Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ
Chiều ngày 20/7, theo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương cho biết, từ ngày 15 - 17/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan này đã tiến hành họp kỳ thứ 46.
Đồng chí Trần Cẩm Tú chủ trì kỳ họp. Ảnh UBKTTW |
Tại Kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét và quyết định thi hành kỷ luật nhiều cán bộ thuộc VEC: Khai trừ ra khỏi Đảng đối với Phó TGĐ Lê Quang Hào; Cảnh cáo Bí thư Đảng ủy Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên và Tổng giám đốc Trần Văn Tám; Khiển trách nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Trần Quốc Việt và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Văn Nhi …
Xem xét Báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật của Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, UBKT Trung ương nhận thấy: Trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo, chỉ huy nguyên Tư lệnh Quân khu 2, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 và một số lãnh đạo đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 4 và Đại tá Nguyễn Trọng Lương, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4; khiển trách Thiếu tướng Phạm Lâm Hồng, nguyên Bí thư Đảng ủy Bộ Tham mưu, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu 2. UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Trung tướng Dương Đức Hòa, nguyên UVTW Đảng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân khu 2.
Qua kiểm tra giải quyết tố cáo và thi hành kỷ luật đảng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Đặng Phan Chung vì đã can thiệp không đúng quy định vào hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với: Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và nguyên Giám đốc Sở TN và MT TP Hồ Chí Minh Đào Anh Kiệt do vi phạm pháp luật nghiêm trọng….
HOSE: 23 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD
Tổng giá trị chứng khoán được mua bán trao đổi qua Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) sau 20 năm đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng (hơn 339 tỷ chứng khoán).
Sáng ngày 20/7, Hose tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị thực hiện nghi thức đánh cồng kỷ niệm 20 năm hoạt động thị trường chứng khoán Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. |
Qua 20 năm hoạt động, HOSE có tổng cộng 483 mã cổ phiếu, 9 chứng chỉ quỹ đóng, 478 trái phiếu, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 165 chứng quyền có bảo đảm tham gia niêm yết mới và 103 mã cổ phiếu, 6 chứng chỉ quỹ, 81 trái phiếu và 89 chứng quyền có bảo đảm hủy niêm yết.
Tính đến ngày 30/6/2020, HOSE có 380 mã cổ phiếu niêm yết, 3 chứng chỉ quỹ đóng, 4 chứng chỉ quỹ ETF, 43 trái phiếu và 76 mã chứng quyền có bảo đảm đang niêm yết. Tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt trên 2,8 triệu tỷ đồng, chiếm trên 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cả nước, tương đương 57% GDP.
Hiện có 3 ngành tài chính, bất động sản và tiêu dùng thiết yếu chiếm tỷ trọng cao nhất ở TP.HCM với 80% giá trị vốn hóa toàn thị trường; trong đó, có 23 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD niêm yết trên HOSE.
Thời gian tới, HOSE xây dựng thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, quy mô thị trường cổ phiếu 120% GDP vào năm 2025; Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017…./.
Hà Nội tiết lộ thiết kế Cột mốc số 0 bên bờ hồ Hoàn Kiếm
Trong 105 tác phẩm dự thi, ban tổ chức đã lựa chọn 5 tác phẩm xuất sắc nhất để trình duyệt thiết kế xây dựng Cột mốc số 0 tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm.
Người dân xem ý tưởng được trao giải tại cuộc thi |
Sáng ngày 20/7, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) công bố kết quả cuộc thi thiết kế Cột mốc số 0. Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi được TP. Hà Nội duyệt thiết kế, Cột mốc số 0 sẽ được xây dựng ngay trong năm 2020.
Cuộc thi thiết kế Cột mốc số 0 được quận Hoàn Kiếm phát động từ đầu tháng 6 vừa qua. Cột mốc này là một trong những hạng mục quan trọng nhằm tạo điểm nhấn không gian, điểm du lịch độc đáo, góp phần hoàn chỉnh không gian công cộng khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Hơn 1 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 105 bài thi từ 56 cá nhân, 31 nhóm và 18 tổ chức trong nước.
Giải nhất cuộc thi được Hội đồng giám khảo trao cho nhóm thầy giáo trẻ của Đại học Kiến trúc Hà Nội với ý tưởng cột mốc là một tấm đồng hình vuông được đúc nguyên khối, tâm điểm hình vuông tượng trưng cho Thủ đô Hà Nội.
Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, bài dự thi đạt giải Nhất có ý tưởng sáng tạo độc đáo, thể hiện tính bền vững, gần gũi và khả thi; biểu tượng Km0 đặt trên mặt sân với ngôn ngữ tạo hình hiện đại, tối giản nhưng tinh tế phù hợp với không gian cảnh quan quảng trường trước tượng đài Lý Thái Tổ. Bài thi đạt giải Nhất sử dụng công nghệ cao, hiện đại trong các kịch bản tạo hình chiếu sáng tạo thêm ý nghĩa và hiệu quả thị giác cho Cột mốc Km0.
Sân bay Nội Bài dừng phát loa thông báo chuyến bay từ cuối tháng 7
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cho biết, từ ngày 30/7, sân bay sẽ dừng phát loa thông báo chuyến bay, thay vào đó chỉ hiển thị trên các bảng điện tử chỉ dẫn. Đây là một trong các giải pháp để sân bay giảm tiếng ồn trong nhà ga, tương tự như sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và Đà Nẵng đã làm.
Sân bay Nội Bài chính thức dừng phát loa thông báo chuyến bay từ 30/7, hành khách theo dõi thông tin trên bảng điện tử tại sân bay |
Kế hoạch chuyển đổi hình thức thông tin cho hành khách từ phát thanh sang hiển thị trên màn hình thông báo bay của Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài vừa được Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) phê duyệt.
Theo đó, Sân bay Nội Bài sẽ ngừng phát thanh tới hành khách các bản tin: “Mời khách cuối làm thủ tục hàng không”, “Mời khách ra tàu bay để khởi hành” “Mời khách cuối ra tàu bay”, “Thông báo chuyến bay đã hạ cánh”… tại cả nhà ga T1 và nhà ga T2. Thay vào đó, Cảng HKQT Nội Bài sẽ cập nhật lên màn hình thông báo bay (FIDS).
Màn hình thông báo tại sân bay Nội Bài đã được cấu hình lại và nâng cấp toàn hệ thống để đảm bảo tất cả các chuyến bay đều được chú thích đúng, đủ, kịp thời theo trạng thái thực tế. Chẳng hạn, các chuyến đi, màn hình FIDS hiển thị các trạng thái: đang checkin, đang boarding...; Các chuyến đến hiển thị các trạng thái: hạ cánh, chậm giờ, hủy chuyến....; Màn hình tại khu vực băng tải đến hiển thị dự kiến giờ có hành lý, đang trả hành lý, tất cả hành lý trên băng tải...
Một số bản tin vẫn được sân bay Nội Bài duy trì như: thay đổi cửa ra tàu bay; hướng dẫn phục vụ khách chậm, hủy chuyến sử dụng dịch vụ (ăn, uống, khách sạn); gọi khách quay lại kiểm tra an ninh/hải quan; mời khách thiếu hành lý, có vấn đề liên quan đến hành lý; các bản tin khẩn nguy, báo cháy hoặc các bản tin bất thường khác…
Gấp rút hoàn thiện Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, dự kiến ban hành vào tháng 8/2020.
Ô nhiễm không khí. Ảnh minh họa |
Trước thực trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều thời điểm đã đến mức báo động, ảnh hưởng sức khỏe người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam.
Dự thảo Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí hiện đang được tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều nội dung quan trọng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chỉ thị này ra đời kỳ vọng sẽ thúc đẩy các các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn có nguy cơ cao ô nhiễm không khí tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; ưu tiên việc kiểm kê nguồn phát thải, quan trắc, đánh giá nguồn ô nhiễm bụi PM10, PM2.5.
Chỉ thị cũng đưa ra các giải pháp: Đối với Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao cần kiểm kê, đánh giá các nguồn thải; nghiên cứu, đề xuất phương án hạn chế phương tiện giao thông từ các tỉnh đi vào thành phố trong các ngày ô nhiễm ở mức rất xấu, nguy hại; thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, các địa phương đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe môtô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ điều kiện lưu hành; khuyến khích sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô; trồng nhiều cây xanh; phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết lặng gió để hạn chế bụi phát tán…