Bản tin thời sự sáng 21/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội hủy kế hoạch bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Việt Á nhập test nhanh Covid-19 từ Trung Quốc giá 21.500 đồng mỗi bộ; giá xăng có thể tăng mạnh lần thứ ba liên tiếp; Việt Nam đề nghị Nhật khẩn trương điều tra kẻ dọa bắn máy bay…

Hà Nội hủy kế hoạch bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Thành phố Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa tại công viên Thống Nhất như kế hoạch trước đó để phòng, chống dịch Covid-19.

Thành phố Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2022

Thành phố Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2022

Theo Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, Thành phố đã xin ý kiến Chính phủ về việc bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tuy nhiên, Trung ương đề nghị Hà Nội không thực hiện việc này và Thành phố sẽ chấp hành nghiêm túc.

Hồi đầu tháng 1, Hà Nội ban hành kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa tầm cao kết hợp tầm thấp trong 15 phút để phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán 2022. Thời điểm bắn pháo hoa từ 0h đến 0h15 ngày 1/2 (tức đêm giao thừa Tết Nhâm Dần 2022), kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Dịp Tết Dương lịch vừa qua, Hà Nội không tổ chức bắn pháo hoa cũng như các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật và countdown chào năm mới 2022.

Việt Á nhập test nhanh Covid-19 từ Trung Quốc giá 21.500 đồng mỗi bộ

Trong bốn tháng cuối năm 2021, Công ty Việt Á đã nhập 3 triệu que test nhanh kháng nguyên Covid-19 từ Trung Quốc, giá 0,995 USD/test (21.560 đồng/que test).

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á
Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á

Theo Tổng cục Hải quan, từ tháng 9 - 12/2021, Công ty CP Công nghệ Việt Á đã nhập que test nhanh xét nghiệm Covid-19, chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold) từ Trung Quốc. Tổng giá trị của 3 triệu que test nhanh là 64,68 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu trong 5 năm (2017 - 2021) là 286 tỷ đồng. Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là 162 tỷ đồng, gồm: 64,68 tỷ đồng que thử thành phẩm; 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm; 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm. 123 tỷ đồng là máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh 7 công ty có liên quan đến Việt Á bao gồm: Công ty CP Xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex; Công ty CP Vật tư khoa học Biomedic; Công ty CP Kỹ thuật và Sinh học ứng dụng Việt Nam; Công ty TNHH Thiết bị khoa học Lan Oanh; Công ty TNHH Thương mại Việt Hoàng Long; Công ty TNHH Thiết bị khoa học sinh hóa Vina; Công ty CP Công nghệ TBR.

Giá xăng có thể tăng mạnh lần thứ ba liên tiếp

Giá xăng dầu thế giới đi lên thẳng đứng và chưa có điểm dừng nên kỳ điều hành ngày 21/1, giá bán lẻ trong nước có thể tăng tiếp.

Kỳ điều hành ngày 21/1, giá bán lẻ trong nước có thể tăng lần thứ ba liên tiếp

Kỳ điều hành ngày 21/1, giá bán lẻ trong nước có thể tăng lần thứ ba liên tiếp

Dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 13/1 cho biết, bình quân xăng RON 92 có giá 95,11 USD một thùng, giá xăng RON 95 ở mức 96,6 USD một thùng. Mức này tăng khoảng 4% so với kỳ điều chỉnh trước đó.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP.HCM, giá dầu thế giới đang đi lên thẳng đứng. Giá Brent biển Bắc và dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 lên 87,5 USD một thùng. Giá dầu dự báo có thể chạm mức 100 USD trong thời gian tới. Do đó, kỳ điều hàng ngày 21/1 giá xăng sẽ tăng quanh mức 400 - 600 đồng một lít, còn giá dầu khoảng 700 đồng.

Đồng quan điểm, lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu Hà Nội cho rằng, giá sản phẩm này trong nước đang bị đẩy lên cao trước sức ép giá thế giới. Tuy nhiên Tết Nguyên đán đang cận kề, để tránh tăng "sốc", nhà điều hành có thể trích hoặc sử dụng quỹ và chỉ cho tăng trong khoảng 200 - 300 đồng một lít. Nếu đúng như dự báo, đây sẽ là lần tăng giá thứ ba liên tiếp.

Tại kỳ điều hành ngày 11/1, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 600 đồng, RON 95 tăng 580 đồng và dầu tăng 620-660 đồng một lít, kg. Sau điều chỉnh mỗi lít xăng là 23.150 đồng một lít; RON 95 là 23.870 đồng một lít (tăng 580 đồng); dầu hoả là 17.130 đồng một lít; dầu diesel là 18.230 đồng một lít; dầu madut là 16.360 đồng một kg.

Việt Nam đề nghị Nhật khẩn trương điều tra kẻ dọa bắn máy bay

Việt Nam thúc giục Nhật Bản điều tra và xác định thủ phạm dọa bắn chuyến bay VN5311 của hãng hàng không Vietnam Airlines trên vịnh Tokyo hồi đầu tháng.

Việt Nam đề nghị Nhật khẩn trương điều tra kẻ dọa bắn máy bay. Ảnh minh họa

Việt Nam đề nghị Nhật khẩn trương điều tra kẻ dọa bắn máy bay. Ảnh minh họa

Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, Việt Nam đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản, đề nghị kiểm tra an ninh, khẩn trương điều tra sự việc, nhanh chóng xác định thủ phạm trong vụ chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines bị dọa bắn hôm 5/1.

Bà Hằng cho biết thêm, Việt Nam đang phối hợp với Nhật Bản để làm rõ nguyên nhân và xác định danh tính những người có liên quan đến vụ dọa bắn máy bay này.

Chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines chở 12 tiếp viên, 3 phi công và 47 hành khách ngày 5/1 vừa cất cánh từ sân bay Narita, Tokyo về Hà Nội thì bị một người đàn ông đe dọa "bắn hạ khi qua vịnh Tokyo".

Vietnam Airlines sau đó đã xin phép nhà chức trách hàng không Nhật chuyển hướng tàu bay, hạ cánh xuống sân bay Fukuoka để kiểm tra. Máy bay tiếp tục khởi hành sau khi giới chức địa phương xem xét và xác nhận không có dấu hiệu bất thường. Hành khách chỉ biết tin máy bay bị dọa bắn khi về đến Nội Bài.

VN5311 là chuyến bay thương mại đầu tiên từ Nhật Bản về Việt Nam của Vietnam Airlines, kể từ khi hai nước khôi phục đường bay thường lệ. Hành khách hầu hết là người Việt xa quê hương đi làm việc nhiều năm ở Nhật Bản.

Louis Capital bị phạt hơn 200 triệu đồng

Louis Capital bị xử phạt vì có hàng loạt lỗi sai phạm về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.

Louis Capital bị phạt hơn 200 triệu đồng. Ảnh minh họa

Louis Capital bị phạt hơn 200 triệu đồng. Ảnh minh họa

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Louis Capital (mã chứng khoán: TGG).

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước phạt tiền 100 triệu đồng do Louis Capital không công bố thông tin theo quy định pháp luật trên hệ thống IDS của UBCKNN và hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hàng loạt tài liệu quan trọng.

Các tài liệu không công bố bao gồm: giải trình chênh lệch 10% lợi nhuận sau thuế bán niên năm 2020; thông báo về ngày đăng ký cuối cùng và xác nhận danh sách người sở hữu chứng khoán tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 năm 2021; báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn Trần Quyết Thắng (ngày 11/12/2019 và ngày 18/12/2019); báo cáo về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn Đặng Mai Hương (ngày 31/3/2020 và ngày 24/1/2021).

Ngoài ra Công ty còn công bố thông tin không đúng thời hạn các tài liệu: Giải trình chênh lệch 10% lợi nhuận sau thuế năm 2020; giải trình chênh lệch 5% lợi nhuận sau thuế và sau kiểm toán năm 2020; báo cáo về ngày trở thành cổ đông lớn Trần Quyết Thắng (ngày 11/12/2019 và ngày 18/12/2019).

Bên cạnh lỗi công bố thông tin, Louis Capital còn bị phạt hành chính 125 triệu đồng do không đảm bảo quy định có tối thiểu 1/3 tổng số thành viên Hội đồng Quản trị là thành viên không điều hành; Không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng Quản trị độc lập theo quy định (Louis Capital không có thành viên Hội đồng Quản trị không điều hành, không có thành viên Hội đồng Quản trị độc lập).

Cuối cùng, Công ty bị phạt 7,5 triệu đồng vì lỗi không bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty theo quy định pháp luật.

Như vậy, tổng mức xử phạt hành chính trong đợt này của Louis Capital lên đến 232,5 triệu đồng. Đây là con số phạt tương đối lớn về vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Trước đó, cổ phiếu TGG của Louis Capital nói riêng và hệ sinh thái Louis Holdings từng gây sóng trên thị trường chứng khoán khi hàng loạt mã tăng giá hàng chục lần; tuy nhiên sau đó cũng lao dốc không phanh.

Xe ô tô nhập khẩu giảm mạnh dịp cận Tết Nguyên đán

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2022, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm tới 62,7% so với nửa cuối tháng 12.

Xe ô tô nhập khẩu giảm mạnh dịp cận Tết

Xe ô tô nhập khẩu giảm mạnh dịp cận Tết

Nửa đầu tháng 1/2022, cả nước nhập khẩu 2.317 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch 68,4 triệu USD. Trong đó, nhiều nhất là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 2.035 xe, kim ngạch 50,43 triệu USD.

Như vậy, so với nửa cuối tháng 12/2021, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu giảm mạnh, chỉ bằng 37,3% về lượng (tương đương giảm 3.888 xe).

Trong năm 2021, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu vẫn đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Cụ thể, cả nước nhập tới 160.035 chiếc ô tô với tổng kim ngạch đạt 3,66 tỷ USD, tăng 52,1% về lượng và tăng 55,7% về kim ngạch so với năm 2020.

Về thị trường nhập khẩu, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc là 3 quốc gia dẫn đầu. Trong đó, Thái Lan đạt 80.903 xe, kim ngạch 1,5 tỷ USD; Indonesia đạt 44.250 xe, kim ngạch 559,5 triệu USD; Trung Quốc đạt 22.753 xe, kim ngạch 873 triệu USD.

Trong các thị trường nhập nhập khẩu chủ yếu, ô tô xuất xứ Indonesia có trị giá bình quân (chưa thuế) thấp nhất, trong khi ô tô xuất xứ từ Trung Quốc cao hơn nhiều do chủ yếu là xe tải, xe chuyên dụng.