Bản tin thời sự sáng 23/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Nanogen xin cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19 Nanocovax; ngày 23/6, Hà Nội bầu Chủ tịch HĐND và UBND thành phố khoá mới; công an TP.HCM điều tra dấu hiệu sai phạm tại Công ty CP Cảng Phú Định; sàn giao dịch ngoại hối Hitoption bị đánh sập; lắp xong hai thang máy ở nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất…

Nanogen xin cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19 Nanocovax

Công ty Nanogen đã gửi đơn kiến nghị Thủ tướng sớm cấp phép khẩn cấp vaccine Nanocovax.

Mẫu vaccine Nanocovax do công ty Nanogen sản xuất tại nhà máy ở TP.HCM

Mẫu vaccine Nanocovax do công ty Nanogen sản xuất tại nhà máy ở TP.HCM

Ông Hồ Nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Nanogen cho biết, Công ty đã gửi vă bản và mong muốn vaccine Nanocovax sớm được cấp phép khẩn cấp có điều kiện, tương tự các loại vaccine của Nga, Trung Quốc. Nanogen cũng khẳng định quyết tâm đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine, nhằm mục tiêu Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II năm 2022.

Nanocovax hiện là ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng nhất của Việt Nam, đang thử nghiệm giai đoạn ba. Theo báo cáo từ Nanogen, khả năng sinh miễn dịch của Nancovax đạt 99,4%, không thua kém so với các vaccine khác trên thế giới. Các kết quả báo cáo giữa kỳ của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và hai được Hội đồng đạo đức, Bộ Y tế chấp thuận và đánh giá tốt. Trong khi đó, giá dự kiến của vaccine hiện chỉ 120.000 đồng/liều.

Theo ông Hồ Nhân, hiện công suất sản xuất của nhà máy Nanogen ước tính đạt 8 - 12 triệu liều một tháng. Công ty đang nâng cấp dây chuyền lên 30 - 50 triệu liều một tháng sau tháng 10 năm nay, dự kiến cung cấp đủ 50 triệu liều đến tháng 12 và 100 triệu liều vào năm 2022. Công ty cũng hoàn thiện, mở rộng hệ thống kho lạnh với sức chứa 10 triệu liều, đội ngũ xe lạnh bảo quản vaccine ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C, đạt chuẩn quốc tế.

Nanocovax là vaccine Covid-19 được nghiên cứu, phát triển từ tháng 6/2020, dựa trên công nghệ tái tổ hợp. Công nghệ tái tổ hợp là tích hợp trình tự một đoạn S protein gai trên nCoV vào dòng tế bào động vật mà Nanogen đang nuôi cấy, sản xuất ra protein, sau đó dùng protein này pha chế tạo thành vaccine.

Ngày 23/6, Hà Nội bầu Chủ tịch HĐND và UBND thành phố khoá mới

Tại Kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ bầu các chức danh thuộc thẩm quyền.

Kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI dự kiến diễn ra ngày 23/6/2021. Ảnh minh hoạ

Kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI dự kiến diễn ra ngày 23/6/2021. Ảnh minh hoạ

Thông báo của HĐND thành phố Hà Nội cho biết, ngày 23/6 HĐND Thành phố khoá XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra Kỳ họp thứ nhất.

Mở đầu kỳ họp, Ủy ban Bầu cử Thành phố báo cáo kết quả bầu cử đại biểu HĐND Thành phố và kết quả xác nhận tư cách đại biểu HĐND Thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND Thành phố bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố gồm:

Các chức danh của HĐND Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026: Chủ tịch HĐND Thành phố; các Phó Chủ tịch HĐND Thành phố; Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của các Ban HĐND.

Các chức danh của UBND Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026: Chủ tịch UBND Thành phố; các Phó Chủ tịch UBND Thành phố; các Ủy viên UBND Thành phố.

Các vị đại biểu HĐND Thành phố cũng sẽ bầu Hội thẩm Toà án Nhân dân Thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại Kỳ họp thứ nhất, HĐND Thành phố sẽ nghe thông báo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri và xem xét, thông qua nghị quyết quan trọng của Thành phố…

Công an TP.HCM điều tra dấu hiệu sai phạm tại Công ty CP Cảng Phú Định

Cho rằng có dấu hiệu sai phạm khi cổ phần hoá, tăng vốn điều lệ trong quá trình Công ty CP Cảng Phú Định thực hiện dự án, cơ quan điều tra TP.HCM đã vào cuộc.

Công ty Cổ phần cảng Phú Định

Công ty Cổ phần cảng Phú Định

Cơ quan an ninh điều tra Công an TP.HCM cho biết, đây là bước điều tra theo tin tố giác tội phạm, kết quả thanh tra liên quan đến sai phạm của doanh nghiệp nhà nước.

Trước đó, Thanh tra Thành phố đã thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong việc cổ phần hóa, tăng vốn điều lệ sau cổ phần hóa và thực hiện Dự án Cảng Phú Định tại Công ty CP Cảng Phú Định.

Để thực hiện dự án này, năm 2001, Thủ tướng có quyết định thu hồi hơn 64 ha tại Phường 16, Quận 8, và cho Công ty Cảng sông TP.HCM thuê trong 50 năm để xây cảng Phú Định.

5 năm sau, UBND TP.HCM ký quyết định chuyển Công ty Cảng Sông TP.HCM (đơn vị quản lý cảng Phú Định) thành Công ty TNHH MTV Cảng Sông TP.HCM (100% vốn Nhà nước) trực thuộc Tổng công ty Cơ Khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO).

Cuối năm 2014, Công ty Cảng Sông TP.HCM hoàn thành cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty CP Cảng Phú Định với vốn điều lệ 330 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Novaland là nhà đầu tư chiến lược, sở hữu tỷ lệ hơn 25%.

Đầu năm 2017, Tập đoàn Novaland tiếp tục mua lại cổ phần và sở hữu hơn 59% tại Công ty CP Cảng Phú Định. Như vậy, Nhà nước đã không còn nắm quyền chi phối công ty này.

Liên quan đến việc thay đổi quy hoạch khu cảng sông Phú Định năm 2015 - 2016, UBND TP.HCM bị cho là "chưa có ý kiến của Thủ tướng".

Cụ thể, khu cảng sông Phú Định có diện tích hơn 64 ha, với cơ cấu sử dụng đất gồm: 6,04 ha đất công nghiệp - kho tàng - bến bãi; hơn 44 ha đất phức hợp có chức năng ở; hơn 4 ha đất khu tái định cư cảng sông và hơn 10 ha đất sông rạch.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Khu đô thị Cảng Phú Định có mục tiêu kinh doanh bất động sản có quy mô diện tích khu đất, mặt nước, mặt bằng dự kiến sử dụng là 50,05 ha. Cơ cấu gồm 3.500 sản phẩm trong đó có 1.500 biệt thự, nhà ở liên kế, nhà phố thương mại, 2.000 sản phẩm căn hộ cao tầng. Tổng vốn đầu tư là 6.550 tỷ đồng.

Sàn giao dịch ngoại hối Hitoption bị đánh sập

Sàn giao dịch ngoại hối Hitoption bị xác định hoạt động trái pháp luật, lừa hàng chục nghìn người tham gia đầu tư với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Công an khám xét trụ sở sàn giao dịch ngoại tệ Hitoption

Công an khám xét trụ sở sàn giao dịch ngoại tệ Hitoption

Phòng An ninh kinh tế (Công an Hải Phòng) khi phá vụ án đã khởi tố, tạm giam hai người quản lý sàn là Nguyễn Thế Dương (trú quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Nguyễn Văn Quyền (huyện Gia Lâm, Hà Nội) để điều tra hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Đầu tháng 6/2020, Dương thành lập Công ty TNHH MTV ANT Group, sau đó nhờ Quyền thiết lập sàn giao dịch ngoại hối có tên miền Hitoption.

Nhà đầu tư giao dịch theo hình thức đặt cược tỷ giá lên hoặc xuống các cặp tiền điện tử trong thời gian 30 giây. Ai dự đoán đúng được hưởng 95% tiền đặt cược, nếu sai sẽ mất toàn bộ. Nhà đầu tư có thể ủy cho sàn chơi theo chế độ tự động.

Phần mềm do Quyền thiết lập có thể can thiệp vào việc đặt lệnh làm cho nhà đầu tư liên tục bị lỗ theo ý muốn của Dương, nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.

Để thu hút người chơi, Dương quảng cáo sàn xuất xứ Anh Quốc, cam kết lãi suất ổn định 6 - 15%/tháng. Người chơi có thể rút tiền vốn và lãi về bất kỳ lúc nào. Đặc biệt để mở rộng quy mô hoạt động, Dương thuê cả tầng 7 của một toà nhà ở phố Cầu Giấy, tuyển dụng gần 100 nhân viên chỉ làm nhiệm vụ gọi điện hoặc thông qua mạng xã hội để quảng cáo, môi giới, tư vấn người đầu tư tham gia.

Tại Hải Phòng, ban đầu hơn 30 người đã đầu tư tổng cộng 16,1 tỷ đồng, sau tăng lên 969 người. Tiền đổ vào đây hơn 629.000USD (gần 15 tỷ đồng).

Công an Hải Phòng đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) trong quá trình điều tra phát hiện các nghi can này còn quản trị hàng chục sàn giao dịch ngoại hối, sàn tiền ảo và các website có dấu hiệu tổ chức kinh doanh đa cấp.

Qua dữ liệu sơ bộ của 16 sàn giao dịch, công an xác định có khoảng 115.726 tài khoản với tổng tiền nộp hơn 7.505 tỷ đồng. Trong số này, hơn 611 tỷ đồng đã được rút ra.

Lắp xong hai thang máy ở nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất

Hai thang máy tổng sức chứa 48 người lắp ở nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất đã hoàn thành để vận hành, hỗ trợ khách lên xuống lầu cao.

Thang máy mới bổ sung ở kế bên thang cũ tại nhà xe TCP đã hoàn thành lắp đặt

Thang máy mới bổ sung ở kế bên thang cũ tại nhà xe TCP đã hoàn thành lắp đặt

Theo ông Phạm Văn Châu, Giám đốc Công ty CP Đầu tư TCP (đơn vị quản lý nhà xe), việc lắp đặt hai thang (mỗi chiếc vận chuyển 24 người) được hoàn thành. Các thang đã có thể hoạt động, song tại sân bay vắng khách do Covid-19 nên những thang cũ vẫn đủ đáp ứng. Hai thang máy mới sẽ được vận hành khi hành khách ở sân bay tăng cao.

Yêu cầu bổ sung thang máy ở nhà xe TCP được Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đưa ra sau khi sân bay Tân Sơn Nhất điều chỉnh các đường nội bộ hồi tháng 11/2020. Sau điều chỉnh, xe công nghệ (Be, Grab) không được đón khách tại 4 làn (A, B, C, D) trước nhà ga trong nước. Điều này khiến khách dùng dịch vụ ôtô công nghệ phải đi bộ lên tầng 3, 4, 5 toà nhà TCP để đón xe, trong khi hai thang máy hiện hữu không đủ đáp ứng.

Việc lắp hai thang ban đầu dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán, sau đó dời sang tháng 4/2021, rồi tiếp tục trễ hẹn. Hồi đầu tháng 4, sau khi đạt thỏa thuận với sân bay, hãng xe công nghệ Be được đón khách tại làn B ga đến quốc tế, cách nhà ga trong nước chừng 100 m. Hãng Grab đang chờ làm các thủ tục để ký hợp đồng nhượng quyền khai thác đón khách tại sân bay.

TP.HCM đề xuất chi 230 tỷ đồng hỗ trợ lao động tự do

230.000 người bán vé số, hàng rong, thu gom rác, bốc vác… ở TP.HCM bị mất việc, thu nhập do Covid-19 được đề xuất hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 230 tỷ đồng.

Người thu gom phế liệu thuộc nhóm được hỗ trợ trong gói 230 tỷ đồng

Người thu gom phế liệu thuộc nhóm được hỗ trợ trong gói 230 tỷ đồng

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, đề xuất đã được trình UBND thành phố Hồ Chí Minh. Nếu được thông qua, mỗi người sẽ nhận một triệu đồng; kinh phí từ ngân sách, quỹ phòng chống dịch.

Đối tượng được hưởng gói hỗ trợ này còn bao gồm người vận chuyển hàng hóa, làm việc tại hộ kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe; người làm việc tại địa điểm phải dừng hoạt động theo lệnh giãn cách (khu vui chơi, giải trí, sân khấu ca nhạc, trung tâm nhà hàng tiệc cưới; tại các di tích, bảo tàng; phố đi bộ, công viên...); cư trú tại địa phương. Nếu được kỳ họp HĐND Thành phố cuối tháng 6 đồng ý, người lao động được nhận hỗ trợ trong tháng 7.

Trước đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng trình UBND Thành phố gói hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng cho gần 310.000 lao động ảnh hưởng bởi dịch. Người bị nghỉ việc không lương trong 30 ngày (liên tục) trở lên, tính từ 1/5 đến 31/12/2021 sẽ được xét hỗ trợ.