Bản tin thời sự sáng 24/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Quốc lộ 1A thông xe; ông Lê Vinh Danh bị cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng; thêm 18 tuyến đường ở TP.HCM bị ngập; đường sắt thiệt hại hơn 26 tỷ đồng do mưa lũ; sau 2025 mới tính chuyện nâng cấp sân bay Cà Mau…

Quốc lộ 1A thông xe

Quốc lộ 1A qua Quảng Bình, Hà Tĩnh đã thông xe sau 4 ngày ngập nước, đường Hồ Chí Minh vẫn ách tắc do nhiều điểm sạt lở.

Quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh ùn tắc do có nhiều điểm bị ngập nước ngày 19/10

Quốc lộ 1 qua Hà Tĩnh ùn tắc do có nhiều điểm bị ngập nước ngày 19/10

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngày 23/10, Quốc lộ 1A qua thành phố Hà Tĩnh nước đã rút tại km511 - km512 nên xe cộ đi lại bình thường. Đoạn qua Quảng Bình tại km681 - km697 nước cũng rút, tuy nhiên người dân đưa đồ dùng, quần áo cùng lúa gạo ra phơi trên mặt đường nên lực lượng chức năng đang cấm đường và phân luồng cho xe đi theo đường tránh lũ.

Các quốc lộ khác như 49C, 9B, 9C, 9E qua Quảng Bình, Quốc lộ 49B qua Thừa Thiên Huế cũng thông tuyến vì nước đã rút.

Hiện nay một số đoạn đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua tỉnh Quảng Bình vẫn còn ngập 0,5 m; Quốc lộ 15 qua tỉnh này ngập 1m nên còn cấm đường.

Mặc dù nước rút, nhiều quốc lộ qua Quảng Bình, Quảng Trị đang bị sạt lở, chưa thể thông xe. Đường Hồ Chí Minh nhánh tây qua Quảng Bình có 2 điểm sạt lở tại km81, km83; qua Quảng Trị có 7 điểm và qua Thừa Thiên Huế có 12 điểm.

Quốc lộ 12A đoạn Khe Ve - Cha lo (Quảng Bình) đã bị lún sụt nền đường nên vẫn cấm phương tiện mấy ngày qua. Quốc lộ 12C đoạn qua xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) bị sụt trượt tại taluy dương khối lượng lớn.

Quốc lộ 9B (đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - Chút Mút) có nhiều điểm sụt trượt mái ta luy dương, xói trôi nền đường. Quốc lộ 9C bị đất đá sụt trượt khối lượng lớn, lực lượng chức năng đang cố gắng thông tuyến một chiều đường. Quốc lộ 9E đoạn km25 có nhiều điểm sụt trượt và một điểm xói trôi đứt đường 25 m.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng thiệt hại do mưa lũ và chi phí khắc phục các tuyến đường ở miền Trung khoảng 350 tỷ đồng. Hiện ngành giao thông bảo đảm kinh phí sửa chữa bước một khoảng 200 tỷ đồng.

Ông Lê Vinh Danh bị cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng đối với ông Lê Vinh Danh vì đã vi phạm một số quy định.

Ông Lê Vinh Danh tại Đại học Tôn Đức Thắng, tháng 3/2016

Ông Lê Vinh Danh tại Đại học Tôn Đức Thắng, tháng 3/2016

Chiều 23/10, quyết định này được công bố tại hội nghị Đại học Tôn Đức Thắng với sự tham gia của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, Thành ủy TP.HCM, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cán bộ chủ chốt của Trường.

Hồi đầu tháng 8, ông Lê Vinh Danh bị đình chỉ chức Bí thư Đảng uỷ trường. Đến ngày 18/9, ông bị Ban Thường vụ Đảng ủy khối Đại học, Cao đẳng TP.HCM cách tất cả chức vụ trong Đảng. Sáu ngày sau, ông Danh bị Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đình chỉ công tác chức vụ hiệu trưởng.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM sau đợt kiểm tra Đảng ủy Trường Tôn Đức Thắng nhiệm kỳ 2015 - 2020, ông Danh có những khuyết điểm, vi phạm như chỉ đạo xây dựng, ban hành quy chế làm việc và các quy chế, quy định của trường có nội dung không đầy đủ, không bám sát quy định của Đảng, pháp luật.

Kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng chỉ ra, trong công tác tổ chức, cán bộ, ông Danh thực hiện chưa đúng quy định của Đảng, pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông Danh đã trực tiếp ký các văn bản thể hiện không chấp hành các chỉ đạo của Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ của Trường.

Ngoài ra, ông Danh còn bị cho là có nhiều vi phạm trong công tác quản lý tài chính, tài sản, phê duyệt dự án đầu tư... Hiệu trưởng này đã tự ký ban hành Nghị quyết kết thúc nhiệm kỳ Hội đồng trường và các Phó hiệu trưởng, tự gia hạn nhiệm kỳ cho Hiệu trưởng - trái quy định về nội dung, trình tự, thẩm quyền.

Thêm 18 tuyến đường ở TP.HCM bị ngập

Trong 9 tháng đầu năm nay, TP.HCM ghi nhận thêm 35 tuyến đường bị ngập, tăng 18 tuyến so với cùng kỳ năm ngoái, tổng lượng mưa tăng 33% so với cùng kỳ.

Cơn mưa lớn chiều 24/9 khiến đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức ngập sâu

Cơn mưa lớn chiều 24/9 khiến đường Tô Ngọc Vân, quận Thủ Đức ngập sâu

Theo số liệu chống ngập 9 tháng đầu năm 2020 của Sở Xây dựng, các đường thường xuyên ngập sâu: Quốc lộ 50, Nguyễn Văn Khối, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Ngọc Lãm, Song Hành Quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Phạm Văn Chiêu, Bình Lợi, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Nguyễn Văn Quá...

Ngoài ra, số ngày mưa năm nay ít hơn 18 ngày so với năm ngoái (110/128 ngày), nhưng tổng lượng mưa đo ở các trạm lên tới 1.184 mm so với năm ngoái chỉ 890 mm (tăng 33%). Số ngày mưa có lượng trên 50 mm năm nay cũng tăng tới 140% so với năm ngoái, tức 36 ngày so với 15 ngày.

Năm 2019, TP.HCM chỉ có một ngày mưa vượt tần suất thiết kế của hệ thống cống, nhưng năm nay có tới 6 ngày, tăng 600%. Trận mưa kỷ lục chiều 6/8 tại trạm Mạc Đĩnh Chi, Quận 1 với mức 212 mm được cho là lớn nhất năm, khiến 35 tuyến đường thành phố chìm trong biển nước.

Về ngập do triều, so với cùng kỳ năm 2019, số ngày triều gây ngập giảm từ 8 xuống 4, tức giảm 50%. Số tuyến đường ngập cũng giảm từ 14 xuống còn 4 tuyến đường, giảm 71%. Bốn tuyến đường ngập do triều trong năm nay là Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè), Nguyễn Văn Hưởng (Quận 2), Bình Quới (quận Bình Thạnh).

Đường sắt thiệt hại hơn 26 tỷ đồng do mưa lũ

Tổng công ty Đường sắt đã giảm doanh thu vận tải và phát sinh chi phí khoảng 26,9 tỷ đồng do ảnh hưởng của mưa lũ miền Trung.

Chạy tàu thử qua đoạn đường sắt bị xói lở tại Km 556+400 Quảng Bình

Chạy tàu thử qua đoạn đường sắt bị xói lở tại Km 556+400 Quảng Bình

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 7/10 đến nay đã khiến hơn 30 điểm trên tuyến đường sắt Bắc - Nam bị xói trôi nền đá, sạt lở taluy, mố cầu, đất đá trên núi tràn xuống đường ray, nhiều điểm nước dâng cao ngập trên đỉnh ray đến 80 cm.

Mưa bão đã gây ngập cung đường Huế - Đông Hà và đoạn Đông Hà đến Đồng Hới, khiến gián đoạn vận tải đường sắt Bắc - Nam trong nhiều ngày. Tàu ngừng chạy khiến Tổng công ty Đường sắt đã giảm doanh thu vận tải và phát sinh chi phí khoảng 26,9 tỷ đồng.

Trong đó, vận tải hành khách thiệt hại 16,2 tỷ đồng. Đơn vị đường sắt đã phải rút ngắn hàng trình và chuyển tải hành khách của 72 đoàn tàu đi qua vùng ngập khiến giảm doanh thu 9,6 tỷ đồng; phát sinh chi phí suất ăn miễn phí cho hành khách và chi trả khoảng 6,6 tỷ đồng do hành khách trả lại hơn 12.000 vé.

Vận tải hàng hóa thiệt hại khoảng 10,7 tỷ đồng do ngừng chạy 63 chuyến tàu hàng.

Trong mưa lũ, hệ thống thông tin tín hiệu nhiều nơi bị hư hỏng, mưa lũ gây mất điện lưới khiến phải chạy máy phát điện. Tại một số đường ngang, hộp cảm biến bị ngập nước nên đơn vị quản lý đường phải cử người cảnh giới và treo biển hư hỏng thiết bị để các phương tiện qua lại chú ý an toàn. Thiệt hại về hạ tầng chưa được ngành đường sắt thống kê chi tiết.

Sau 2025 mới tính chuyện nâng cấp sân bay Cà Mau

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau giai đoạn sau năm 2025.

Cảng hàng không Cà Mau hiện chỉ khai thác được máy bay ATR72

Cảng hàng không Cà Mau hiện chỉ khai thác được máy bay ATR72

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc nghiên cứu đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau.

ACV cho biết, theo Kế hoạch đầu tư, nâng cấp phát triển hệ thống cảng hàng không/sân bay trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, doanh nghiệp này dự kiến sẽ nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư, nâng cấp phát triển Cảng hàng không Cà Mau sau giai đoạn 2021 - 2025.

Được biết, Cảng hàng không Cà Mau là sân bay cấp 3C gồm 1 nhà ga hành khách công suất 200.000 khách, 2 vị trí đỗ vận hành theo phương thức tự lăn, đáp ứng tàu bay ATR72 và tương đương, một đường cất hạ cánh kích thước 1.500m x 30m.

Giai đoạn 2012 - 2019, sản lượng khai thác tại Cảng hàng không Cà Mau duy trì ở mức độ ổn định, với 2 lượt/chuyến/ngày, tương đương 14 lượt/chuyến/tuần. Sản lượng vận chuyển hàng năm đạt khoảng 30 - 38 nghìn khách.

Năm 2020 chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, sản lượng vận chuyển khai thác tại Cảng hàng không Cà Mau giảm mạnh chỉ còn 6 lượt chuyến/tuần. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến tăng trưởng bình quân tại Cảng chỉ đạt khoảng 4%/năm. Theo đó, dự kiến đến năm 2025 chỉ đạt khoảng 40.000 khách/năm.

Đề xuất chi 227 tỷ đồng mỗi năm để nạo vét sông Soài Rạp

TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chi mỗi năm 227 tỷ đồng trong 5 năm tới để nạo vét luồng Soài Rạp cho tàu tải trọng lớn ra vào cảng biển thành phố.

Luồng Soài Rạp nối TPHCM với Biển Đông

Luồng Soài Rạp nối TPHCM với Biển Đông

Đây là chi phí nạo vét luồng Soài Rạp mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2025 được Sở Giao thông vận tải TP.HCM tính toán và tham mưu UBND Thành phố kiến nghị Trung ương chi.

Theo số liệu của cơ quan chức năng, khối lượng sa bồi trung bình 5 năm qua của luồng Soài Rạp khoảng 2 triệu m3 mỗi năm. Vì vậy, việc nạo vét con sông này là cần thiết để duy trì cao độ đáy luồng 9 m đảm bảo cho tàu 30.000 - 50.000 tấn thuận lợi ra vào cảng biển TP.HCM, các cảng trên sông Soài Rạp.

Hoàn thành giữa năm 2014, Dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) có tổng chiều dài 54 km được thực hiện trên diện tích 1.308 ha mặt nước sông ở TP.HCM, Long An và Tiền Giang. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Bỉ và vốn đối ứng của TP.HCM (624 tỷ đồng). Nhờ tuyến đường biển mới này, tàu thuyền lớn từ Biển Đông và từ Đồng bằng sông Cửu Long vào TPHCM được rút ngắn rất nhiều lộ trình.

Tin cùng chuyên mục