Bộ Xây dựng thông tin tiến độ 8 dự án giao thông trọng điểm tại miền Tây
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện đang triển khai 8 dự án giao thông trọng điểm với 13 dự án thành phần (DATP). Trong đó, 7 DATP hoàn thành trong năm 2025, 6 DATP hoàn thành sau năm 2025.
![]() |
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nhìn từ trên cao |
Về công tác giải phóng mặt bằng, Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau còn 1 vị trí trạm dừng nghỉ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; DATP 2 Cao Lãnh - An Hữu còn 2 vị trí đường điện cao thế chưa hoàn thành di dời thuộc địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Đối với Dự án đường Hồ Chí Minh, tỉnh Kiên Giang chưa bàn giao mặt bằng 1,727/45,27 km, chưa hoàn thành di dời 7 vị trí hạ tầng kỹ thuật và 1 đường điện 220kV; tỉnh Bạc Liêu chưa bàn giao mặt bằng 0,1/6,67 km, chưa hoàn thành di dời 2 vị trí hạ tầng kỹ thuật.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, còn 2 hộ dân tại Sóc Trăng chưa bàn giao mặt bằng, 15 vị trí đường điện cao thế chưa hoàn thành di dời (Cần Thơ 3 vị trí, Sóc Trăng 7 vị trí, An Giang 5 vị trí).
Dự án Mỹ An - Cao Lãnh, mặc dù dự án chưa triển khai thi công nhưng tỉnh Đồng Tháp đã bàn giao mặt bằng cho dự án được 95%.
Về tình hình triển khai thi công Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: DATP 1 sản lượng đạt 47%, DATP 3 đạt 37%; Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ đạt 58%; Dự án cầu Rạch Miễu 2 đạt 84,38%.
Các dự án còn lại tiến độ còn chậm so với kế hoạch do thời gian đầu còn thiếu hụt nguồn vật liệu đắp, một số nhà thầu còn chậm trong công tác tổ chức thi công.
Về vật liệu cát đắp, các địa phương đã cấp phép khai thác 54,53 triệu m3/nhu cầu 57,53 triệu m3 cho các dự án. Trong đó, Tiền Giang 6 triệu m3, Bến Tre 3,6 triệu m3, An Giang 18,9 triệu m3, Sóc Trăng 12,1 triệu m3, Đồng Tháp 10,13 triệu m3, Vĩnh Long 3,8 triệu m3. Hiện các địa phương đang tiếp tục thực hiện thủ tục cấp phép 13,9 triệu m3 để đáp ứng công suất theo tiến độ dự án, nâng tổng trữ lượng lên 68,43/nhu cầu 57,43 triệu m3.
Đối với vật liệu đá, tổng nhu cầu các dự án là 9,34 triệu m3, các dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 là 3,33 triệu m3. Đến nay, đã khai thác, đưa vật liệu về công trường từ các mỏ thuộc tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang với khối lượng 1,69 triệu m3 (các dự án hoàn thành năm 2025 là 1,11 triệu m3, các dự án còn lại 0,58 triệu m3).
Giá vàng trong nước tăng thêm 1 triệu đồng
Do giá vàng thế giới tăng mạnh tới 21 USD so với chốt phiên sáng, dao động quanh ngưỡng 3.394 USD/ounce nên đã kéo giá vàng trong nước tăng thêm 1 triệu đồng hiện giao dịch ở mức 118 triệu đồng/lượng.
![]() |
Giá vàng trong nước tăng hiện giao dịch ở mức 118 triệu đồng/lượng |
Tiếp theo đà tăng của phiên sáng, chiều 21/4, hai thương hiệu vàng trong nước tiếp tục tăng thêm 1 triệu đồng mỗi lượng theo đà tăng của giá vàng thế giới.
Tính đến 17 giờ 30 chiều ngày 21/4, giá vàng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, Công ty Phú Quý và Doji cùng niêm yết từ 116 - 118 triệu đồng/lượng, tăng thêm 1 triệu đồng/lượng so với phiên sáng.
Cùng thời điểm trên, giá vàng nhẫn tại Công ty Phú Quý tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với phiên sáng, hiện đang giao dịch ở ngưỡng từ 113,8 - 116,8 triệu đồng/lượng.
Công ty Bảo Tín Minh Châu thông báo giá vàng nhẫn tròn trơn từ 114,5-118 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 1,5 triệu ở chiều mua vào và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với phiên sáng.
Giá vàng nhẫn SJC 999.9 cũng tăng 1 triệu đồng mỗi lượng, hiện đang giao dịch quanh mức 113 - 116 triệu đồng/lượng.
Do giá vàng tăng cao nên các doanh nghiệp đã để mức chênh lệch từ 3 - 3,3 triệu đồng mỗi lượng, điều này đẩy rủi ro về phía khách hàng.
Trên thế giới, giá vàng dao động quanh ngưỡng 3.394 USD/ounce, tăng mạnh tới 21 USD so với phiên sáng. Mức giá này tương đương 106 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank, thấp hơn trong nước từ 10 - 12 triệu đồng mỗi lượng tùy từng doanh nghiệp.
Bộ Y tế đề nghị các sàn thương mại điện tử chặn hành vi bán thuốc kê đơn
Ngày 21/4, theo thông tin từ Bộ Y tế, Cục Quản lý dược vừa ban hành công văn về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược.
![]() |
Bộ Y tế đề nghị các sàn thương mại điện tử chặn hành vi bán thuốc kê đơn. Ảnh minh họa |
Theo Cục Quản lý dược, trong thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về hiện tượng mua bán thuốc bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt trên các trang mạng xã hội. Cục đã đề nghị các đơn vị, tổ chức bán hàng theo phương thức thương mại điện tử… có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn các hành vi này.
Để tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử và để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, đồng thời bảo đảm cung ứng đủ thuốc đạt chất lượng cho người dân, Cục Quản lý dược đề nghị các sở y tế địa phương chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn duy trì thực hiện đúng các quy định chuyên môn; bảo đảm việc tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh dược.
Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn nhằm phát hiện và ngăn chặn việc kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh ghi trên giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (mua bán trực tuyến hiện nay); mua, bán thuốc thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt không đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường thông tin, phổ biến cho các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn các quy định pháp luật về lĩnh vực dược, các nguyên tắc tiêu chuẩn "Thực hành tốt", trong đó yêu cầu cơ sở kinh doanh dược chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát xuất xứ của thuốc chất lượng thuốc, hạn dùng của thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường…
Cà Mau bố trí 400 nhà làm nơi ở cho cán bộ Bạc Liêu sau hợp nhất
Tỉnh Cà Mau dự kiến sau khi hợp nhất sẽ bố trí nhà khách, nhà công vụ cho nhiều cán bộ tỉnh Bạc Liêu đến ở.
![]() |
Nơi làm việc của các sở, ngành tỉnh Cà Mau |
Thông tin được ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Cà Mau cho biết tại cuộc họp liên quan tổ chức lại đơn vị hành chính trên địa bàn Tỉnh.
Theo ông Hùng, qua rà soát, quỹ nhà ở thuộc tài sản công chưa sử dụng gồm nhà công vụ tại Phường 5 và nhà ở xã hội trên Phường 9, TP. Cà Mau. Nhà khách Cà Mau, nhà khách Minh Hải dự kiến sẽ bố trí nơi ở cho công chức lãnh đạo. Ngoài ra, các cơ sở có thể cải tạo làm nhà công vụ là ký túc xá Trường Chính trị Tỉnh, Trường Nguyễn Việt Khái (cũ). Tổng số lượng dự kiến đáp ứng khoảng 400 căn.
Ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, địa phương sẽ chủ động sắp xếp bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi Cà Mau và Bạc Liêu hợp nhất, nhằm đảm bảo điều kiện làm việc, an tâm công tác.
Theo Nghị quyết số 60 của Trung ương, hai địa phương trên hợp nhất lấy tên là Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Cà Mau hiện nay. Đây là hai tỉnh cực nam Tổ quốc, thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Cà Mau rộng hơn 5.300 km2, khoảng 1,2 triệu dân; Bạc Liêu rộng 2.667 km2, dân số hơn 1 triệu người.
Thị phần Tiki gần về 0 trước sức ép TikTok Shop, Shopee
TikTok Shop và Shopee chiếm tổng cộng 97% thị phần sàn bán lẻ online Việt Nam trong quý I, khiến Lazada tiếp tục thu hẹp và Tiki gần về 0%.
![]() |
Các sàn thương mại điện tử đa ngành phổ biến tại Việt Nam |
Báo cáo thị trường thương mại điện tử quý I/2025 của nền tảng phân tích dữ liệu Metric cho biết, doanh số giao dịch (GMV) của 4 sàn lớn nhất là Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đạt 101.400 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ 2024.
Trong "bộ tứ", TikTok Shop chứng kiến tăng trưởng mạnh nhất, đến 113,8%, giúp thị phần mở rộng lên 35% từ mức 23% cùng kỳ 2024. Shoppe vẫn giữ "ngôi vương" thị trường nhưng thị phần đã thu hẹp còn 62% so với mức 68% hồi quý I/2024. Nguyên nhân do "sàn cam" tăng trưởng GMV chậm hơn, ở mức hơn 29%.
Đáng chú ý, Lazada và Tiki tiếp tục chứng kiến hoạt động thu hẹp, lần lượt giảm 43,5% và 66,6% doanh số. Kết quả, Lazada hiện chỉ còn chiếm 3% thị phần và Tiki đã rất bé để ghi nhận thị phần trong báo cáo của Metric.
Trước đó, trong báo cáo tổng kết năm 2024, công ty tư vấn thương mại điện tử YouNet ECI cho biết, Shopee và TikTok Shop lần lượt chiếm 66,7% và 26,9% thị phần giao dịch (GMV) trong 4 sàn thương mại điện tử bán lẻ đa ngành. Trong khi, Lazada và Tiki đến cuối năm ngoái còn nắm lần lượt 5,5% và 0,9% thị phần.
Metric lý giải hai sàn này lép vế do đối diện thách thức từ nền tảng nội dung, chưa tối ưu trải nghiệm người dùng và khả năng tạo hiệu quả kênh bán. Diễn biến thị trường quý I phản ánh rõ xu hướng dịch chuyển hành vi mua sắm sang các nền tảng giải trí - mua sắm tích hợp của người tiêu dùng Việt Nam.
TikTok Shop tăng trưởng cho thấy người tiêu dùng đang ưu tiên lựa chọn những hình thức mua sắm qua video ngắn. Đồng thời các sàn truyền thống phải chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn. "Sự dịch chuyển nhanh chóng của người tiêu dùng sang nền tảng nội dung như TikTok Shop là tín hiệu quan trọng cho các sàn trong việc định hướng phát triển sắp tới", Metric lưu ý.
Dự báo thị trường thương mại điện tử quý II, Metric cho rằng doanh số tăng trưởng khoảng 15% so với quý I, đạt 116.600 tỷ đồng. Vào dịp hè này, người Việt có thể "chốt đơn" 1,112 tỷ sản phẩm, tăng 17% so với 3 tháng đầu năm, nhờ các dịp khuyến mãi giữa năm và xu hướng tiêu dùng trực tuyến ngày càng phổ biến.
Sacombank muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 8 năm
Sau 8 năm không chia cổ tức, Sacombank muốn phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu thưởng cho nhân viên để tăng vốn điều lệ.
![]() |
Sacombank muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 8 năm |
Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2025, Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank) vừa bổ sung tờ trình thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ.
Theo đó, Sacombank sẽ tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức cho cổ đông hiện hữu và cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, từ nguồn lợi nhuận hợp nhất giữ lại luỹ kế còn lại sau khi phân phối lợi nhuận 2024.
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Sacombank sẽ xây dựng phương án chi tiết gồm tỷ lệ phát hành cổ phiếu để chia cổ tức và tỷ lệ phát hành cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên. Phương án chi tiết sẽ được lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.
Về kế hoạch kinh doanh, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay 14.560 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Nhà băng này đặt mục tiêu tổng tài sản tới cuối năm nay đạt hơn 819.800 tỷ đồng, nguồn vốn huy động hơn 736.300 tỷ và dư nợ tín dụng trên 614.400 tỷ đồng.
8 năm gần đây, Sacombank không chia cổ tức. Lãnh đạo Sacombank từng cho biết, vướng mắc duy nhất khiến Ngân hàng chưa hoàn tất cơ cấu, cũng như trả cổ tức là do còn khoản nợ xấu của ông Trầm Bê.
Lãnh đạo Sacombank cho biết đã hoàn thành tất cả trách nhiệm có liên quan, đã trình và làm việc với Ngân hàng Nhà nước về phương án xử lý chi tiết, chủ động xử lý lãi dự thu và trích lập dự phòng đầy đủ. Nguồn lực chia cổ tức cũng đã được Sacombank chuẩn bị sẵn sàng với lợi nhuận giữ lại dự kiến gấp 1,34 lần vốn điều lệ. Việc phê duyệt phương án xử lý, qua đó chính thức công nhận Sacombank tái cơ cấu thành công có thể mất thời gian khi ngành ngân hàng vừa qua giai đoạn tái cơ cấu, nhưng chắc chắn sẽ được Ngân hàng Nhà nước xử lý.
Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp C/O, CNM và mã số REX từ VCCI
Bộ Công Thương đề nghị VCCI chuẩn bị các nội dung tổ chức thực hiện việc ủy quyền cấp các loại C/0 mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu... để bàn giao cho Bộ Công Thương.
![]() |
Bộ Công Thương thu hồi quyền cấp C/O, CNM và mã số REX từ VCCI |
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1103/QĐ-BCT ngày 21/4/2025 về thu hồi quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), Giấy chứng nhận hàng hóa không thay đổi xuất xứ (CNM) và tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa (mã số REX) theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của Na Uy và Thụy Sỹ được Bộ trưởng Bộ Công Thương ủy quyền cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại các quyết định sau.
Cụ thể, Quyết định số 1234/QĐ-BCT ngày 12/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bao gồm C/Q mẫu A, C/O mẫu B, các mẫu C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu và CNM; Quyết định số 1076/QĐ-BCT ngày 03/4/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ủy quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu GSTP; Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 16/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ủy quyền tiếp nhận đăng ký mã số chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Na Uy và Thụy Sỹ.
Tại quyết định này, lãnh đạo Bộ Công Thương giao Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm thông báo với các nước nhập khẩu, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan trong và ngoài nước về việc thay đổi cơ quan cấp các loại C/O mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu, CNM, C/O mẫu GSTP và đăng ký mã số REX kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu được giao tổ chức triển khai việc thực hiện cấp các loại C/O mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu, CNM, C/O mẫu GSTP và đăng ký mã số REX thông suốt, tránh gián đoạn và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân, đồng thời tổ chức công tác bàn giao, tiếp nhận từ VCCI những nội dung liên quan đến việc thực hiện cấp các loại C/O mẫu A, C/O mẫu B, C/O không ưu đãi theo quy định của nước nhập khẩu, CNM, C/O mẫu GSTP và đăng ký mã số REX trong giai đoạn được Bộ trưởng Bộ Công Thương ủy quyền.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đảm bảo cơ sở hạ tầng dữ liệu điện tử tại Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử (eCoSys) của Bộ Công Thương để thực hiện quy trình cấp C/O điện tử và thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); tiếp nhận đăng ký mã số REX.