Bản tin thời sự sáng 23/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Nội vụ đề xuất giữ một số sở đặc thù; dự kiến khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tháng 12/2027; mỗi lượng vàng miếng lên 88 triệu đồng; Hà Nội lắp biển thông báo mức phạt mới tại 58 nút giao…

Bộ Nội vụ đề xuất giữ một số sở đặc thù

Bộ Nội vụ đề xuất một số tỉnh thành có thể giữ sở đặc thù khi tinh gọn bộ máy, dựa trên các điều kiện cụ thể của từng địa phương.

Một góc ven đường Vành đai 3 Hà Nội

Một góc ven đường Vành đai 3 Hà Nội

Bộ Nội vụ vừa gửi Chính phủ tờ trình dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện.

Bộ đề xuất Hà Nội, TP.HCM có thể duy trì Sở Quy hoạch - Kiến trúc để tham mưu thành phố quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Nếu hai thành phố không tổ chức riêng Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì sáp nhập, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Xây dựng.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất địa phương có cửa khẩu quốc tế đường bộ, hàng không, cảng biển quốc tế và có 500 dự án đầu tư nước ngoài sẽ được duy trì Sở Ngoại vụ. Nơi nào không tổ chức riêng thì sáp nhập, chuyển chức năng này về văn phòng UBND tỉnh.

Tỉnh có ít nhất 20.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung, 5.000 người dân tộc thiểu số cần Nhà nước giúp đỡ hoặc có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng, sẽ được lập Sở Dân tộc và Tôn giáo. Nơi nào không lập sở này thì chuyển chức năng, nhiệm vụ về Sở Nội vụ.

Địa phương có di sản văn hóa được UNESCO ghi danh hoặc tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội, ngành du lịch được xác định là kinh tế mũi nhọn đóng góp 10% GDP tỉnh trong 5 năm liên tục, sẽ được lập Sở Du lịch. Nơi không thành lập sẽ sáp nhập về Sở Văn hóa Thể thao và đổi tên thành Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Tương ứng với kế hoạch tinh gọn bộ ngành trung ương, Bộ Nội vụ đề xuất tổ chức 12 đơn vị cấp sở thống nhất ở các địa phương.

Riêng Hà Nội và TP.HCM được tổ chức 15 sở (chưa tính số sở tăng thêm theo quy định của Luật Thủ đô và sở được thí điểm thành lập). Hai thành phố được quyết định việc thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất sở, đảm bảo phù hợp với đặc thù và không vượt quy định.

Các địa phương khác được tổ chức không quá 13 sở, riêng cấp tỉnh loại một có lĩnh vực đặc thù thì không quá 14 sở.

Dự kiến khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào tháng 12/2027

Chiều 21/1, trao đổi về Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ông Nguyễn Trí Đức - Chánh Văn phòng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Bộ đã xây dựng kế hoạch tổng thể để sớm triển khai Dự án.

Dự kiến tháng 12/2027 sẽ khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Ảnh minh họa

Dự kiến tháng 12/2027 sẽ khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Ảnh minh họa

Các kế hoạch bao gồm: lựa chọn tư vấn; lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi; đấu thầu các gói thầu thi công xây dựng… Dự án dự kiến khởi công vào tháng 12/2027.

Hiện Bộ GTVT đang xây dựng, lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ để xác định, quy định cụ thể các mốc tiến độ chính của Dự án; thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; đồng thời xây dựng một số chính sách đặc thù, đặc biệt dành cho Dự án.

Về cơ chế, chính sách, pháp luật, Bộ GTVT được Chính phủ giao nhiệm vụ xem xét, sửa đổi Luật Đường sắt; tính toán, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến đường sắt tốc độ cao, bao gồm tiêu chuẩn về công nghệ, thiết bị vận hành, điều hành, quản lý thông tin, an toàn xây dựng; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các chính sách đặc thù để triển khai Dự án.

Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có chiều dài khoảng 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố.

Trên toàn tuyến sẽ có 23 ga hành khách với cự ly trung bình 50 - 70 km, 5 ga hàng hóa gắn với các đầu mối hàng hóa, phục vụ nhu cầu vận tải và hỗ trợ hậu cần quốc phòng khi cần thiết.

Dự án được đề xuất đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, tổng mức đầu tư Dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian bố trí vốn dự kiến trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD.

Dự án dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035. Trong đó, đoạn Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP.HCM khởi công năm 2027, đoạn Vinh - Nha Trang khởi công năm 2028.

Mỗi lượng vàng miếng lên 88 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng tăng hơn nửa triệu đồng, lên 88 triệu, mức cao nhất 2,5 tháng.

Mỗi lượng vàng miếng lên 88 triệu đồng

Mỗi lượng vàng miếng lên 88 triệu đồng

Sáng 22/1, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại 86 - 88 triệu đồng, tăng 500.000 đồng một lượng so với ngày 21/1. Các ngân hàng quốc doanh cũng nâng giá bán ra thị trường loại này lên 88 triệu đồng một lượng.

Vàng nhẫn trơn cũng đắt thêm khoảng nửa triệu mỗi lượng. SJC nâng giá mua bán nhẫn trơn lên 85,8 - 87,5 triệu đồng một lượng, cao hơn 600.000 đồng so với hôm qua. Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, nhẫn trơn lên 86 - 87,5 triệu. Mỗi lượng vàng loại này tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) là 85,8 - 87,5 triệu đồng.

Đây là vùng giá cao nhất của vàng trong nước kể từ 7/1. Giao dịch trên thị trường trầm lắng những ngày gần đây, khi người dân không dễ mua với cả vàng miếng và nhẫn trơn.

Trên thị trường quốc tế, kim loại quý lên vùng giá cao nhất 3 tháng. Mỗi ounce vàng neo quanh 2.750 USD, quy đổi theo tỷ giá bán Vietcombank tương đương 84,3 triệu đồng một lượng. Chênh lệch vàng trong nước và thế giới hiện duy trì dưới 4 triệu đồng một lượng.

Hà Nội lắp biển thông báo mức phạt mới tại 58 nút giao

Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội lắp đặt biển thông báo mức xử phạt vi phạm giao thông mới theo Nghị định 168/2024 tại 58 nút giao trọng điểm.

Biển thông báo xử phạt được lắp tại nút giao Giải Phóng - Lê Duẩn

Biển thông báo xử phạt được lắp tại nút giao Giải Phóng - Lê Duẩn

Chiều 22/1, tại nút giao Giải Phóng - Lê Duẩn, cảnh sát giao thông treo biển thông báo mức xử phạt mới lên cột đèn tín hiệu, ngay cạnh vạch dừng chờ đèn đỏ. Tấm biển hình vuông, viền vàng, nền màu đỏ ghi nội dung ngắn gọn mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định số 168/2024 như đi vào đường cấm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi lên vỉa hè, không chấp hành hiệu lệnh... Đây đều là những lỗi phổ biến của người tham gia giao thông nhiều năm qua.

Ngoài nút giao trên, 57 nút giao có lưu lượng phương tiện qua lại lớn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn như Ngã Tư Sở, Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, Ô Chợ Dừa, Đại Cồ Việt - Giải Phóng, Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám... cũng được lắp đặt biển thông báo mức xử phạt.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, giải thích việc lắp biển báo nhằm tuyên truyền, giúp người tham gia giao thông nâng cao nhận thức.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, trong 15 ngày đầu thực hiện nghị định, toàn Thành phố đã xử lý 12.267 trường hợp vi phạm, phạt tiền 30,5 tỷ đồng.

Đầu tư thủy điện Thác Bà 2 bị phạt hơn 269 triệu đồng do lấn chiếm đất

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Đầu tư thủy điện Thác Bà 2 số tiền 269 triệu đồng (địa chỉ tại Tổ dân phố số 1, thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) do hành vi lấn chiếm đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước.

Dự án Nhà máy Thủy điện Thác Bà 2

Dự án Nhà máy Thủy điện Thác Bà 2

Theo hồ sơ của cơ quan chức năng, Công ty đã thực hiện hành vi lấn chiếm diện tích đất 1,70647 ha. Khu vực đất bị lấn chiếm thuộc địa giới hành chính xã, được quản lý bởi cơ quan nhà nước và thể hiện trong hồ sơ địa chính.

UBND tỉnh Yên Bái đã áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính và khắc phục hậu quả đối với Công ty: phạt tiền 250 triệu đồng; buộc phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi vi phạm.

Tổng cộng, Công ty CP Đầu tư thủy điện Thác Bà 2 phải nộp hơn 269 triệu đồng vào ngân sách nhà nước.

Đà Nẵng triệt phá đường dây rửa tiền gần 30 nghìn tỷ đồng

Gần 30 nghìn tỷ đồng được "rửa" thông qua đường dây tội phạm quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Đà Nẵng.

Một số đối tượng trong đường dây rửa tiền vừa bị công an bắt giữ

Một số đối tượng trong đường dây rửa tiền vừa bị công an bắt giữ

Ngày 22/1, Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, đã khởi tố 5 bị can về tội Rửa tiền; Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng và Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Công an cũng khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các bị can, thu giữ 122 con dấu giả, 40 bản gốc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhiều công cụ, phương tiện có liên quan.

Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2022 đến năm 2024, T.Q.T. (trú tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) làm giả căn cước công dân để thành lập 187 doanh nghiệp.

Người này còn làm giả nhiều con dấu của các ngân hàng, cơ quan, tổ chức công chứng để chứng thực căn cước công dân giả, giấy phép đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp được thành lập.

Trên cơ sở này, đối tượng mở hơn 600 tài khoản ngân hàng doanh nghiệp và bán lại cho các đối tượng khác để sử dụng vào mục đích luân chuyển, hợp thức hóa dòng tiền phạm tội (lừa đảo, đánh bạc…) từ nước ngoài về Việt Nam.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, tổng số tiền giao dịch qua các tài khoản ngân hàng nêu trên gần 30.000 tỷ đồng (trong đó ngoại hối ước tính hơn 300 tỷ đồng).

Theo cơ quan điều tra, đường dây phạm tội của T.Q.T. có sự hỗ trợ của nhiều đồng phạm khác nhau ở thành phố Đà Nẵng.

Trong đó, N.H.M. (trú tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) là đối tượng câu kết với T.Q.T. làm giả căn cước công dân để thành lập doanh nghiệp.

Còn H.N. (trú tại quận Hải Châu) đã lập, bán tài khoản ngân hàng cho M.D. (trú tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng). Hai người này còn hỗ trợ các đối tượng lừa đảo thu hồi 780 triệu đồng "tiền bẩn" được chuyển vào tài khoản mà các đối tượng đã lập.

Trong khi đó, một đối tượng khác là nhân viên chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng đã câu kết với T.Q.T., mở nhiều tài khoản và bán lại cho các đối tượng, đồng thời cung cấp thông tin tài khoản để T.Q.T. rút 900 triệu đồng "tiền bẩn".

Bắt Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư, Xây dựng và Thương mại Anh Phát

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có quyết định bắt tạm giam ông Trịnh Xuân Nghiệm, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư, Xây dựng và Thương mại Anh Phát (Tổng công ty Anh Phát).

Trụ sở Tổng công ty Đầu tư, Xây dựng và Thương mại Anh Phát

Trụ sở Tổng công ty Đầu tư, Xây dựng và Thương mại Anh Phát

Theo đó, ông Trịnh Xuân Nghiệm bị bắt để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ mỏ quặng sắt tại xã Thanh Lâm (Như Xuân) của Công ty CP Khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa, gây thiệt hại tài sản nhà nước.

Trước đó, để phục vụ điều tra mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa làm đầu mối tập hợp báo cáo, tiếp nhận tài liệu và có văn bản chỉ đạo các sở, ngành liên quan tại tỉnh Thanh Hóa báo cáo chi tiết tài liệu liên quan đến mỏ quặng sắt của Công ty CP Khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa theo giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất số 1265/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Cụ thể, hồ sơ cấp phép thăm dò, khai thác, gia hạn khai thác và đề án đóng cửa mỏ sắt Thanh Lâm, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Hồ sơ nộp thuế, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; báo cáo định kỳ hoạt động khai thác của Công ty CP Khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa từ năm 2021 đến nay; biên bản kiểm tra, biên bản xử phạt hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu có. Số lượng quặng sắt hiện nay và các trang thiết bị đang còn tồn tại mỏ quặng của Công ty CP Khoáng sản xây dựng phụ gia xi măng Thanh Hóa.

Tin cùng chuyên mục