Bản tin thời sự sáng 23/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội sắp khởi công xây dựng tuyến metro đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc dài hơn 38 km; đấu thầu làm dự án trên hai khu đất hơn 70.000 m2 ở Nha Trang; gỡ vướng 13 dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng)…

Hà Nội sắp khởi công xây dựng tuyến metro đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc dài hơn 38 km

Tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc dài hơn 38 km, vốn đầu tư 65.404 tỷ đồng dự kiến được khởi công xây dựng trong năm nay.

Thông số cơ bản của Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc

Thông số cơ bản của Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 5 Văn Cao - Hòa Lạc

Tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc) là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương và Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư.

Metro số 5 thiết kế theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435 mm, dài hơn 38 km, trong đó 6,5 km đi ngầm, 2 km đi trên cao và gần 30 km đi trên mặt đất. Công trình có tổng mức đầu tư 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách TP. Hà Nội.

Metro Văn Cao - Hòa Lạc đi qua các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Một phần tuyến chạy dọc theo khu vực trung tâm tập trung dân cư cao, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, đặc biệt là đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Tuyến đường đi qua 21 nhà ga, gồm: 6 ga ngầm, 1 ga trên cao Tây Mỗ và 14 ga mặt đất.

Dự án có hai depot để tập kết, bảo dưỡng, sửa chữa tàu và các tác nghiệp kỹ thuật khác. Depot số 1 ở xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức rộng khoảng 18 ha. Depot số 2 nằm tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, rộng khoảng 6,9 ha.

Dự kiến số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ là 26 đoàn tàu vào năm 2025, tăng lên 37 đoàn tàu vào năm 2035 và 38 đoàn vào năm 2050.

Tuyến số 5 hình thành sẽ kết nối và trung chuyển hành khách với các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 4, 6, 7, 8, cho phép hành khách di chuyển nhanh và thuận tiện từ các khu vực ngoại ô vào trung tâm Thành phố.

Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, Thành phố sẽ tập trung triển khai những dự án lớn tạo động lực thúc đẩy phát triển cho vùng, khu vực như: Khởi công xây dựng 3 cầu qua sông Hồng (Tứ Liên, Thượng Cát, Trần Hưng Đạo) và Dự án đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc).

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị có 10 tuyến với trên 410 km. Thành phố đang điều chỉnh Quy hoạch chung, bổ sung 5 tuyến đường sắt dài 200 km. Như vậy, đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065, Hà Nội sẽ có 15 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 617 km.

Đấu thầu làm dự án trên hai khu đất hơn 70.000 m2 ở Nha Trang

Tỉnh Khánh Hòa sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư làm dự án bệnh viện quốc tế và trung tâm dạy lái xe trên hai khu đất rộng hơn 70.000 m2 tại Nha Trang.

Một góc khu đô thị Mỹ Gia, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang

Một góc khu đô thị Mỹ Gia, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang

Thông tin trên được nêu trong Nghị quyết về danh mục các khu đất sẽ tiến hành đấu thầu để chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất trên địa bàn Tỉnh, vừa được HĐND tỉnh Khánh Hòa thông qua.

Tỉnh dự kiến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho hai dự án là Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nha Trang và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, sát hạch lái xe VinDT Nha Trang trong giai đoạn từ quý I đến quý II/2025.

Dự án Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nha Trang được thực hiện trên khu đất hơn 20.000 m2 tại Khu đô thị Mỹ Gia, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang.

Công trình này sẽ trở thành cơ sở y tế công nghệ cao, chuyên sâu về các chuyên khoa mũi nhọn như đột quỵ, tim mạch và tầm soát sớm ung thư, đạt các tiêu chuẩn điều trị quốc tế. Đồng thời, Bệnh viện cũng tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và cung cấp dịch vụ khám nội, ngoại trú. Quy mô tối thiểu 30 bàn khám đa khoa, phục vụ 1.000 - 1.500 bệnh nhân ngoại trú mỗi ngày. Khu nội trú được thiết kế với 200 giường bệnh, tập trung vào cấp cứu và can thiệp đột quỵ tim mạch khẩn cấp.

Dự án hướng đến việc phục vụ người dân địa phương và mở rộng cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, lấy Khánh Hòa làm trung tâm cấp cứu đột quỵ tim mạch.

Dự án Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và sát hạch lái xe VinDT Nha Trang sẽ được thực hiện trên khu đất rộng gần 50.000 m2 tại xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang.

Trung tâm này có mục tiêu đào tạo lái xe an toàn, chuyên nghiệp, đảm bảo học viên đạt kỹ năng lái đúng luật và xử lý tốt các tình huống giao thông thực tế; ứng dụng công nghệ hiện đại như: mô phỏng lái xe và hệ thống giám sát tự động.

Nơi đây hướng đến đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế và phát triển bền vững, tập trung vào việc đào tạo lái xe điện; cung cấp các khóa học chuyên nghiệp cho tài xế vận tải và xe công nghệ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Bí thư Tỉnh ủy Long An

Ông Nguyễn Văn Quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Long An, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng (phải) trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Văn Quyết

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng (phải) trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Văn Quyết

Quyết định điều động nhân sự của Bộ Chính trị được Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng trao cho ông Nguyễn Văn Quyết sáng 22/2.

Ông Nguyễn Văn Quyết thay vị trí ông Nguyễn Văn Được đã được điều động giữ chức Phó Bí thư Thành ủy và bầu làm Chủ tịch UBND TP.HCM trước đó.

Ông Nguyễn Văn Quyết, 53 tuổi, quê Ninh Bình, trình độ cử nhân Luật, thạc sĩ Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. Ông Nguyễn Văn Quyết từng làm việc tại Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình; Sở Tư pháp, Văn phòng Công chứng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai.

Tháng 9/2007, ông Nguyễn Văn Quyết công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương, từng làm Vụ trưởng Vụ Địa bàn 5. Tại Hội nghị Trung ương 3, tháng 7/2021, ông Nguyễn Văn Quyết được bầu bổ sung làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau đó giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương.

Thường trực Tỉnh ủy Long An hiện có 3 người: Bí thư Nguyễn Văn Quyết, hai Phó Bí thư là ông Nguyễn Thanh Hải và Nguyễn Văn Út.

Long An là tỉnh cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long, giáp với TP.HCM, diện tích hơn 4.490 km2, dân số hơn 1,68 triệu người, xếp thứ 15 cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 8,5 - 9% mỗi năm, GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 107 triệu đồng.

Gỡ vướng 13 dự án du lịch trên bán đảo Sơn Trà (TP. Đà Nẵng)

13 dự án khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà sẽ được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn từ ngày 1/4.

Nhiều biệt thự du lịch dở dang ở khu vực Bãi Trẹm

Nhiều biệt thự du lịch dở dang ở khu vực Bãi Trẹm

Thông tin trên được nêu trong Nghị quyết 170/2024 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn với các dự án, đất đai trong kết luận thanh, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Chính sách này có hiệu lực từ ngày 1/4.

Đà Nẵng có tổng cộng 49 dự án bất động sản cùng hơn 1.300 trường hợp vướng mắc về thời hạn sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính, nằm trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, ban hành vào năm 2012 và 2019. Riêng khu vực bán đảo Sơn Trà có 13 dự án khu du lịch vướng mắc về xác định giá tính thu tiền sử dụng, cho thuê đất theo Kết luận số 269 năm 2019.

Đó là, Tổ hợp khu du lịch - dịch vụ cao cấp Sơn Trà (Sontra Resort & Spa) của Công ty CP Sơn Trà; Khu nhà nghỉ và du lịch sinh thái Bãi Trẹm; Khu du lịch Bãi Bụt của Công ty CP Hải Duy; Khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc (Intercontinental); Khu du lịch Bãi Trẹm (Savico); Khu du lịch sinh thái, nhà nghỉ, dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà; Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa; Khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái cao cấp Ghềnh Đa - Mũi Nghê; Khu du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Da; Khu du lịch ven biển và biệt thự sinh thái cao cấp Hồ Xanh; Khu du lịch Biển Đông mở rộng; Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Nam Suối Đá; Khu du lịch sinh thái biển kết hợp nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, ba dự án được UBND TP. Đà Nẵng giao, cho thuê đất trước ngày 1/7/2004 gồm Tổ hợp khu du lịch - dịch vụ cao cấp Sơn Trà (Sontra Resort & Spa); Khu nhà nghỉ và du lịch sinh thái Bãi Trẹm và Khu du lịch Bãi Bụt sẽ được rà soát, hoàn thiện các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường, lâm nghiệp. Nếu dự án không đủ điều kiện để tiếp tục triển khai sẽ bị thu hồi đất.

Với 10 dự án được giao, cho thuê đất từ ngày 1/7/2004, UBND TP. Đà Nẵng sẽ rà soát việc xác định giá đất, tính và thu nộp đầy đủ vào ngân sách các khoản nghĩa vụ tài chính của dự án. Đến ngày 1/4, thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành, dự án nào chưa được chủ đầu tư nộp tiền sử dụng, thuê đất sẽ bị thu hồi đất.

Hà Nội duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây lại khu tập thể Kim Liên

Khu tập thể Kim Liên sẽ được cải tạo theo hướng tăng số tầng, nhưng không làm tăng dân số hiện trạng tại khu vực.

Khu tập thể Kim Liên được xây dựng trong những năm 1959 - 1965

Khu tập thể Kim Liên được xây dựng trong những năm 1959 - 1965

Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, diện tích khu đất quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại tập thể Kim Liên và phụ cận rộng 35,5 ha tại phường Kim Liên và Phương Mai, quận Đống Đa.

Khu tập thể Kim Liên được xây dựng trong những năm 1959 - 1965, gồm 42 nhà chung cư cao từ 2 - 6 tầng. Đây cũng là một trong những khu nhà tập thể lâu đời nhất tại Hà Nội. Sau hơn 60 năm, khu tập thể này hiện đã xuống cấp trầm trọng.

Thành phố cho biết, đồ án quy hoạch mới cơ bản đảm bảo phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị và đảm bảo không tăng dân số hiện trạng, không làm gia tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội tại khu vực.

Các nhà tập thể cũ sẽ được xây dựng lại kết hợp chỉnh trang các khu nhà ở hiện có theo hướng tăng chiều cao công trình. Còn hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng được giảm xuống. Khu vực này cũng sẽ được bổ sung hạ tầng kỹ thuật, xã hội, cây xanh, hầm để xe. Việc cải tạo và xây dựng lại tập thể cũ này giúp nâng cao điều kiện về nhà ở của người dân và tạo thêm quỹ nhà ở cho Hà Nội.

Thời gian hoàn thành lập đồ án quy hoạch chi tiết khu tập thể này là 6 tháng. Thành phố giao UBND quận Đống Đa chịu trách nhiệm về năng lực đơn vị, cá nhân tư vấn, pháp lý tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Kim Liên và phụ cận, tỷ lệ 1/500.

Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D - cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp. 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.

Sửa chữa mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Từ cuối tháng 2 đến tháng 6, đơn vị quản lý tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ sửa chữa tổng thể nhiều đoạn mặt đường cao tốc.

Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai phải sửa chữa cục bộ

Một đoạn cao tốc Nội Bài - Lào Cai phải sửa chữa cục bộ

Sau hơn 10 năm khai thác, nhiều đoạn đường trên cao tốc này đã hư hỏng và có biểu hiện xuống cấp. Để bảo đảm an toàn khai thác, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ sửa chữa tổng thể, khắc phục các hạng mục xuống cấp, hư hỏng.

VEC đã hoàn tất lựa chọn nhà thầu, triển khai các gói thầu sửa chữa hư hỏng mặt đường và hệ thống an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Trong quá trình thi công, các đơn vị sẽ tổ chức giao thông, lắp đặt biển báo, thiết bị cảnh báo và phân làn, phân luồng tại khu vực thi công. Đơn vị quản lý tuyến cho biết, việc sửa chữa mặt đường và hệ thống an toàn giao thông có thể gây ùn tắc, ảnh hưởng khai thác tuyến cao tốc.

Do đó, chủ phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cần chủ động lựa chọn hành trình phù hợp, tuân thủ hệ thống báo hiệu đường bộ, hướng dẫn của đơn vị vận hành và lực lượng chức năng, giảm tốc độ khi đi qua khu vực thi công.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh đoạn Nội Bài - Yên Bái và phân kỳ đầu tư 2 làn xe đoạn Yên Bái - Lào Cai.

Để đáp ứng lưu lượng phương tiện tăng mạnh, VEC đã trình cơ quan có thẩm quyền phương án mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai dài 121 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh. Tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, trong đó vốn VEC huy động hơn 4.600 tỷ đồng và vốn ngân sách nhà nước hơn 3.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong quý IV năm nay.

Bắt tạm giam 3 lãnh đạo xã vì liên quan bồi thường Dự án sân bay Long Thành

Ông Dương Ngọc Đức, quyền Chủ tịch UBND xã Bình Sơn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) cùng 2 cán bộ bị bắt với cáo buộc liên quan sai phạm bồi thường tại Dự án sân bay Long Thành.

Khu tái định cư sân bay Long Thành

Khu tái định cư sân bay Long Thành

Ngày 22/2, Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố, tạm giam các ông Dương Ngọc Đức; Hoàng Hữu Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn và Lâm Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Bình Sơn.

Công an tỉnh Đồng Nai trước đó đã triệu tập nhiều lãnh đạo, nhân viên của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành, chuyên viên Phòng Tư pháp huyện Long Thành và 4 cán bộ ấp Suối Trầu 1, ấp Xã Hoàng thuộc xã Bình Sơn để điều tra sai phạm trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành. Động thái này được cơ quan điều tra đưa ra sau khi mở rộng vụ án.

Trước đó, đầu tháng 2, Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giam ông Lê Văn Tiếp, 47 tuổi, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, để điều tra Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, Hội đồng bồi thường Dự án sân bay Long Thành có nhiều sai phạm trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành; gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách nhà nước. Trong đó, ông Tiếp làm Chủ tịch Hội đồng.

Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án sân bay Long Thành được Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ tháng 11/2018, tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng. Dự án được thực hiện nhằm có mặt bằng "sạch" giao chủ đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, gồm 5.000 ha đất xây dựng cảng hàng không và hơn 364 ha đất xây dựng 2 khu tái định cư.

Liên quan vụ án này, năm 2024, Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam 6 người với cáo buộc các tội danh: Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Tin cùng chuyên mục