Bản tin thời sự sáng 21/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thiếu kinh phí vận hành, bảo trì; Phan Thiết được mở rộng thêm 94 km2; TP.HCM tạm giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc; người Việt đặt 766 triệu món hàng ở Shopee, TikTok Shop... trong quý I…

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thiếu kinh phí vận hành, bảo trì

Kinh phí quản lý, vận hành và bảo trì tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hơn 10 tỷ đồng (đến thời điểm này) nhưng Công ty Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E) chưa được thanh toán.

Đoạn qua trạm thu phí cuối tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa phận Đồng Nai

Đoạn qua trạm thu phí cuối tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa phận Đồng Nai

VEC-E vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn trong việc xác định nguồn kinh phí quản lý, vận hành và bảo trì cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

VEC-E được Ban Quản lý dự án Thăng Long giao nhiệm vụ bảo trì cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từ 29/4/2023 đến khi chọn được cơ quan bảo trì chính thức.

Tuy nhiên, đến nay, VEC-E chưa được thanh toán hơn 10 tỷ đồng cho việc quản lý, vận hành và bảo trì đường cao tốc. Lý do là Bộ GTVT và Ban Quản lý dự án Thăng Long chưa xác định được nguồn kinh phí.

Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết, sẽ tiếp tục báo cáo Bộ GTVT về việc xác định nguồn kinh phí đối với công tác vận hành, bảo trì tuyến cao tốc trên trước 25/4.

Sau 28/4, nếu Chủ đầu tư vẫn chưa xác định được nguồn kinh phí thì VEC-E sẽ xem xét tạm dừng quản lý, vận hành, bảo trì cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được khởi công tháng 9/2020, tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Do thuộc diện đầu tư công, việc thu phí cao tốc phải chờ quy định mới. Hiện Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã hoàn thiện Đề án thu phí sử dụng đường bộ đầu tư công để trình Chính phủ xem xét, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

VEC-E được thành lập năm 2010, có trụ sở tại TP.HCM, hoạt động chính trong lĩnh vực giao thông. Công ty đang quản lý bảo trì, vận hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nối liền tuyến Dầu Giây - Phan Thiết.

Phan Thiết được mở rộng thêm 94 km2

Đến năm 2025, sau khi sáp nhập một phần huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) sẽ rộng 305 km2, với hơn 334.000 dân.

TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) sẽ rộng 305 km2

TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) sẽ rộng 305 km2

Nội dung trên được nêu trong nhiệm vụ thực hiện phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025, điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Phan Thiết. Dự kiến, sau khi hoàn tất, UBND tỉnh Bình Thuận sẽ trình HĐND Tỉnh thông qua, trước khi trình Bộ Nội vụ thẩm định vào tháng 6 tới.

Thành phố biển Phan Thiết hiện rộng 211 km2, có gần 260.000 người với 18 đơn vị hành chính (14 phường và 4 xã). Trong hai năm tới, địa phương này sẽ tiếp nhận gần 94 km2 diện tích và hơn 74.700 nhân khẩu của hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc. Sau sắp xếp, Phan Thiết sẽ có 18 đơn vị hành chính (13 phường, 5 xã).

Cụ thể, một phần huyện Hàm Thuận Bắc (gần 62 km2) sẽ được nhập vào TP. Phan Thiết gồm: toàn bộ thị trấn Phú Long và xã Hàm Thắng, một phần xã Hàm Liêm và xã Hàm Hiệp. Ở phía nam, toàn bộ xã Hàm Mỹ (hơn 32 km2) của huyện Hàm Thuận Nam cũng được nhập vào Phan Thiết.

Cùng với đó, một số đơn vị hành chính cấp xã hiện hữu của TP. Phan Thiết cũng được sắp xếp lại theo đúng tiêu chuẩn đô thị. Ba phường phía Nam sông Cà Ty (Đức Thắng, Đức Nghĩa, Lạc Đạo) sẽ nhập thành một phường mới. Ở phía Bắc sông, nhập hai phường Bình Hưng và Hưng Long thành một đơn vị hành chính mới.

Xã Phong Nẫm hiện hữu sẽ tiếp nhận một phần xã Hàm Liêm (11,8 km2) và một phần xã Hàm Hiệp (7 km2) từ huyện Hàm Thuận Bắc. Phường Thanh Hải tiếp nhận một phần xã Hàm Thắng (3,4 km2) và một phần phường Phú Hài (1,22 km2). Như vậy, phường Phú Hài sẽ được giữ lại, nhưng điều chỉnh một phần nhỏ diện tích qua phường Thanh Hải.

Các phường, xã còn lại cơ bản được giữ nguyên hiện trạng, gồm: Tiến Lợi, Tiến Thành, Đức Long, Phú Tài, Phú Trinh, Xuân An, Phú Thuỷ, Phú Hài, Hàm Tiến, Mũi Né, Thiện Nghiệp.

TP.HCM tạm giữ nhiều vàng, trang sức không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa kiểm tra và tạm giữ nhiều vàng, trang sức vi phạm trị giá gần nửa tỷ đồng.

Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng vàng ở TP.HCM

Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng vàng ở TP.HCM

Cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa phối hợp với lực lượng công an kiểm tra nhiều cửa hàng kinh doanh vàng, phát hiện có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc xuất xứ. Tại TP. Thủ Đức, nhiều điểm kinh doanh vàng trang sức sai phạm khi không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ và nhãn hàng theo quy định. Toàn bộ số nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền vi phạm có tổng trị giá hơn 233,9 triệu đồng.

Tương tự, tại huyện Hóc Môn, Đội quản lý thị trường số 18 đã phối hợp với Công an xã Đông Thạnh kiểm tra đột xuất một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng. Nhà chức trách đã thu giữ nhiều hàng hóa không hóa đơn chứng từ trị giá 49 triệu đồng.

"Từ đầu tháng tới nay, các đội quản lý thị trường đã kiểm tra và tạm giữ số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm trị giá tới 499,6 triệu đồng", đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho hay.

Trước đó, nhiều cửa hàng kinh doanh vàng bất ngờ đóng cửa trong bối cảnh cơ quan quản lý thị trường tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh, nguồn gốc hàng hóa.

Ngoài kiểm tra tại các tiệm vàng, Cục Quản lý thị trường Thành phố cũng phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường theo dõi việc bán vàng trên các tài khoản mạng xã hội.

Không riêng tại TP.HCM, cơ quan quản lý thị trường các địa phương khác cũng đồng loạt kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vàng sau công điện của Thủ tướng.

Người Việt đặt 766 triệu món hàng ở Shopee, TikTok Shop... trong quý I

Với hơn 766 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công, doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đã tăng 79% trong quý I lên hơn 71.000 tỷ đồng (khoảng 2,8 tỷ USD).

Dự báo tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử có thể đạt 84.870 tỷ đồng trong quý II/2024

Dự báo tổng doanh số trên 5 sàn thương mại điện tử có thể đạt 84.870 tỷ đồng trong quý II/2024

Theo báo cáo mới đây của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử (TMĐT) Metric, tổng doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo trong quý I đạt 71.200 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, Metric ghi nhận 510.500 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng (+9%); 13,1 triệu sản phẩm có lượt bán (+10%) và 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công (+83%).

“Các sàn TMĐT tiếp tục là sân chơi được các nhà bán hàng lựa chọn để tiếp cận khách hàng tiềm năng. Sản lượng và doanh thu đều trên đà tăng trưởng mạnh. Đây là con số cực kỳ ấn tượng khi dự báo đầu năm của Metric, tốc độ tăng trưởng năm 2024 có thể chỉ cán mốc 35%”, nền tảng này nhận định.

Doanh số bán hàng trên 5 sàn TMĐT có xu hướng bùng nổ vào tháng 3 khi đạt gần 28.300 tỷ đồng. Đây là tháng luôn mang lại doanh thu cao nhất trong quý I bởi dịp Tết Nguyên đán thường rơi vào tháng 1 và tháng 2, tạo tâm lý ngại mua sắm trực tuyến hơn do tình trạng gián đoạn vận chuyển giao hàng.

Hà Nội và TP.HCM tiếp tục là 2 địa phương dẫn đầu doanh số và sản lượng bán dựa trên địa điểm đặt kho, chiếm tổng cộng trên 70% toàn thị trường. Đây cũng được coi là đại diện văn hóa tiêu dùng của 2 miền Nam - Bắc.

Metric dự báo trong quý II, tổng doanh số trên 5 sàn TMĐT có thể đạt mức 84.870 tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra, tăng lần lượt 19% và 14% so với quý I. Đây là mục tiêu có thể dễ dàng đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu tích cực.

Gần 300 tỷ đồng xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh

Ban Quản lý dự án 85 trình Bộ GTVT phê duyệt hồ sơ đề xuất Dự án Đầu tư kinh doanh trạm dừng nghỉ Km41+500 trên cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Ban Quản lý dự án 85 cho biết, thời gian khai thác trạm dừng nghỉ sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm. Ảnh minh họa

Ban Quản lý dự án 85 cho biết, thời gian khai thác trạm dừng nghỉ sau khi hoàn thành công tác đầu tư là 25 năm. Ảnh minh họa

Vị trí trạm dừng nghỉ được xây dựng hai bên của tuyến cao tốc tại lý trình Km41+500 thuộc địa bàn xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.

Các hạng mục của trạm dừng nghỉ dự kiến sẽ được xây dựng gồm: công trình dịch vụ công (cung cấp các dịch vụ miễn phí): bãi đỗ xe, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm thời cho lái xe, khu vệ sinh; nơi cung cấp thông tin; nơi tổ chức, phát động tuyên truyền về an toàn giao thông; nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.

Bên cạnh đó, công trình dịch vụ thương mại gồm: khu vực phục vụ ăn uống, giải khát; khu vực giới thiệu và bán hàng hóa; trạm cấp nhiên liệu; trạm sạc xe điện; xưởng bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; nơi rửa xe; nhà hàng ăn uống; khu vui chơi, giải trí; khu vui chơi dành riêng cho trẻ em; khu dịch vụ nghỉ ngơi, các công trình phụ trợ; các dịch vụ thiết yếu khác nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân...

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện Dự án gần 300 tỷ đồng. Sơ bộ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với Dự án gần 5,6 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện Dự án 100% của nhà đầu tư. Phần vốn Nhà nước đã chi trả trong giai đoạn chuẩn bị dự án như giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí tổ chức mời thầu… sẽ được nhà đầu tư hoàn trả sau khi ký kết hợp đồng.

Thời gian thi công dự kiến là 15 tháng. Trong đó, thời gian dự kiến hoàn thành các hạng mục công trình công cộng là 9 tháng.

Ban Quản lý dự án 85 cho biết, trạm dừng nghỉ Km41+500 (đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh) sau khi được đầu tư sẽ phục vụ nhu cầu sử dụng, dừng nghỉ của hành khách, bảo đảm khai thác đồng bộ với đường cao tốc.

VASCO tăng tần suất khai thác đường bay Cà Mau - TP.HCM

Kể từ ngày 19/4 - 25/10/2024, VASCO tăng tần suất chuyến bay TP.HCM - Cà Mau và ngược lại.

Cảng hàng không Cà Mau

Cảng hàng không Cà Mau

Ngày 20/4, ông Phạm Thanh Lâm, Giám đốc Cảng hàng không Cà Mau cho biết, các chuyến bay của Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO) từ TP.HCM đi Cà Mau và ngược lại sẽ tăng tần suất lên hàng ngày trong tuần, với lịch khai thác cố định.

Theo đó, từ ngày 19/4 - 25/10/2024, Công ty Bay dịch vụ hàng không tăng tần suất chuyến bay TP.HCM - Cà Mau và ngược lại, một chuyến/ngày.

Cụ thể, từ thứ Hai đến thứ Năm và thứ Bảy, khởi hành từ TP.HCM vào 14h05; khởi hành từ Cà Mau vào 15h30.

Riêng thứ Sáu và Chủ nhật, khởi hành từ TP.HCM vào lúc 5h45; khởi hành từ Cà Mau vào 7h10.

Như vậy, Công ty Bay dịch vụ hàng không tăng thêm hai chuyến bay vào ngày thứ Sáu và Chủ nhật so với trước kia là 4 chuyến bay/tuần.

Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, nhà ga hành khách có công suất 200.000 hành khách/năm, một đường cất hạ cánh kích thước 1.500m x 30m, đảm bảo khai thác tàu bay ATR72 hoặc tương đương.

Trước đó, Bộ GTVT ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch Cảng hàng không Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống cảng hàng không toàn quốc, đến năm 2030, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 4C, công suất 1 triệu hành khách/năm; đến năm 2050 đạt công suất 3 triệu hành khách/năm.

Rà soát dự án đường 3.800 tỷ đồng Tập đoàn Thuận An tham gia thi công ở Bình Dương

Cơ quan chức năng đang rà soát một dự án đường kết nối vùng ở Bình Dương, vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng, có sự tham gia thi công của Tập đoàn Thuận An.

Một đoạn thuộc Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng

Một đoạn thuộc Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng

Ngày 20/4, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành rà soát lại gói thầu tại Dự án đường tạo lực (tạo tiềm lực để phát triển) Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, để đảm bảo tính pháp lý theo quy định của pháp luật.

Đây là dự án có sự tham gia thi công của Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An (Tập đoàn Thuận An) và một số công ty tư nhân khác. Vốn đầu tư của Dự án khoảng 3.800 tỷ đồng. Được biết, việc rà soát lại Dự án là để đảm bảo tính pháp lý, theo quy định của pháp luật.

Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được chia làm 4 dự án thành phần. Trong đó, 1 dự án thành phần do Tập đoàn Thuận An liên danh thực hiện đã hoàn thành đưa vào sử dụng. 3 dự án thành phần còn lại đang đẩy nhanh tiến độ để đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng dài 48 km, được khởi công xây dựng vào đầu tháng 10/2021, thuộc nhóm B, công trình giao thông cấp II với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Vận tốc thiết kế của Dự án là 80 km/h với 6 làn xe, kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng. Trên toàn tuyến đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng có 4 cầu được xây dựng bê tông cốt thép dự ứng lực, với tuổi thọ thiết kế 100 năm.

Gói thầu Thi công thuộc Dự án Xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng có giá trúng thầu hơn 1.000 tỷ đồng, do Tập đoàn Thuận An liên danh với các công ty khác thực hiện.