Bản tin thời sự sáng 2/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Y tế phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, liều 0,2 ml; thí điểm dùng căn cước gắn chip khám chữa bệnh BHYT; kỳ điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng tăng cao kỷ lục lên gần 27.000 đồng/lít; chuẩn bị 6 điểm đón người Việt tại Ukraine hồi hương…

Bộ Y tế phê duyệt vaccine Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, liều 0,2 ml

Đại diện Bộ Y tế cho hay, thủ tục mua vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi cơ bản hoàn tất. Đơn vị này chính thức phê duyệt tiêm vaccine Pfizer liều 0,2 ml cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.

Vaccine phòng Covid-19 của Pfizer.

Vaccine phòng Covid-19 của Pfizer.

Ngày 1/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã ký Quyết định số 457 sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908 phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Văn bản 2908 trước đó được ký ngày 12/6/2021.

Theo Quyết định 457 có hiệu lực từ 1/3, vaccine được phê duyệt có tên Comirnaty (Tên khác: Pfizer BioNTech Covid-19 Vaccine).

Về thành phần hoạt chất, nồng độ/hàm lượng, theo Quyết định này: Người từ 12 tuổi trở lên được tiêm mỗi liều 0,3 ml chứa 30 mcg vaccine mRNA Covid-19 (được bọc trong các hạt nano lipid). Vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mỗi liều 0,2 ml chứa 10 mcg.

Về dạng bào chế, đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm và hỗn dịch tiêm; với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi là hỗn dịch đậm đặc pha tiêm.

Về quy cách đóng gói, đối với vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên, vaccine được đóng gói gồm 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 25 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 6 liều.

Đối với vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: 1 khay chứa 195 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều; 1 hộp chứa 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều.

Vaccine này do công ty Pfizer Manufacturing Belgium NV (Bỉ); BioNTech Manufacturing GmbH (Đức); Pharmacia and Upjohn Company LLC (Hoa Kỳ); Hospira Incorporated (Hoa Kỳ) sản xuất.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thủ tục mua vaccine phòng Covid-19 tiêm cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi cơ bản đã hoàn tất.

Chính phủ đã đồng ý mua gần 22 triệu liều vaccine Covid-19 của Pfizer để tiêm cho trẻ em từ 5 - 12 tuổi.

Thí điểm dùng căn cước gắn chip khám chữa bệnh BHYT

Bộ Y tế vừa hướng dẫn các bệnh viện công khai cho người dân biết về khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chip.

Bộ Công an hiện đã cấp được hơn 50 triệu căn cước công dân gắn chip

Bộ Công an hiện đã cấp được hơn 50 triệu căn cước công dân gắn chip

Bộ Y tế cho biết, việc khám chữa bệnh cho người có căn cước công dân gắn chip đã được tích hợp mã thẻ BHYT, hoặc qua ứng dụng VNEID, chỉ áp dụng với người đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cung cấp.

Với người bệnh đã được cấp căn cước gắn chip, bệnh viện kiểm tra căn cước bằng cách quét mã QR Code hoặc qua ứng dụng VNEID. Nếu cơ sở y tế thấy thông tin hợp lệ, xác nhận tham gia BHYT thì đối chiếu thông tin, đón người bệnh theo quy trình khám chữa bệnh BHYT hiện hành. Cơ sở y tế đồng thời phải thông tin cho bệnh nhân biết trong lần đi khám tiếp theo.

Trường hợp kiểm tra thông tin và thấy không hợp lệ, cơ sở y tế cần giải thích rõ cho người bệnh biết tình trạng của thẻ BHYT trên căn cước chưa thể thực hiện được. Việc khám chữa bệnh BHYT với những trường hợp này diễn ra bình thường bằng cách dùng thẻ BHYT giấy, giấy tờ tùy thân có ảnh và áp dụng với người chưa có căn cước công dân gắn chip.

Bộ Y tế cùng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Công an sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật để các cơ sở khám chữa bệnh toàn quốc thực hiện. Với việc thí điểm hình thức này, người dân cả nước có thể đi khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ căn cước công dân gắn chip, thẻ BHYT giấy hoặc dùng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID.

Cả nước hiện có 88,8 triệu người tham gia BHYT. Năm 2021, hai ngành công an và bảo hiểm xã hội đã kết nối, chia sẻ 33 triệu lượt thông tin công dân có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và dân cư.

Kỳ điều chỉnh ngày 1/3, giá xăng tăng cao kỷ lục lên gần 27.000 đồng/lít

Kể từ 15h chiều ngày 1/3, giá xăng RON 95 và E5 RON 92 tiếp tục được điều chỉnh tăng cao lên mức gần 27.000 đồng/lít.

Giá xăng tăng lên gần 27.000 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh ngày 1/3

Giá xăng tăng lên gần 27.000 đồng/lít tại kỳ điều chỉnh ngày 1/3

Liên Bộ Công Thương - Tài Chính vừa tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/3.

Cụ thể bắt đầu từ 15h, xăng E5 RON 92 tăng 545 đồng/lít; xăng RON 95 cũng tăng tương tự 547 đồng/lít. Các loại dầu lần lượt tăng giá, trong đó giá dầu diesel tăng 509 đồng/lít, dầu hỏa tăng 469 đồng/lít còn dầu mazut tăng 536 đồng/kg.

Sau điều chỉnh, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 26.077 đồng/lít; RON 95 là 26.834 đồng/lít; dầu diesel 21.310 đồng/lít, dầu hỏa 19.978 đồng/lít; dầu mazut 18.460 đồng/kg. Như vậy, thị trường xăng dầu trải qua lần thứ 6 tăng liên tiếp, ở mức cao kỷ lục.

Tại kỳ này, không thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, giữ nguyên mức trích lập đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg như kỳ điều hành ngày 21/2/2022. Cơ quan điều hành chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 250 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 220 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít.

Chuẩn bị 6 điểm đón người Việt tại Ukraine hồi hương

Vietnam Airlines đã xây dựng phương án để đưa công dân Việt Nam từ Ukraine về nước sau khi căng thẳng vùng chiến sự Nga - Ukraine gia tăng.

Vietnam Airlines đã xây dựng phương án để đưa công dân Việt Nam từ Ukraine về nước.

Vietnam Airlines đã xây dựng phương án để đưa công dân Việt Nam từ Ukraine về nước.

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo phương án tổ chức các chuyến bay đưa người Việt Nam tại Ukraine về nước.

Khẳng định luôn sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo và yêu cầu của Chính phủ, lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay, Hãng đã xây dựng 6 phương án bay giải cứu công dân Việt Nam tại Ukraine với các đường bay theo thứ tự ưu tiên.

Cụ thể, đường bay từ Hà Nội - Vacsava (Ba Lan). Kế đó là Hà Nội - Budapest (Hungary), Hà Nội - Bratislava (Slovakia), Hà Nội - Moscow (Liên bang Nga), Hà Nội - Minsk (Belarus), Hà Nội - Bucharest (Rumani).

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways… yêu cầu chuẩn bị nguồn lực (tàu bay, phi công, tiếp viên) và xây dựng phương án khai thác các chuyến bay đưa công dân Việt Nam tại Ukraine về nước.

Văn bản do một Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ký yêu cầu các hãng hàng không có trách nhiệm báo cáo phương án khai thác về Cục Hàng không trước ngày 2/3/2022.

Cục Hàng không Việt Nam sẽ có thông báo đến các hãng hàng không về việc thực hiện các chuyến bay nêu trên khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải.

Mở tuyến vận tải biển đưa du khách từ Đà Nẵng đến đảo Lý Sơn

Lãnh đạo Quảng Ngãi giao cơ quan chức năng hướng dẫn hoàn tất thủ tục đưa tuyến vận tải hành khách đường thủy từ Đà Nẵng đến Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại.

Tàu cao tốc vận chuyển du khách từ cảng Sa Kỳ vượt biển ra huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Tàu cao tốc vận chuyển du khách từ cảng Sa Kỳ vượt biển ra huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý với đề xuất đầu tư, khai thác tuyến vận tải khách đường thuỷ Đà Nẵng - Lý Sơn - Sa Kỳ và ngược lại, góp phần nâng cao năng lực vận tải, phát triển dịch vụ du lịch, nhất là du lịch biển đảo Lý Sơn.

Người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Ngãi giao trách nhiệm cho cơ quan chức năng phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn cho Công ty Mai Linh Tây Đô hoàn tất các thủ tục theo quy định, sớm đưa tuyến vận tải khách đường thuỷ Đà Nẵng - Lý Sơn - Sa Kỳ vào hoạt động.

Trước đó, tháng 3/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh gửi văn bản phúc đáp Bộ Giao thông vận tải về việc đồng ý mở tuyến đường thủy đưa du khách từ Đà Nẵng đến huyện đảo Lý Sơn.

Ông Minh khẳng định việc mở tuyến vận tải biển này là cơ hội lớn để "kích cầu du lịch biển đảo" miền Trung, mang lại thu nhập cho người dân.

Sắp có tàu hoả chở container từ Đà Nẵng đi thẳng châu Âu

Đoàn tàu chuyên container dự kiến xuất phát từ Đà Nẵng vào đầu tháng 3, chạy thẳng châu Âu bằng đường sắt liên vận quốc tế.

Đường sắt sắp tổ chức tàu chuyên container từ Đà Nẵng đi châu Âu. Ảnh minh họa

Đường sắt sắp tổ chức tàu chuyên container từ Đà Nẵng đi châu Âu. Ảnh minh họa

Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt cho biết, đường sắt sẽ tổ chức đoàn tàu chuyên container chạy thẳng từ Đà Nẵng đi châu Âu. Dự kiến chuyến đầu tiên xuất phát Đà Nẵng vào đầu tháng 3.

Doanh nghiệp này cho biết, đoàn tàu sẽ gồm 23 container 40 feet, chạy từ Đà Nẵng đến Đông Anh (Hà Nội) bằng đường sắt khổ 1.000mm, sau đó chuyển toàn bộ container sang toa khổ 1.435mm. Tàu sẽ tiếp tục chạy đến ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng, làm thủ tục thông quan sang đường sắt Trung Quốc, đến ga Trịnh Châu và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích.

Đoàn tàu chuyên chở hàng nội thất của hãng IKEA xuất châu Âu. Hàng sẽ được trả tại nhiều thành phố như Liege (Bỉ), Hamburg (Đức), Melzo (Italia)...

Đường sắt Việt Nam lần đầu tiên tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container sang châu Âu (Bỉ) vào tháng 7/2021. Trước đó, đường sắt vẫn chạy tàu hàng liên vận quốc tế vận chuyển hàng hóa sang châu Âu nhưng bằng hình thức gom container về các ga tập kết tại Trung Quốc và nối vào các đoàn tàu Trung Quốc đi tiếp đến điểm trả hàng, chưa theo hình thức nguyên đoàn container.

Sau chuyến tàu khai trương đi Bỉ, đường sắt duy trì hàng tuần khoảng 3 đoàn tàu chuyên container xuất phát tại ga Yên Viên đi châu Âu.

Cần Thơ đề xuất làm hai đường kết nối vùng hơn 2.700 tỷ đồng

Dự án mở rộng Quốc lộ 61C đi Hậu Giang và xây dựng đường nối Kiên Giang có tổng vốn đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng, theo đề xuất của chính quyền TP. Cần Thơ.

Quốc lộ 61 C, đoạn qua TP. Cần Thơ

Quốc lộ 61 C, đoạn qua TP. Cần Thơ

Hai dự án vừa được UBND TP. Cần Thơ báo cáo, đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA từ Chương trình Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện giai đoạn 2022 - 2026.

Trong đó, Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C (đang quá tải, hư hỏng), đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ dài hơn 10 km mặt đường từ 11 m lên 23 m, 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc tối đa 80 km/h, dải phân cách... Công trình có tổng mức đầu tư gần 900 tỷ đồng.

Dự án tiếp theo là xây dựng đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (TP. Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang). Công trình dài hơn 27 km, rộng 22 m, vận tốc tối đa 80 km/h. Trong đó, giai đoạn một quy mô 12 m, gồm 2 làn xe cơ giới, tổng mức đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.