Bản tin thời sự sáng 21/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là công bố dự thảo văn kiện đại hội XIII; ôtô được phép băng qua rốn lũ Hà Tĩnh; Đồng Nai bàn giao 1.800 ha xây sân bay Long Thành; hồ Kẻ Gỗ giảm lưu lượng xả lũ; cầu 2.250 tỷ đồng bắc qua sông Trà Khúc hoàn thành…

Công bố dự thảo văn kiện đại hội XIII

Bốn dự thảo văn kiện đại hội XIII của Đảng được công bố toàn văn, xin ý kiến nhân dân từ 20/10.

Phiên bế mạc hội nghị Trung ương 13 (khóa XII)

Phiên bế mạc hội nghị Trung ương 13 (khóa XII)

Hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của Việt Nam, dự thảo báo cáo chính trị xác định mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2001 - 2025 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.

Dự thảo báo cáo chính trị đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể.

Trong đó, ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị nhưng đã được bổ sung, cụ thể hoá cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Các đột phá chiến lược này gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Dự thảo văn kiện được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông qua hội thảo, tọa đàm, hội nghị, sinh hoạt của các tổ chức chính trị xã hội, học viện, nhà trường và cơ quan, đơn vị nhà nước. Người dân có thể tham gia góp ý trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, các hội thảo, tọa đàm khoa học; hoặc gửi thư góp ý kiến tới cấp ủy đảng các cấp và các cơ quan báo chí...

Ôtô được phép băng qua rốn lũ Hà Tĩnh

Nước lũ ở Hà Tĩnh đang rút chậm, ôtô chở khách và xe tải gầm cao có thể qua quốc lộ 1A song đi rất chậm, nhiều xe máy bị cuốn trôi.

Xe tải gầm cao được lưu thông một chiều qua quốc lộ 1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh

Xe tải gầm cao được lưu thông một chiều qua quốc lộ 1A tuyến tránh TP Hà Tĩnh

Chiều 20/10, Hà Tĩnh chỉ còn mưa nhỏ, nước lũ tại thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà... đã rút khoảng 20 - 30 cm so với hôm qua. Nhiều tuyến đường, khu dân cư vẫn chìm trong biển nước.

Những điểm ngập sâu trên quốc lộ 1A đoạn qua thành phố Hà Tĩnh hay tuyến đường tránh đã thông tuyến, song cảnh sát chỉ cho phép phương tiện gầm cao như xe khách, xe tải đi qua và chỉ lưu thông một chiều Bắc - Nam.

Tại vị trí ngập sâu nhất ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, lúc 12h nước còn ngập 40 - 50 cm, chảy xiết. Từng đoàn xe vào Nam nối nhau theo hàng dài, nhích từng mét qua dòng nước lũ đục ngầu. Hai đầu đoạn ngập, xe cảnh sát, xe cứu hộ liên tục hú còi cảnh báo nguy hiểm.

Ông Võ Trường Giang, Chi cục trưởng Quản lý đường bộ II.3 (Cục Quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, lực lượng chức năng đang phân luồng điều tiết giao thông qua Hà Tĩnh. Đường huyết mạch 1A hiện chỉ còn điểm qua huyện Cẩm Xuyên là ngập sâu nhất.

Đồng Nai bàn giao 1.800 ha xây sân bay Long Thành

Ngày 20/10, UBND Đồng Nai ký bàn giao 1.800 ha đất cho Cảng vụ Hàng không miền Nam xây sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Khu vực mặt bằng xây sân bay Long Thành nhìn từ trên cao

Khu vực mặt bằng xây sân bay Long Thành nhìn từ trên cao

Lễ ký kết có sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Hàng không Việt Nam. Ngoài 1.800 ha giai đoạn một theo chỉ đạo của Thủ tướng, tỉnh Đồng Nai còn giao thêm gần 800 ha cho giai đoạn 2 của Dự án.

Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn một có vốn đầu tư khoảng 109.000 tỷ đồng với bốn dự án thành phần: trụ sở cơ quan quản lý nhà nước; công trình phục vụ quản lý bay; công trình thiết yếu trong cảng và các công trình phụ trợ khác.

Sân bay thiết kế có một đường cất hạ cánh dài 4.000 m, rộng 75 m; nhà ga rộng 373.000 m2; đài kiểm soát không lưu cao 123 m... Hệ thống đường lăn, sân đỗ công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tất cả được thiết kế, xây dựng với trang thiết bị, công nghệ số hiện đại, vật liệu thân thiện môi trường.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong 1.800 ha bàn giao giai đoạn này có 1.200 ha cao su, hơn 600 ha của các hộ gia đình, địa phương. Huyện Long Thành phải di dời hơn 1.000 hộ dân, trong đó hơn 600 hộ đã được bồi thường 1.295 tỷ đồng; 400 hộ sẽ được chi trả cuối tháng 10.

Hà Tĩnh: Hồ Kẻ Gỗ giảm lưu lượng xả lũ

Từ chiều 20/10, hồ Kẻ Gỗ sẽ xả với lưu lượng dưới 500 m3/s sau khi đạt mốc 1.050 m3/s do mưa giảm.

Hồ Kẻ Gỗ trong một lần xả lũ

Hồ Kẻ Gỗ trong một lần xả lũ

Công ty TNHH Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho biết, lúc cao điểm nhất hồ Kẻ Gỗ xả 1.050 m3/s. Lúc 7h30 sáng 20/10, mực nước hồ Kẻ Gỗ là 32,83 m3, tương ứng với dung tích 355 triệu m3 (thiết kế là 345 triệu m3).

Trước đó, sáng 19/10, khi mực nước hồ Kẻ Gỗ dâng lên 33,8 m, vượt so với ngưỡng an toàn 32,5 m, Tỉnh đã tính tới phương án dự phòng là phá tràn hồ Kẻ Gỗ. Tràn này theo thiết kế khi nước dâng cao sẽ tự vỡ.

Đến tối cùng ngày, nước qua hai tràn của hồ đạt 840 m3/s. Sau đó lượng mưa giảm, Tỉnh không sử dụng phương án phá tràn nữa. Phương án tiếp theo để điều tiết nước trong hồ là giảm dần lưu lượng nước qua hai cửa xả.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 20/10 ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình mưa to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 100 - 150 mm; Nghệ An 20 - 40 mm, riêng phía Nam có nơi trên 50 mm. Từ đêm 21/10, mưa giảm dần.

Hồ Kẻ Gỗ, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, gồm một đập chính và 10 đập phụ với sức chứa hơn 300 triệu m3. Nước từ hồ theo các tuyến kênh chính có chiều dài 250 km, tưới cho hơn 21.000 ha đất canh tác của các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh; góp phần chống lũ quét, chống xói mòn cho vùng hạ du. Đây cũng là một trong những hồ đập lớn nhất cả nước.

Quảng Ngãi: Cầu 2.250 tỷ đồng bắc qua sông Trà Khúc hoàn thành

Cầu và đường Cổ Lũy dài 3,7 km, riêng cầu dài hơn 1,8 km, bắc qua sông Trà Khúc, tổng vốn đầu tư 2.250 tỷ đồng, thông xe sáng 20/10.

Cầu Cổ Lũy hoàn thành sáng 20/10

Cầu Cổ Lũy hoàn thành sáng 20/10

Được khởi công từ năm 2017, cầu dây văng Cổ Lũy có 37 nhịp, trong đó 6 nhịp chính nằm ở giữa, các nhịp còn lại dẫn về hai bên bờ sông. Cầu rộng 20 m có hai làn xe. 5 trụ tháp ở giữa cầu được căng dây văng mô phỏng hình ngọn đuốc.

Cầu Cổ Lũy nằm trong quy hoạch tuyến đường Dung Quất - Sa Huỳnh, nối phía Đông tỉnh Quảng Ngãi với Quảng Nam và Bình Định. Cầu Cổ Lũy tạo điều kiện phát triển hạ tầng, du lịch, mở rộng không gian đô thị Quảng Ngãi hướng về biển, thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh.

Khi cầu đưa vào sử dụng, sông Trà Khúc có 5 cầu bắc qua, gồm: Trà Khúc 1, 2, Thạch Bích, cầu cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Cổ Lũy. Cầu được đơn vị ánh sáng mỹ thuật thiết kế 5 kịch bản chiếu sáng cho những dịp khác nhau, trong đó ngày thường mỗi ngày chiếu một màu, lễ hội thêm hiệu ứng đèn...

Sẽ truy thu thuế với Netflix tại Việt Nam

Tổng cục Thuế đang rà soát, thống kê doanh thu của Netflix từ khi có mặt tại Việt Nam năm 2016 để truy thu thuế.

Giá các gói thuê bao của Netflix tại Việt Nam

Giá các gói thuê bao của Netflix tại Việt Nam

Tại cuộc họp báo hôm 20/10 của Ban Chỉ đạo 389, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) cho biết, đang sử dụng biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà Nước) để thống kê doanh thu Netflix phát sinh từ khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam năm 2016 nhằm truy thu thuế.

Theo ông Cường, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực nên các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh có thu nhập tại Việt Nam từ hoạt động trên mạng phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, họ phải có nghĩa vụ chuyển cho cơ quan thuế những dữ liệu này để quản lý thuế.

"Hiện tại, Netflix đã làm việc với Bộ Tài chính, Tổng cục thuế để đặt văn phòng đại diện, máy chủ ở Việt Nam để phục vụ công tác kê khai thuế", ông Cường thông tin.

Netflix là dịch vụ phát trực tuyến các chương trình truyền hình, phim cùng nhiều nội dung khác trên các thiết bị có kết nối internet. Hiện tại, ứng dụng này có khoảng 300.000 thuê bao tại Việt Nam. Mỗi tháng, người dùng phải trả từ 180.000 - 260.000 đồng để sử dụng dịch vụ của Netflix. Tuy nhiên, đơn vị này chưa từng thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục