Bản tin thời sự sáng 23/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Metro Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành chạy thử đoạn trên cao; Hạ Long và Móng Cái xin bắn pháo hoa tầm cao; thưởng Tết bình quân ở TP.HCM tăng 45%; ế phiên đấu giá 25 siêu điện thoại và đồng hồ trị giá gần 4 tỷ đồng; ba công ty bán hàng đa cấp bị phạt hơn 600 triệu đồng…

Metro Nhổn - ga Hà Nội hoàn thành chạy thử đoạn trên cao

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đạt 99,65% tất cả các thử nghiệm sau 7 ngày vận hành thử tính khả dụng của hệ thống đoạn trên cao.

Tàu đường sắt Metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm.

Tàu đường sắt Metro Nhổn - ga Hà Nội chạy thử nghiệm.

Theo đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), quá trình chạy thử được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn. Hiệu suất được đo đạc qua hệ thống ATS và được báo cáo, tóm tắt tại cuộc họp hàng ngày.

Giai đoạn 1 của quá trình chạy thử bao gồm vận hành hệ thống để đo lường hiệu suất RAMs. Dự án đã vận hành theo 2 lịch chạy tàu. Cụ thể, vận hành 4 - 8 đoàn tàu theo lịch chạy trong tuần và cuối tuần, thời gian từ 9 - 19h. Đoàn tàu di chuyển từ Depot, bắt đầu xuất phát từ ga S1 - Nhổn đến ga S8 - trường Đại học Giao thông vận tải và ngược lại.

Thời gian đoàn tàu chạy 1 chiều khoảng 16 phút và chạy 1 vòng (cả chiều đi và về) bao gồm cả quay đầu khoảng 32 phút.

Hàng ngày, dự án chạy tàu theo 5 bước: Kiểm tra tính sẵn sàng của hệ thống đường ray; Kiểm tra khởi động; Đưa tàu lên tuyến chính để sẵn sàng chạy theo biểu đồ chạy tàu; Chạy tàu liên hoàn; Hoàn thành đưa tàu về khu vực tập kết và tắt nguồn tàu.

Hoàn thành giai đoạn 1, giai đoạn 2 với 5 kịch bản kiểm tra các sự cố theo quy trình đã được triển khai trong hai ngày 13 và 14/12/2022.

MRB cho biết, sau khi kết thúc chạy thử, các bước tiếp theo sẽ được thực hiện như: Vận hành thử và công tác đánh giá an toàn hệ thống của tư vấn; Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện công tác thẩm định báo cáo đánh giá an toàn hệ thống.

Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng tiến hành rà soát hồ sơ dự án, các báo cáo đánh giá và công nhận kết quả để nghiệm thu cuối cùng.

Sau khi hoàn thành các công việc trên sẽ tiến hành nghiệm thu bàn giao đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Hạ Long và Móng Cái xin bắn pháo hoa tầm cao

Tỉnh Quảng Ninh tổ chức 15 điểm bắn pháo hoa tầm thấp chào năm mới Quý Mão. Ngoài ra, 2 thành phố Hạ Long và Móng Cái đang xin Thủ tướng Chính phủ bắn pháo hoa tầm cao.

Quảng Ninh tổ chức bắn pháo hoa tại 15 điểm chào năm mới Quý Mão

Quảng Ninh tổ chức bắn pháo hoa tại 15 điểm chào năm mới Quý Mão

Ngày 22/12, thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, địa phương tổ chức 15 điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp trên địa bàn toàn tỉnh vào thời điểm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo danh sách này, các điểm bắn tầm thấp gồm có: Hồ công viên TP.Uông Bí; khu đô thị Xuân Lãm (TP. Uông Bí; khu vực tượng đài anh hùng liệt sĩ Hà Quang Vóc (Đầm Hà); quảng trường 12/11, bãi tắm công cộng vịnh Bái Tử Long (Cẩm Phả); sân vận động thị xã Quảng Yên; sân vận động thị xã Đông Triều; cầu ngầm Tiên Yên, Cảng tàu quốc tế Ao Tiên huyện Vân Đồn; khu 5 phường Hoành Bồ (TP. Hạ Long); thị trấn Cô Tô; quảng trường 25/12 (huyện Bình Liêu); khu 7, thị trấn Ba Chẽ; cầu Hà Cối (thị trấn Quảng Hà).

Ngoài ra, 2 thành phố Hạ Long, Móng Cái đang đề nghị Bộ VH-TT-DL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép. Vì vậy, việc tổ chức bắn pháo hoa tầm cao chỉ được thực hiện khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, UBND tỉnh Quảng Ninh nêu rõ, kinh phí tổ chức bắn pháo hoa nổ huy động từ nguồn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, do các huyện, thị xã, thành phố huy động để thực hiện.

Thưởng Tết bình quân ở TP.HCM tăng 45%

Mức thưởng bình quân của lao động tại TP.HCM Tết Quý Mão 2023 gần 13 triệu đồng, cao hơn 45% so với năm ngoái, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Công nhân làm việc trong Khu công nghệ cao TP.HCM

Công nhân làm việc trong Khu công nghệ cao TP.HCM

Thông tin được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết chiều 22/12, sau khi tổng hợp số liệu khảo sát hơn 1.000 doanh nghiệp với gần 220.000 lao động trên địa bàn.

Theo đó, mức thưởng bình quân của lao động ở thành phố dịp Tết Nguyên đán năm nay là 12,88 triệu đồng, trong khi năm ngoái chỉ 8,88 triệu đồng. Mức cao nhất được ghi nhận là hơn 756 triệu đồng ở một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Con số này năm ngoái là gần 1,3 tỷ đồng. Trong khi đó, mức thưởng thấp nhất năm nay là 4,86 triệu đồng.

Cũng theo ngành lao động Thành phố, mức thưởng dịp Tết Dương lịch 2023 thấp hơn cùng kỳ 7,37%, với mức trung bình 3,14 triệu đồng mỗi lao động. Con số này năm ngoái là 3,39 triệu đồng. Mức thưởng cao nhất được ghi nhận trên 606 triệu đồng thuộc về doanh nghiệp FDI, tăng gần 29% so năm ngoái. Mức thưởng thấp nhất là 930.000 đồng.

Thành phố hiện có gần 249.000 doanh nghiệp với hơn 2,8 triệu lao động, trong đó gần 1.600 công ty hoạt động trong khu chế xuất, khu công nghiệp với hơn 333.000 người.

Ế phiên đấu giá 25 siêu điện thoại và đồng hồ trị giá gần 4 tỷ đồng

Phiên đấu giá lần thứ nhất đối với lô hàng bị tịch thu gồm 14 điện thoại Vertu và 11 đồng hồ Rolex, Hublot, với giá khởi điểm là 3,92 tỷ đồng, tại Hạ Long, Quảng Ninh đã thất bại khi không có ai nộp hồ sơ mua.

14 chiếc điện thoại hiệu Vertu được đem bán đấu giá

14 chiếc điện thoại hiệu Vertu được đem bán đấu giá

Đại diện đơn vị tổ chức bán đấu giá số hàng trên ngày 22/12 cho biết đang làm thủ tục để mời các đơn vị, cá nhân tham gia phiên đấu giá tiếp theo, sau khi phiên thứ nhất không có ai nộp hồ sơ mua.

Theo quy định, nếu phiên thứ 2 cũng có kết quả như phiên thứ nhất thì cơ quan liên quan sẽ báo cáo cơ quan cấp trên để xin phương án xử lý.

14 điện thoại thương hiệu Vertu và 11 đồng hồ thương hiệu Rolex, Hublot trên là các hiện vật của một chủ cửa hàng ở Hạ Long bị thu giữ do không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.

Tất cả số hiện vật trên đều là hàng đã qua sử dụng, được Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đấu giá với mức khởi điểm là 3,92 tỷ đồng.

Trong đó có 2 điện thoại Vertu được định giá là 380 triệu đồng và 420 triệu đồng. Chiếc Vertu được định giá thấp nhất là khoảng 90 triệu đồng, trong khi chiếc đồng hồ được định giá cao nhất là khoảng 350 triệu đồng.

14 chiếc điện thoại thương hiệu Vertu đều xuất xứ từ Anh; 11 chiếc đồng hồ đeo tay nhãn hiệu Hublot và Rolex đều có xuất xứ từ Thụy Sĩ.

Đây đều là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 26/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh.

Chủ tịch PDR bị bán giải chấp cổ phiếu, lãnh đạo liên tục mua vào

Giữa làn sóng bị bán giải chấp cổ phiếu của Chủ tịch Nguyễn Văn Đạt và công ty con, các thành viên HĐQT và lãnh đạo Phát Đạt đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu PDR.

Thành viên HĐQT và ban lãnh đạo PDR liên tiếp đăng ký mua cổ phiếu

Thành viên HĐQT và ban lãnh đạo PDR liên tiếp đăng ký mua cổ phiếu

Chiều 22/12, Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) công bố thông tin ông Lê Quang Phúc, thành viên HĐQT kiêm cố vấn, vừa đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu.

Hiện tại, ông Lê Quang Phúc sở hữu hơn 1,56 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,23%. Nếu giao dịch hoàn tất, ông Phúc sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 3,56 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 0,53%. Giá trị giao dịch dự kiến tính theo mệnh giá là 20 tỷ đồng. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 27/12/2022 đến ngày 25/1/2023.

Động thái này diễn ra ngay sau khi ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch PDR, thông báo tiếp tục bị công ty chứng khoán bán giải chấp 3,5 triệu cổ phiếu PDR. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hôm 21/12. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Đạt giảm từ 43,48% xuống còn 42,95%. Trước đó, vị Chủ tịch PDR cũng đã nhiều lần bị bán giải chấp với tổng khối lượng hơn 30 triệu cổ phiếu.

Ngoài ra một số thành viên khác trong ban lãnh đạo PDR cũng vừa đăng ký mua vào cổ phiếu này. Ngày 22/11, Tổng giám đốc Bùi Quang Anh Vũ đăng ký mua 20 triệu cổ phiếu trong thời gian 24/11-23/12, nâng tỷ lệ sở hữu lên 3,45% với số tiền chi dự kiến hơn 200 tỷ đồng.

Đến ngày 7/12, một thành viên HĐQT khác là ông Đoàn Viết Đại Từ cũng đăng ký mua 850.000 cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,3%. Thời gian giao dịch dự kiến từ 12/12/2022 đến 12/1/2023.

TP.HCM mở 4 tuyến buýt kết nối Đồng Nai

Bốn tuyến buýt chạy từ ngày 24/12 giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại từ TP.HCM qua Đồng Nai.

Tuyến 60-7 có lộ trình từ bến Tân Phú đến bến xe Biên Hoà

Tuyến 60-7 có lộ trình từ bến Tân Phú đến bến xe Biên Hoà

Các tuyến mang số hiệu 60-1, 60-3, 60-5 và 60-7 được Sở Giao thông Vận tải TP HCM công bố sáng 22/12. Trong đó, tuyến 60-7 được mở mới, ba tuyến còn lại được khôi phục sau hơn 2 năm tạm dừng.

Ba tuyến 60-1, 60-5 và 60-7, lần lượt kết nối bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), An Sương (Quận 12) và Tân Phú (quận Tân Phú) qua bến xe Biên Hoà. Tuyến 60-3 chạy từ bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) đến Khu Công nghiệp Nhơn Trạch.

4 tuyến buýt này không trợ giá, có cự ly hoạt động 37-62 km với tổng cộng 378 chuyến mỗi ngày. Trong đó, tuyến 60-3, 60-5, 60-7 chạy từ 5h đến 18h, riêng tuyến 60-1 đón khách từ 4h45 đến 18h30 mỗi ngày, thời gian hoàn thành mỗi chuyến 70 - 120 phút.

Đại diện Công ty CP Xe khách Phương Trang (đơn vị khai thác) cho biết, cả 4 tuyến buýt đều dùng xe mới, loại 24 - 40 chỗ (đứng, ngồi). Phía trong có camera giám sát, GPS, thiết bị hỗ trợ thanh toán, máy lạnh, wifi...

Theo ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc khôi phục và mở thêm tuyến buýt kết nối tỉnh Đồng Nai giúp thuận tiện cho người dân đi lại giữa các đầu mối vận tải lớn của hai địa phương. Các xe được đầu tư mới, ứng dụng công nghệ góp phần thu hút người dân sử dụng giao thông công cộng.

TP.HCM đang có 130 tuyến buýt với hơn 2.000 xe, trong đó 91 tuyến trợ giá. Năm nay, Thành phố đặt mục tiêu số khách đi buýt đạt 232 triệu lượt, tăng khoảng 23% so với 2021.

Ba công ty bán hàng đa cấp bị phạt hơn 600 triệu đồng

Ba công ty New Image Việt Nam, Hoằng Đạt và Herbalife Việt Nam bị Bộ Công Thương xử phạt 605 triệu đồng do vi phạm pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Ba công ty New Image Việt Nam, Hoằng Đạt và Herbalife Việt Nam bị Bộ Công Thương xử phạt 605 triệu đồng

Ba công ty New Image Việt Nam, Hoằng Đạt và Herbalife Việt Nam bị Bộ Công Thương xử phạt 605 triệu đồng

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 170 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam.

Cụ thể, Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam đã hoạt động bán hàng đa cấp tại tỉnh Phú Thọ khi chưa được Sở Công Thương tỉnh phú Thọ cấp xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn để người tham gia quảng cáo sản phẩm trên các trang thông tin điện tử có thông tin sai lệch về sản phẩm và để người tham gia bán hàng đa cấp của công ty tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo mà không được công ty ủy quyền…

Đối với Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 85 triệu đồng vì không thực hiện đúng thủ tục sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp với cơ quan có thẩm quyền khi có thay đổi thông tin liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Đồng thời, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Hoằng Đạt không thực hiện trách nhiệm thanh toán hoa hồng, tiền thưởng, khuyến mại và các lợi ích kinh tế khác bằng tiền cho người tham gia bán hàng đa cấp dưới hình thức chuyển khoản qua ngân hàng.

Cùng lúc này, Công ty TNHH MTV Herbalife Việt Nam cũng bị xử phạt vi phạm hành chính 350 triệu đồng do vận hành hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp không đúng với giải trình kỹ thuật khi đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, công ty này cũng không tuân thủ quy tắc hoạt động đã đăng ký, thực hiện không đúng quy định về việc cấp thẻ thành viên cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật và không thực hiện đúng việc đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp theo quy định.