Metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ chạy thử toàn tuyến cuối tháng 8
Tàu Metro số 1 dự kiến chạy thử toàn tuyến với lộ trình gần 20 km, từ ga Suối Tiên đến Bến Thành cuối tháng 8, sau thời gian thử nghiệm các đoạn ngắn trên cao.
Đoàn tàu thuộc tuyến Metro số 1 chạy thử đoạn trên cao |
Thông tin được đề cập trong kế hoạch nhà thầu Hitachi vừa gửi Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư). Đây là lần đầu tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chạy thử nghiệm trên toàn tuyến cả trên cao và đi ngầm. Để đảm bảo an toàn khi chạy thử, số người lên tàu được giới hạn không quá 20.
Nhà thầu sẽ chỉ định các nhân viên quản lý khẩn cấp, kiểm soát khách tham gia chuyến tàu thử nghiệm. Đồng thời, đơn vị này cũng đề nghị chủ đầu tư cùng các bên liên quan chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn như các thiết bị chữa cháy, sơ tán, tăng cường hệ thống chiếu sáng trong đường hầm... trong trường hợp phát sinh tình huống khẩn cấp.
Các đoàn tàu của Metro số 1 sản xuất tại Nhật Bản, trong đó tàu ba toa dài 61,5 m, sức chứa 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Theo thiết kế, đoạn trên cao thuộc tuyến metro cho tàu chạy tốc độ tối đa 110 km/h và 80 km/h đối với đoạn ngầm, nhưng quá trình thử nghiệm tàu chạy vận tốc thấp để đảm bảo an toàn.
Metro Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM, tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án hiện đạt hơn 95% khối lượng, đang thi công các hạng mục cuối song song với việc chạy thử tàu. Tuyến tàu điện này dự kiến khai thác thương mại trong năm tới.
Bốn cao tốc vừa khai thác đã được đề nghị mở rộng
Các tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan đã được đề xuất mở rộng dù mới khai thác một năm.
Cao tốc La Sơn - Túy Loan qua rừng quốc gia Bạch Mã có hai làn xe |
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Ninh Bình đầu tháng 8 kiến nghị Bộ GTVT xem xét mở rộng cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn trên tuyến Bắc - Nam. Đoạn cao tốc dài 15,2 km được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe hạn chế (không có làn dừng khẩn cấp), khai thác từ tháng 2/2022.
Theo Sở GTVT Ninh Bình, sau khi đưa vào khai thác, đoạn tuyến đã bộc lộ nhiều bất cập, thường xảy ra ách tắc vào các đợt cao điểm như lễ, tết, mùa du lịch. Vì vậy, Sở đề xuất mở rộng cao tốc thêm 15,75 m nền đường lên 32,75 m, đảm bảo xây dựng 6 làn xe, có làn dừng xe khẩn cấp mỗi bên. Tổng mức đầu tư mở rộng khoảng 2.076 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ GTVT cũng báo cáo Chính phủ việc mở rộng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) lên 6 làn xe, sau khi tuyến đường đưa vào khai thác, thu phí được một năm (từ tháng 8/2022).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, giai đoạn 1 đã được đầu tư theo hình thức (BOT) với 4 làn xe rộng 3,5m và dải phân cách giữa. Tuyến đường chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí 11 điểm dừng khẩn cấp. Theo đơn vị quản lý, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2 dự kiến cần 11.800 tỷ đồng để mở rộng lên 6 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp.
Cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Thừa Thiên Huế) là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021, được đưa vào khai thác tháng 1/2023. Trong giai đoạn đầu, tuyến cao tốc dài 98 km chỉ được đầu tư quy mô 2 làn xe. Để đảm bảo đồng bộ với hệ thống cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã và đang xây dựng đều có 4 làn xe, Tỉnh đề nghị Chính phủ sớm đầu tư tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn với quy mô 4 làn xe.
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chi phí đầu tư để hoàn thiện cao tốc La Sơn - Túy Loan từ 2 làn xe lên 4 làn xe khoảng 3.011 tỷ đồng, nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án này sẽ triển khai từ tháng 6/2024, hoàn thành cuối năm 2025.
Bắc Giang đặt mục tiêu xây 75.000 căn nhà ở xã hội
Bắc Giang đặt mục tiêu phát triển được 75.000 căn nhà ở xã hội để đáp ứng cho 90% công nhân có nhu cầu nhà ở đến năm 2030.
Bắc Giang đặt mục tiêu phát triển được 75.000 căn nhà ở xã hội |
Mục tiêu được UBND tỉnh Bắc Giang nêu trong quyết định điều chỉnh, bổ sung đề án phát triển xã hội đến hết năm 2025, định hướng đến năm 2050.
Trước đó, năm 2021, Bắc Giang đã ban hành Đề án 629 với mục tiêu phát triển 100.000 căn nhà ở xã hội cho 339.000 công nhân đến năm 2025 và 250.000 căn cho 763.000 công nhân đến năm 2030.
Tuy nhiên, Bắc Giang thừa nhận dự báo trên chưa sát với tình hình thực tế cả về số lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp và nhu cầu về nhà ở xã hội của người lao động. Căn cứ kết quả điều tra mới nhất, Bắc Giang cho biết số lượng công nhân có nhu cầu về nhà ở xã hội đến năm 2025 là gần 57.300 người, đến năm 2030 là trên 104.200 người.
Do đó, Tỉnh điều chỉnh lại kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho phù hợp tình hình thực tế, cũng như khớp với chỉ tiêu Chính phủ giao. Và với mục tiêu trên, Bắc Giang là địa phương có kế hoạch cao thứ nhì toàn quốc, chỉ sau Bình Dương.
Hiện tại, địa phương này triển khai 15 dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội ở Bắc Giang vẫn còn nhiều hạn chế như hầu hết dự án đều chậm so với kế hoạch đặt ra như chậm thẩm định chủ trương đầu tư, các thủ tục về môi trường.
Thời gian qua, Bắc Giang vươn trở thành một trong những thủ phủ khu công nghiệp của miền Bắc với tỷ lệ lấp đầy cao. Giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Giang có 9 khu công nghiệp, gồm 6 khu hiện hữu và 3 khu đã trong quy hoạch. Đến năm 2030, tỉnh này dự kiến hoàn thành thêm 20 khu công nghiệp khác với hơn nửa triệu công nhân.
Đắk Nông ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai ở địa điểm thứ 4
UBND tỉnh Đắk Nông vừa công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại Km 25+100 và Km 25+950, thuộc Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Như vậy, đến nay, Đắk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại 4 khu vực.
Toàn cảnh khu vực địa điểm UBND tỉnh Đắk Nông vừa ban bố tình huống khẩn cấp về đất đai |
Chiều 21/8, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông vừa ký văn bản công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Cụ thể, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Quảng Tâm (Tuy Đức) đã xuất hiện các vết rạn nứt, sụt lún dạng vòng cung.
Các vết sụt lún sâu từ 5 - 30 cm. Tại khu vực này, nền nhà và đất một số hộ dân bên taluy âm của tuyến đường xuất hiện nhiều vết nứt rộng từ 10 - 20 cm.
Đến ngày 17/8, các vết nứt gãy, sụt lún đã mở rộng từ 20 - 50 cm, sâu hơn 1 m. Các vết nứt còn xuất hiện thêm tại các khu dân cư xung quanh, làm nứt tường, nền nhà một số hộ dân, nguy cơ sạt lở cao.
Điều đáng nói, việc rạn nứt, sụt lún đất đã gây mất an toàn giao thông trên Tỉnh lộ 1, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, an toàn của 55 hộ dân trong khu vực.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, các ngành chức năng đã cắm các biển cảnh báo nguy hiểm, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân không phận sự vào khu vực rạn nứt, sụt lún đất.
Chính quyền địa phương đã di dời các hộ dân xung quanh vùng sụt lún đến nơi an toàn. Các ngành chức năng thực hiện các biện pháp hạn chế nước thấm, nước chảy vào các vết nứt.
Ngoài công bố tình huống khẩn cấp, UBND tỉnh Đắk Nông giao Sở Giao thông vận tải tổ chức phân luồng, phân làn giao thông Tỉnh lộ 1 để bảo đảm ổn định, thông suốt, không để xảy ra ùn tắc.
Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Nông đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại 4 khu vực.
TP.HCM sắp có 14 km đường hoa dọc đường sắt Bắc - Nam
TP.HCM phối hợp ngành đường sắt tổ chức trồng hoa dọc 14 km đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn, hưởng ứng kế hoạch hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam.
Hoa huỳnh liên trồng ở hai bên đường tàu trên đường Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận, TP.HCM) |
Ngày 21/8, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường ký văn bản khẩn gửi các sở và địa phương liên quan về hỗ trợ, phối hợp triển khai phong trào “Đường tàu - Đường hoa” tại TP.HCM.
Đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn TP.HCM có chiều dài khoảng 14 km, đi qua các quận: 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh và TP. Thủ Đức.
Từ tháng 4 năm nay, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn tổ chức lễ ký kết ra mắt mô hình "Hành lang đường sắt an toàn, sạch, xanh và thân thiện môi trường" nhằm phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa" trên địa bàn TP.HCM.
Mô hình này được triển khai theo kế hoạch của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc tổ chức trồng hoa tại các khu ga, hai bên đường sắt và địa điểm làm việc trên tuyến đường sắt Việt Nam. Từ đó biến 3.100 km đường tàu thành đường hoa dài nhất Việt Nam.
Phong trào này được người dân TP.HCM hưởng ứng nhiệt tình, đến nay đã có hàng ngàn chậu hoa được trồng dọc đường sắt qua địa bàn quận Phú Nhuận, Bình Thạnh.
Khánh Hòa bác yêu cầu đòi bồi thường 12 tỷ đồng của doanh nghiệp
Khánh Hòa đã bác yêu cầu đòi bồi thường 12 tỷ đồng cho phần đất san lấp, phần tài sản đầu tư và xây dựng khi Nhà nước thực hiện Dự án Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh |
Ngày 21/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có văn bản trả lời nội dung đề nghị của Công ty CP Hải Việt (Nam Định) về việc đề nghị hỗ trợ thiệt hại của doanh nghiệp khi Nhà nước thực hiện Dự án Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Cụ thể, Công ty CP Hải Việt đòi bồi thường 12 tỷ đồng phần đất san lấp, phần tài sản mà doanh nghiệp này đã đầu tư với diện tích 6.200 m2. Phần đất này được Nhà nước thu hồi để thực hiện Dự án Đường cất hạ cánh số 2 - Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, các nội dung kiến nghị của Công ty CP Hải Việt tại văn bản nêu trên đã được UBND Tỉnh xem xét giải quyết vào tháng 6/2023. Trường hợp Công ty không đồng ý với nội dung giải quyết trên thì thực hiện tiếp quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định.
Liên quan đến các yêu cầu của Công ty CP Hải Việt, tỉnh Khánh Hòa đã nhiều lần trả lời theo hướng bác đề nghị bồi thường, hỗ trợ bởi “Công ty CP Hải Việt không bổ sung được hồ sơ liên quan nên không có căn cứ để xem xét…”.
Tỉnh Khánh Hòa cũng xác định không bồi thường, hỗ trợ do đây là đất quốc phòng. Hơn nữa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân không bổ sung, cung cấp hồ sơ, tài liệu, số liệu liên quan đến chủ trương của cấp có thẩm quyền đồng ý cho đơn vị này được hợp đồng, hợp tác; khối lượng đã san lấp; bản đồ hiện trạng trước và sau khi san lấp; xác nhận cho Công ty CP Hải Việt có san lấp mặt bằng từ khu vực trũng, thấp trước kia. Do đó, không có căn cứ để xem xét điều chỉnh phương án hỗ trợ cho Công ty CP Hải Việt.
TP.HCM đề cử rừng Cần Giờ thành khu Ramsar
Rừng phòng hộ Cần Giờ có diện tích gần 35.000 ha. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật thuộc danh mục Sách đỏ Việt Nam.
Tổng diện tích rừng phòng hộ huyện Cần Giờ là gần 35.000 ha |
Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề cử rừng phòng hộ Cần Giờ thành khu Ramsar.
UBND TP.HCM cho biết, Quyết định số 1975 năm 2021 của Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước đã đề ra mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030, cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar. Hiện nay, toàn quốc có 9 khu vực đã được công nhận.
UBND TP.HCM đề nghị Bộ TN&MT xem xét, thống nhất các nội dung để thành phố triển khai các bước tiếp theo đúng với trình tự, thủ tục lập hồ sơ và để cử công nhận khu Ramsar đối với rừng phòng hộ Cần Giờ.
Năm 1991, rừng ngập mặn Cần Giờ được chuyển thành rừng phòng hộ môi trường Thành phố. Từ năm 2000 đến nay, rừng phòng hộ môi trường Thành phố được chuyển thành rừng phòng hộ huyện Cần Giờ.
Theo công bố hiện trạng rừng phòng hộ của TP.HCM năm 2022, diện tích rừng phòng hộ huyện Cần Giờ là gần 35.000 ha. Trong đó, diện tích có rừng là hơn 32.000 ha, còn lại là các loại đất khác.
Rừng ngập mặn Cần Giờ hiện nay là nơi sinh sống của nhiều loại động, thực vật quý hiếm thuộc danh mục Sách đỏ Việt Nam. Các loài quý hiếm này gồm 2 loài thực vật và 9 loài động vật.