6 đoàn tàu Metro số 1 sắp về TP.HCM
Hai đoàn tàu 3 toa thuộc Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dự kiến đưa về Thành phố đầu tháng 5, hai tháng sau đó thêm bốn tàu loại 6 toa được nhập về.
Đoàn tàu đầu tiên tuyến Metro Số 1 đưa về cảng Sài Gòn hồi tháng 10/2020 |
Thông tin trên được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, sau khi Nhà thầu Hitachi (Nhật Bản) cập nhật cụ thể kế hoạch đưa thêm 6 đoàn tàu thuộc Dự án Metro số 1 về Thành phố.
Hai đoàn tàu 3 toa dự kiến xuất phát từ Nhà máy Kasado Works (Nhật Bản) ngày 1/5 và đến TP.HCM sau 9 ngày. Sau khi hạ tải và thông quan tại cảng ở Thành phố, trong 3 - 4 ngày tiếp theo, hai tàu sẽ được đưa về depot Long Bình ở TP. Thủ Đức. Mỗi tàu sẽ được hạ tải và vận chuyển riêng về depot.
Bốn đoàn tàu tiếp theo về Thành phố sẽ là loại 6 toa, trong đó, hai tàu dự kiến chuyển về vào tháng 6, hai tàu còn lại đưa về tháng 7.
Sáu tàu sau khi đưa về depot Long Bình, Nhà thầu Hitachi dự định cho hạ tải 5 tàu xuống đường ray T1, tương tự đoàn tàu 3 toa đầu tiên đưa về hồi tháng 10 năm ngoái. Riêng tàu còn lại sẽ cho hạ tải xuống một đường ray khác.
Metro số 1 có 17 đoàn tàu, trong đó, giai đoạn đầu là tàu loại 3 toa và sau này là loại 6 toa, đều sản xuất tại Nhật Bản. Mỗi tàu 3 toa dài 61,5 m, chở được 930 khách (đứng, ngồi). Tàu thiết kế tốc độ 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Với khoảng cách trung bình giữa các ga chỉ hơn 1 km nên khi khai thác, các tàu dự kiến chạy khoảng 40 km/h.
Metro số 1 tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án hiện đạt hơn 83%, dự kiến đưa vào khai thác năm 2022.
Cục Hàng không rút yêu cầu kiểm tra tờ khai y tế tại cửa an ninh
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu nhân viên soi chiếu an ninh dừng việc kiểm tra khai báo y tế của hành khách, chuyển nhiệm vụ này cho các hãng hàng không.
Tình trạng ùn tắc tại cửa an ninh sân bay Tân Sơn Nhất |
Theo ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản điều chỉnh việc kiểm tra khai báo y tế tại sân bay sau khi xảy ra tình trạng ùn tắc nhiều ngày tại nhà ga Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, Cục Hàng không yêu cầu các sân bay dừng việc bố trí nhân sự kiểm tra khai báo y tế của hành khách trước và trong khu vực soi chiếu an ninh.
Nhân viên của sân bay sẽ không chịu trách nhiệm kiểm tra khai báo y tế của hành khách. Các sân bay chỉ còn nhiệm vụ hỗ trợ hãng bay thông báo bằng hệ thống phát thanh hoặc màn hình về yêu cầu bắt buộc phải khai báo y tế trước chuyến bay.
Nhà chức trách hàng không yêu cầu các hãng bay kiểm soát việc khai báo y tế của hành khách, đảm bảo hành khách khai báo y tế trước khi lên máy bay và chịu trách nhiệm nếu để lọt khách chưa khai báo y tế.
Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu cảng hàng không bố trí nhân lực phối hợp với hãng hàng không kiểm tra tờ khai y tế của hành khách, đảm bảo hành khách hoàn thành khai báo y tế trước khi xếp hàng vào khu vực soi chiếu an ninh.
Từ ngày 14/4 - 19/5, khu vực soi chiếu an ninh của sân bay Tân Sơn Nhất xảy ra ùn tắc liên tục vào buổi sáng. Đại diện ACV giải thích nguyên nhân ùn tắc do lưu lượng khách tăng cao và nhiều khách khách chưa khai báo y tế khi qua cửa an ninh.
Đường trên cao Mai Dịch - cầu Thăng Long cấm xe trong 3 ngày
Đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Hà Nội) sẽ cấm xe cả hai chiều từ 23 - 26/4 để phục vụ thi công 6 nhánh kết nối lên xuống ở ba nút giao.
Tại nhánh lên xuống nút giao Cổ Nhuế, hàng chục công nhân đang thi công bản mặt cầu để chuẩn bị đổ bê tông vào ngày 23/4 |
Ông Phạm Anh Tú, Giám đốc điều hành Dự án cầu cạn Mai Dịch - nam Thăng Long cho biết, việc cấm các phương tiện trong 3 ngày để phục vụ đổ bê tông đường dẫn kết nối với mặt cầu; tránh rung lắc, ảnh hưởng đến kết cấu, bám dính của các hạng mục đang thi công.
Trong thời gian đóng cầu cạn đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, các phương tiện di chuyển trên đường Phạm Văn Đồng mở rộng. Tuyến đường này có 12 làn xe, 6 làn mỗi bên.
Sáng 22/4, tại các nhánh lên xuống ở nút giao Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, khu đô thị Ciputra (nam Thăng Long), nhà thầu đã hoàn tất đổ trụ bê tông; phần lớn các thanh dầm được lắp đặt, kết nối với mặt cầu. Dự kiến đến giữa tháng 7, 3 điểm lên xuống cầu cạn sẽ được thông xe.
Gói thầu xây dựng 3 lối lên xuống của dự án cầu cạn vành đai 3, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, có tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng, khởi công từ tháng 10/2020.
Cầu cạn vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long dài 5,3 km, trong đó chiều dài cầu cạn 4,8 km, tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng, thi công hơn 2 năm, được đưa vào khai thác tháng 10/2020. Đây là đoạn đường trên cao duy nhất tại Hà Nội được thiết kế vận tốc 100 km/h.
TP.HCM làm 2 dự án kết nối vùng hơn 12.000 tỷ đồng
HĐND TP.HCM đồng ý cho xây nút giao An Phú và làm hạ tầng, cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên từ năm 2021 để kết nối vùng.
Phối cảnh nút giao 3 tầng An Phú ở TP Thủ Đức với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng |
Quyết định trên được HĐND TP.HCM khóa IX thông qua tại Kỳ họp 25, ngày 22/4, theo tờ trình của UBND Thành phố.
Trong đó, Dự án nút giao An Phú ở TP. Thủ Đức có tổng mức đầu tư 3.926 tỷ đồng. Riêng chi phí xây dựng khoảng 2.600 tỷ đồng. Công trình được thiết kế 3 tầng, gồm: hầm chui hai chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống; mặt đất sẽ xây các tiểu đảo, đảo tại các nút giao kết hợp đèn tín hiệu giao thông; trên cao sẽ xây hai cầu vượt.
Còn Dự án Xây dựng hạ tầng và cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên có tổng vốn 8.200 tỷ đồng. Trong đó, số tiền xây dựng khoảng 6.400 tỷ đồng; 718 tỷ đồng đền bù mặt bằng, còn lại chi phí dự phòng và các khoản khác.
Công trình gồm các hạng mục xây bờ kè bêtông và đường dài gần 33 km dọc hai bờ kênh; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới và sửa chữa các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; xây 12 bến thuyền dọc kênh...
Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (thuộc UBND TP.HCM) làm chủ đầu tư và thực hiện giai đoạn 2021 - 2025.
Nhà hàng 1.000 m2 xây trái phép tại Khánh Hòa bị cưỡng chế
Chính quyền TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) cưỡng chế, tháo dỡ nhà hàng rộng 1.000 m2 và các công trình xây trái phép tại xã Phước Đồng.
Lực lượng chức năng TP.Nha Trang đưa tài sản trong nhà hàng xây trái phép ra ngoài, ngày 22/4 |
Ngày 22/4, đoàn liên ngành gần 50 người cùng xe tải được huy động đến cưỡng chế nhà hàng Cao Hùng được xây bêtông, khung sắt và lợp tôn trên đại lộ Nguyễn Tất Thành, do ông Bùi Quốc Tuấn, 62 tuổi, làm chủ.
Đây là một trong 7 cửa hàng, quán cà phê xây trái phép với diện tích mỗi công trình rộng 1.000 - 5.000 m2 tại xã Phước Đồng. Những nơi này chuyên bày bán các mặt hàng trầm hương, đồ mỹ nghệ, chăn nệm, ăn uống cho du khách Trung Quốc, đưa vào hoạt động năm 2017 - 2018. Khi phát hiện, chính quyền xã đã lập biên bản xử lý, nhưng sau đó các cửa hàng này vẫn hoạt động.
Tháng 9/2020, UBND Khánh Hòa giao TP. Nha Trang chủ trì, phối hợp các đơn vị lên phương án cưỡng chế 7 công trình. Kinh phí tháo dỡ mỗi công trình từ 600 triệu đồng đến gần 2 tỷ đồng (tổng hơn 8 tỷ đồng), do chủ đầu tư vi phạm chi trả.
Theo UBND xã Phước Đồng, hôm nay lực lượng chức năng đưa tài sản trong nhà hàng ra ngoài, sau đó tháo dỡ các các công trình vi phạm. Địa phương sẽ báo kết quả cưỡng chế về Thành phố trước 25/4.
Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bỏ túi 300 triệu khi nâng giá robot
Cơ quan điều tra cáo buộc ông Nguyễn Quốc Anh hưởng 100 triệu đồng và 10.000 USD từ vụ nâng giá robot phẫu thuật ở Bệnh viện Bạch Mai.
Ông Nguyễn Quốc Anh bị khởi tố hồi cuối tháng 9/2020 |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận, đề nghị truy tố ông Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai và 7 bị can khác về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo kết luận điều tra, tháng 7/2009, ông Quốc Anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Với mong muốn phát triển ngoại khoa để thu hút bệnh nhân từ Bệnh viện Việt Đức và các cơ sở y tế khác về khám, điều trị nhằm phát triển thương hiệu cho Bệnh viện và tăng thu nhập, bị can đã cho thành lập các khoa ngoại chuyên sâu.
Biết chủ trương phát triển ngoại khoa của cơ sở y tế trên, tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty BMS đến gặp ông Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng đối với robot Rosa và 44 tỷ đồng với robot Mako cho Bệnh viện Bạch Mai.
Cơ quan điều tra xác định sau khi thống nhất hình thức liên kết và giá robot Rosa là 39 tỷ đồng, Nguyễn Quốc Anh đã phân công cho cấp dưới hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Còn Tuấn chỉ đạo nhân viên trao đổi, liên hệ và thông đồng với Trần Lê Hoàng - Thẩm định viên Công ty VFS và Phan Minh Dung - Tổng giám đốc Công ty VFS hợp thức hóa chứng thư thẩm định giá robot.
Quá trình triển khai, ông Quốc Anh và các cựu cán bộ Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện không đúng các quy định của pháp luật. Nhóm bị can là cựu lãnh đạo, nhân viên doanh nghiệp thỏa thuận cấp chứng thư xác định giá robot Rosa là 39 tỷ đồng trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty BMS lắp đặt robot để thu tiền của người bệnh.
Theo cáo buộc, ông Quốc Anh hưởng lợi 100 triệu đồng và 10.000 USD. Nguyễn Ngọc Hiền, cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai được hưởng 150 triệu. Còn Trịnh Thị Thuận, cựu Kế toán trưởng đơn vị này hưởng 50 triệu.