Do có nguy cơ phải hủy niêm yết nên Bảo Thư đã bán 9 triệu cổ phiếu cho ông Nhân và người thân.

Tháng 1/2021, bị can Nam tư vấn giúp ông Nhân mua bán, thâu tóm cổ phiếu mã TGG của Công ty CP Trường Giang trên sàn chứng khoán với khoảng giá 1.800 đồng/CP. Sau đó, các bị can sử dụng nhiều tài khoản để thao túng thị trường với 2 mã cổ phiếu BII và TGG.

Bộ Công an cho rằng, ông Nhân và đồng phạm đã cấu kết sử dụng các tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè, người thân của ông Nhân để mua bán, thâu tóm cổ phiếu và giao dịch mua bán, khớp lệnh. Mục đích để tăng tính thanh khoản, đẩy giá BII và TGG tăng nhằm thu lợi bất chính và tạo ra hệ sinh thái Louis Holdings.

Ngoài ra, ông này còn nhờ người thân, bạn bè đăng ký 18 tài khoản mở tại Công ty Chứng khoán Trí Việt (mã: TVB)và các công ty khác. Sau đó, các tài khoản này được chuyển về cho ông Nhân và Nam sử dụng.

Nộp hơn 44,6 tỷ đồng khắc phục sai phạm tại dự án Trường Chính trị Khánh Hòa

Liên quan đến vụ án Trường Chính trị Khánh Hòa cũ khiến 2 cựu Chủ tịch UBND Tỉnh cùng 11 đồng phạm bị đề nghị truy tố, chủ đầu tư Dự án Gold Coast là Công ty CP Thanh Yến, trụ sở ở tỉnh Long An đã nộp hơn 44,6 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Khu đất Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũ đã được chỉ định giao cho doanh nghiệp.

Khu đất Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa cũ đã được chỉ định giao cho doanh nghiệp.

Trước đó, năm 2013, khi thực hiện Dự án Xây dựng cơ sở mới Trường Chính trị Khánh Hòa ở xã Phước Đồng, thành phố Nha Trang theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), UBND tỉnh Khánh Hòa không tổ chức đấu thầu mà chỉ định Công ty TNHH Hoàn Cầu Khánh Hòa thực hiện. Sau đó, Công ty Hoàn Cầu chuyển quyền và nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cho Công ty CP Thanh Yến (tỉnh Long An).

Nhà đầu tư được giao khu đất gần 7.400 m2 tại số 1, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Nha Trang để hoàn vốn. Chủ đầu tư đã xây dựng Khu phức hợp thương mại, chung cư Gold Coast.

Theo phê duyệt của UBND tỉnh Khánh Hòa, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa thông báo giá trị quyền sử dụng khu "đất vàng" này hơn 121 tỷ đồng.

Sai phạm tại Dự án được chỉ ra là UBND tỉnh Khánh Hòa không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp bộ kết luận tại thời điểm tháng 2/2016, giá trị quyền sử dụng khu đất này hơn 184 tỷ đồng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đề nghị truy tố 13 bị can tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, trong đó, 13 bị can trong vụ án đã gây thất thoát hơn 62,6 tỷ đồng.

Vừa qua, Công ty CP Thanh Yến đã nộp hơn 44,6 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả do sai phạm của một số cá nhân là cựu lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa. Số tiền này đã được Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa ban lệnh nhập kho vật chứng hôm 12/9.