Bản tin thời sự sáng 23/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Bộ Tài chính Mỹ kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ; giá vàng nhẫn sát giá vàng miếng; gần 300 tỷ đồng xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; chốt thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch TP.HCM…

Bộ Tài chính Mỹ kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ

Việt Nam nằm trong "danh sách theo dõi" nhưng Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định "không thao túng tiền tệ".

Trong lần đánh giá mới nhất, Mỹ đưa ra những nhận định tích cực về chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam

Trong lần đánh giá mới nhất, Mỹ đưa ra những nhận định tích cực về chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam

Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành báo cáo "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ". Trong báo cáo, cơ quan này khẳng định không có quốc gia đối tác nào của Mỹ bị xem là thao túng tiền tệ.

Để kết luận điều này, Bộ Tài chính Mỹ xem xét 3 tiêu chí gồm thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều kéo dài.

Theo đó, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không được quá 15 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai không vượt quá 3% GDP; và tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương trong 12 tháng. Nếu một quốc gia vi phạm 2 trong 3 tiêu chí trên thì sẽ bị đưa vào "danh sách theo dõi".

Việt Nam bị đưa vào "danh sách theo dõi" cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Singapore và Đức vốn đã ở trong danh sách từ trước đó bởi có 2 tiêu chí vượt ngưỡng, gồm thặng dư hàng hóa song phương và thặng dư cán cân vãng lai.

Với Việt Nam, thặng dư tài khoản vãng lai khoảng 5,8% GDP trong năm 2023. Thặng dư thương mại hàng hóa song phương của Việt Nam với Mỹ đạt 103 tỷ USD. Còn dự trữ ngoại hối là 88,1 tỷ USD, chiếm 21% GDP vào thời điểm cuối năm ngoái.

Báo cáo cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã mua ròng ngoại hối trong 4 quý (tính đến tháng 12/2023) khoảng 7 tỷ USD, tức 1,5% GDP.

Cùng với đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra nhận xét tích cực về kết quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Việt Nam. Đồng thời, cơ quan này đánh giá cao những tiến triển của Việt Nam trong việc hiện đại hóa và tăng tính minh bạch của chính sách tiền tệ, quản lý tỷ giá hối đoái. Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với NHNN Việt Nam và xác nhận rằng Việt Nam không thao túng tiền tệ.

Được biết, trong một năm tài chính, Mỹ sẽ có 2 lần công bố báo cáo theo dõi với một số đối tác thương mại lớn.

Giá vàng nhẫn sát giá vàng miếng

Giá vàng nhẫn SJC neo quanh mức 75,4 triệu đồng mỗi lượng, còn nhà vàng khác ở mức 76 triệu đồng, chỉ cách giá vàng miếng hơn 1 triệu đồng.

Vàng nhẫn tại một hàng vàng trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội được bán ra ở mức hơn 76 triệu đồng mỗi lượng

Vàng nhẫn tại một hàng vàng trên đường Trần Nhân Tông, Hà Nội được bán ra ở mức hơn 76 triệu đồng mỗi lượng

Sáng 22/6, cùng với đà giảm của thị trường thế giới, giá vàng nhẫn tròn trơn tại SJC giảm 400.000 đồng, về ngưỡng 75,4 triệu đồng mỗi lượng. Mức giảm ngày 22/6 tương ứng với mức tăng ngày 21/6, khi giá quốc tế tăng mạnh. Sau hai phiên, nhẫn tròn 24K tại SJC về lại vùng giá từ đầu tuần.

Trong khi đó, giá vàng miếng SJC đứng yên hai tuần nay, hiện quanh mức 77 triệu đồng. Diễn biến trên giúp thu hẹp khoảng cách giữa hai mặt hàng này chỉ còn hơn 1 triệu đồng. Trước đó, giai đoạn đầu năm khi giá vàng tăng mạnh, nhẫn trơn thường chênh lệch khoảng 10 triệu đồng so với giá vàng miếng.

Với những nhà vàng khác, giá vàng nhẫn ngày 22/6 neo quanh ngưỡng 76 triệu đồng mỗi lượng, có nơi cách giá vàng miếng chưa tới 1 triệu đồng.

Tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, nhẫn tròn được bán ra ở mức hơn 76 triệu đồng mỗi lượng. Với Bảo Tín Minh Châu, giá nhẫn tròn trơn bán ra cũng gần 76 triệu đồng, cao hơn khoảng 600.000 đồng so với nhẫn tròn tại SJC.

Với mức giá thế giới hiện tại, mỗi lượng vàng giao dịch tương ứng hơn 71 triệu đồng, quy đổi theo tỷ giá Vietcombank. Như vậy, giá vàng nhẫn hiện chênh khoảng 5 triệu đồng, còn giá vàng miếng chênh khoảng 6 triệu đồng.

Gần 300 tỷ đồng xây trạm dừng nghỉ trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

Tuyến cao tốc dài 99 km nối Bình Thuận - Đồng Nai chuẩn bị được xây trạm dừng nghỉ với tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua Đồng Nai

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây qua Đồng Nai

Cục Đường cao tốc Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) vừa phê duyệt kết quả chọn nhà đầu tư xây dựng, vận hành trạm dừng nghỉ thuộc Dự án Phan Thiết - Dầu Giây trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Nhà thầu trúng thầu là Liên danh Công ty CP Xe khách Phương Trang - Công ty TNHH Thành Hiệp Phát. Tổng vốn triển khai Dự án gần 300 tỷ đồng, trong đó khoảng 291 tỷ đồng chi phí xây dựng, hơn 3 tỷ đồng giải phóng mặt bằng.

Diện tích tổng thể mặt bằng trạm dừng nghỉ khoảng 120.000 m2, trong đó trạm bên phải tuyến khoảng 62.000 m2, trạm bên trái tuyến khoảng 57.000 m2. Vị trí xây trạm dừng ở khu vực giữa tuyến, giáp Đồng Nai - Bình Thuận. Dự án thực hiện trong 15 tháng, nhà đầu tư được quyền khai thác trạm dừng nghỉ trong 25 năm.

Các hạng mục xây dựng gồm dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông. Ngoài ra, còn có các công trình thương mại như nhà hàng, trạm xăng, trạm dịch vụ sửa chữa...

Đây là trạm dừng nghỉ đầu tiên trong 8 dự án trạm dừng nghỉ trên các đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đấu thầu thành công.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dài 99 km, điểm đầu nối cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận, điểm cuối ở nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai.

Khởi tố 3 nguyên cán bộ, nhân viên CDC Thừa Thiên Huế chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng

Từ tháng 6/2020 - 12/2021, Hoàng Văn Đức, Trần Thị Kim Xinh, Lê Nguyễn Thy Loan đã không thực hiện đúng quy định về mua vaccine, không hạch toán phí tiêm chủng theo quy định để chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Cơ quan công an thực hiện quyết định bắt tạm giam ông Hoàng Văn Đức, nguyên Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế

Cơ quan công an thực hiện quyết định bắt tạm giam ông Hoàng Văn Đức, nguyên Giám đốc CDC Thừa Thiên Huế

Chiều 22/6, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, khám xét nơi ở của 3 bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng, cấm đi khỏi nơi cư trú 1 đối tượng về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân phê chuẩn.

Hai đối tượng bị bắt tạm giam là Hoàng Văn Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Thừa Thiên Huế; Trần Thị Kim Xinh, nguyên Phó phụ trách Khoa Dược CDC tỉnh Thừa Thiên Huế; cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Lê Nguyễn Thy Loan, nhân viên thu phí CDC tỉnh Thừa Thiên Huế.

CDC tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế, được giao nhiệm vụ tiêm chủng vaccine dịch vụ theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, từ tháng 6/2020 đến tháng 12/2021, Hoàng Văn Đức, Trần Thị Kim Xinh, Lê Nguyễn Thy Loan đã không thực hiện đúng quy định về mua vaccine, không hạch toán phí tiêm chủng theo quy định để chiếm đoạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Chốt thời hạn trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch TP.HCM

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 269/TB-VPCP ngày 22/6/2024 kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một góc TP.HCM

Một góc TP.HCM

Thông báo nêu rõ, Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của vùng Đông Nam Bộ và khu vực; là cơ sở để điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, lập các quy hoạch cấp dưới.

Trong đó, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch và phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã trên địa bàn Thành phố; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư và triển khai các dự án của Thành phố theo thứ tự ưu tiên.

Để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch, Thường trực Chính phủ yêu cầu nội dung Quy hoạch TP.HCM cần định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở; tư tưởng hiện đại, có tầm nhìn chiến lược, đổi mới sáng tạo; đột phá về cơ chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực; không cầu toàn, nóng vội; quy hoạch theo lộ trình.

Tận dụng tối đa các cơ hội, hóa giải những thách thức (thể chế, sụp lún, ngập lụt, ùn tắc giao thông); xác định rõ điểm nghẽn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong thời gian qua để có giải pháp phù hợp, triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại Quy hoạch Thành phố.

Tiếp tục rà soát, xác định rõ chức năng, vai trò, vị trí, tầm quan trọng của TP.HCM đối với vùng và quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại để tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Thành phố.

Thông báo nêu rõ, Quy hoạch đảm bảo tính chiến lược, lâu dài, toàn diện; định hướng phân bổ nguồn lực phân kỳ đầu tư, ưu tiên trọng tâm trọng điểm, xác định dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Thành phố…

Đẩy nhanh việc triển khai Đề án hình thành Trung tâm tài chính quốc tế, Đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và Trung tâm đổi mới sáng tạo, công nghiệp.

UBND TP.HCM khẩn trương rà soát, hoàn thiện Quy hoạch Thành phố theo quy định pháp luật, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát theo quy định pháp luật; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt muộn nhất trong nửa đầu tháng 7/2024.

Xuất khẩu cà phê lần đầu vượt 3 tỷ USD sau nửa năm

Gần 6 tháng qua, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Đức là quốc gia nhập khẩu nhiều cà phê Việt Nam nhất.

Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 862.400 tấn

Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 862.400 tấn

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến nửa đầu tháng 6, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt hơn 862.400 tấn, trị giá 3,04 tỷ USD, giảm hơn 8% về lượng nhưng tăng 38% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức cao kỷ lục so với cùng kỳ các năm từ trước tới nay.

Về giá, trong tháng 5, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 4.275 USD/tấn, tăng 14% so với tháng 4 và tăng 66% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt 3.475 USD/tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tháng 5, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang hầu hết thị trường truyền thống và tiềm năng đều giảm, ngoại trừ Trung Quốc. Tính chung 5 tháng, Việt Nam giảm xuất khẩu cà phê sang các thị trường Đức, Italy, Mỹ, Nga, nhưng tăng xuất khẩu sang các thị trường Tây Ban Nha, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Hà Lan, Trung Quốc.

Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm, Đức nhập khẩu 104.375 tấn cà phê Việt Nam, trị giá gần 350 triệu USD; Italy nhập 80.655 tấn, trị giá hơn 254 triệu USD; Mỹ nhập 50.033 tấn, trị giá gần 170 triệu USD; Nhật Bản nhập 56.931 tấn, trị giá hơn 210 triệu USD; Tây Ban Nha nhập 60.805 tấn, trị giá 217 triệu USD; Nga nhập 43.964 tấn, trị giá gần 162 triệu USD; Trung Quốc nhập 22.105 tấn, trị giá 84 triệu USD...

Những ngày đầu tháng 6, giá cà phê Robusta tại thị trường nội địa tăng so với cuối tháng 5. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện lượng cà phê tồn kho tại thị trường nội địa còn rất ít.

Kết thúc 8 tháng đầu niên vụ 2023 - 2024 (bắt đầu từ tháng 10/2023 đến tháng 5/2024), Việt Nam xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, tương đương 80% sản lượng của niên vụ hiện tại và giảm 7% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Theo Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện nay giá cà phê đang tăng mạnh, nên sản lượng cà phê xuất khẩu có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch vẫn bứt phá. Vicofa dự kiến xuất khẩu cà phê trong năm 2024 có thể thu về khoảng 4,5 - 5 tỷ USD.

Bắt tạm giam thêm một giám đốc liên quan sai phạm ở Vườn quốc gia U Minh Thượng

Ngày 22/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang (Phòng Cảnh sát kinh tế) cho biết, vừa phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tỉnh tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thắng Định Phát về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Công an cung cấp

Cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Công an cung cấp

Mở rộng điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Vườn quốc gia U Minh Thượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang xác định, bị can Thắng có vai trò đồng phạm. Qua đó đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng trong Dự án bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia U Minh Thượng đến năm 2020.

Liên quan đến vụ án nói trên, vào tháng 3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Phạm Quốc Dân (nguyên Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng) về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị khởi tố và bị bắt tạm giam với ông Dân còn có 2 người khác là Bùi Ngọc Hà (Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây lắp 579 Hà Nội) và Nguyễn Viết Thành (nguyên nhân viên Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Triệu Xuân Thịnh) về hành vi vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị can trên bị khởi tố, bắt tạm giam vì có sai phạm liên quan đến Dự án Đầu tư, khôi phục, bảo vệ và phát triển Vườn quốc gia U Minh Thượng (Dự án khôi phục) và Dự án Bảo tồn và phát triển Vườn quốc gia Minh Thượng đến năm 2020 (Dự án bảo tồn) do Vườn quốc gia U Minh Thượng làm chủ đầu tư, có tổng vốn đầu tư gần 227 tỷ đồng.