Bản tin thời sự sáng 21/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hơn 80 ứng dụng chính phủ Việt Nam được xác minh trên Google; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất tên Bộ Nông nghiệp và Môi trường; khởi công đường ven biển hơn 2.000 tỷ đồng qua Khu kinh tế Vân Phong; đã giảm 16.149 biên chế công chức, viên chức…

Hơn 80 ứng dụng chính phủ Việt Nam được xác minh trên Google

Việt Nam là nước đầu tiên triển khai xác thực ứng dụng chính phủ trên Google Play, với hơn 80 app có dấu xác nhận như VneID, VssID.

Play Store hiển thị thêm biểu tượng Government/Chính phủ với các ứng dụng đã được xác minh

Play Store hiển thị thêm biểu tượng Government/Chính phủ với các ứng dụng đã được xác minh

Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết đã hợp tác với Google và các cơ quan liên quan cấp nhận diện cho ứng dụng chính phủ.

Những ứng dụng như VneID, VssID, i-SPEED, Hóa đơn điện tử TCT, Dịch vụ công Bộ Y tế khi truy cập trên Google Play sẽ có thêm biểu tượng "Chính phủ".

"Việt Nam là nước đầu tiên hợp tác cùng Google triển khai sáng kiến mới này", Cục cho biết.

Theo Cục An toàn thông tin, hiện có 86 ứng dụng được cấp dấu xác minh, giúp người dùng dễ nhận diện ứng dụng chính thức của cơ quan nhà nước, tăng cường bảo vệ người dùng trước các hành vi lừa đảo và đảm bảo an toàn trực tuyến tại Việt Nam.

Cách làm mới được đánh giá mang lại nhiều giá trị tại Việt Nam, khi số lượng ứng dụng của Chính phủ trên nền tảng đang tăng nhanh.

Theo ông Trần Quang Hưng, quyền Cục trưởng An toàn thông tin, tính năng nhận diện trên Google Play là bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ người dân Việt Nam tiếp cận các ứng dụng đáng tin cậy. "Điều này không chỉ giúp dễ dàng biết và sử dụng dịch vụ công chính thức, mà còn góp phần nâng cao nhận thức và niềm tin vào dịch vụ số của Nhà nước", ông Hưng nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất tên Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, lấy tên mới là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà thống nhất nội dung nêu trên tại cuộc họp về hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo thông báo của Văn phòng Chính phủ.

Như vậy, tên gọi dự kiến của hai bộ sau hợp nhất đã thay đổi so với trước và ngắn gọn hơn. Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố hôm 6/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp nhất dự kiến lấy tên mới là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Môi trường.

Ngày 10/12, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án hợp nhất của hai bộ đề xuất tên gọi mới là Bộ Nông nghiệp, Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.

Hai bộ cho rằng tên gọi sau khi được hợp nhất phải bảo đảm tính kế thừa, bao quát được chức năng, nhiệm vụ cơ bản của hai bộ hiện nay; đồng thời tiếp tục khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông thôn.

Trong thông báo, Phó Thủ tướng giao hai bộ tiếp tục hoàn thiện phương án kiện toàn bộ máy mới sau hợp nhất. Nguyên tắc là một cơ quan có thể thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Hợp nhất hai bộ cần kiện toàn, giải quyết các trùng lắp về nhiệm vụ của các lĩnh vực trong bộ mới và của bộ với các bộ khác. Đơn cử như giao thoa quản lý lĩnh vực nông thôn, tài nguyên nước, hạ tầng giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với Bộ Xây dựng và Giao thông và các bộ khác.

Bên cạnh sắp xếp bộ máy, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý đảm bảo chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Dự kiến sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường có 30 đầu mối, giảm 25 đầu mối so với tổng số 55 đầu mối hiện có trong cơ cấu tổ chức của hai bộ (giảm 45%). Trong đó, khối tham mưu tổng hợp giảm 8 đầu mối (giảm 50%); khối quản lý nhà nước chuyên ngành giảm 10 đầu mối so với tổng số 27 đầu mối hiện có (giảm 37,03%); khối các đơn vị sự nghiệp giảm 7 đầu mối so với 12 đầu mối hiện có (giảm 58,33%).

Khởi công đường ven biển hơn 2.000 tỷ đồng qua Khu kinh tế Vân Phong

Đường ven biển ở Khu kinh tế Vân Phong dài hơn 20 km, đi qua huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, được khởi công sáng 20/12.

Một đoạn tuyến hiện hữu của đường ven biển ở Khu kinh tế Vân Phong

Một đoạn tuyến hiện hữu của đường ven biển ở Khu kinh tế Vân Phong

Tuyến đường ven biển có 12,7 km đi qua các xã Vạn Lương, Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) và 7,7 km thuộc xã Ninh Thọ, phường Ninh Diêm (thị xã Ninh Hòa). Trong tổng mức đầu tư có 600 tỷ đồng thuộc ngân sách trung ương

Đường rộng 30 m, mỗi bên có hai làn ô tô và một làn xe thô sơ. Điểm đầu tuyến nối phía Bắc cầu Hiền Lương 2 (huyện Vạn Ninh), điểm cuối nối bên phải Quốc lộ 26B (thị xã Ninh Hòa), dự kiến thời gian thi công 4 năm.

Công trình gồm các hạng mục chính như: đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa (cầu và cống băng đường), chiếu sáng, kè biển, vỉa hè.... Tổng diện tích đất sử dụng gần 78,5 ha. Sau khi hoàn thành, Dự án sẽ kết nối trực tiếp đến sân bay quốc tế Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong rộng khoảng 150.000 ha, trong đó hơn một nửa là diện tích mặt nước, còn lại là đất liền và đảo. Toàn khu được chia thành 19 phân khu, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa, hướng tới phát triển về cảng biển, dịch vụ hậu cần, đô thị, dịch vụ nghỉ dưỡng...

Đã giảm 16.149 biên chế công chức, viên chức

Tính đến 30/10, số biên chế công chức, viên chức đã giảm theo quy định tại các nghị định của Chính phủ là 16.149 người (bộ, ngành là 217 người, địa phương là 15.932 người).

Tính đến 30/10, số biên chế công chức, viên chức đã giảm theo quy định tại các nghị định của Chính phủ là 16.149 người. Ảnh minh họa

Tính đến 30/10, số biên chế công chức, viên chức đã giảm theo quy định tại các nghị định của Chính phủ là 16.149 người. Ảnh minh họa

Bộ Nội vụ cho biết, đơn vị này đã thẩm định số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính tại 29 bộ, ngành giai đoạn 2022 - 2026, giảm 17.736 biên chế, tương ứng giảm 14,84% so với số biên chế giao năm 2021.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện chính sách tinh giản biên chế công chức và giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với việc phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Các bộ, ngành, địa phương về cơ bản đã sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá số biên chế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.

Bộ Nội vụ cũng chủ động, kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện sắp xếp tinh gọn các cơ quan tham mưu trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tích cực đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội, đủ mạnh đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm cơ sở để thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy, gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy (tính đến ngày 30/10/2024), tại 63 tỉnh, thành phố tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện, lũy kế đến nay, giảm 13 sở và tương đương; 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.

Tổng thu du lịch ở Phú Quốc năm 2024 đạt trên 21.170 tỷ đồng

UBND TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) cho biết, năm 2024, Thành phố đón hơn 5,9 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, tăng 7,1% so với năm 2023; trong đó khách quốc tế 962.449 lượt; tổng thu du lịch hơn 21.170 tỷ đồng, chiếm trên 84% tổng thu du lịch toàn tỉnh.

Du khách Cộng hòa Séc tại sân bay quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang)

Du khách Cộng hòa Séc tại sân bay quốc tế Phú Quốc (Kiên Giang)

Đến nay, Phú Quốc có 274 dự án đầu tư du lịch, chiếm 86% dự án đầu tư du lịch toàn tỉnh, tổng quy mô hơn 9.485 ha và vốn đầu tư trên 388.410 tỷ đồng. Trong số này, 50 dự án đã được khai thác, hoạt động với tổng vốn đầu tư 16.339 tỷ đồng; 76 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đầu tư 212.250 tỷ đồng; số dự án còn lại có chủ trương và đang thực hiện các thủ tục đầu tư.

Phú Quốc đang chuẩn bị đón khách du lịch dịp cuối năm 2024 và đầu năm mới 2025, dự báo sẽ tăng mạnh, nhất là du khách quốc tế.

Lượng khách du lịch tăng mạnh do nhiều đường bay phục hồi hoạt động, tăng cường chuyến đến Phú Quốc và có sự điều chỉnh giá vé. Đặc biệt, nhiều đường bay thẳng từ các thị trường mới tới Phú Quốc đã và đang được thiết lập, trong đó có những hãng bay sang trọng, đưa các du khách có nhu cầu chi tiêu cao tới đảo ngọc.

Bên cạnh những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ…, Phú Quốc đón thêm khách du lịch đến từ châu Âu, Australia và nhiều nơi khác trên thế giới.

Năm 2024, Phú Quốc đón 4 chuyến tàu du lịch quốc tế, gồm tàu Costa Serena, Aida Bella, Le Jacques Catier và AIDA stella, với hơn 5.300 khách du lịch đến tham quan; đồng thời, đón các đoàn lữ hành quốc tế đến khảo sát, kết nối du lịch tại địa phương. Điều đó cho thấy Phú Quốc đang là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách quốc tế, góp phần quảng bá thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới.

Phú Quốc hiện có hệ thống lưu trú hơn 700 cơ sở với trên 24.000 phòng, trong đó có 29 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao với hơn 13.000 phòng phục vụ tốt nhu cầu nghỉ dưỡng, sinh hoạt của khách du lịch.

17 tuyến buýt điện kết nối Metro Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) vận hành

150 buýt điện lộ trình kết nối ga Metro Bến Thành - Suối Tiên khai thác từ 22/12, giá vé 3.000 - 6.000 đồng/lượt, chạy từ 5h - 22h mỗi ngày giúp khách dễ tiếp cận tàu điện.

Hệ thống xe buýt điện tập kết tại bãi đậu gần ga Bình Thái của Metro Bến Thành - Suối Tiên

Hệ thống xe buýt điện tập kết tại bãi đậu gần ga Bình Thái của Metro Bến Thành - Suối Tiên

Đây là các tuyến buýt được TP.HCM mở mới với tổng số 150 xe điện, gồm hai loại 30 và 60 chỗ (đứng, ngồi), màu sơn chủ đạo xanh - vàng. 17 tuyến xe lần lượt mang số hiệu từ 153 đến 169.

Những tuyến buýt này do Công ty CP Xe khách Phương Trang Futabuslines - đơn vị vận tải trúng thầu đảm nhận khai thác. Xe hoạt động với cự ly ngắn nhất 4 km, dài nhất 20 km, chạy từ 5h đến 22h mỗi ngày - theo khung giờ của Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tùy tuyến, tần suất giãn cách mỗi chuyến khoảng 8 phút, 10 phút, 15 phút và 20 phút. Thời gian hành trình mỗi chuyến thấp nhất 15 phút, dài nhất khoảng một giờ.

Hệ thống buýt tại TP.HCM đang có 120 tuyến với hơn 2.000 xe, trong đó phương tiện sử dụng năng lượng xanh (buýt điện và khí CNG) có gần 550, còn lại chạy dầu diesel. Việc đưa vào khai thác 17 tuyến buýt điện nêu trên giúp mạng lưới này tăng lên 137 tuyến với 2.202 xe, trong đó tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh chiếm khoảng 31%.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, cùng với 17 tuyến buýt trên, dọc Metro Bến Thành - Suối Tiên còn 44 tuyến hiện hữu khác lộ trình kết nối nhà ga. Tổng quan mạng lưới này giúp khách thuận tiện trung chuyển giữa các loại hình buýt và metro.

Thương mại điện tử có thể thải 800.000 tấn rác nhựa vào năm 2030

Khi quy mô thương mại điện tử Việt Nam tăng lên 100 tỷ USD vào năm 2030, rác nhựa từ lĩnh vực này có thể tới 800.000 tấn nếu không có giải pháp trong đóng gói, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).

Shipper giao hàng trên phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

Shipper giao hàng trên phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội

VECOM cho biết, sự phát triển nhanh chóng của ngành thương mại điện tử kéo theo nhiều tác hại môi trường, gồm phát thải trong đóng gói, hoàn thiện đơn hàng và đặt đồ ăn online.

Năm ngoái, quy mô thị trường mua hàng trực tuyến và giao đồ ăn của Việt Nam đạt lần lượt 22 tỷ USD và 1 tỷ USD. Lĩnh vực này thải ra 160.000 tấm bìa carton và 171.000 tấn nhựa, chủ yếu là loại dùng một lần, theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF).

Chỉ tính riêng rác thải nhựa, để bán ra 1 tỷ USD, ngành thương mại điện tử thải hơn 7.600 tấn. Còn giao đồ ăn thải gần 18.600 tấn nhựa.

VECOM cho rằng, nếu không có giải pháp mạnh mẽ trong đóng gói hàng hóa, đến năm 2030, khi quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt gần 100 tỷ USD, rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800.000 tấn.

Theo báo cáo được hiệp hội này đưa ra hồi giữa tháng 12, 80% người dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường. 21% cho rằng ngành này kém thân thiện với môi trường hơn thương mại truyền thống. Dù một số sàn thương mại điện tử hay website bán hàng cung cấp tùy chọn giải pháp thân thiện với môi trường, nhiều khách vẫn ngại vì phải trả thêm tiền.

Với thương mại điện tử, kế hoạch tổng thể phát triển ngành này giai đoạn 2026 - 2030 đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Theo dự thảo hồi tháng 4, phát triển thương mại điện tử theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững là một trong 5 mục tiêu của ngành tới năm 2030. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ giảm sử dụng bao bì nhựa, thải carbon và tăng loại tái chế được.

Ngành thuế thu nợ gần 4.300 tỷ đồng qua tạm hoãn xuất cảnh

Cơ quan thuế đã thu hồi gần 4.300 tỷ đồng của 6.500 người nợ thuế qua hình thức tạm hoãn xuất cảnh.

Bộ Tài chính đang đề xuất ngưỡng áp dụng với cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng trong 120 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh
Bộ Tài chính đang đề xuất ngưỡng áp dụng với cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng trong 120 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh

Tổng cục Thuế cho biết, nhiều biện pháp cưỡng chế nợ (tạm hoãn xuất cảnh, kê biên tài sản, thu qua hóa đơn...) được ngành thuế áp dụng từ đầu năm với những trường hợp chây ì, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.

Theo đó, hơn 58.680 thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tổng tiền nợ 80.512 tỷ đồng được cơ quan thuế phát ra và thu hồi được khoảng 4.289 tỷ đồng của gần 6.500 người nợ thuế trong năm nay. Tính chung cả năm, số thu nợ thuế qua tạm hoãn xuất cảnh gấp gần 5 lần so với con số công bố giữa năm nay.

Bộ Tài chính đang đề xuất ngưỡng áp dụng với cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế từ 50 triệu đồng trong 120 ngày sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Mức cá nhân nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh này đã tăng thêm 40 triệu đồng so với dự thảo cơ quan quản lý đưa ra hồi đầu tháng 12.

Cùng với biện pháp thu hồi nợ qua tạm hoãn xuất cảnh, năm nay, ngành thuế tăng triển khai ứng dụng eTax Mobile giúp người nộp thuế cập nhật nghĩa vụ, các khoản nợ thuế. Đồng thời, cơ quan này cũng công khai thông tin, chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cố ý chây ỳ nợ thuế.

Nhờ đó, cơ quan thuế đã thu hồi được 61.227 tỷ đồng nợ thuế, tăng 33,2% so với cùng kỳ.

Liên quan tới thương mại điện tử, số thuế thu năm nay tăng 20% so với cùng kỳ, đạt 116.000 tỷ đồng. Từ đầu năm nay, cơ quan thuế đã nâng cấp, tăng ứng dụng AI thu thập thông tin trên các sàn như Shopee, Lazada, Tiki...

Hiện cả nước có gần 725.000 tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, tổng giá trị giao dịch hơn 75.000 tỷ đồng, theo dữ liệu từ 439 sàn cung cấp cho cơ quan thuế.

Cơ quan thuế đã đưa 120.000 doanh nghiệp, cá nhân vào diện rà soát, đôn đốc kê khai, nộp thuế. Số thuế đã kê khai, nộp từ nhóm này đạt 51.563 tỷ đồng. Nhà chức trách cũng xử lý vi phạm 30.668 trường hợp với số truy thu và phạt gần 1.360 tỷ đồng.

Cùng với đó, 120 nhà cung cấp nước ngoài đã đăng ký, khai và nộp thuế qua cổng thông tin điện tử. Số thuế họ đã nộp gần 8.690 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

Đề xuất dừng dự án cải tạo cống gần 21 triệu USD ở TP.HCM

Dự án cải tạo 3 km cống ở trung tâm TP.HCM bằng công nghệ đào ngầm, kinh phí 20,6 triệu USD, được đề xuất dừng do suất đầu tư cao, thủ tục phức tạp, khó nhân rộng.

Một đoạn cống xuống cấp ở trung tâm TP.HCM

Một đoạn cống xuống cấp ở trung tâm TP.HCM

Kiến nghị vừa được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) gửi UBND TP.HCM sau khi phân tích các yếu tố khó khăn liên quan tình hình triển khai Dự án.

Đây là công trình cải tạo, phục hồi đường cống thoát nước cũ (dự án SPR) với chiều dài khoảng 2,8 km ở các quận 1 và 3, gồm các tuyến: Hai Bà Trưng, Yersin, Cống Quỳnh, Cách Mạng Tháng Tám. Được duyệt năm 2017, dự án có tổng vốn 467 tỷ đồng (20,6 triệu USD), từ nguồn tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án được áp dụng công nghệ không đào hở, giúp quá trình thi công không chiếm dụng mặt đường ảnh hưởng giao thông hay chặn dòng gây cản trở thoát nước.

Về đề xuất ngưng dự án này, Chủ đầu tư cho biết, sau 7 năm công trình vẫn chưa thể thi công do vướng mắc thủ tục, hiện chưa chọn được nhà thầu xây lắp. Đến nay, Dự án chỉ mới giải ngân được 20% khoản tạm ứng Gói thầu tư vấn (6,5 tỷ đồng) cùng chi phí quản lý gần 1,3 tỷ đồng.

Do chậm trễ triển khai, Dự án cũng đã thay đổi do những biến động về tỷ giá hối đoái, giá nhân công, máy móc, thiết bị... Kinh phí được lập trước đây không còn đủ để thực hiện theo quy mô dự tính. Đồng thời, do đây là dự án dùng vốn vay nước ngoài nên thủ tục điều chỉnh cũng rất phức tạp.

Phân tích thêm về các yếu tố khó khăn khi triển khai, chủ đầu tư cho biết suất đầu tư theo phương pháp trên khá cao, gần 200 tỷ đồng/km. Trong khi dự án đầu tư xây mới hệ thống thoát nước ở Việt Nam, bình quân khoảng 40 tỷ đồng/km với cùng loại đường kính cống. Ngoài ra, công nghệ không đào hở chưa phổ biến trong nước nên chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đơn giá để áp dụng. Việc này gây khó khăn khi tổ chức thẩm định, phê duyệt, kiểm toán, thanh toán...