Bản tin thời sự sáng 21/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Thống đốc yêu cầu Eximbank làm rõ vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng; Cục Hàng không yêu cầu Pacific Airlines sớm bay trở lại; Chủ tịch Sudico hứa sớm trả tiền nợ cổ tức 2016 - 2017; gần 50 dự án nhà ở chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc…

Thống đốc yêu cầu Eximbank làm rõ vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng

Liên quan vụ khách nợ thẻ tín dụng gây xôn xao dư luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Eximbank khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng.

Thống đốc yêu cầu Eximbank làm rõ vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Thống đốc yêu cầu Eximbank làm rõ vụ nợ thẻ tín dụng 8,8 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Eximbank liên quan đến vụ việc khoản nợ thẻ tín dụng của khách hàng P.A.H tại Eximbank Quảng Ninh.

Theo Ngân hàng Nhà nước, mấy ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin liên quan đến vụ việc.

Theo đó, Eximbank AMC gửi công văn cho ông P.A.H thông báo về nghĩa vụ phải thanh toán của khách hàng tạm tính đến ngày 31/10/2023 hơn 8 tỷ đồng, gồm nợ gốc: 8.554.625 đồng và nợ lãi: 8.830.314.924 đồng.

Nhiều ý kiến bình luận đa chiều, gay gắt về vụ việc liên quan đến cách tính lãi của Eximbank, kêu gọi tẩy chay, không tiếp tục sử dụng các sản phẩm dịch vụ của Eximbank và thẻ tín dụng của các ngân hàng khác.

Để giải quyết kịp thời vấn đề dư luận quan tâm, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Eximbank phải bố trí lãnh đạo Eximbank trực tiếp trả lời hoặc thông tin với các cơ quan báo chí và dư luận xã hội về trách nhiệm, quyền hạn và phương hướng xử lý vụ việc với tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu khẩn trương xác minh vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của khách hàng và ngân hàng.

Eximbank phải báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kết quả xử lý vụ việc (qua Văn phòng Ngân hàng Nhà nước, Vụ Truyền thông) trước ngày 21/3.

Được biết, chiều ngày 20/3, Eximbank đã thông tin tới báo chí cho biết, sáng ngày 19/3, đại diện Eximbank đã gặp gỡ khách hàng P.H.A tại Hà Nội. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn trên tinh thần hợp tác, thống nhất phối hợp giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền lợi hợp lý, hợp tình cho cả hai.

Cục Hàng không yêu cầu Pacific Airlines sớm bay trở lại

Vietnam Airlines được yêu cầu khẩn trương tái cơ cấu đội bay của Pacific Airlines, đưa tàu bay vào khai thác trở lại trong thời gian sớm nhất.

Vietnam Airlines được yêu cầu khẩn trương tái cơ cấu đội bay của Pacific Airlines, đưa tàu bay vào khai thác trở lại

Vietnam Airlines được yêu cầu khẩn trương tái cơ cấu đội bay của Pacific Airlines, đưa tàu bay vào khai thác trở lại

Hai ngày trước, Pacific Airlines đã phải trả hết tàu bay để giảm gánh nặng nợ với các chủ cho thuê. Một số đường bay của hãng phải thay đổi kế hoạch hoặc tạm dừng khai thác.

Trước tình hình này, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Pacific Airlines phải bảo đảm quyền lợi của khách hàng đã mua vé theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp chuyến bay bị hủy và khách hàng không có nhu cầu sử dụng dịch vụ, Pacific Airlines phải hoàn tiền, mà không được thu bất kỳ khoản tiền nào.

Cục cũng yêu cầu Pacific Airlines thực hiện tái cơ cấu đội bay, đưa tàu bay khai thác trở lại trong thời gian sớm nhất. Hãng cần báo cáo cho Cục biết phương án tái cơ cấu, kế hoạch khai thác trước ngày 22/3. Với các slot không sử dụng trong giai đoạn dừng khai thác, cơ quan quản lý cũng yêu cầu Pacific Airlines trả lại.

Trước đó, hãng hàng không này khẳng định sẽ sớm bay trở lại. Còn khách hàng đã mua vé sẽ được thông báo lịch bay mới, hoặc chuyển sang các chuyến của Vietnam Airlines.

Hãng hàng không giá rẻ sẽ thuê máy bay từ công ty mẹ - Vietnam Airlines để tối ưu hóa nguồn lực. Nhiều khả năng, hãng sẽ nhận từ Vietnam Airlines 3 tàu bay. Đây cũng là điều kiện tối thiểu với một hãng hàng không để duy trì giấy chứng nhận khai thác tàu bay (AOC).

Pacific Airlines thành lập từ 1991, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên tại Việt Nam. Hãng hàng không giá rẻ này kinh doanh khó khăn trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2018 - 2019, hãng có lãi vài chục tỷ đồng, nhưng sau đó quay trở lại thua lỗ do ảnh hưởng của Covid-19. Năm 2022, hãng này lỗ gần 2.100 tỷ đồng, giảm hơn 210 tỷ đồng so với năm trước đó.

Sau khi nhận lại toàn bộ cổ phần từ cổ đông Qantas vào 2022, Vietnam Airlines sở hữu trên 98,8% tại Pacific Airlines. Từ đó đến nay, hãng hàng không quốc gia tìm nhà đầu tư mới cho hãng bay giá rẻ này và cũng được số bên quan tâm.

Chủ tịch Sudico hứa sớm trả tiền nợ cổ tức 2016-2017

Chủ tịch Sudico Đỗ Văn Bình cho biết, Công ty tính trả khoản nợ cổ tức 2016 - 2017 cho cổ đông vào năm ngoái, nhưng dòng tiền gặp khó khăn.

Chủ tịch Sudico Đỗ Văn Bình hứa sớm trả tiền nợ cổ tức 2016 - 2017

Chủ tịch Sudico Đỗ Văn Bình hứa sớm trả tiền nợ cổ tức 2016 - 2017

Cổ tức là một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại phiên họp thường niên ngày 20/3 của Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã: SJS).

Năm 2016 và 2017, Sudico đã thông qua việc trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% mệnh giá. Tuy nhiên, liên tiếp nhiều năm, việc chi trả bị hoãn với lý do "không thu xếp được tài chính". Trước việc chậm trả này, năm 2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từng nhắc nhở doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định về quản trị.

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Sudico Đỗ Văn Bình, năm 2023, Công ty tính phương án trả cổ tức còn nợ sau khi thoái vốn nhà nước thành công, nhưng xảy ra vấn đề ngoài dự kiến. Ông Bình hứa sẽ giải quyết sớm vấn đề này vào cuối năm nay, hoặc đầu 2025.

"Trước ngày 31/12/2024, Công ty sẽ cố gắng trả cổ tức của 2016 và 2017 cho các cổ đông", Chủ tịch Sudico nói.

Năm ngoái, đại gia ngành bất động sản bị truy thu gần 600 tỷ đồng nợ thuế và phạt trả chậm. Đây là khoản không được Sudico dự tính trước, khiến họ gặp khó về dòng tiền.

Nam An Khánh là một trong những dự án trọng điểm lúc này của Sudico. Thị trường bất động sản trầm lắng, giá phân khu thấp tầng tại đây thấp hơn thị trường vài chục phần trăm, do chưa hoàn thiện hạ tầng tiện ích công cộng.

"Hai năm nay chúng tôi xin thủ tục cấp phép để làm hạ tầng tiện ích, nhưng chưa được thành phố chấp thuận", Chủ tịch Sudico nói, thêm rằng họ đang cố gắng xử lý để hoàn thiện hạ tầng Dự án.

Năm nay, Sudico đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 858 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, tăng 38%, với cổ tức dự kiến 10 - 15%.

Công ty cũng tái khởi động phương án tăng vốn điều lệ chưa thực hiện do thị trường kém tích cực. Theo đó, Sudico dự kiến phát hành hơn 126 triệu cổ phiếu để tăng hơn gấp đôi vốn, lên 2.411 tỷ đồng. Trong đó, Công ty sẽ phát hành gần 30 triệu cổ phiếu trả cổ tức 2018 - 2021 và hơn 96 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 84%.

Gần 50 dự án nhà ở chậm tiến độ ở Vĩnh Phúc

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Danh sách này gồm cả dự án đang làm thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc của chủ đầu tư Công ty CP Sông Hồng Hoàng Gia cũng chậm triển khai so với thời hạn hoàn thành

Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc của chủ đầu tư Công ty CP Sông Hồng Hoàng Gia cũng chậm triển khai so với thời hạn hoàn thành

Theo đó, có nhiều dự án chậm triển khai hơn chục năm như Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng (tiến độ đến hết năm 2007) hay Khu đô thị Đồng Sơn của Công ty TNHH Hữu Sinh (tiến độ 2004 - 2009).

Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô có 2 dự án chậm tiến độ gồm: Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (8/2018 - 2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (2010 - 2015). Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc của chủ đầu tư Công ty CP Sông Hồng Hoàng Gia, công ty con của Sông Hồng Thủ Đô, cũng chậm triển khai so với thời hạn hoàn thành trong năm 2022.

Danh sách cũng nêu Khu nhà ở sinh thái Vinaconex 2 của Công ty CP Đầu tư và xây dựng VINA 2 chậm tiến độ, trong khi thời gian hoàn thành Dự án vào tháng 2/2022. Khu nhà ở TMS Land Hùng Vương của Công ty CP TMS Bất động sản có tiến độ từ quý II/2015 - IV/2022 nhưng chậm hoàn thành.

Tỉnh có 2 dự án nhà ở thu nhập thấp nằm trong danh sách trên gồm Khu nhà ở thu nhập thấp 8T của LICOGI 18.3 (tiến độ đến tháng 12/2017) và Khu nhà ở thương mại và nhà cho người thu nhập thấp của Công ty CP DVTM và đầu tư Trang Đạt (tiến độ đến tháng 8/2014).

Nhiều dự án cũng mới được nêu trong danh sách chậm triển khai được tỉnh công bố hồi cuối tháng 1.

Quảng Trị quy hoạch tu bổ 14 giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh

14 giếng cổ ở xã Gio An, huyện Gio Linh được lập quy hoạch tu bổ, bảo quản với kinh phí hơn 3,2 tỷ đồng.

Hệ thống giếng cổ ở xã Gio An

Hệ thống giếng cổ ở xã Gio An

Ngày 20/3, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa phê duyệt dự toán lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích hệ thống khai thác và xử lý nước của 14 giếng cổ ở xã Gio An. Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng Tỉnh là đơn vị thực hiện lập quy hoạch và thanh quyết toán kinh phí.

Tổng dự toán lập quy hoạch hơn 3,2 tỷ đồng, trong đó chi phí khảo sát địa hình 441 triệu đồng, lập nhiệm vụ quy hoạch 441 triệu đồng và lập đồ án quy hoạch hơn 2,33 tỷ đồng.

Hệ thống công trình khai thác nước cổ gồm 30 giếng nước ở xã Gio An do người Chăm xây dựng cách đây 2.000 năm. Hệ thống giếng có kiến trúc độc đáo, hình thành từ việc xếp các viên đá cuội để dẫn nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Năm 2001, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận 14 giếng tiêu biểu là di tích quốc gia. Quảng trị sau đó đã tôn tạo, tu bổ 7 giếng và biến khu vực này trở thành điểm du lịch thu hút nhiều khách tham quan.

Xuất khẩu tôm năm nay ước đạt 4 tỷ USD

Tuy gặp nhiều khó khăn, song dự báo ngành tôm năm nay vẫn rất khả quan, xuất khẩu dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD, tăng từ 10 - 15% so với năm 2023.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy thủy sản ở Cà Mau

Chế biến tôm xuất khẩu tại một nhà máy thủy sản ở Cà Mau

Thông tin được TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam nêu tại lễ khai mạc Hội chợ triển lãm quốc tế công nghệ ngành tôm Việt Nam, ngày 20/3.

Theo ông Thắng, nhiều năm nay, con tôm vẫn luôn là chủ lực của ngành thủy sản. Hàng năm, mặt hàng này mang về cho Việt Nam từ gần 4 tỷ USD và đóng góp khoảng 45 - 50% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Hiện Việt Nam là một trong những nước sản xuất tôm lớn nhất và nằm trong top 4 thế giới về xuất khẩu cùng với các nước Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.

Năm 2023, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 737.000 ha, sản lượng hơn 1,1 triệu tấn. Diện tích nuôi cơ bản không tăng nhưng tổng sản lượng tôm lại tăng tới 5,5% so với năm 2022. Dù vậy, khó khăn từ nhiều phía khiến kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm gần 20% so với năm 2022.

Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, năm nay, những khó khăn, thách thức của ngành tôm vẫn chưa hết vì tình hình thời tiết diễn biến bất thường, giá vật tư đầu ở mức cao, nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn rất lớn. Ngoài ra, lạm phát tại nhiều quốc gia giảm nhưng chưa đáng kể, chi phí logistics lớn, nhất là tình hình căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ... Do đó, người nuôi còn dè dặt trong tái sản xuất.

Nhưng điều này có lẽ sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn, bởi dự báo phát triển của ngành vẫn rất khả quan, đặc biệt là từ nửa cuối năm nay. Tình hình xuất khẩu tôm được nhận định sẽ khởi sắc và tăng từ 10 - 15% so với năm rồi, dự kiến thu về hơn 4 tỷ USD.