Đề xuất dùng xe điện cho buýt nhanh ở TP.HCM
Sở Giao thông vận tải (GTVT) kiến nghị dùng xe điện cho tuyến buýt nhanh đầu tiên ở TP.HCM nhằm hạn chế tiếng ồn, ít ô nhiễm môi trường.
Phối cảnh trạm BRT Số 1 |
Nội dung vừa được Sở GTVT gửi UBND TP.HCM, sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) đề xuất sử dụng xe điện cho tuyến buýt nhanh thuộc Dự án Phát triển giao thông xanh ở Thành phố (Dự án BRT Số 1).
Tuyến BRT dài 26 km theo hành lang đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ kết nối vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh) đến cầu Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức). Trên tuyến, Thành phố dự tính đầu tư 42 xe; xây trạm dừng, cầu đi bộ, ga đầu cuối, bãi hậu cần, hệ thống quản lý hiện đại... Đây là tuyến đầu tiên trong 6 tuyến BRT được quy hoạch ở TP.HCM.
Ngành giao thông Thành phố đánh giá buýt điện không phát thải khói bụi gây ô nhiễm môi trường, không gây ồn; vận hành an toàn, ít nguy cơ cháy nổ. Đồng thời, chi phí vận hành, bảo dưỡng tiết kiệm hơn so với các loại xe sử dụng động cơ đốt trong....
Tuy nhiên, Sở GTVT cho biết, xe điện có chi phí đầu tư cao hơn ôtô sử dụng dầu diesel, CNG, dẫn đến kinh phí trợ giá khi buýt nhanh vận hành cũng nhiều hơn. Việc xây dựng hệ thống trạm sạc, hạ tầng phục vụ cũng phải thực hiện song song với phát triển xe điện. Ngoài ra, công tác đấu thầu chọn đơn vị cung cấp xe cùng dịch vụ vận tải cũng gặp khó do hiện chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá chi phí cho buýt điện.
Để khả thi trong việc triển khai, Sở GTVT kiến nghị chính quyền Thành phố giao Chủ đầu tư phối hợp các bên nghiên cứu thông số thiết kế xe điện phù hợp với buýt nhanh. Ngành giao thông sẽ xây dựng định mức, đơn giá dịch vụ cung ứng vận tải hành khách công cộng bằng buýt nhanh để lập dự toán kinh phí đấu thầu hoặc đặt hàng.
Sẽ khởi công nhà ga hành khách sân bay Long Thành đúng tiến độ tháng 11
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đang triển khai các thủ tục để khởi công xây dựng phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành theo đúng tiến độ, dự kiến vào đầu tháng 11/2022.
Thi công gói thầu san nền thoát nước dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 |
Đầu năm 2021, Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 được khởi công 2 gói thầu chính, gồm gói thầu san nền thoát nước và gói thầu cọc móng nhà ga hành khách.
Theo ACV, các gói thầu san nền thoát nước và cọc móng nhà ga hành khách thi công đảm bảo và vượt tiến độ là điều kiện rất quan trọng để khởi công hạng mục xây dựng phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 đúng kế hoạch. Đây là hạng mục quan trọng quyết định tiến độ của toàn Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.
ACV cho biết, trong tháng 8/2022, sẽ thực hiện phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp phần thân nhà ga hành khách; đến đầu tháng 11/2022 sẽ triển khai thi công xây dựng phần thân nhà ga hành khách sân bay Long Thành.
Nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1 có công suất 25 triệu lượt hành khách/năm.
Bắc Ninh yêu cầu dừng thi công điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh yêu cầu dừng thi công tại công trường đối với các doanh nghiệp đang triển khai lắp đặt điện mặt trời mái nhà.
Bắc Ninh đã yêu cầu dừng ngay thi công điện mặt trời áp mái nhà trong khu công nghiệp. Ảnh minh họa. |
Liên quan đến việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh này vừa có văn bản yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp thực hiện kiểm tra, rà soát, lập danh sách báo cáo về các doanh nghiệp đã và đang triển khai đầu tư, lắp đặt điện mặt trời thuộc phạm vi khu công nghiệp của mình.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nếu đang triển khai đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải dừng ngay thi công tại công trường.
Với các doanh nghiệp đang có kế hoạch đầu tư, các doanh nghiệp đã lắp đặt hoàn thành, đang hoạt động điện mặt trời mái nhà phải báo cáo cụ thể về quy mô, thông số dự án, tình hình thực hiện.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, sau khi rà soát thực tế, tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà khi chưa được các cơ quan chức năng quản lý nhà nước cấp phép, tại thời điểm này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về công trình điện mặt trời mái nhà của cơ quan chức năng.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, nhà đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà phải cam kết tự chịu trách nhiệm về công trình xây dựng phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn, quy định của pháp luật hiện hành, mái nhà của công trình xây dựng phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của công trình xây dựng... để được ký hợp đồng mua bán điện.
Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu đầu tư sân bay Nà Sản theo hình thức PPP
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa giao Bộ GTVT nghiên cứu phương án đầu tư sân bay Nà Sản theo hình thức đối tác công tư PPP từ đề xuất của tỉnh Sơn La.
Cảng hàng không Nà Sản có vai trò quan trọng trong mạng sân bay chính ở khu vực Tây Bắc, cũng như trong hệ thống mạng sân bay quân sự quốc gia. |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về kiến nghị của UBND tỉnh Sơn La, xin được làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án đầu tư sân bay Nà Sản theo hình thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu kiến nghị của địa phương.
Sân bay Nà Sản được người Pháp xây dựng từ những năm 1950 tại địa phận xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La), cách thành phố Sơn La khoảng 20 km về phía Nam.
Đầu tháng 3/2022, UBND tỉnh Sơn La có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không Nà Sản; trong đó, tỉnh Sơn La kiến nghị Thủ tướng chấp thuận về chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Nà Sản theo hình thức PPP và giao cho UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện Dự án.
Theo phương án tài chính sơ bộ được Sơn La tính toán, tổng mức đầu tư dự kiến 3.028 tỷ đồng, giai đoạn 1 cần 2.560 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn là 47 năm 3 tháng.
Nếu được chuẩn thuận, Dự án sẽ được chuẩn bị 1 năm, từ quý II/2022 đến quý II/2023. Tiếp đó, sẽ cần khoảng hơn 2 năm để thi công trước khi vận hành khai thác vào năm 2026.
Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng chấp thuận giao UBND tỉnh Sơn La là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Nà Sản theo quy hoạch được duyệt.
Trong Quy hoạch phát triển GTVT hàng không Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, sân bay Nà sản với quy mô cảng hàng không nội địa cấp 4C và sân bay quân sự cấp I, là loại sân bay dùng chung dân dụng và quân sự; công suất đến năm 2030 đạt 1,5 triệu hành khách/năm.
Giá thép giảm tiếp nửa triệu đồng một tấn
Giá thép giảm lần thứ 14 liên tiếp với biên độ 300 - 500 nghìn đồng một tấn, hiện về quanh 14,4 - 15,7 triệu đồng.
Giá thép giảm lần thứ 14 liên tiếp |
Vừa mới điều chỉnh cách đây 2 tuần, giá thép tiếp tục có lần giảm thứ 14 liên tiếp tính từ giữa tháng 5 tới nay. Lần này, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Nhật, Kyoei... đều giảm giá thép 300 - 500 nghìn đồng một tấn.
Thép Miền Nam là một trong những thương hiệu giảm giá mạnh nhất. Sản phẩm thép thanh vằn D10 CB300 được doanh nghiệp này giảm đến 510 nghìn đồng, thép cuộn CB240 hạ 360 nghìn đồng, lần lượt về mức 15,73 triệu đồng và 15,12 triệu đồng một tấn.
Sau khi giảm 350 - 400 nghìn đồng, giá thép Việt Đức hiện nằm trong nhóm thấp nhất thị trường. Thép D10 CB300 về mức 15,1 triệu đồng một tấn, thép CB240 hạ còn 14,4 triệu đồng một tấn.
Lũy kế hơn 3 tháng qua, giá thép trong nước đã giảm khoảng 4,5 triệu đồng một tấn. Nhìn chung, vật liệu xây dựng cốt yếu này hiện được bán quanh 14,4 - 15,7 triệu đồng một tấn. Tuy đã giảm liên tiếp, giá thép hiện tại vẫn cần 4 - 5 lần điều chỉnh với biên độ tương tự, mới có thể quay về mốc 12,5 triệu đồng một tấn trước "bão" giá.
Hà Nội dự kiến kiểm định khí thải xe máy từ 2024
Từ năm 2024, xe máy sau 5 năm sử dụng sẽ được kiểm định, nếu không đạt tiêu chuẩn khí thải có thể bị thu phí và hạn chế lưu thông tại một số khu vực ở Hà Nội.
Đo kiểm tra khí thải xe máy tại Hà Nội |
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội vừa báo cáo kết quả Chương trình đo kiểm khí thải môtô, xe gắn máy cũ và đề xuất lộ trình kiểm định khí thải. Theo đó, năm 2023 các đơn vị chức năng của Thành phố sẽ xây dựng khung pháp lý và ban hành kế hoạch kiểm soát khí thải xe máy; nghiên cứu phân vùng bảo vệ môi trường không khí và hạn chế xe máy.
Giai đoạn 2024 - 2025, Thành phố tổ chức thí điểm kiểm định hàng năm với xe máy từ 5 năm sử dụng trở lên, có thể nghiên cứu dán tem để phân biệt. Giai đoạn này cũng bắt đầu áp dụng phân vùng khu vực theo tiêu chuẩn khí thải.
Sau thí điểm, từ năm 2026, xe 3 - 5 năm sử dụng trở lên phải kiểm định khí thải định kỳ, đồng thời hạn chế các xe không đạt tiêu chuẩn khí thải tại khu vực đã phân vùng. Thành phố sẽ nghiên cứu áp dụng thu phí khí thải cho các khu vực theo phân vùng bảo vệ.
Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống kiểm soát khí thải xe máy bao gồm 170 trạm kiểm định cố định và lưu động; đầu tư hệ thống camera giao thông để phát hiện xe xả khói đen.
Tùy theo từng giai đoạn, Thành phố có thể điều chỉnh nội dung của kịch bản. Với những xe không đạt tiêu chuẩn khí thải, đã cũ nát..., Thành phố có chính hỗ trợ chủ xe phải thu hồi từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp để chuyển đổi phương tiện không đạt tiêu chuẩn khí thải hoặc chuyển đổi sinh kế.