Bản tin thời sự sáng 22/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tổng lợi nhuận 19 doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh vì EVN; kiều hối về TP.HCM gấp gần ba lần vốn FDI; đồng loạt tăng giá, xăng RON95-III vượt qua ngưỡng 22.000 đồng mỗi lít; hàng không 2024 có thể giảm mạnh khách nội địa…

Tổng lợi nhuận 19 doanh nghiệp nhà nước giảm mạnh vì EVN

Vì khoản lỗ gần 1 tỷ USD của EVN, lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty năm nay giảm gần nửa thay vì có thể tăng 11%.

Vì khoản lỗ gần 1 tỷ USD của EVN, lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty năm nay giảm

Vì khoản lỗ gần 1 tỷ USD của EVN, lợi nhuận trước thuế của 19 tập đoàn, tổng công ty năm nay giảm

Tại Hội nghị tổng kết 2023, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tổng doanh thu công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty do đơn vị này quản lý đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 3,4% so với năm ngoái.

Nếu không tính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lợi nhuận trước thuế ước hơn 53.256 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ. Nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế giảm khoảng 44%.

"Do những khó khăn khách quan, một số đơn vị có mức lợi nhuận âm, trong đó có những doanh nghiệp có quy mô lớn, có vai trò trọng yếu như EVN, Vietnam Airline làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận của 19 tập đoàn, tổng công ty", cơ quan này cho hay.

Báo cáo tại Hội nghị, đại diện EVN cho biết, doanh thu bán điện của Tập đoàn ước đạt 492.590 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay tiếp tục là một năm khó khăn bất chấp các nỗ lực của doanh nghiệp trong tiết kiệm, cắt giảm chi phí, tối ưu hóa dòng tiền. Bên cạnh đó, dù giá điện được điều chỉnh 2 lần nhưng vẫn không bù đắp được chi phí mua điện tăng cao. Vì vậy, công ty mẹ EVN năm nay dự kiến lỗ gần 24.500 tỷ đồng.

Về ngân sách nhà nước, 19 đơn vị nộp về hơn 79.252 tỷ đồng, gần gấp đôi kế hoạch của năm và hơn 20% so với năm ngoái.

Qua tổng kết, 14 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 15 đơn vị đạt, vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16 đơn vị đạt, vượt kế hoạch nộp ngân sách. Đáng chú ý, trường hợp của Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) còn có lãi sau nhiều năm thua lỗ.

Kiều hối về TP.HCM gấp gần ba lần vốn FDI

Năm 2023, Thành phố thu hút gần 9 tỷ USD kiều hối, tăng 35% so với năm ngoái và gần gấp ba vốn FDI.

TP.HCM thu hút 9 tỷ USD kiều hối, gấp gần 3 lần vốn FDI của thành phố

TP.HCM thu hút 9 tỷ USD kiều hối, gấp gần 3 lần vốn FDI của thành phố

Tại Hội nghị Ngoại giao ngày 21/12, Phó Chủ tịch TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, Thành phố hiện là nơi duy nhất ở Việt Nam được ghi nhận như một trung tâm tài chính thứ cấp kể từ tháng 3/2020. TP.HCM chiếm hơn 95% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 64,8% GDP cả nước.

Riêng năm nay, TP.HCM thu hút 9 tỷ USD kiều hối, gấp gần 3 lần vốn FDI của Thành phố (3,4 tỷ USD), tăng 35% so với năm ngoái. Kết quả này một phần đến từ hoạt động đối ngoại khi tập trung vào xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư cũng như thường xuyên gặp gỡ, lắng nghe cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.

Những nguồn lực tài chính này, theo ông Hoan, ngoài phục vụ phát triển kinh tế Thành phố, còn góp phần tạo nguồn lực, mở rộng, thúc đẩy sự phát triển của trung tâm tài chính TP.HCM.

Hồi tháng 9, lượng kiều hối chuyển về Thành phố là 6,6 tỷ USD, tăng mạnh 40% so với cùng kỳ 2022, vượt mức cả năm ngoái. Riêng quý III, kiều hối về TP.HCM hơn 2,35 tỷ USD, tăng so với quý II và quý I đầu năm nay. Thực tế, hàng năm lượng kiều hối đổ về Thành phố chiếm hơn một nửa của cả nước.

Đồng loạt tăng giá, xăng RON95-III vượt qua ngưỡng 22.000 đồng mỗi lít

Từ 16 giờ ngày 21/12, giá mặt hàng xăng E5 RON92 tăng 687 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 740 đồng/lít; dầu diesel tăng 514 đồng/lít; dầu hỏa tăng 530 đồng/lít và dầu mazut tăng 287 đồng/kg.

Đồng loạt tăng giá, xăng RON95-III vượt qua ngưỡng 22.000 đồng mỗi lít

Đồng loạt tăng giá, xăng RON95-III vượt qua ngưỡng 22.000 đồng mỗi lít

Từ 16 giờ ngày 21/12, xăng E5 RON92 tăng 687 đồng/lít, giá mới là 21.199 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 740 đồng/lít, lên mức 22.145 đồng/lít; dầu diesel tăng 514 đồng/lít, giá mới là 19.524 đồng/lít; dầu hỏa tăng 530 đồng/lít, lên mức 20.494 đồng/lít còn dầu mazut tăng 287 đồng/kg, giá mới là 15.265 đồng/kg.

Về quỹ bình ổn (BOG), liên bộ quyết định trích lập đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu điêzen và dầu hỏa. Tuy vậy, không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Theo đại diện Bộ Công Thương, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên nhằm góp phần bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước và cơ bản phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.

Về phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến thời điểm trước điều chỉnh giá, số dư quỹ bình ổn (BOG) tại doanh nghiệp là 3.050 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 14/12, giá xăng E5 RON92 giảm 778 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 917 đồng/lít; dầu diesel giảm 711 đồng/lít; dầu hỏa giảm 958 đồng/lít và dầu mazut giảm 549 đồng/kg.

Hàng không 2024 có thể giảm mạnh khách nội địa

Lượng khách nội địa đi máy bay năm 2024 có thể giảm 3,5 triệu so với năm 2023, còn 38,5 triệu khách.

Cục Hàng không dự báo lượng khách nội địa đi máy bay năm 2024 có thể giảm 3,5 triệu so với năm ngoái

Cục Hàng không dự báo lượng khách nội địa đi máy bay năm 2024 có thể giảm 3,5 triệu so với năm ngoái

Thông tin này được Cục Hàng không Việt Nam cho biết tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai công tác năm 2024 mới đây. Năm 2023, Cục Hàng không đánh giá đã có sự phục hồi và những tín hiệu tăng trưởng tích cực như thị trường nội địa phục hồi hoàn toàn và tăng trưởng so với mức trước dịch năm 2019, thị trường quốc tế đang dần trở lại và có thể sớm đạt mức như năm 2019 trong năm sau.

Các hãng hàng không trong nước đã vận chuyển 74 triệu khách, tăng 34,5% so với năm 2022, tương đương gần 94% mức trước dịch. Trong đó, lượng khách quốc tế 32 triệu (tăng 170% so với năm 2022, nhưng mới bằng 77% năm 2019).

Sang năm sau, trên cơ sở đánh giá khả năng cung ứng của các hãng hàng không Việt Nam, Cục dự kiến sản lượng vận chuyển của ngành ước đạt 80,3 triệu khách, tăng hơn 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, đối tượng phục vụ lại có sự thay đổi trái chiều so với những năm trước đây khi khách quốc tế có thể nhiều hơn nội địa.

Cục Hàng không dự tính sản lượng vận chuyển khách nội địa chỉ đạt 38,5 triệu, giảm 3,5 triệu khách so với lượng vận chuyển thực tế năm 2023. Còn khách quốc tế tăng lên 41,8 triệu, tăng trên 30% so với năm 2023.

Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua các hãng hàng không đã cắt giảm nhiều đường bay nội địa không hiệu quả. Một số hãng trong nước cũng phải thu hẹp quy mô đội tàu bay sau 3 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Cùng với đó, các loại chi phí đầu vào tăng mạnh, nhất là giá nhiên liệu hàng không cũng khiến các hãng phải neo giá máy bay nội địa ở mức cao. Điều này cũng làm cản trở nhu cầu đi lại, du lịch trong nước bằng đường hàng không của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đa phần đều có xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Giá vàng miếng SJC lên sát 76 triệu đồng

Giá vàng miếng SJC đảo chiều tăng vào cuối chiều 21/12, thiết lập kỷ lục mới 75,8 triệu đồng một lượng.

Giá vàng miếng SJC đảo chiều tăng vào cuối chiều 21/12, thiết lập kỷ lục mới 75,8 triệu đồng

Giá vàng miếng SJC đảo chiều tăng vào cuối chiều 21/12, thiết lập kỷ lục mới 75,8 triệu đồng

Các thương hiệu giảm nhẹ giá vàng miếng trong sáng 21/12, tuy nhiên bước sang buổi chiều, giá kim loại quý này quay đầu tăng.

Tới 16h, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) lên 74,8 - 75,8 triệu đồng, tăng 400.000 đồng so với đầu sáng và 200.000 đồng so với cuối ngày 20/12. Tại DOJI, vàng miếng cũng lên 74,65 - 74,7 triệu đồng một lượng.

Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của vàng miếng. Nếu so với đầu năm nay, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 8,8 triệu đồng, tương đương mức tăng hơn 13% một năm.

Giá nhẫn tròn trơn và nữ trang hôm 21/12 cũng tiếp tục đi lên. DOJI tăng 100.000 đồng cả hai chiều lên 61,65 - 62,6 triệu đồng; vàng nữ trang 24K lên 61,25 - 62,35 triệu đồng. Còn tại PNJ, vàng nhẫn trơn tăng 300.000 đồng lên 61,5 - 62,5 triệu đồng mỗi lượng; vàng nữ trang 24K lên 61,4 - 62,2 triệu đồng.

Giá vàng miếng trong nước đang nới rộng chênh lệch với thế giới những ngày gần đây. Giá kim loại quý quốc tế vẫn neo cao trên vùng 2.000 USD. Mỗi ounce vàng được giao dịch quanh 2.035 USD một ounce, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 60,1 triệu đồng một lượng, thấp hơn vàng nữ trang khoảng 2,1 triệu đồng và kém vàng miếng trong nước hơn 15,5 triệu đồng.

Việt Nam xuất khẩu 5,6 tỷ USD rau quả

Năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam ước đạt 5,6 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay và vượt 40% kế hoạch đầu năm.

Trong số các loại rau quả xuất khẩu, sầu riêng đóng góp vào sức tăng trưởng lớn nhất cho nhóm này với tỷ lệ chiếm 40% kim ngạch

Trong số các loại rau quả xuất khẩu, sầu riêng đóng góp vào sức tăng trưởng lớn nhất cho nhóm này với tỷ lệ chiếm 40% kim ngạch

Đây là kết quả sơ bộ vừa được Hiệp hội rau quả Việt Nam công bố. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay tăng 65,6% so với cùng kỳ năm ngoái - dẫn đầu nhóm nông sản, vượt các ngành chủ lực như gạo, hạt điều, cà phê, sắn.

So với kế hoạch đề ra hồi đầu năm là 4 tỷ USD, kim ngạch trên đã tăng 40%. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 11 tháng đạt 3,4 tỷ USD, tăng 148% so với cùng kỳ 2022 và chiếm 65,5% thị phần.

Các quốc gia còn lại như Australia, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng mua 2 - 31% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số các loại rau quả xuất khẩu, sầu riêng đóng góp vào sức tăng trưởng lớn nhất cho nhóm này với tỷ lệ chiếm 40% kim ngạch. Tiếp đến là mít, dưa hấu, bưởi, nhãn đều có mức tăng trưởng 50 - 200% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, xuất khẩu rau liên tục thiết lập kỷ lục mới là nhờ Trung Quốc và nhiều quốc gia tăng mua hàng Việt. Nhất là khi Trung Quốc ngày càng tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam thông qua việc ký hàng loạt nghị định thư.

Năm nay, ngoài sầu riêng, mít, nhiều loại rau củ của Việt Nam như khoai lang, ớt xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 6 - 9 lần so với cùng kỳ 2022. Sầu riêng, mít, khoai lang được cấp thêm nhiều mã vùng trồng giúp hoạt động xuất khẩu nhộn nhịp.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng logistics như đường sá, kho hàng, bến bãi giao nhận được sửa sang, xây mới đã giúp hoạt động xuất khẩu giảm chi phí, tạo giá thành cạnh tranh hơn so với các đối thủ. Hiện, giá khoai lang, sầu riêng của Việt Nam tăng đột biến, nhưng vẫn hấp dẫn so với đối thủ Thái Lan, Philippines và Malaysia.

Doanh nghiệp trồng trụ điện gió trên đất rừng phòng hộ

Chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2 ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xây hàng loạt trụ điện gió trên đất rừng phòng hộ không được cấp phép.

Các tuabin điện gió của dự án Hướng Linh 1, Hướng Linh 2

Các tuabin điện gió của dự án Hướng Linh 1, Hướng Linh 2

Ngày 21/12, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết đã xử phạt hành chính Công ty CP Tổng công ty Tân Hoàn Cầu, Chủ đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2, 608 triệu đồng. Lý do doanh nghiệp đã xây dựng các hạng mục nhà máy điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2 trên đất chưa được cấp phép.

Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1 hoàn thành tháng 10/2019, song Chủ đầu tư đã xây dựng 5 tuabin trên 1,19 ha đất rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông; xây 9 tuabin trên đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất mà chưa được phép. Với hành vi này, doanh nghiệp Tân Hoàn Cầu bị xử phạt 340 triệu đồng.

Dự án Nhà máy Điện gió Hướng Linh 2 hoàn thành tháng 9/2017, song Chủ đầu tư đã xây một tuabin, 9 trụ điện trên đất rừng phòng hộ thuộc quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông mà chưa được phép. Chủ đầu tư cũng xây hàng loạt tuabin, trụ điện và nhà điều hành trên đất nông nghiệp, phi nông nghiệp chưa được cấp phép. Với hành vi này, doanh nghiệp bị phạt 268 triệu đồng.

Ngoài việc nộp phạt, khắc phục hậu quả, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Trị yêu cầu Tân Hoàn Cầu làm thủ tục thuê đất theo quy định.

Gắn “mắt thần” nhận diện tội phạm ở ngân hàng

Công an TP.HCM thí điểm lắp đặt phần mềm xác thực Căn cước công dân (CCCD), sinh trắc khuôn mặt tại cửa ngân hàng để nhận diện nghi can phạm tội.

Hệ thống nhận diện khách hàng tại cửa ngân hàng

Hệ thống nhận diện khách hàng tại cửa ngân hàng

Hệ thống này được Công an TP.HCM phối hợp Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) triển khai thí điểm tại cửa ra vào chi nhánh Ngân hàng Agribank trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình, ngày 21/12.

Các thiết bị sẽ giúp xác thực thông tin của khách hàng khi vào ngân hàng, từ đó nhận diện kịp thời những người nghi vấn, trốn truy nã, dùng giấy tờ giả hoặc của người khác để tạo tài khoản thực hiện hành vi phạm tội.

Khách hàng đến giao dịch sẽ được nhân viên giám sát an ninh hướng dẫn đặt thẻ CCCD gắn chíp vào hộp đọc thẻ, tháo khẩu trang để hệ thống bắt đầu quá trình nhận diện khuôn mặt. Toàn bộ dữ liệu cần thiết sẽ được đối chiếu với Kho dữ liệu về dân cư quốc gia, Bộ Công an.

Công an TP.HCM đánh giá, việc triển khai, lắp đặt thiết bị giám sát sẽ giúp ích rất nhiều cho lực lượng trong công tác triển khai nghiệp vụ, chủ động giám sát, phát hiện và phòng ngừa các nhóm tội phạm có ý đồ hoạt động.

Hiện có tổng cộng 20 ngân hàng có hội sở trú đóng trên địa bàn TP.HCM, với hơn 2.000 chi nhánh, điểm giao dịch. Đây là những nơi luôn có tài sản và lượng tiền mặt lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị cướp.

Thành lập “doanh nghiệp ma”, xuất hóa đơn khống trị giá hơn 2.000 tỷ đồng

Lợi dụng cơ chế thông thoáng trong thành lập, đăng ký doanh nghiệp, 2 đối tượng đã đứng ra thành lập khoảng 50 “doanh nghiệp ma”, xuất hàng trăm ngàn tờ hóa đơn khống với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng tống đạt các quyết định đối với Bùi Thị Thu Nguyệt

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng tống đạt các quyết định đối với Bùi Thị Thu Nguyệt

Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP. Đà Nẵng vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bùi Thị Thu Nguyệt (trú phường An Hải Bắc, Quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) và Nguyễn Thị Khánh Vân (trú quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn” theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, trinh sát Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Đà Nẵng phát hiện trên địa bàn Thành phố một số đối tượng có biểu hiện lợi dụng cơ chế thông thoáng trong thành lập, đăng ký doanh nghiệp nên đã thành lập hàng loạt “doanh nghiệp ma” để thực hiện hành vi bán hóa đơn “khống”.

Sau thời gian thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan, tối nay 21/12, Ban Chuyên án tiến hành bắt tạm giam đối với Bùi Thị Thu Nguyệt và Nguyễn Thị Khánh Vân về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn”. Khám xét nơi ở của các đối tượng, Cơ quan điều tra thu giữ được nhiều tài liệu có giá trị trong việc chứng minh, xử lý vụ án.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố, bước đầu đã xác định Nguyệt và Vân thành lập, điều hành hơn 50 “doanh nghiệp ma”, xuất hàng trăm nghìn tờ hóa đơn khống với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục