Bản tin thời sự sáng 21/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành chậm nhất vào ngày 19/12; chỉ định chủ tịch tỉnh thành sau khi sáp nhập; Đồng Nai rà soát trụ sở cũ làm nhà công vụ cho cán bộ Bình Phước; Thái Nguyên và Bắc Kạn sẽ thanh lý, đấu giá hơn 100 trụ sở…

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành chậm nhất vào ngày 19/12

Kiểm tra tiến độ thi công Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chiều 20/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu công trình về đích chậm nhất ngày 19/12.

Đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73 km, vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng

Đoạn cao tốc Hậu Giang - Cà Mau dài hơn 73 km, vốn đầu tư 17.000 tỷ đồng

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài gần 111 km (trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang gần 38 km; Hậu Giang - Cà Mau hơn 73 km), đi qua TP. Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau. Công trình khởi công ngày 1/1/2023, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng. Đến nay, tổng khối lượng thi công Dự án đạt 66%, chậm 4% so với kế hoạch.

Thị sát Dự án ở địa phận Cà Mau, Thủ tướng ghi nhận sự vào cuộc tích cực, tinh thần làm việc trách nhiệm cao của các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, tư vấn, kỹ sư, công nhân trực tiếp làm việc tại các công trường. "Chậm nhất đến ngày 19/12 phải khánh thành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, nếu đoạn nào xong sớm có thể khánh thành trước", Thủ tướng nói và cho hay, tuyến sẽ giúp cao tốc kéo dài từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Về tuyến cao tốc TP. Cà Mau - Đất Mũi, Thủ tướng đề nghị tách giải phòng mặt bằng ra làm riêng, Trung ương sẽ hỗ trợ 50%, phần còn lại ngân sách tỉnh Cà Mau. Bộ Quốc phòng cần chuẩn bị các bước để làm nhanh dự án này, chỗ nào nền đất yếu sẽ bắc cầu cạn. Tuyến hoàn thành sẽ tạo ra diện mạo mới cho Cà Mau.

Liên quan trạm dừng nghỉ trên cao tốc, Thủ tướng yêu cầu quy hoạch khoảng 10 ha trên tuyến để làm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thi công. "Trong xây dựng có 3 điều rất quan trọng, một là tiến độ, hai là chất lượng và ba là không đội giá", Thủ tướng nói và nhấn mạnh, trong 5 năm tới ít nhất Đồng bằng sông Cửu Long phải hoàn thành 600 km cao tốc.

Chỉ định chủ tịch tỉnh thành sau khi sáp nhập

Thường vụ Quốc hội đề nghị thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị về việc không bầu chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh mà chỉ định, bổ nhiệm sau khi sáp nhập đơn vị hành chính.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (giữa) và hai phó chủ tịch Quốc hội tại phiên họp Thường vụ

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn (giữa) và hai phó chủ tịch Quốc hội tại phiên họp Thường vụ

Đây là nội dung kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị các hồ sơ liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và luật, nghị quyết có liên quan đến việc sắp xếp bộ máy kết hợp phương án xử lý để thể chế hóa quy định về một số chức danh.

Trong đó, khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã, các địa phương không bầu cử chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; trưởng, phó đoàn đại biểu Quốc hội; trưởng các ban của HĐND và ủy viên UBND.

Thay vào đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp xã căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, tiến hành chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh này. Trường hợp đặc biệt, Thường vụ Quốc hội cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã mới thành lập.

Đây cũng là nội dung được nêu tại Kết luận 150 của Bộ Chính trị về hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu, hoàn thiện các tài liệu để báo cáo Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 ngay khi được thành lập để kịp thời xem xét, quyết định nội dung thuộc thẩm quyền.

Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, 11 tỉnh, thành sẽ giữ nguyên trạng gồm Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng. 52 địa phương sáp nhập còn 23 tỉnh, thành. Cả nước sẽ còn 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính quyền địa phương sẽ được tổ chức theo 2 cấp: cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu). Cấp huyện sẽ chấm dứt hoạt động sau khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025. Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60 - 70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay.

Đồng Nai rà soát trụ sở cũ làm nhà công vụ cho cán bộ Bình Phước

UBND Đồng Nai yêu cầu rà soát các nhà tạm cư, trụ sở cũ bỏ không thành nhà công vụ cho cán bộ Bình Phước khi sáp nhập.

Trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai nằm trên đường Nguyễn Văn Trị, TP. Biên Hoà

Trụ sở UBND tỉnh Đồng Nai nằm trên đường Nguyễn Văn Trị, TP. Biên Hoà

Ngày 20/4, UBND Đồng Nai yêu cầu Sở Xây dựng và UBND TP. Biên Hòa rà soát các khu nhà tạm cư trên địa bàn để xem xét, đề xuất sửa chữa thành nhà công vụ.

Tỉnh này cũng yêu cầu cơ quan chức năng rà soát trụ sở các đơn vị hiện không còn sử dụng để thực hiện chuyển đổi công năng thành nhà công vụ phục vụ bố trí cho cán bộ, công chức Bình Phước khi sáp nhập tỉnh. Sở Xây dựng cần tham mưu văn bản để tỉnh gửi UBND Bình Phước đánh giá về nhu cầu nhà ở công vụ đối với cán bộ, công chức khi sáp nhập hai địa phương và chủ động bố trí.

UBND tỉnh Đồng Nai đang kiểm tra xác minh những trường hợp thuê, mua nhà ở xã hội không đúng quy định tại các khu căn hộ xã hội trên địa bàn nhằm thu hồi trong thời gian tới.

Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai sáp nhập Bình Phước thành tỉnh mới có tên Đồng Nai, trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Đồng Nai hiện nay.

Để kết nối giao thông 2 tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai có kế hoạch khởi công Dự án cầu Mã Đà vào tháng 6 tới. Sau khi xây xong cầu, hai tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp ĐT 753 (phía Bình Phước) và ĐT 761, 767 (phía Đồng Nai), xây mới đường kết nối Vành đai 4 TP.HCM với quy mô 8 làn xe. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2026 đến năm 2028.

Thái Nguyên và Bắc Kạn sẽ thanh lý, đấu giá hơn 100 trụ sở

Đối với tài sản công không còn sử dụng và phải xử lý, ông Dương Xuân Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, sau khi quy hoạch, trụ sở nào không đáp ứng công việc sẽ cho thanh lý, đấu giá theo quy định của pháp luật.

Trụ sở UBND xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên sẽ được xử lý sau sáp nhập

Trụ sở UBND xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên sẽ được xử lý sau sáp nhập

Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII ngày 12/4, Thái Nguyên và Bắc Kạn thuộc diện sáp nhập, hợp nhất lấy tên tỉnh mới và đặt trụ sở hành chính - chính trị tại Thái Nguyên.

Ông Dương Xuân Hùng, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, lãnh đạo hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn đang tiến hành rà soát, sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau hợp nhất, đồng thời đánh giá thực tế trụ sở làm việc ở các cấp và bố trí lực lượng, bố trí máy quay và bay flycam để ghi nhận thực trạng.

Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đang yêu cầu rà soát trụ sở toàn bộ thị trấn, xã, phường hiện nay để có phương án, trụ sở nào có thể tiếp tục phục vụ cơ quan hành chính, trụ sở nào để phục vụ cho các cơ quan công an, quân đội, trụ sở nào để phục vụ cho y tế, giáo dục hay không gian công cộng thì cần phải đánh giá kỹ lưỡng nhưng trên quan điểm đảm bảo đáp ứng điều kiện cho các cơ quan ở quy mô tỉnh mới, phục vụ tốt nhất công việc và phục vụ người dân, đồng thời phải đáp ứng không gian để phát triển trong tương lai.

Thái Nguyên và Bắc Kạn hiện có 2.888 trụ sở, trong số này sẽ tiếp tục sử dụng trên 2.500 trụ sở, sử dụng cho mục đích khác trên 260 trụ sở.

Đối với tài sản công không còn sử dụng và phải xử lý, ông Dương Xuân Hùng cho biết, sau khi quy hoạch, trụ sở nào không đáp ứng công việc sẽ cho thanh lý, đấu giá theo quy định của pháp luật, dự kiến là 123 trụ sở.

Giá thuê đất công nghiệp phía Bắc tiếp đà tăng trong quý I/2025

Quý I/2025, giá thuê đất công nghiệp tại phía Bắc đạt trung bình 139 USD mỗi m2 cho kỳ hạn thuê, tăng gần 4% so cùng kỳ năm ngoái.

Một góc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh

Một góc Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, huyện Đông Anh

Theo báo cáo mới đây của đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ về tư vấn, quản lý đầu tư CBRE, thị trường bất động sản công nghiệp có một quý đầu năm tăng trưởng khả quan.

Ở phía Bắc, giá thuê đất công nghiệp tại các thị trường cấp 1 như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương tăng 3,7% so với cùng kỳ, đạt trung bình 139 USD mỗi m2 (khoảng 3,6 triệu đồng một m2) cho kỳ hạn còn lại. Đà tăng này tập trung ở các khu công nghiệp có mức lấp đầy tốt khiến chủ đầu tư điều chỉnh giá thuê.

Mức hấp thụ các khu công nghiệp phía Bắc đạt gần 80% với khoảng 200 ha, tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước. Quý đầu năm ghi nhận nhiều dự án được khởi công như Nhà máy Sản xuất linh kiện điện tử Lite-On ở Quảng Ninh trị giá 690 triệu USD hay Nhà máy Victory Giant Technology ở Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 540 triệu USD.

Với thị trường kho xưởng xây sẵn, giá thuê cũng tăng 2,3 - 2,6% theo năm, đạt ngưỡng 4,7 - 4,9 USD mỗi m2 một tháng. Tỷ lệ lấp đầy kho xưởng đạt trên 80%. CBRE cho biết, nhóm công ty logistics dẫn dắt nguồn cầu nhà kho xây sẵn tại phía Bắc, theo sau là các công ty sản xuất điện tử, thiết bị thể thao.

Cùng đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng vốn ngoại đổ vào bất động sản đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ. Điều này thúc đẩy diễn biến tích cực tại thị trường cho thuê đất công nghiệp phía Bắc, vốn có lợi thế vị trí, cơ sở hạ tầng cải thiện cùng tâm lý thị trường tích cực.

Bộ Y tế chỉ đích danh 21 sản phẩm thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường

Cục Quản lý Dược cho biết trong số 21 sản phẩm thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố về việc cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép trên thị trường sau khi đường dây sản xuất, tiêu thụ thuốc giả rất lớn bị Công an Thanh Hóa triệt phá.

Cục Quản lý Dược cho biết, trong số 21 sản phẩm thuốc giả bị Công an tỉnh Thanh Hóa thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, gồm: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter và Neo-Codion.

Căn cứ các quy định của Luật Dược, Cục Quản lý Dược yêu cầu, sở y tế các tỉnh, thành phố và y tế các ngành khẩn trương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, cơ sở sử dụng thuốc không được kinh doanh, sử dụng các sản phẩm thuốc giả sau:

Viên nén Tetracyclin TW3 (Tetracyclin hydroclorid 250mg), số đăng ký VD-28109-17; nhà sản xuất Công ty CP Dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.

Viên nén Clorocid TW3 (Cloramphenicol 250mg), số đăng ký VD-25305-16; nhà sản xuất Công ty CP Dược phẩm TW3, đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.

Viên nén Pharcoter (Codein base 10mg; Terpin hydrat 100mg), số đăng ký VD-14429-11; nhà sản xuất Công ty CP Dược phẩm Trung ương 1 (Pharbaco), đóng gói dạng lọ nhựa 400 viên.

Sản phẩm giả thuốc Neo-Codion (ghi chú: thuốc Neo-Codion được Bộ Y tế cấp phép lưu hành với các thông tin chính thức như sau: Số giấy phép lưu hành 300111082223 (số đăng ký cũ VN-18966-15); hoạt chất Codein base (dưới dạng Codein camphosulfonat 25mg) 14,93mg, Sulfogaiacol 100mg, cao mềm Grindelia 20mg; dạng bào chế: viên nén bao đường; đóng gói hộp 2 vỉ x 10 viên; nhà sản xuất Công ty Sophartex (Pháp), địa chỉ 21, rue du Pressoir, Vernouillet, 28500.

16 sản phẩm không thuộc danh mục thuốc đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành bao gồm: Nhức khớp tê bại hoàn; Tui Hua Shen Jing Tong (thuốc thoái hóa Singapore); Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn; Professor’s Pill (khớp xanh); Mujarhabat Kapsul (khớp đỏ); Gai cốt hoàn; Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn; Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn; Phong tê nhức Bạch Xà Vương; Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn; Đa xoang mũi; Viên vai cổ; Yuan Bone; Thoái cốt hoàn plus; Thoái hóa nhức khớp hoàn plus; Thoát hóa tọa cốt đơn.

32 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 không có giấy phép môi trường

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai, đến nay, qua rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng của Tỉnh đã phát hiện 32 doanh nghiệp tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 vi phạm với nội dung không có giấy phép môi trường.

Có 32 doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 bị phát hiện vi phạm không có giấy phép môi trường

Có 32 doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 bị phát hiện vi phạm không có giấy phép môi trường

Sở Nông nghiệp và môi trường cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, 45/2022/NĐ-CP và Nghị định số 05/2025/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1/1/2025, cơ sở, dự án đang hoạt động phải có giấy phép môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp (Bộ Nông nghiệp và môi trường, UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện, tùy theo phân cấp dự án).

Trường hợp không có giấy phép môi trường sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Qua rà soát, kiểm tra, tính đến giữa tháng 4, Sở Nông nghiệp và Môi trường phát hiện có 32 doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 1 vi phạm không có giấy phép môi trường. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã mời làm việc với 28 doanh nghiệp trong số này, đồng thời, đơn vị sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị còn lại trong thời gian tới.

Về hình thức xử lý, đến nay, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã tham mưu Chủ tịch UBND Tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp tại KCN Biên Hòa 1 do vi phạm không có giấy phép môi trường với mức xử phạt hành chính từ 300 - 700 triệu đồng, kèm theo biện pháp bắt buộc di dời cơ sở khỏi KCN Biên Hòa 1. Trong thẩm quyền, Chánh thanh tra Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp hoạt động tại KCN Biên Hòa 1. Đối với các doanh nghiệp còn lại, việc xử lý sẽ hoàn thành trong tháng 4/2025.

Theo quyết định phê duyệt Đề án Chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ và cải thiện môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, có 76 đơn vị đang thuê đất, hạ tầng còn hoạt động tại KCN Biên Hòa 1.

Tin cùng chuyên mục