Đề xuất không quy định số lượng Phó Thủ tướng
Dự thảo nghị quyết cơ cấu thành viên Chính phủ khóa XV chỉ quy định nguyên tắc về Phó Thủ tướng, cho phép điều chỉnh số lượng theo yêu cầu thực tiễn từng giai đoạn.
Chính phủ họp phiên chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1 |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1, trong đó giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ XV. Công việc này bao gồm việc xác định tên gọi chính thức cho các bộ, cơ quan mới, bảo đảm sự thống nhất và phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo Hiến pháp 2013, Chính phủ gồm: Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu, số lượng thành viên Chính phủ do Quốc hội quyết định. Phó Thủ tướng giúp Thủ tướng làm nhiệm vụ theo sự phân công của Thủ tướng và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về nhiệm vụ được phân công. Khi Thủ tướng vắng mặt, một Phó Thủ tướng được ủy nhiệm thay mặt lãnh đạo công tác của Chính phủ.
Chính phủ đương nhiệm do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu, với 5 Phó Thủ tướng là các ông Nguyễn Hòa Bình, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn.
Theo quyết định của Chính phủ, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp cho dự thảo nghị quyết của Quốc hội liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy. Bộ sẽ tập trung vào việc xây dựng quy định cụ thể nhằm đảm bảo sự liên tục, thông suốt của hoạt động xã hội và sản xuất kinh doanh sau khi sắp xếp. Đặc biệt, Bộ Tư pháp cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm việc thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tháng 2/2025, Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, đề xuất cơ chế đặc biệt để rút gọn trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành nghị quyết.
Thông xe cầu Tân Kỳ - Tân Quý sau 8 năm dang dở
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý, quận Bình Tân, vốn đầu tư hơn 491 tỷ đồng thông xe sáng 21/1 góp phần giảm ùn tắc, chỉnh trang đô thị khu vực Tây Nam TP.HCM.
Cầu Tân Kỳ - Tân Quý nhìn từ trên cao |
Công trình nằm trên đường Tân Kỳ - Tân Quý với tổng chiều dài 385 m. Trong đó, phần cầu bắc qua kênh Tham Lương dài 83 m, 4 làn xe và lề đi bộ hai bên. Phần còn lại là đường dẫn cùng nhánh kết nối với các tuyến đường xung quanh. Ngoài ra, Dự án còn các hạng mục thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cầu thang cho người đi bộ, kè dọc kênh...
Trước đó, Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý từ năm 2017 được triển khai theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Công trình khi đó có tổng vốn 312 tỷ đồng, sau nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí. Cuối năm 2018, Dự án hoàn thành 70% rồi tạm dừng do vướng mặt bằng và bị xác định không phù hợp với Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm dự án BOT trên đường hiện hữu).
Công trình ngưng trệ suốt 6 năm trước khi khởi động trở lại vào giữa năm 2024 khi TP.HCM hoàn tất thủ tục chuyển đổi từ hình thức BOT sang dùng vốn ngân sách. Đây cũng là dự án BOT đầu tiên ở thành phố dừng trước thời hạn hợp đồng để chuyển qua đầu tư công. Sau khi thay đổi hình thức đầu tư, tổng vốn thực hiện Dự án là 491 tỷ đồng.
Ngoài dự án trên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết, trước Tết Nguyên đán 2025 sắp tới, một loạt công trình trọng điểm khác ở Thành phố cũng hoàn thành đưa vào khai thác, như: mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; thông xe một đoạn đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình). Ngoài ra, các dự án xây cầu Bà Hom (Bình Tân), mở rộng đường Dương Quảng Hàm (Gò Vấp), Lương Định Của (TP. Thủ Đức)... cũng hoàn thành toàn bộ hoặc đưa vào khai thác một phần giúp giảm ùn tắc địa bàn Thành phố.
Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách
Tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, là địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.
Tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt hơn 510.000 tỷ đồng |
Thông tin trên được ông Nguyễn Xuân Lưu - Giám đốc Sở Tài chính nêu tại Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, ngày 21/1.
Theo Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu, đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Thủ đô vượt 500.000 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2023. Trong đó, tất cả 30 quận, huyện, thị xã của Thành phố đều vượt mức thu và hoàn thành 100% thu về thuế, phí.
Trong đó, số thu nội địa chiếm gần 94% trong cơ cấu thu ngân sách của Thành phố, bao gồm: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước, thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất… đều tăng hai con số so với năm 2023.
Với gần 400.000 doanh nghiệp, chiếm 1/3 tổng số doanh nghiệp của cả nước, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tích cực sát cánh, đồng hành cùng cơ quan thuế thực hiện tốt các chủ trương, chính sách; luôn nêu cao ý thức tuân thủ chính sách pháp luật thuế, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh...
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Xuân Lưu cũng thông tin, dự kiến chi ngân sách địa phương cả năm của Hà Nội là hơn 127.000 tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán, bảo đảm kịp thời, linh hoạt đáp ứng yêu cầu của thành phố và các cấp, ngành; nhiều cơ chế được trình ban hành, tháo gỡ và tạo điều kiện nguồn lực để thực hiện các chương trình lớn của Thành phố.
Mới đây, HĐND TP. Hà Nội đã quyết nghị, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2025 là 505.437 tỷ đồng, tăng 2,7% so với ước thực hiện năm 2024, trong đó, dự toán thu nội địa 473.900 tỷ đồng.
Nghiên cứu quy hoạch sân bay Măng Đen, Vân Phong
Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu 2 tỉnh Kon Tum và Khánh Hòa nghiên cứu để bổ sung Măng Đen và Vân Phong vào quy hoạch hệ thống sân bay toàn quốc.
Đường vào thị trấn Măng Đen |
Trước đó Bộ Giao thông vận tải đã có các tờ trình đề án nghiên cứu khả năng hình thành sân bay Măng Đen và Vân Phong. Theo đó, sân bay Măng Đen dự kiến đặt tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cách trung tâm TP. Kon Tum khoảng 45 km về phía Đông Bắc, cách cảng hàng không Pleiku khoảng 73 km về phía Đông Bắc, cách sân bay Phù Cát khoảng 105 km về phía Tây Bắc, cách sân bay Chu Lai khoảng 93 km về phía Tây Nam.
Cảng Măng Đen nằm trên khu vực đồi núi, rộng khoảng 350 ha. Công suất quy hoạch dự kiến đến năm 2030 khoảng một triệu hành khách mỗi năm, được định hướng cải tạo để khai thác vượt công suất cho giai đoạn sau năm 2030; cấp sân bay 4C có thể đón các máy bay như A320/321.
Sân bay Vân Phong dự kiến đặt tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, cách TP. Nha Trang khoảng 65 km về phía Nam, cách sân bay Cam Ranh khoảng 108 km về phía nam, cách sân bay Tuy Hòa khoảng 48 km về phía Bắc.
Khu vực xây dựng nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ, diện tích dự kiến khoảng 497 ha. Công suất quy hoạch đến năm 2030 khoảng 1,5 triệu hành khách mỗi năm, tầm nhìn đến năm 2050 khoảng 2,5 triệu hành khách; cấp sân bay 4E có thể đón các loại máy bay lớn đến A350/B787.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt chưa có hai sân bay Măng Đen và Vân Phong. Hai sân bay này được xác định là cảng tiềm năng, có thể được bổ sung vào quy hoạch khi có đủ điều kiện.
Đề xuất dùng xe buýt giải toả khách ở Tân Sơn Nhất cao điểm Tết
Ngoài các tuyến đang hoạt động, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đề xuất bố trí 2 xe buýt gần sân bay để giải toả khách, tránh ùn ứ dịp Tết.
Buýt 109 chờ đón khách ở sân bay |
Theo phương án Trung tâm Quản lý giao thông công cộng gửi Cảng vụ Hàng không Miền Nam cùng các bên liên quan ngày 21/1, 2 xe buýt tăng cường là loại 30 chỗ, hoạt động theo loại hình trung chuyển, chở khách miễn phí. Xe dự kiến đậu tại bãi đệm phía trước ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, hoặc vị trí khác thích hợp sau khi các bên thống nhất.
Hai xe buýt dự kiến đưa vào hoạt động từ 23 - 27/1 (24 - 28 tháng Chạp) và ngày 1 - 5/2 (mùng 4 - 8 tháng Giêng). Trường hợp sân bay đông khách và nhận được yêu cầu giải toả, xe buýt sẽ chạy theo lộ trình: ga quốc tế - ga quốc nội - bãi đậu xe trên đường Hồng Hà - ga quốc tế. Phương án này giúp giảm ùn ứ nếu khách đông mà taxi, xe hợp đồng không đủ đáp ứng.
Ngoài 2 xe tăng cường giải toả khách nêu trên, tại sân bay hiện có tuyến buýt 109 lộ trình kết nối nơi này đến Quận 1 và buýt 152 chạy về Khu dân cư Trung Sơn (Bình Chánh). Ngoài ra, một tuyến khác số hiệu 72-1 cũng kết nối sân bay về bến xe Vũng Tàu.
Sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón lượng khách rất lớn dịp Tết Nguyên đán năm nay với hơn 4 triệu lượt, tương ứng hơn 26.000 chuyến bay khai thác trong thời gian một tháng, từ 14/1 - 12/2 (15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng). So với cùng kỳ dịp Tết năm ngoái, số chuyến bay và lượng khách đều tăng, lần lượt khoảng 6% và 5%. Trong đó, hôm cao điểm nhất ở Tân Sơn Nhất dự kiến có khoảng 970 chuyến với hơn 150.000 lượt khách.
Tần suất chuyến bay dày đặc những ngày cao điểm dịp Tết khiến khu vực đón trả khách trước ga quốc nội nhiều năm qua trong tình trạng căng thẳng do hàng nghìn người dồn đến mỗi khi máy bay hạ cánh.
Để phục vụ đợt cao điểm trước và sau Tết, ngoài xe buýt, phía sân bay Tân Sơn Nhất cho biết đã phối hợp các hãng taxi, xe hợp đồng, ôtô công nghệ nâng số lượng phương tiện phục vụ. Ngoài ra, cảng hàng không này cũng phối hợp các hãng bay cập nhật lịch trình, bổ sung trang thiết bị phục vụ mặt đất, điều phối hệ thống băng chuyền để khách thuận tiện nhận hành lý ký gửi, hạn chế đợi lâu.
Thu hồi Dự án Đà Lạt Plaza liên quan vụ án Trương Mỹ Lan
Gần 3.400 m2 đất Dự án Đà Lạt Plaza, TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) bị thu hồi do chủ đầu tư chậm triển khai gần 20 năm.
Thành phố Đà Lạt nhìn từ trên cao |
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định thu hồi gần 3.400 m2 đất tại số 23 (nay là số 33) Phan Như Thạch, Phường 1, TP Đà Lạt đã giao cho Công ty CP Du lịch Delta.
Khu đất này được quy hoạch làm Khu liên hợp khách sạn và trung tâm thương mại Đà Lạt Plaza, tiến độ triển khai từ 2008 - 2010. Dự án cao 14 tầng với tổng vốn đầu tư 267 tỷ đồng.
Sau nhiều năm kể từ khi giao đất, nhà đầu tư vẫn bỏ trống và không triển khai Dự án. Giai đoạn 2019-2021, Dự án được gia hạn tiến độ sử dụng đất 2 lần nhưng vẫn "nằm im bất động".
Do đó, tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra quyết định thu hồi. Tỉnh sẽ không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất do nhà đầu tư vi phạm pháp luật đất đai.
Công ty Delta phải bàn giao đất, giấy tờ về quyền sử dụng đất cho cơ quan thẩm quyền. Trường hợp không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quyết định thu hồi đất.
UBND Phường 1, TP Đà Lạt được giao quản lý khu đất số 33 Phan Như Thạch trong thời gian chưa sử dụng, không để xảy ra lấn chiếm. Ngoài ra, Cục Thuế phải rà soát, truy thu nghĩa vụ tài chính của công ty Delta (nếu có).
Vào giữa năm ngoái, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng từng đề xuất thu hồi toàn bộ Dự án Đà Lạt Plaza và giao UBND TP. Đà Lạt quản lý. Tuy nhiên, Ngân hàng SCB đã có văn bản kiến nghị tỉnh Lâm Đồng tạm dừng thu hồi đất, chấm dứt Dự án Đà Lạt Plaza do là tài sản liên vụ án Trương Mỹ Lan.
SCB cho biết, Dự án đang là tài sản bảo đảm cho khoản vay của Công ty CP Đầu tư Oak Hill. Khoản vay này có dư nợ gốc tính đến ngày 30/4 là 734 tỷ đồng.
SCB lo ngại Dự án bị thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ của ngân hàng cũng như quá trình giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả của tội phạm. Bởi quyền sử dụng khu đất này hiện thuộc danh sách ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhượng theo yêu cầu của Cơ quan CSĐT Bộ Công an do liên quan đến vụ án hình sự của bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
TP.HCM kỷ luật 5 cán bộ do liên quan vụ án Thuận An
Ba lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.HCM và hai cán bộ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị bị kỷ luật do liên quan sai phạm tại Công ty Thuận An.
Gói thầu số 6 đoạn qua cầu Tham Lương, do Công ty Thuận An đảm nhận một phần việc |
Theo thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM, Đảng ủy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM nhiệm kỳ 2020 - 2025 bị khiển trách do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy.
Đơn vị này đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM có những khuyết điểm, vi phạm liên quan đến một số gói thầu; chậm thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm toán của các cơ quan có thẩm quyền.
Về trách nhiệm cá nhân, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy thành phố đã kỷ luật khiển trách ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố và hai Phó giám đốc là ông Lê Ngọc Hùng và ông Nguyễn Vĩnh Ninh.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng cảnh cáo Đảng ủy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị nhiệm kỳ 2020 - 2025 do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Đảng ủy.
Cơ quan này bị xác định thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để ban này có những khuyết điểm, vi phạm liên quan đến một số gói thầu…
Liên quan đến vi phạm trên, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và khai trừ Đảng ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban điều hành dự án 4 thuộc ban này.