Bản tin thời sự sáng 21/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá vàng miếng SJC tăng vọt lên trên 71 triệu đồng/lượng; Thừa Thiên Huế điều tiết nước 2 hồ thủy điện để đề phòng lũ; Chính phủ giục Bộ Công Thương sớm ra cơ chế mua bán điện trực tiếp; Hà Nội xử phạt nhiều cơ sở hành nghề y dược tư nhân vi phạm…

Giá vàng miếng SJC tăng vọt lên trên 71 triệu đồng/lượng

Vàng miếng SJC tăng mạnh, đặc biệt vàng nhẫn 4 số 9 vượt qua mức 59 triệu đồng/lượng, đây là mức giá cao nhất của kim loại quý này kể từ đầu năm đến nay. Trong 20 ngày qua, giá vàng đã tăng hơn 2 triệu đồng mỗi lượng.

Giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới ở mức 12,1 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới ở mức 12,1 triệu đồng/lượng

So với đầu ngày 20/10, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng giá vàng miếng SJC thêm 250.000 đồng mỗi lượng, mua vào lên 70,4 triệu đồng và bán ra 71,1 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 70,1 - 70,3 triệu đồng mỗi lượng, bán ra 71,1 triệu đồng. Sau khi giá bán chạm mức 71 triệu đồng vào đầu giờ chiều, Eximbank điều chỉnh giảm giá vàng miếng SJC xuống 70,9 triệu đồng, mua vào ở mức cao 70,5 triệu đồng… Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới ở mức 12,1 triệu đồng/lượng.

Riêng vàng nhẫn 4 số 9 có mức tăng khá mạnh 700.000 đồng mỗi lượng, Công ty SJC mua vào với giá 58,05 triệu đồng, bán ra 59,05 triệu đồng. Đây là mức giá cao nhất của vàng nhẫn từ hơn 1 năm trở lại đây. So với giá vàng thế giới, giá mua vàng nhẫn hiện thấp hơn 1 triệu đồng/lượng, đây là hiện tượng hiếm có kể từ năm ngoái đến nay, trong khi giá bán vàng nhẫn cao hơn giá vàng thế giới 50.000 đồng mỗi lượng.

Như vậy, so với đầu tháng 10, giá vàng miếng SJC hiện tăng 2,15 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tăng 2,1 triệu đồng/lượng. Giá vàng đang ở mức cao nhất trong năm nên những người nắm giữ vàng hiện nay đã có lời. Tuy nhiên, giá hiện nay vẫn đang thấp hơn so với mức giá kỷ lục mà kim loại quý lập được hồi đầu năm 2022 ở 74 triệu đồng/lượng.

Thừa Thiên Huế điều tiết nước 2 hồ thủy điện để đề phòng lũ

Để hạ mực nước hồ, tạo dung tích phòng lũ chủ động, Thừa Thiên Huế sẽ điều chỉnh tăng lưu lượng vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Bình Điền và Hương Điền.

Thủy điện Hương Điền trên sông Bồ tỉnh Thừa Thiên Huế điều tiết lũ

Thủy điện Hương Điền trên sông Bồ tỉnh Thừa Thiên Huế điều tiết lũ

Dự báo từ 21 - 29/10 tại tỉnh Thừa Thiên Huế có mưa lớn phổ biến từ 200 - 350 mm, có nơi trên 400 mm. Để hạ mực nước hồ, tạo dung tích phòng lũ chủ động đón các trận lũ trong thời gian tới, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Công ty CP Thủy điện Bình Điền ở thượng nguồn sông Hương, Công ty CP Thủy điện Hương Điền trên sông Bồ vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện qua tràn và tua bin với lưu lượng tăng dần, tránh đột biến.

Hai thủy điện này được yêu cầu điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng từ 15 giờ ngày 20/10.

Chính phủ giục Bộ Công Thương sớm ra cơ chế mua bán điện trực tiếp

Cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng dùng điện lớn (DDPA) được Chính phủ yêu cầu hoàn thành nhưng hiện bị chậm.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp được nhiều nước áp dụng và phù hợp yêu cầu phát triển tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Cơ chế mua bán điện trực tiếp được nhiều nước áp dụng và phù hợp yêu cầu phát triển tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Tại thông báo kết luận cuộc họp cơ chế mua bán điện trực tiếp (DDPA), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương rút kinh nghiệm, rà soát làm rõ một số nội dung thuộc thẩm quyền ban hành và đẩy nhanh các thủ tục để sớm đưa ra cơ chế này.

Theo Phó thủ tướng, việc ban hành cơ chế DDPA là nhiệm vụ cấp bách liên quan đến hiệu quả kế hoạch đầu tư phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thực tế, cơ chế này được nhiều nước áp dụng và phù hợp yêu cầu phát triển thực tế tại Việt Nam, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Luật Điện lực và các quy định về nguyên tắc hoạt động của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Lãnh đạo Chính phủ lưu ý, với nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Công Thương phối hợp với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về năng lượng, đề xuất đưa vào nghị quyết giám sát này nội dung "sớm giao Chính phủ ban hành cơ chế DDPA là nhiệm vụ, giải pháp cần làm ngay". Bộ Công Thương được yêu cầu báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/10.

Năm 2021, Bộ Công Thương từng lấy ý kiến dự thảo cơ chế mua bán điện trực tiếp, với công suất định thí điểm 1.000 MW. Theo đó, bên mua và bán đàm phán, thỏa thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn có giá. Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.

Hà Nội xử phạt nhiều cơ sở hành nghề y dược tư nhân vi phạm

Từ đầu tháng 10 đến nay, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 9 cơ sở hành nghề y dược tư nhân với tổng số tiền trên 245 triệu đồng.

Phòng khám Đa khoa Y Tâm, Hà Đông, Hà Nội

Phòng khám Đa khoa Y Tâm, Hà Đông, Hà Nội

Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu tháng 10 đến nay, Thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 9 cơ sở hành nghề y dược tư nhân với tổng số tiền trên 245 triệu đồng.

Cụ thể, Phòng khám Đa khoa Y Tâm trực thuộc Công ty CP Y tế Y Tâm (Khu đô thị mới Văn Phú, phường Phú La, quận Hà Đông) bị xử phạt 90 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong thời gian 18 tháng do cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh trong thời gian bị đình chỉ hoạt động.

Công ty TNHH Bình An Academy (thôn Dư Xá, Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo 2 sản phẩm mỹ phẩm Meduskin Daily Hydro Drops và Meduskin Acne Solution trên website Meduskin.vn mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Cùng với bị phạt tiền, Công ty buộc phải tháo gỡ, xóa toàn bộ nội dung quảng cáo đối với 2 sản phẩm nói trên.

Công ty CP Nha khoa công nghệ cao AIDENT (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cũng bị xử phạt 45 triệu đồng do quảng cáo dịch vụ đặc biệt không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; đồng thời buộc Công ty tháo gỡ, xóa bỏ nội dung quảng cáo trên Internet.

Công ty CP Dược phẩm Khang Lâm (phố Nhà Thờ, Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm) bị xử phạt 25 triệu đồng do quảng cáo 3 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe BOPLATE; thực phẩm bảo vệ sức khỏe đại tràng PHARBACO; thực phẩm bảo vệ sức khỏe tiền liệt tuyến PHARBACO trên website: klapharma.com.vn không đúng với giấy xác nhận nội dung quảng cáo do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế xác nhận.

Thanh tra Sở Y tế cũng buộc Công ty phải tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng của 3 sản phẩm trên website: klapharma.com.vn.

Chủ khách sạn lớn nhất Đà Lạt bị phạt 110 triệu đồng

Chủ đầu tư công trình khách sạn 5 sao Merperle Dalat Hotel bị phạt 110 triệu đồng do xây vượt giấy phép 4.450 m2 diện tích mặt sàn.

Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel

Dự án khách sạn Merperle Dalat Hotel

Quyết định xử phạt Công ty CP Khải Vy (chủ đầu tư) vừa được UBND TP. Đà Lạt ban hành.

Chính quyền yêu cầu doanh nghiệp ngưng thi công hạng mục không có giấy phép xây dựng, liên hệ cơ quan chức năng lập hồ sơ xin phép. Sau 90 ngày nếu không được chấp thuận, Chủ đầu tư phải tháo dỡ toàn bộ công trình vi phạm.

Merperle Dalat Hotel ở trung tâm Thành phố, tiền thân là Dự án Khách sạn Sài Gòn Mới xây năm 2009. Đến năm 2018, Công ty CP Khải Vy nhận chuyển nhượng và xây khách sạn 10 tầng, 2 tầng hầm, hơn 400 phòng tiêu chuẩn 5 sao, tổng đầu tư 1.000 tỷ đồng, đang ở giai đoạn hoàn thiện. Đây được xem là khách sạn lớn nhất Đà Lạt.

Ngày 11/10, Dự án bị xác định xây vượt giấy phép 4.450 m2 ở khu vực tầng hầm 1 và 2, phần mái. Trước đó ngày 18/8, doanh nghiệp xin điều chỉnh thiết kế công trình bằng diện tích xây vượt. UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý với kiến nghị này, song yêu cầu Chủ đầu tư không được cắt cột và dầm làm ảnh hưởng chất lượng công trình.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long bị cáo buộc nhận 1,4 tỷ đồng từ Việt Á

Ông Đoàn Văn Hùng, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, bị cho là chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ để Việt Á được chỉ định thầu kit test Covid-19, nhận tiền hoa hồng.

Ông Đoàn Văn Hùng khi chưa bị khởi tố.

Ông Đoàn Văn Hùng khi chưa bị khởi tố.

Ngày 20/10, hành vi của ông Hùng cùng Phan Thị Ngọc Thấm (phụ trách Khoa Sinh hóa - vi sinh - miễn dịch - sinh học phân tử), Đinh Thị Thanh Chi (55 tuổi, nguyên Phó Khoa Dược) bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long nêu trong cáo trạng truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng, đầu tháng 4/2021 - thời điểm dịch bệnh bùng phát, Sở Y tế Vĩnh Long giao Bệnh viện Đa khoa Tỉnh thực hiện xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 với kinh phí từ nguồn phòng chống dịch và nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh của đơn vị này.

Lúc đó, Trần Tiến Lực (nhân viên kinh doanh Công ty Việt Á) đến gặp ông Hùng và Thấm để giới thiệu sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm Covid-19 cùng dụng cụ, vật tư... Lực chào mời phía Công ty sẽ cho Bệnh viện tạm ứng trước kit test và trả tiền sau. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhu cầu kit test xét nghiệm Covid-19 tăng cao, ông Hùng đồng ý.

Công ty Việt Á sau đó đã 15 lần cho Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long ứng trước hơn 58.600 kit test. Hùng chỉ đạo Thấm cùng Chi liên hệ Lực và Trần Thị Hồng (nhân viên của Việt Á) cung cấp 3 bản báo giá cao hơn của Công ty Việt Á - nhằm mục đích hợp thức hóa hồ sơ, cho Việt Á được chỉ định thầu.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 5 đến 9/2021, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long đã chỉ định 6 gói thầu cho Việt Á theo thủ tục thông thường. Sau đó, Bệnh viện ký và thanh toán 4 hợp đồng với số tiền hơn 24 tỷ đồng. Trong đó, 37.000 kit xét nghiệm Covid-19 được tính giá 367.500 - 509.250 đồng mỗi bộ (tổng số tiền hơn 17,6 tỷ đồng), nhưng thực tế giá một kit test do phía Việt Á sản xuất tối đa chỉ hơn 143.000 đồng. Việc này gây thiệt hại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long hơn 12,3 tỷ đồng.

Khi được thanh toán, Lực báo cho Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) để chi 20% hoa hồng cho phía Bệnh viện. Nhà chức trách cáo buộc, ông Hùng đã nhận khoảng 1,4 tỷ đồng, Thấm nhận 850 triệu đồng và Thanh nhận 100 triệu đồng.

Thanh tra tỉnh Kiên Giang phát hiện nhiều sai phạm đất đai ở huyện Hòn Đất

Thanh tra tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật đất đai trên địa bàn huyện Hòn Đất, chỉ ra hàng loạt sai phạm.

UBND huyện Hòn Đất đã giao 45 nền đất trong các cụm dân cư và 15 nền trong các tuyến dân cư chưa đúng thẩm quyền quy định. Ảnh minh họa

UBND huyện Hòn Đất đã giao 45 nền đất trong các cụm dân cư và 15 nền trong các tuyến dân cư chưa đúng thẩm quyền quy định. Ảnh minh họa

Theo Kết luận thanh tra, UBND huyện Hòn Đất thiếu chỉ đạo kiểm tra, xử lý, dẫn đến có 23 thửa đất công bị người dân lấn, chiếm; không kiểm tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời, để doanh nghiệp tư nhân vào sử dụng, xây dựng hai sân quần vợt trên diện tích hơn 1.800 m2 khi chưa có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh.

Ngoài ra, UBND huyện Hòn Đất đã giao đất cho các tổ chức sử dụng 45 nền trong các cụm dân cư và 15 nền trong các tuyến dân cư chưa đúng thẩm quyền quy định, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được phê duyệt.

UBND Huyện, Ban Quản lý tuyến cụm dân cư huyện Hòn Đất chưa quyết liệt tổ chức thu hồi nợ, chưa xử lý dứt điểm đối với 24 hộ dân trúng đấu giá và bán giá sàn các nền sinh lợi tại các cụm dân cư với số tiền 690 triệu đồng, để các hộ dân mua nền chính sách tại cụm dân cư nợ số tiền hơn 4,4 tỷ đồng.

Đối với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hòn Đất, qua thanh tra xác định các địa phương không lập báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm gửi UBND Huyện theo Luật Đất đai năm 2013.

“UBND xã Lình Huỳnh và thị trấn Hòn Đất quản lý quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn chưa chặt chẽ; không ngăn chặn và xử lý kịp thời việc sử dụng đất không đúng mục đích, để 3 trường hợp tách thửa 3 khu đất nông nghiệp, rồi phân thành nhiều thửa nhỏ. Đồng thời, xây dựng đường nội bộ bê tông xi măng, đường đá bụi, sử dụng đất nông nghiệp xây 42 căn nhà ở và 2 nhà yến kiên cố sai mục đích sử dụng đất”, Kết luận thanh tra nêu rõ.

Vẫn theo Kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND thị trấn Hòn Đất và các xã Bình Giang, Mỹ Lâm, Thổ Sơn, Lình Huỳnh, Bình Sơn, Sơn Kiên, cùng Tổ công tác của Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất đã không kịp thời phát hiện, xử lý hoặc tham mưu xử lý đối với 25 trường hợp vi phạm pháp luật đất đai, với diện tích hơn 21,5 ha.

Tin cùng chuyên mục