Xem xét loại ba nhà thầu yếu khỏi dự án cao tốc Bắc - Nam
Công ty CP 456, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng VINA2, Công ty TNHH Đại Hiệp bị xem xét loại khỏi Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt.
Thi công hầm Thần Vũ trên cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt |
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án 6, Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án) loại bỏ ba nhà thầu trên do yếu kém về năng lực, thi công chậm trễ; giao phần việc còn lại cho các đơn vị khác. Các nhà thầu cần huy động nhân lực, máy móc, bổ sung đủ mũi thi công trên công trường, tranh thủ thời tiết thuận lợi làm tăng ca, bù lại tiến độ bị chậm.
Ban Quản lý dự án 6 (đại diện chủ đầu tư) có trách nhiệm thường xuyên họp với doanh nghiệp dự án, xác định kế hoạch tài chính, tiến độ thi công để giải ngân theo kế hoạch; giám sát nhà thầu trên công trường để xử lý nếu vi phạm tiến độ.
Diễn Châu - Bãi Vọt là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, dài 49 km, đi qua Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km), được đầu tư theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành xây lắp trong tháng 5/2024. Giai đoạn 1 của dự án này được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.150 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.060 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ GTVT với Liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Đầu tư Xây dựng VINA2 và Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng là doanh nghiệp dự án.
Hiện dự án Diễn Châu - Bãi Vọt thi công chậm, sản lượng đạt khoảng 1.410 tỷ đồng (16% giá trị hợp đồng) mặc dù đã triển khai hơn 17 tháng, gần nửa thời gian của hợp đồng.
Giá xăng, dầu cùng giảm
Trừ dầu mazut tăng 20 đồng một kg, các mặt hàng khác đều giảm giá, trong đó xăng hạ 40 - 80 đồng một lít; dầu diesel và dầu hoả giảm lần lượt 100 và 180 đồng.
Từ 15h chiều 21/11, giá xăng RON 95-III giảm 80 đồng, về 23.780 đồng một lít; E5 RON 92 là 22.670 đồng một lít |
Theo điều chỉnh của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, từ 15h chiều 21/11, giá xăng RON 95-III giảm 80 đồng, về 23.780 đồng một lít; E5 RON 92 là 22.670 đồng một lít, tương đương hạ 40 đồng.
Trừ dầu mazut tăng 20 đồng lên 14.780 đồng một kg, các mặt hàng dầu khác đều giảm. Dầu diesel giảm 180 đồng, về 24.800 đồng một lít; dầu hoả có mức giá mới là 24.640 đồng, hạ 100 đồng so với cách đây 10 ngày.
Cùng với điều chỉnh giá, nhà điều hành cũng trích lập mỗi lít xăng RON 95-III là 200 đồng một lít, tăng mức trích lập với E5 RON 92 lên 250 đồng một lít. Dầu hoả và diesel tiếp tục không trích vào quỹ ở kỳ điều hành lần này. Còn dầu mazut có mức trích quỹ là 300 đồng một kg. Mức chi quỹ tiếp tục duy trì 0 đồng một lít/kg với các mặt hàng xăng, dầu.
Theo Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu thành phẩm thế giới 10 ngày qua xu hướng chung là giảm với xăng, dầu hoả, diesel và tăng nhẹ với dầu mazut. Bình quân mỗi thùng RON 95 giảm 0,4%, về 100,78 USD; dầu diesel giảm 2,2%, còn 129,52 USD một thùng; dầu mazut tăng 0,27% lên 429,92 USD một thùng...
Đề xuất hơn 30.000 tỷ đồng nâng cấp sân bay Đà Nẵng
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, với tổng vốn dự kiến hơn 30 nghìn tỷ đồng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ là sân bay cấp 4E (theo quy định của ICAO) và sân bay quân sự cấp 1.
Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng |
Ngày 21/11, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ký tờ trình đề xuất Bộ GTVT về việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tổng vốn cho việc nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 30.999 tỷ đồng. Vốn sẽ được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm ngân sách nhà nước, doanh nghiệp đầu tư, vay. Trong đó, vốn ngoài ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng chính.
Sau khi điều chỉnh quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ là sân bay cấp 4E (theo quy định của ICAO) và sân bay quân sự cấp 1.
Sản lượng vận chuyển đạt 25 triệu hành khách/năm đến năm 2030 và 30 triệu hành khách/năm đến năm 2050. Sản lượng vận chuyển hàng hóa của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là 200.000 tấn/năm. Cảng hàng không dự kiến có 92 vị trí sân đỗ máy bay.
Đối với sân đỗ máy bay, giai đoạn 2021 - 2030, Đà Nẵng đề xuất mở rộng sân đỗ tàu bay về phía Đông để đạt 73 vị trí; giai đoạn sau 2030, xây dựng mới sân đỗ phía tây với 19 vị trí đỗ.
Về nhà ga hành khách, đề xuất mở rộng nhà ga T1 về phía Đông Nam sân bay, giữ nguyên nhà ga T2 hiện hữu khai thác quốc tế.
Sau năm 2030, xây dựng nhà ga quốc nội T3 về phía Đông Nam đạt công suất 15 triệu hành khách/năm, diện tích xây dựng nhà ga gần 9.500m2, 2 cao trình và cải tạo nhà ga T1 kết hợp nhà ga T2 khai thác quốc tế.
Đà Nẵng đồng thời kiến nghị xây dựng nhà ga hàng hóa phía Đông; sau 2030, xây dựng nhà ga hàng hóa phía Tây kết hợp với khu logistics hàng không.
Nhiều thiếu sót tại Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM
Thanh tra TP.HCM vừa chỉ ra những thiếu sót, tồn tại tại Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM như chưa trích nộp quỹ dự phòng, xác nhận công nợ chưa đầy đủ…
Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM |
Cụ thể, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) chưa trích lập dự phòng 10 khoản nợ với số tiền hơn 154 tỷ đồng; đối chiếu, xác nhận công nợ chưa đầy đủ; chưa tích cực đôn đốc, thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản nợ, có những khoản nợ kéo dài.
Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2020 là 1.165,81 tỷ đồng. HFIC chưa thực hiện trích nộp 20% số quỹ đã trích sử dụng không hết năm 2015, 2016 và chưa nộp khoản trích từ năm 2019 số tiền hơn 3,4 tỷ đồng về Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Theo báo cáo của HFIC, đến ngày 30/4/2022, số dư lãi tiền gửi từ nguồn Quỹ hiện là hơn 8,8 tỷ đồng; khoản lãi tiền gửi và lãi cho vay nguồn vốn ủy thác là hơn 4,7 tỷ đồng. HFIC chưa nộp ngân sách số lãi tiền gửi và lãi cho vay nguồn vốn ủy thác là thực hiện chưa đúng theo quy định…
Trên cơ sở kết luận thanh tra, Văn phòng UBND TP.HCM đã ban hành thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi. Theo đó, đồng ý nội dung kết luận thanh tra. Đồng thời, Chủ tịch UBND Thành phố giao Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc HFIC lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng nghiêm túc, thực hiện việc công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước theo đúng quy định.
Chấn chỉnh công tác quản lý, đối chiếu công nợ phải thu đúng theo quy định. Rà soát và có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ, đặc biệt là các khoản nợ phải thu quá hạn để đảm bảo thu hồi vốn, nhằm bảo toàn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của Công ty…
Kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại CDC tỉnh Quảng Trị
Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Quảng Trị đang kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Đảng uỷ Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh này vì xảy ra một số bất cập, vi phạm. Bà Hồ Thị Thu Hằng, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh uỷ Quảng Trị cho biết thông tin trên.
Trụ sở CDC tỉnh Quảng Trị |
Trong thời gian qua, Đảng uỷ CDC tỉnh Quảng Trị đứng đầu là ông Nguyễn Đức Nghiêm, Giám đốc CDC tỉnh này có nhiều bất cập, vi phạm trong hoạt động. Đảng uỷ CDC Quảng Trị cũng buông lỏng công tác giám sát, quản lý, để cấp dưới vi phạm pháp luật và bị bắt tạm giam.
Trước đó, ngày 21/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với 2 nhân viên CDC Quảng Trị để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”.
Các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam là Lê Quang Việt và Đỗ Đình Phi. Trước khi bị bắt, Việt và Phi là nhân viên Khoa Xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng thuộc CDC Quảng Trị.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2020 - 7/2021, lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng các bộ xét nghiệm PCR Covid-19 (do Công ty CP Công nghệ Việt Á sản xuất), 2 đối tượng trên đã lấy các bộ xét nghiệm Covid-19 rồi bán lại cho Công ty CP Công nghệ Việt Á để thu lợi bất chính gần 1 tỷ đồng.
Gần 145.000 ô tô nhập khẩu vào Việt Nam từ đầu năm 2022
Theo số liệu Tổng cục Hải quan mới công bố, 15 ngày đầu tháng 11 (1 - 15/11), cả nước nhập khẩu tới 15.872 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 305,29 triệu USD. Trong đó nhiều nhất là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 14.482 xe, kim ngạch 266 triệu USD.
Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước nhập khẩu 144.726 ô tô nguyên chiếc các loại. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, chỉ 15 ngày đầu tháng nhưng tổng lượng xe nguyên chiếc nhập khẩu còn nhiều hơn số lượng của cả tháng 10 trước đó (tháng 10/2022 là 14.313 xe) và được xem là kỳ có lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu nhiều nhất từ trước đến nay.
Tính chung từ đầu năm đến 15/11, cả nước nhập khẩu 144.726 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 3,24 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường nhập khẩu (cập nhật của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 10), Indonesia tiếp tục có lượng nhập khẩu nhiều nhất trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm. Tuy nhiên, kim ngạch lớn nhất vẫn thuộc về Thái Lan. Cụ thể, Indonesia đạt 54.356 xe và 792,6 triệu USD; Thái Lan đứng thứ 2 với 50.331 xe và 993 triệu USD; Trung Quốc đạt 15.744 xe, kim ngạch 649,8 triệu USD.
EVN đề xuất khung giá cho điện gió, mặt trời chuyển tiếp
Theo phương án đề xuất của EVN, giá phát với điện mặt trời chuyển tiếp gần 1.188 - 1.570 đồng một kWh, còn điện gió khoảng 1.591 - 1.945 đồng, tuỳ loại hình.
Một dự án tại Ninh Thuận không kịp vận hành thương mại (COD) |
Khung giá phát điện với các dự án mặt trời, gió chuyển tiếp vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công Thương. Các phương án này được tính toán trên cơ sở dữ liệu báo cáo từ 208 dự án tới ngày 16/11, trong đó 99 dự án điện mặt trời và 109 dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán với tập đoàn này.
EVN đưa ra bốn phương án tính toán dựa trên số liệu đầu vào theo cung cấp của các chủ đầu tư dự án, như: suất đầu tư; tỷ lệ vốn vay ngoại tệ/nội tệ; lãi suất vốn vay nội, ngoại tệ; thuế thu nhập doanh nghiệp và điện năng giao nhận bình quân của các dự án.
Ở phương án 1, giá phát điện với nhà máy điện mặt trời mặt đất bình quân khoảng 1.482,74 đồng một kWh; điện mặt trời nổi 1.740,84 đồng một kWh; điện gió trên bờ 1.590,88 đồng, còn trên biển 1.971,12 đồng mỗi kWh.
Phương án 2, giá điện mặt trời mặt đất khoảng 1.508,39 đồng một kWh; điện mặt trời nổi 1.569,83 đồng; điện gió trên bờ 1.597,55 đồng và trên biển là 1.944,91 đồng.
Phương án 3, giá điện mặt trời mặt đất tương đương phương án 2; còn giá điện gió (trên bờ, trên biển) cao hơn, lần lượt là 1.630,21 đồng và 1.973,99 đồng mỗi kWh. Cuối cùng, phương án 4 được EVN tính cho Nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 2 và 3, lần lượt là 1.187,96 đồng và 1.251,66 đồng mỗi kWh.
Trên cơ sở này, EVN kiến nghị áp dụng khung giá phát điện của từng loại hình là mức thấp nhất trong các kết quả tính toán của bốn phương án trên. Cụ thể, giá điện mặt trời mặt đất là 1.187,96 đồng; điện mặt trời nổi 1.569,83 đồng một kWh. Khung giá phát điện với dự án điện gió trên bờ là 1.590,88 đồng và trên biển là 1.944,91 đồng một kWh.
Công ty Dược Hà Tĩnh bị phạt 70 triệu đồng vì lỗi lô thuốc Nutrohadi F
Công ty CP Dược Hà Tĩnh (trụ sở chính ở số 167, đường Hà Huy Tập, phường Nam Hà, TP. Hà Tĩnh) vừa bị Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế xử phạt 70 triệu đồng vì sản xuất lô thuộc thuốc Nutrohadi F không đảm bảo chất lượng.
Sản phẩm thuốc Nutrohadi F của Công ty CP Dược Hà Tĩnh sản xuất |
Theo đó, Quyết định số 746 của Cục Quản lý Dược đã áp dụng quy định tại Khoản 5 Điều 4 của Nghị định 117 năm 2020 của Chính phủ xử phạt đối với tổ chức là Công ty CP Dược Hà Tĩnh số tiền 70 triệu đồng. Công ty CP Dược Hà Tĩnh do ông Lê Quốc Khánh, Tổng giám đốc là người đại diện pháp luật.
Nguyên nhân bị xử phạt hành chính do sản xuất thuốc vi phạm chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật đối với với thuốc Nutrohadi F, số giấy đăng ký lưu hành VD-18684-13, số lô: 030221, ngày sản xuất 24/2/2021, hạn dùng 23/2/2024.
Biện pháp khắc phục hậu quả là Công ty CP Dược Hà Tĩnh phải tiến hành thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm chất lượng, thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý Dược trong vòng 30 ngày kể từ ngày ban hành quyết định này.
133.000 lao động chờ tiền hỗ trợ ngừng việc
Khoảng 133.000 lao động ở TP.HCM bị ngừng việc do các lệnh giãn cách từ đợt dịch năm ngoái đến nay chưa nhận được hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng.
Một khu vực ở phường Tăng Nhơn Phú A, TP. Thủ Đức, bị phong tỏa do lệnh giãn cách từ đợt dịch năm ngoái |
Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết, đây là số lao động phải dừng việc từ 0h ngày 15/7/2021 do doanh nghiệp không thể bảo đảm phương án "3 tại chỗ" hoặc "một cung đường hai điểm đến" theo quyết định của UBND TP.HCM khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát. Với mức hỗ trợ 1,8 - 3,71 triệu đồng mỗi người (theo Nghị quyết 126), tổng số tiền lao động chưa nhận hơn 246 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, hiện nay do khó khăn về kinh phí nên việc chi trả cho lao động ngưng việc từ đợt dịch năm ngoái bị chậm. Sở Tài chính đang trình UBND Thành phố để bố trí thêm ngân sách.
Đợt dịch thứ 4 bùng phát, TP.HCM là địa phương bị phong tỏa kéo dài, hầu hết doanh nghiệp dừng hoạt động. Để hỗ trợ người dân, Thành phố triển khai nhiều gói hỗ trợ, trong đó có gói chung 26.000 tỷ đồng và ba gói riêng với tổng kinh phí gần 11.000 tỷ đồng. Tháng 9 năm ngoái, cơ quan bảo hiểm xã hội Thành phố xác nhận cho hơn 376.000 lao động nhận gói hỗ trợ ngừng việc.