Bản tin thời sự sáng 22/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cảnh cáo Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong; giá xăng về sát 26.000 đồng một lít; Việt Nam xuất hiện biến chủng BA.2.12.1, tái phát chủng Delta; hơn 7.100 xe quá tải bị phạt trong một tháng…

Cảnh cáo Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, bị Thủ tướng cảnh cáo vì có vi phạm, khuyết điểm trong công tác, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận

Đồng thời, Thủ tướng quyết định xóa tư cách nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016 và 2016 - 2021 với ông Nguyễn Ngọc Hai, do có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã kỷ luật về Đảng.

Ông Lê Tiến Phương bị xóa tư cách nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2004 - 2011 và 2011 - 2016.

Ông Lương Văn Hải bị xóa tư cách nguyên Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tỉnh và ông Nguyễn Đức Hòa, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021, bị khiển trách.

Trước đó, các ông Nguyễn Ngọc Hai (nguyên Chủ tịch tỉnh Bình Thuận) cùng Lương Văn Hải (nguyên Phó Chủ tịch); Hồ Lâm; Lê Nguyễn Thanh Danh (nguyên Giám đốc, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và Ngô Hiếu Toàn (Phó giám đốc Sở Tài chính) bị bắt về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Các bị can được cho là có nhiều sai phạm tại dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, nằm trên đường Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết.

Đầu tháng 3, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát.

Tháng 4, ông Lê Tuấn Phong, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo. Sau đó, Bộ Chính trị đã kỷ luật sáu nguyên lãnh đạo Bình Thuận do sai phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Giá xăng về sát 26.000 đồng một lít

Từ 15h ngày 21/7, mỗi lít xăng giảm 2.710 - 3.600 đồng, các mặt hàng dầu đồng loạt giảm 1.100 - 2.380 đồng.

Giá xăng về sát 26.000 đồng một lít

Giá xăng về sát 26.000 đồng một lít

Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 về còn 25.070 đồng (giảm 2.710 đồng); còn xăng RON 95 là 26.070 đồng (giảm 3.600 đồng).

Như vậy, mặt bằng giá xăng trong nước đã về ngang với hồi tháng 2 năm nay.

Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 1.740 đồng, còn 24.850 đồng một lít. Dầu hoả hạ 1.100 đồng một lít, còn 25.240 đồng. Dầu mazut là 16.540 đồng một kg, tương đương mức giảm 2.380 đồng.

Đây là kỳ giảm giá thứ ba liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ đầu tháng 7 đến nay. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn 6.800 đồng; E5 RON 92 hạ 6.230 đồng; dầu diesel là 5.160 đồng...

Ở kỳ điều hành lần này, cơ quan quản lý tiếp tục ngừng chi Quỹ bình ổn giá với tất cả mặt hàng xăng, dầu. Còn mức trích vào quỹ, ngoài dầu hỏa (giảm 100 đồng), các mặt hàng khác vẫn như cách đây 10 ngày. Cụ thể, mức trích Quỹ với E5 RON 92 và RON 95-III là 950 đồng một lít; dầu diesel là 550 đồng, dầu hoả 700 đồng và mazut là 950 đồng một kg.

Việt Nam xuất hiện biến chủng BA.2.12.1, tái phát chủng Delta

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Pasteur TP.HCM cho biết, khu vực phía Nam ghi nhận một số ca nhiễm biến chủng phụ BA.2.12.1 của Omicron, tái xuất hiện chủng Delta.

Khu vực phía Nam ghi nhận một số ca nhiễm biến chủng phụ BA.2.12.1 của Omicron

Khu vực phía Nam ghi nhận một số ca nhiễm biến chủng phụ BA.2.12.1 của Omicron

Ông Thường cho biết thêm, trong số hơn 30 mẫu được Viện Pasteur giải trình tự gene virus tuần qua, biến chủng BA.5 và BA.4 đang dần chiếm ưu thế tại khu vực phía Nam, chủng BA.2 chiếm khoảng 30%, đồng thời phát hiện thêm cả biến chủng phụ BA.2.12.1. Vài tuần gần đây, các tỉnh phía Nam lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta.

Chủng Delta chiếm ưu thế trong đợt bùng phát dịch suốt năm 2021, được xem là chủng nguy hiểm, lây lan nhanh trong không khí và tỷ lệ tử vong cao. Từ đầu năm nay, chủng Omicron thay thế gần như hoàn toàn chủng Delta, ít nguy hiểm hơn nên số ca nhập viện và tử vong thấp.

Theo ông Thượng, số ca mắc Covid-19 tại các tỉnh khu vực phía Nam giảm dần trong thời gian vừa qua, song gia tăng nhẹ gần đây. Theo y văn thế giới, biến chủng phụ BA.4, BA.5 đều có khả năng lẩn tránh miễn dịch. Biến chủng BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5.

Tiến sĩ Nguyễn Lương Tâm, Cục phó Y tế dự phòng cho biết, những ngày vừa qua, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 900 ca Covid-19 mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận trên 1.000 trường hợp.

Hơn 7.100 xe quá tải bị phạt trong một tháng

Cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện, phạt hơn 7.100 xe quá tải, gần 1.900 xe quá khổ trong đợt ra quân tháng cao điểm 20/6 - 20/7.

Hàng nghìn xe cơi nới, quá tải bị xử phạt trong một tháng qua

Hàng nghìn xe cơi nới, quá tải bị xử phạt trong một tháng qua

Chiều 21/7, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, kết thúc tháng cao điểm, hơn 13.200 trường hợp (khoảng 8.600 lái xe, gần 4.600 chủ phương tiện) vi phạm quy định về cơi nới thùng, chở hàng quá tải trọng, quá khổ đã bị xử lý.

Trong đó, lỗi quá tải hơn 7.100 xe, lỗi quá khổ gần 1.900 xe, lỗi cải tạo thành thùng gần 1.900 xe. Nhà chức trách đã phạt hơn 64 tỷ đồng, tạm giữ hơn 350 phương tiện, tước gần 5.400 giấy phép lái xe. Gần 2.800 chủ xe đã tự giác tháo cắt thùng, gần 900 trường hợp phải cưỡng chế.

Như vậy, cảnh sát giao thông đã xử phạt tăng hơn 7.000 xe quá khổ, quá tải, cơi nới so với cùng thời điểm năm 2021 (trên 2.000 trường hợp). Tiền phạt cũng tăng hơn 41 tỷ đồng. So với giai đoạn tháng 5 - 6 (chưa bắt đầu đợt cao điểm), việc xử phạt tăng 8.000 trường hợp, tiền phạt tăng 36 tỷ đồng.

Một số địa phương xử lý nhiều xe tải vi phạm lỗi cơi nới thùng là: Hà Nội (hơn 1.100 trường hợp), Thanh Hoá (gần 1.000), Bắc Ninh, Phú Thọ mỗi tỉnh khoảng 600.

Khởi tố 8 lãnh đạo, cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình

8 lãnh đạo, cán bộ thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình (trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước - Bộ Tài chính) bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Khởi tố 8 lãnh đạo, cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình

Khởi tố 8 lãnh đạo, cán bộ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình

Cụ thể, ngày 21/7, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Thái Bình phối hợp với Viện KSND cùng cấp tống đạt các quyết định khởi tố 8 lãnh đạo, cán bộ của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình và một số Chi cục trực thuộc.

Trong số đó, có 5 bị can bị bắt tạm giam để phục vụ điều tra, gồm: Lê Văn Sáu, Cục trưởng; Vũ Văn Tại, Phó Cục trưởng; Mai Lâm Hoàn, Trưởng phòng Tài chính kế toán, cả 3 bị can này đều công tác tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thái Bình.

Phạm Văn Dân, Chi cục Trưởng Chi cục dự trữ huyện Vũ Thư; Bùi Xuân Cường, Chi cục Trưởng Chi cục dự trữ huyện Đông Hưng.

Ngoài ra, cơ quan tố tụng cũng ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú 3 bị can đối với: Đặng Huy Tuân, Trưởng phòng Kỹ thuật bảo quản; Phạm Văn Đông, Chi cục Trưởng Chi cục dự trữ Kiến Hải; Phạm Ngọc Nam, Chi cục trưởng Chi cục dự trữ huyện Hưng Hà.

Cơ quan tố tụng cũng đã thực hiện khám xét nơi ở và nơi làm việc của các bị can nêu trên. Tám bị can cùng bị khởi tố, bắt giữ để điều tra hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tin cùng chuyên mục