Bản tin thời sự sáng 22/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là lập tổ công tác chống buôn lậu qua đường hàng không; siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 2025; TP.HCM yêu cầu khởi công Dự án Vành đai 3 TP.HCM đúng tiến độ; FLC bị đề nghị thu hồi đất dự án do nợ ngân sách Quảng Ninh gần 100 tỷ; khởi tố giám đốc và 2 cán bộ trung tâm đào tạo lái xe tại Hòa Bình…

Lập tổ công tác chống buôn lậu qua đường hàng không

Bộ trưởng Tài chính vừa ký quyết định lập tổ công tác liên ngành để chống buôn lậu qua đường hàng không.

Bộ trưởng Tài chính vừa lập tổ công tác chống buôn lậu qua đường hàng không

Bộ trưởng Tài chính vừa lập tổ công tác chống buôn lậu qua đường hàng không

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, vừa ký quyết định lập tổ công tác 8 thành viên. Tổ trưởng là ông Lê Thanh Hải, Ủy viên, kiêm Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các thành viên thuộc Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường).

Động thái này được đưa ra sau khi hải quan TP.HCM phát hiện hơn 11 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp trong hành lý của 4 tiếp viên hàng không Việt Nam tại sân bay Tân Sơn Nhất mới đây.

Tổ công tác liên ngành này được giao 7 nhiệm vụ, trong đó có tiếp nhận, xử lý các thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế. Tổ cũng có quyền điều phối các đơn vị, lực lượng phối hợp xử lý vụ việc, tình huống đột xuất, phức tạp về buôn lậu hàng hoá qua đường hàng không. Đồng thời, Tổ được yêu cầu thường xuyên phối hợp với cơ quan báo chí để tuyên truyền.

Đơn vị này hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Định kỳ 3 tháng, tổ công tác họp đánh giá tình hình. Tổ sẽ tự giải thể khi đợt tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua cảng hàng không quốc tế kết thúc.

Siết xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc từ 2025

Xuất khẩu theo phương thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) sẽ bị siết lại từ đầu năm 2025, như một cách tránh tái diễn ùn ứ tại cửa khẩu, nhất là với Trung Quốc.

Thông quan hàng hoá tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai)

Thông quan hàng hoá tại cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai)

Nội dung này nêu tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2018 về hoạt động thương mại biên giới đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến.

Theo Bộ Công Thương, hàng xuất qua các cửa khẩu biên giới, trong đó có Trung Quốc, gồm hàng xuất chính ngạch theo thông lệ quốc tế và trao đổi cư dân (tiểu ngạch). Hàng xuất diện này được hưởng các ưu đãi, như miễn kiểm dịch, không cần hợp đồng, không cần thanh toán qua ngân hàng và được miễn thuế với hàng dưới 8.000 Nhân dân tệ một người một ngày.

Theo đó, từ 1/1/2025, hàng xuất theo phương thức trao đổi cư dân biên giới (tiểu ngạch) sẽ bị giảm dần số lần, số tiền được miễn thuế. Hàng xuất khẩu tiểu ngạch, phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc. Chỉ cư dân khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân và họ phải có mặt trực tiếp làm thủ tục xuất cảnh.

Sau đó một năm, từ đầu 2026, hàng xuất chính ngạch vào Trung Quốc sẽ làm thủ tục tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đạt thỏa thuận song phương về xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Từ năm 2027, tạm dừng xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu, lối mở chưa đạt thoả thuận song phương về trao đổi, mua bán hàng hoá qua biên giới. Đến 2028, các cửa khẩu, lối mở chỉ được làm thủ tục thông quan cho hàng đã được cấp phép, xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

Siết lại xuất hàng tiểu ngạch, theo Bộ Công Thương, nhằm đưa việc trao đổi, mua bán hàng hóa hàng ngày của cư dân biên giới về đúng bản chất. Việc này đưa hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc theo đúng thông lệ quốc tế, tuân thủ yêu cầu chất lượng, truy xuất nguồn gốc nước sở tại và tránh tái diễn tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu như trước.

TP.HCM yêu cầu khởi công Dự án Vành đai 3 TP.HCM đúng tiến độ

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị phải bàn giao mặt bằng đúng cam kết và khởi công Dự án Vành đai 3 TP.HCM đúng tiến độ.

UBND TP.HCM ra văn khẩn yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai các dự án giao thông trọng điểm ngành giao thông vận tải.

UBND TP.HCM ra văn khẩn yêu cầu các đơn vị thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai các dự án giao thông trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Mới đây, UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ triển khai các dự án giao thông trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo đó, UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị cần chủ động xử lý dứt điểm các vướng mắc, khó khăn không để kéo dài.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Ban Giao thông) cần khẩn trương rà soát, triển khai các công việc được giao về phê duyệt Dự án thành phần 1 - Dự án Vành đai 3 đoạn qua Thành phố.

Đối với công tác lựa chọn nhà thầu, Ban Giao thông cần xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế và quy định của pháp luật. Từ đó, bảo đảm công khai, minh bạch, tuyệt đối không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; lựa chọn các nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm, năng lực quản lý thực hiện các dự án có quy mô lớn.

Ban Giao thông cũng cần chủ động phối hợp với chủ đầu tư các dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 3 TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Trong đó, các địa phương phải thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho Dự án; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai Dự án.

Song song đó, Ban Giao thông cần chủ động phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục, đôn đốc các địa phương bàn giao mặt bằng theo kế hoạch và khởi công công trình trong tháng 6.

FLC bị đề nghị thu hồi đất dự án do nợ ngân sách Quảng Ninh gần 100 tỷ

UBND TP. Hạ Long đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi đất Dự án khu đô thị tại phường Hà Khánh của Tập đoàn FLC với lý do công ty này không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền vào ngân sách nhà nước, tổng số tiền nợ ngân sách trên 97 tỷ đồng.

UBND TP. Hạ Long đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi đất Dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh của Tập đoàn FLC. Ảnh minh họa

UBND TP. Hạ Long đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh ra quyết định thu hồi đất Dự án Khu đô thị tại phường Hà Khánh của Tập đoàn FLC. Ảnh minh họa

Cụ thể, UBND thành phố Hạ Long đề nghị UBND Tỉnh thu hồi một phần diện tích đất tại Dự án khu đô thị tại phường Hà Khánh do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư để giao lại về UBND thành phố Hạ Long quản lý, sử dụng đất đúng mục đích đất theo quy định.

Cụ thể, tại Dự án Khu đô thị Hà Khánh (giai đoạn 1), tổng số tiền sử dụng đất còn nợ đến ngày 28/2/2023 về thu tiền sử dụng đất bổ sung do điều chỉnh tăng thời gian thực hiện đầu tư xây dựng Dự án là gần 75 tỷ đồng (gồm tiền nợ thuế gần 73 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp gần 2 tỷ đồng); tương ứng với 26% quỹ đất ở là 26.350 m2 đất ở UBND Tỉnh đã giao đất cho Tập đoàn FLC (giai đoạn 1).

Tại Dự án Khu đô thị Hà Khánh (giai đoạn 2), tổng số tiền sử dụng đất còn nợ do thu bổ sung tiền sử dụng đất (giai đoạn 2) là hơn 22 tỷ đồng (gồm tiền nợ thuế hơn 21 tỷ đồng và tiền phạt chậm nộp hơn 574 triệu đồng), tương ứng 16,84% quỹ đất ở là 20.359,4 m2 UBND Tỉnh đã giao đất cho Tập đoàn FLC (giai đoạn 2).

Ngày 20/2/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 412/QĐ-UBND về việc phê duyệt số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do Tập đoàn FLC khai thác sử dụng nước để tưới cỏ sân golf trong khi không có giấy phép, trong đó yêu cầu Tập đoàn nộp phạt vào ngân sách số tiền hơn 8 tỷ đồng.

Song đến nay, Tập đoàn FLC vẫn chưa nộp khoản trên, tổng số tiền là hơn 12,4 tỷ đồng, tương ứng với 7,25% quỹ đất ở là 8.764,0 m2 đất UBND Tỉnh đã giao cho Tập đoàn.

Khởi tố giám đốc và 2 cán bộ trung tâm đào tạo lái xe tại Hòa Bình

Nguyễn Viết Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và 2 cán bộ khác bị khởi tố, bắt tạm giam về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Cảnh sát tống đạt quyết định khởi tố với bị can.

Cảnh sát tống đạt quyết định khởi tố với bị can.

Ngày 21/3, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Viết Tuấn (Giám đốc), Đỗ Hồng Quân (Tổ trưởng Tổ giáo viên dạy lý thuyết) và Nguyên Ngọc Khuyên (Tổ trưởng Tổ giáo viên thực hành) thuộc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự. Cơ quan chức năng cũng đã tiến hành khám xét nơi làm việc và nơi ở của các bị can.

Trường Cao đẳng nghề kinh doanh và công nghệ Hà Nội được phê duyệt thành lập Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Năm 2020, Trung tâm được Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình cấp giấy phép đào tạo lái xe, cho phép đào tạo các hạng B và C với lưu lượng dưới 1.000 học viên.

Theo cơ quan tố tụng, số giáo viên của Trung tâm không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy cho tối đa lưu lượng học viên được phép đào tạo nên Giám đốc Trung tâm đã giao cho Phòng Đào tạo thông báo tuyển người có đủ điều kiện để tập huấn và ký hợp đồng làm giáo viên của Trung tâm.

Tuy nhiên, hầu hết số giáo viên đã ký hợp đồng nhưng không trực tiếp giảng dạy tại Trung tâm, chỉ đứng tên trên hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch.

Để hợp thức hóa hồ sơ đào tạo cho phù hợp với số giáo viên không giảng dạy trên thực tế, lãnh đạo Trung tâm đã chỉ đạo Tổ giáo viên lý thuyết, Tổ giáo viên thực hành và nhân viên Phòng Đào tạo giả mạo chữ ký, chữ viết để ghi khống nội dung vào một số tài liệu nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và tránh bị kiểm tra, phát hiện.

Kiểm tra 16 cơ sở kinh doanh F88 ở Đồng Tháp

Cảnh sát phát hiện một số phòng giao dịch F88 ở Đồng Tháp hoạt động cầm đồ khi chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện về an ninh trật tự.

Cảnh sát đồng loạt kiểm tra các phòng giao dịch Công ty F88 tại Đồng Tháp

Cảnh sát đồng loạt kiểm tra các phòng giao dịch Công ty F88 tại Đồng Tháp

Ngày 21/3, Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, các lực lượng chức năng vừa đồng loạt kiểm tra hành chính 16 phòng giao dịch của Công ty F88 trên địa bàn Tỉnh.

Tại các phòng giao dịch, cảnh sát kiểm tra hành chính về việc chấp hành các điều kiện về an ninh trật tự theo quy định của Chính phủ đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hoạt động thực tế của cơ sở; việc lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh theo quy định của Bộ Công an; kê khai các nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, việc chấp hành các quy định pháp luật khi thực hiện hợp đồng cho vay, cầm cố tài sản, ký gửi tài sản, lãi suất…

Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện một số phòng giao dịch có dấu hiệu vi phạm pháp luật như hoạt động cầm đồ khi chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện về an ninh trật tự; không bảo quản tài sản cầm cố, chưa thực hiện đầy đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy…

Trong đó, Công an huyện Thanh Bình đã xử phạt vi phạm hành chính đối với phòng giao dịch trên địa bàn Huyện số tiền 3 triệu đồng về hành vi lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đầy đủ theo quy định của Bộ Công an, vi phạm tại Điểm b, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Công an các địa phương ở Đồng Tháp đang tập trung hồ sơ, tài liệu để xử lý theo quy định.

Cảnh sát biển tạm giữ tàu chở 60.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc

Lực lượng chức năng phát hiện tàu TG 94456 TS của tỉnh Tiền Giang chở khoảng 60.000 lít dầu DO trong khi chủ tàu không xuất trình được hóa đơn và giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Lực lượng cảnh sát biển dẫn giải tàu cá về cảng Hải đội 301 tại thành phố Vũng Tàu

Lực lượng cảnh sát biển dẫn giải tàu cá về cảng Hải đội 301 tại thành phố Vũng Tàu

Ngày 21/3, lực lượng chức năng Hải đoàn 32 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã dẫn giải tàu TG 94456 TS của tỉnh Tiền Giang chở khoảng 60.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc về cảng Hải đội 301 tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại vùng biển cách phía Đông Nam Côn Đảo khoảng 150 hải lý, lực lượng chức năng của Hải đoàn 32 phát hiện tàu vỏ gỗ số hiệu TG 94456 TS có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra, tàu do ông Hà Tuấn Minh (sinh năm 1973, thường trú tại xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng trên tàu có 5 người.

Theo lời khai ban đầu của ông Minh, tàu đang vận chuyển khoảng 60.000 lít dầu DO được mua từ một tàu không rõ số hiệu. Ông Minh không xuất trình được hóa đơn cũng như giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc của số dầu trên.

Ngoài ra, các thuyền viên trên tàu đều không có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.

Lực lượng chức năng của Hải đoàn 32, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với tàu TG 94456 TS; đồng thời đưa tàu về cảng của Hải đội 301, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tại thành phố Vũng Tàu để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.

Tin cùng chuyên mục