Bản tin thời sự sáng 2/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ GTVT được giao giải ngân đầu tư công hơn 94.000 tỷ đồng; EVN đề xuất tăng giá truyền tải điện năm 2022; năm 2023 sẽ đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ; Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày, vào thứ Năm trong tuần; truy tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 11 đồng phạm…

Bộ GTVT được giao giải ngân đầu tư công hơn 94.000 tỷ đồng

Số vốn 94.000 tỷ đồng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được Chính phủ giao giải ngân năm 2023 gấp 1,7 lần năm ngoái.

Công trường thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Công trường thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Theo Bộ GTVT, năm nay, Bộ đã đăng ký số vốn 72.000 tỷ đồng nhưng Chính phủ giao thêm hơn 22.000 tỷ đồng. Do đó, Bộ GTVT phải giải ngân hơn 94.161 tỷ đồng, gấp 1,7 lần nguồn vốn năm 2022 và 2,2 lần năm 2021.

Ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Kế hoạch - Đầu tư cho biết, năm 2022, Bộ GTVT đã giải ngân đạt 96%, cao hơn mức bình quân cả nước là 92% và gấp 1,3 lần giá trị giải ngân của Bộ năm 2021.

Phần lớn trong hơn 94.000 tỷ đồng kế hoạch này đã được Bộ GTVT giao chi tiết đợt 1 cho các dự án đủ thủ tục, còn lại 26 tỷ đồng được giao từ nguồn thu xử lý sắp xếp nhà đất cho các bộ, cơ quan trung ương.

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, tính bình quân mỗi tháng phải giải ngân 8.000 tỷ đồng - con số là "khổng lồ" và tháng nào không đạt sẽ gây áp lực bù vào những tháng tiếp theo.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân, Bộ trưởng nêu 4 nguyên tắc. Một là dự án mới phải khởi công càng sớm càng tốt. Hai là công tác giải phóng mặt bằng càng nhanh càng tốt. Thứ ba, việc thi công phải nhanh nhất, nhiều nhất. Cuối cùng là các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với quy mô gói thầu lớn nên phải triển khai song song nhiều việc.

Năm 2023, Bộ GTVT dự kiến khởi công 24 dự án, hoàn thành 29 dự án. Trong đó, tập trung hoàn thành 7 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đẩy nhanh tiến độ 12 dự án thành phần thuộc giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, Bộ tập trung thực hiện các dự án: cầu Rạch Miễu 2, tuyến tránh Quốc lộ 1A, tỉnh Cà Mau, mở rộng Quốc lộ 1A qua tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang...

EVN đề xuất tăng giá truyền tải điện năm 2022

Để EVNNPT không lỗ trong năm 2022 và giữ được hệ số đánh giá tín nhiệm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất Bộ Công Thương tăng giá điện truyền tải lên 79,09 đồng/kWh so với mức đã được duyệt 75,85 đồng.

EVN đề xuất tăng giá truyền tải điện năm 2022

EVN đề xuất tăng giá truyền tải điện năm 2022

Cùng với khâu phát điện, dịch vụ phụ trợ và phân phối - bán lẻ, giá điện truyền tải là một trong những cấu phần của chi phí giá bán điện.

Giá điện truyền tải năm 2022 đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ tháng 5/2022 là 75,85 đồng một kWh, dựa trên các yếu tố như sản lượng điện truyền tải dự kiến 216,033 tỷ kWh, tổng doanh thu của Tổng công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVNNPT) hơn 16.599 tỷ đồng, tổng chi phí (chưa gồm chênh lệch tỷ giá) hơn 16.599 tỷ đồng. Lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện trước thuế là 0 đồng, tức tỷ suất lợi nhuận trong phương án giá truyền tải điện 2022 bằng 0.

Song thực tế, sản lượng điện truyền tải năm ngoái thấp hơn kế hoạch 2,14%, chỉ đạt 211,4 tỷ kWh. Với mức này, EVNNPT ghi nhận doanh thu gần 16.172 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ gần 16.035 tỷ đồng và từ hoạt động tài chính xấp xỉ 137 tỷ đồng. Tổng chi phí của doanh nghiệp là hơn 16.973 tỷ đồng, trong đó đã gồm lỗ chênh lệch tỷ giá.

EVN kiến nghị, Bộ Công Thương duyệt điều chỉnh giá truyền tải điện năm 2022 tăng 3,24 đồng, lên mức 79,09 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của EVNNPT là 0%.

Việc này nhằm giúp EVNNPT không bị lỗ trong năm 2022, giúp doanh nghiệp giữ được hệ số đánh giá tín nhiệm, đảm bảo các cam kết với các tổ chức vay vốn và tiếp tục huy động được vốn đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện.

EVN cho biết đã tính toán lại kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 trên cơ sở cập nhật sản lượng điện truyền tải, các chi phí khác đã thực hiện với giá truyền tải 75,85 đồng một kWh. Kết quả là, năm 2022, EVNNPT lỗ gần 684,86 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá, và trong phương án giá truyền tải đã phê duyệt chưa tính tới yếu tố này.

Năm 2023 sẽ đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Kho bạc Nhà nước cho biết, năm 2023 sẽ có kế hoạch đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, bao gồm cả khối lượng phát hành cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; trong đó, kế hoạch phát hành cho quý I/2023 là 108.000 tỷ đồng.

Năm 2023 sẽ đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Năm 2023 sẽ đấu thầu 400.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Cụ thể, kỳ hạn 5 năm và 7 năm là 8 nghìn tỷ đồng. Kỳ hạn 10 năm là 45 nghìn tỷ đồng. Kỳ hạn 15 năm là 45 nghìn tỷ đồng. Kỳ hạn 20 năm là 5 nghìn tỷ đồng. Kỳ hạn 30 năm là 5 nghìn tỷ đồng.

Theo Kho bạc Nhà nước, trong quá trình thực hiện có thể sẽ có điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách nhà nước.

Cũng trong ngày 1/2, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức đấu thầu 3 đợt trái phiếu Chính phủ, bao gồm: 1 đợt đấu thầu 500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn 5 năm; 2 đợt đấu thầu trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 và 15 năm đều có giá trị gọi thầu là 5.000 tỷ đồng.

Kho bạc Nhà nước cho biết, năm 2023 sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ chủ động hiệu quả, theo sát diễn biến thị trường, tình hình thu và tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, điều hành lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ phù hợp với định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ của Chính phủ; phát hành đa dạng các loại kỳ hạn, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư để thúc đẩy thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ, tăng khả năng huy động vốn cho ngân sách và hỗ trợ phát triển thị trường vốn.

Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày, vào thứ Năm trong tuần

Khác với đề xuất trước đó, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong quản lý xăng dầu.

Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày

Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày

Bộ Công Thương có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Lần này, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần là thứ Năm.

Theo đề xuất, Liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều hành giá nếu giá cơ sở biến động tăng trên 5% giữa hai kỳ điều hành giá. Về phương án này, Bộ Công Thương cho rằng có ưu điểm là giá trong nước biến động sát hơn với giá thế giới. Tuy nhiên, thời gian nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam thường mất 10 - 15 ngày, nên khi thị trường bất ổn sẽ bất lợi cho doanh nghiệp, họ khó đoán định được giá trong nước khi nhập hàng, nhất là khi giá đi xuống.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất một phương án khác giữ nguyên quy định hiện nay về thời gian điều hành vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi thị trường có biến động lớn, Thủ tướng chỉ đạo Liên bộ Công Thương - Tài chính về thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến thị trường từng giai đoạn.

Đáng chú ý, đối với ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành trong quản lý xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ Công Thương yêu cầu cần làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của bộ, ngành liên quan.

Truy tố nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 11 đồng phạm

Ngày 1/2, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng 11 đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Dự án Khu dân cư Tân Việt Phát 2 ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).

Ông Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Ông Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận

Các bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gồm: Nguyễn Ngọc Hai (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận); Lương Văn Hải (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh); Hồ Lâm, Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc Sở TN&MT); Ngô Hiếu Toàn (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính); Đặng Hoài Nhân (nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận); Nguyễn Thanh Cho, Lê Nam Hưng (nguyên Chi cục trưởng và Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Bình Thuận); Phạm Duy Cường (nguyên Phó trưởng Phòng Kinh tế đất, thuộc Chi cục Quản lý đất đai); Lê Anh Huy (nguyên Trưởng Phòng Kinh tế đất thuộc Chi cục Quản lý đất đai) và Nguyễn Thị Thu Phong (nguyên Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Bình Thuận).

Riêng bị can Nguyễn Văn Phong, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đây là các bị can đã tham mưu, giải quyết, quyết định chủ trương giao 3 lô đất số 18, 19 và 20 với diện tích hơn 92.600 m2 cho Công ty Tân Việt Phát. Việc giao đất năm 2017 nhưng lấy giá 2013 của các lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và thuộc cấp khiến tài sản Nhà nước bị thiệt hại hơn 45 tỷ đồng.

Hà Nội sắp thanh tra việc thực hiện hạ tầng tại một số khu đô thị

Trong năm 2023, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội sẽ thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại một số khu đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Hà Nội sắp thanh tra việc thực hiện hạ tầng tại một số khu đô thị

Hà Nội sắp thanh tra việc thực hiện hạ tầng tại một số khu đô thị

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch công tác thanh tra năm 2023 của Thanh tra Sở Xây dựng.

Theo kế hoạch, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với một số dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các quận, huyện như: Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Thạch Thất, Hoài Đức, Gia Lâm, Ứng Hòa. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan.

Ngoài ra, Thanh tra Sở Xây dựng cũng thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý xây dựng theo giấy phép xây dựng tại UBND một số xã, phường, thị trấn trên địa bàn và các cơ quan, đơn vị có liên quan; đồng thời, thanh tra việc thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đối với một số khu đô thị trên địa bàn Thủ đô.

Theo kế hoạch, hoạt động thanh tra của Sở Xây dựng bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương phát sinh nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, nhiều đơn thư khiếu nại, dư luận có nhiều ý kiến.

Bên cạnh thanh tra theo kế hoạch, Sở Xây dựng cũng chú trọng thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra…

Hải quan xử lý gần 550 vụ gian lận thương mại có giá trị 200 tỷ đồng

Tháng 1 là thời điểm giáp Tết cổ truyền Quý Mão, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại diễn ra rất phức tạp.

Hải quan xử lý gần 550 vụ gian lận thương mại

Hải quan xử lý gần 550 vụ gian lận thương mại

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 1 (từ ngày 16/12/2022 đến 15/1/2023), toàn ngành hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 546 vụ việc vi phạm pháp luật về hải quan. Theo đó, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 196 tỷ đồng và số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 14,5 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan hải quan đã khởi tố 2 vụ việc và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 3 vụ.

Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 23 vụ việc với 31 đối tượng, trong đó cơ quan hải quan chủ trì 14 vụ.

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 1 cũng là thời điểm giáp Tết cổ truyền Quý Mão, tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại diễn ra phức tạp trên các tuyến hàng không, chuyển phát nhanh và đường bộ với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.