Bản tin thời sự sáng 24/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là người trúng đấu giá 151 tỷ thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt rút lui; hàng nghìn camera công cộng ở Đà Nẵng không hoạt động; đường sắt Đà Lạt - Trại Mát xuống cấp rất nghiêm trọng; TP.HCM tính phương án giải cứu tuyến buýt điện đầu tiên; phê bình nhà thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm hoàn trả đường dân sinh…

Người trúng đấu giá 151 tỷ thuê nhà hàng Thủy Tạ Đà Lạt rút lui

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, người trúng đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ với mức giá hơn 151 tỷ đồng cho 10 năm đã rút lui.

Nhà hàng Thủy Tạ nằm ngay trung tâm TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Nhà hàng Thủy Tạ nằm ngay trung tâm TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Ngày 23/11, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, ông Đoàn Hải Hà, trú tại phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội gửi đơn xin không đầu tư nhà hàng Thủy Tạ, chấp thuận bỏ cọc hơn 600 triệu đồng nộp khi tham gia đấu giá. Chính quyền Thành phố đã đồng ý cho ông này rút lui, đồng thời tiến hành các thủ tục liên quan.

Sau 15 ngày kể từ khi được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả trúng đấu giá nhà hàng Thủy Tạ, ông Đoàn Hải Hà (trú TP. Hà Nội, người trúng đấu giá) chưa nộp tiền thuê đất và tài sản trên đất (hơn 151 tỷ đồng/10 năm, đóng một lần).

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị này mới tiếp nhận thông tin ông Đoàn Hải Hà không đầu tư vào khu đất nhà hàng Thủy Tạ. Việc có tổ chức các đợt đấu giá khác hay không, đơn vị đang chờ ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo tìm hiểu, lý do khiến người trúng đấu giá rút lui được cho là do trước đó, ông Hải có văn bản xin phép đổi tên nhà hàng Thủy Tạ, tuy nhiên chính quyền địa phương không đồng ý.

Trước đó, ngày 30/10, ông Đoàn Hải Hà (trú TP. Hà Nội) đã trúng đấu giá thuê khu vực nhà hàng Thủy Tạ với giá 15,15 tỷ đồng/năm.

Giá khởi điểm được đưa ra cho khu vực nhà hàng này là 3,04 tỷ đồng/năm. Số tiền tăng thêm do đấu giá qua 63 bước giá là trên 12 tỷ đồng/năm.

Ngày 8/11, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt kết quả đấu giá cho thuê tài sản trên đất và thuê đất trả tiền hàng năm với nhà hàng Thủy Tạ tại TP. Đà Lạt.

Theo quy định, người thắng đấu giá phải nộp tiền một lần cho thời hạn thuê 10 năm với tổng số tiền 151,5 tỷ đồng. Như vậy, giá thuê khu đất này tính theo ngày rơi vào khoảng 41,6 triệu đồng/ngày.

Hàng nghìn camera công cộng ở Đà Nẵng không hoạt động

TP. Đà Nẵng có gần 4.900 camera ở khu vực công cộng, khu dân cư, nhưng chỉ còn hơn 1.500 chiếc hoạt động, đa số không rõ nét.

Một camera do người dân lắp đặt trên đường Hùng Vương, quận Thanh Khê

Một camera do người dân lắp đặt trên đường Hùng Vương, quận Thanh Khê

Tại chương trình HĐND TP. Đà Nẵng với cử tri sáng 23/11, người dân nêu ý kiến Thành phố đã lắp hệ thống camera an ninh tại khu dân cư để bảo đảm an ninh trật tự và vệ sinh môi trường, góp phần răn đe đối tượng xấu. Tuy nhiên, do trang bị từ năm 2017, đến nay chất lượng hình ảnh không tốt, nhiều chiếc hư hỏng.

"Đề nghị Thành phố rà soát hệ thống camera an ninh công cộng và sửa chữa để phát huy hiệu quả, tránh lãng phí", cử tri nói.

Thượng tá Nguyễn Đại Đồng, Phó Giám đốc Công an TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay toàn Thành phố có 4.849 camera được lắp đặt ở khu vực công cộng, khu dân cư, tổ dân phố, thôn thông qua hình thức xã hội hóa. Ngoài ra, còn có hơn 29.000 camera do người dân tự lắp đặt, có góc quay phục vụ giám sát trật tự công cộng.

Công an Thành phố đã đánh giá toàn bộ hệ thống camera được lắp đặt từ nguồn xã hội hóa. Kết quả số không hoạt động hơn 3.300, chiếm 68%. Trong hơn 1.500 camera đang hoạt động chỉ có 526 chiếc có chất lượng, còn lại đều không rõ nét. Hiện hệ thống không có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên.

Cơ quan công an đã đề xuất Thành phố bố trí nguồn ngân sách nhằm duy tu, bảo dưỡng các camera đang hoạt động, đồng thời khôi phục một số camera ở các vị trí quan trọng để đảm bảo an ninh trật tự.

Ngoài số camera từ nguồn xã hội hóa và nhà dân, hiện nay công an Đà Nẵng quản lý và khai thác hơn 1.800 camera giám sát an ninh trật tự, được đầu tư những năm trước từ ngân sách của Bộ Công an và Công an TP. Đà Nẵng.

TP.HCM tính phương án giải cứu tuyến buýt điện đầu tiên

Sau hơn một năm thí điểm, tuyến buýt điện đầu tiên của TP.HCM (tuyến D4) báo lỗ gần 30 tỷ đồng. Sở GTVT TP.HCM sẽ đề xuất UBND Thành phố nâng tỷ lệ trợ giá cho loại phương tiện này. Công ty vận hành có khả năng phải xin ngừng hoạt động tuyến buýt điện này vào cuối năm nay.

Sở GTVT TP.HCM sẽ đề xuất UBND Thành phố nâng tỷ lệ trợ giá cho loại phương tiện này

Sở GTVT TP.HCM sẽ đề xuất UBND Thành phố nâng tỷ lệ trợ giá cho loại phương tiện này

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội chiều 23/11, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã gửi tới phản hồi liên quan vấn đề này.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, tuyến buýt D4 thực hiện được 28.842 chuyến vận chuyển với khoảng 819.075 lượt hành khách. Kết quả này đã giúp TP.HCM giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân lưu thông trên đường, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường.

Về chất lượng dịch vụ, kết quả khảo sát hành khách cho thấy, tuyến buýt điện đầu tiên của TP.HCM đều đạt 89 - 95 điểm (thang điểm 100).

Qua hoạt động, sản lượng hành khách tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, tuyến buýt điện của TP.HCM vẫn gặp nhiều khó khăn, lượng khách tăng trưởng không như kỳ vọng.

Công ty vận hành tuyến buýt điện D4 nhận định, tỷ lệ trợ giá 44,1% đang được hưởng là thấp trong điều kiện hiện nay. Điều này dẫn đến sự thua lỗ của công ty. Do đó, đơn vị này đề nghị điều chỉnh mức trợ giá để phù hợp hơn cho các tuyến buýt điện của TP.HCM.

Nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn và khuyến khích đơn vị vận tải tham gia đến hoạt động vận tải hành khách công cộng sử dụng năng lượng xanh, Sở GTVT đã chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị vận hành tuyến buýt điện D4 nhằm thống nhất báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM xem xét, điều chỉnh tỷ lệ trợ giá phù hợp, tương đương tỷ lệ trợ giá bình quân của hệ thống xe buýt hiện hữu.

Đường sắt Đà Lạt - Trại Mát xuống cấp rất nghiêm trọng

Tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát dài hơn 7 km phục vụ du khách đã xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn giao thông, theo chính quyền tỉnh Lâm Đồng.

Tàu chở khách tham quan tuyến Trại Mát - Đà Lạt

Tàu chở khách tham quan tuyến Trại Mát - Đà Lạt

Nội dung được UBND tỉnh Lâm Đồng nêu trong văn bản vừa gửi Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cải tạo, nâng cấp hạ tầng tuyến đường sắt nói trên nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, thu hút khách du lịch đến TP. Đà Lạt.

Đà Lạt - Trại Mát thuộc đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, là một trong hai tuyến đường sắt răng cưa leo núi đầu tiên trên thế giới, được khởi công năm 1908, hoàn thành năm 1932. Từ 1968, chiến tranh khốc liệt, tuyến dừng khai thác do không đảm bảo an toàn. Sau 1975, gần như toàn bộ đường ray, tà vẹt được tháo gỡ. Năm 1991, đoạn Đà Lạt - Trại Mát được khôi phục, gồm hơn 6,7 km đường chính, hơn 800 m đường ga... chở khách tham quan.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, kiểm tra gần đây của các cơ quan chức năng cho thấy, đường sắt này xuống cấp rất nghiêm trọng. Một số vị trí trên tuyến sạt lở cục bộ, nước thải và rác thải làm mất an toàn giao thông, ảnh hưởng du khách và người dân địa phương.

Cụ thể, tuyến có nhiều đường cong liên tục nhưng không có ray hộ bánh; đi qua khu vực đồi núi cao, độ dốc lớn, đặc biệt là đoạn dốc trước ga Trại Mát. Nền đường sắt rộng trung bình 5 m, có nhiều vị trí nền bị đào sâu và đắp cao, mưa lớn ngập đường từ 20 - 50 cm, ảnh hưởng khi tàu chạy. Ngoài ra, ray tàu đã bị mòn, hư hỏng nhiều; các bộ ghi đã mòn quá tiêu chuẩn, không có phụ kiện thay thế...

Hồi đầu năm, Công ty CP Thương mại - Dịch vụ khách sạn Bạch Đằng trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt với tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tuyến đường sẽ đi qua TP. Phan Rang, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) và huyện Đơn Dương, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), dài 83,5 km, có 16 ga và trạm khách. Đường khổ rộng 1.000 mm, tốc độ thiết kế 30 - 60 km/h, sử dụng đầu máy diesel và toa xe tải trọng nhẹ.

Thời gian thực hiện Dự án từ tháng 1/2025 - 6/2029, thi công từ tháng 6/2026 - 12/2028, chạy thử và vận hành từ tháng 6 - 12/2029.

Phê bình nhà thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm hoàn trả đường dân sinh

Ban Quản lý dự án (QLDA) 7 vừa yêu cầu các nhà thầu thi công các gói thầu XL03, XL04 hoàn trả các tuyến đường mượn của địa phương khi thi công cao tốc, chậm nhất phải sửa chữa xong vào cuối tháng 11.

Một đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua huyện Bắc Bình (Bình Thuận).

Một đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua huyện Bắc Bình (Bình Thuận).

Ngày 23/11, ông Phạm Quốc Huy - Giám đốc điều hành Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Ban QLDA 7) cho biết, Ban đã yêu cầu các nhà thầu khẩn trương hoàn trả nguyên trạng các tuyến đường dân sinh đã mượn để vận chuyển vật liệu, thiết bị trong quá trình thi công cao tốc.

Việc hoàn trả mặt đường phải hoàn thành chậm nhất trước 30/11, nhà thầu vi phạm sẽ bị chế tài theo các điều khoản hợp đồng.

Lãnh đạo Ban QLDA 7 phê bình liên danh các nhà thầu tại gói thầu XL03, XL04 do chậm trễ triển khai thực hiện hoàn trả các đường công vụ ngoại tuyến (đường dân sinh) đã đăng ký mượn để hoàn trả cho địa phương.

Hiện nay, các nhà thầu vẫn chưa làm việc với địa phương để thỏa thuận, thống nhất phạm vi, giải pháp sửa chữa cũng như huy động máy móc để thực hiện.

Việc chậm trễ trên đã vi phạm điều khoản hợp đồng đã ký kết, gây bức xúc cho người dân trong khu vực Dự án, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Ban QLDA 7 cho biết, nếu các đơn vị tiếp tục chậm trễ, chủ đầu tư sẽ căn cứ quy định tại hợp đồng thi công đã ký để thuê đơn vị khác thực hiện sửa chữa, hoàn trả đường dân sinh nhà thầu đã mượn để thi công.

Khối lượng, chi phí thực hiện sẽ được Ban QLDA 7, tư vấn giám sát xác nhận làm cơ sở thanh toán cho đơn vị thực hiện.

Toàn bộ chi phí sửa chữa sẽ khấu trừ vào các đợt thanh toán tiếp theo của liên danh nhà thầu, mức khấu trừ theo tỷ lệ giá trị từng thành viên liên danh trên giá trị hợp đồng.

Truy tố Diệp Dũng cùng đồng phạm gây thiệt hại cho Saigon Co.op 115 tỷ đồng

Ngày 23/11, VKSND TP.HCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Diệp Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op) cùng 8 đồng phạm trong sai phạm xảy ra ở Saigon Co.op.

Hoàn tất cáo trạng truy tố Diệp Dũng và 8 đồng phạm gây thiệt hại cho Saigon Co.op

Hoàn tất cáo trạng truy tố Diệp Dũng và 8 đồng phạm gây thiệt hại cho Saigon Co.op

Theo đó, bị can Diệp Dũng (nguyên Chủ tịch Saigon Co.op) cùng 4 đồng phạm cùng bị truy tố tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”.

Liên quan tới vụ án, bị can Trần Trung Liệt (cựu Kế toán trưởng Saigon Co.op) và 3 đồng phạm bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng, năm 2016, Saigon Co.op xin chủ trương mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam và được UBND TP.HCM chấp thuận. Sau đó, tài khoản huy động vốn của Saigon Co.op nhận được 3.000 tỷ đồng của 56 công ty góp vốn.

Theo cơ quan điều tra, từ tháng 6/2016 - 3/2018, bị can Diệp Dũng đã không thông qua Hội đồng Quản trị Saigon Co.op mà tự ý chỉ đạo các cá nhân tại Phòng Tài chính, Phòng Kế toán của Saigon Co.op thực hiện các thủ tục để chuyển số tiền 1.000 tỷ đồng từ 3.000 tỷ đồng huy động vốn đặt cọc cho thương vụ mua lại chuỗi Big C Việt Nam, rồi tự ý ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Địa ốc Đại Á và Công ty CP Đầu tư phát triển Đô Thị Mới với số tiền 1.000 tỷ đồng trên.

Theo hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Đầu tư phát triển Đô Thị Mới và Công ty CP Địa ốc Đại Á, Saigon Co.op được nhận tỷ lệ lợi nhuận cố định 7%/năm. Tuy nhiên, sau đó bị can Dũng tự ý ký thỏa thuận bổ sung điều chỉnh tỷ lệ lợi nhuận từ 7%/năm xuống còn 0%/năm, gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115 tỷ đồng.

Đầu tư gần 1.200 tỷ đồng mở rộng 5 nút giao trọng điểm ở trung tâm Cần Thơ

Năm nút giao trọng điểm ở quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ vừa được Thành phố duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.196 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước.

Nút giao số 4: Nguyễn Văn Linh - 3/2

Nút giao số 4: Nguyễn Văn Linh - 3/2

UBND TP. Cần Thơ vừa phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Theo đó, Thành phố giao cho UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư dự án mở rộng, xây dựng các nút giao trong phạm vi dự án, đáp ứng yêu cầu lưu lượng giao thông hiện tại và tương lai.

Dự án sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một sẽ mở rộng nút giao cùng mức, điều khiển bằng đèn tín hiệu, bố trí các nhánh rẽ phải độc lập.

Cụ thể, giai đoạn này sẽ đầu tư các hạng mục: cải tạo, mở rộng 5 nút giao, vỉa hè, cây xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng, hệ thống thoát nước mưa, cấp nước phòng cháy chữa cháy, tín hiệu giao thông.

Giai đoạn hai, trong tương lai xem xét bố trí công trình cầu vượt hoặc hầm chui theo nhu cầu giao thông.

Năm nút giao thông này gồm, nút 1: Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo; nút 2: Mậu Thân - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt; nút 3: Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Văn Cừ; nút 4: Nguyễn Văn Linh - 3/2 và nút 5: Nguyễn Văn Linh - 30/4.

Dự án 5 nút giao là công trình giao thông cấp III, tốc độ thiết kế 50 km/h, các nhánh rẽ phải có tốc độ 30 - 40 km/h, rẽ trái 20 km/h.

Trong gần 1.200 tỷ đồng đầu tư Dự án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lên đến hơn 963,5 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 180 tỷ đồng và các chi phí khác.

Dự án được phân kỳ để đầu tư và thực hiện không quá 4 năm. Trong đó, trong năm 2023 - 2024, quận Ninh Kiều ưu tiên thực hiện 2 nút giao có lưu lượng giao thông cao, thường xuyên ùn tắc là nút 1: Mậu Thân - 3/2 - Trần Hưng Đạo và nút giao 4: Nguyễn Văn Linh - 3/2.

Trong năm 2025, sẽ triển khai các nội dung tiếp theo đúng quy định, khi cần thiết thì trình điều chỉnh Dự án cho phù hợp.

Lâm Đồng đề xuất bắn pháo hoa tầm thấp dịp Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có tờ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xin chủ trương tổ chức bắn pháo hoa nổ tầm thấp trong dịp Lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển và đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO.

Quảng trường Lâm Viên nhìn từ trên cao

Quảng trường Lâm Viên nhìn từ trên cao

Hoạt động kỷ niệm 130 năm Đà Lạt nhằm ôn lại quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa; khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực, tự cường phát triển thành phố Đà Lạt ngày càng phồn vinh, giàu đẹp...

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng hy vọng qua lễ hội này, tiếp tục quảng bá, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Lạt nói riêng và của tỉnh Lâm Đồng nói chung; góp phần đẩy mạnh kích cầu du lịch và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Đây còn là dịp tỉnh Lâm Đồng đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO vào ngày 30/12/2023, tại Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt.

Địa điểm tổ chức bắn pháo hoa nổ tầm thấp gồm 2 vị trí gần Quảng trường Lâm Viên, thành phố Đà Lạt (số 11 Trần Quốc Toản, Phường 1, thành phố Đà Lạt và Trường Cao đẳng Đà Lạt).

Thời lượng không quá 15 phút, sau khi kết thúc chương trình Lễ kỷ niệm, bắt đầu từ lúc 22 giờ 35 đến 22 giờ 50 ngày 30/12/2023. Kinh phí thực hiện từ nguồn vận động tài trợ; không sử dụng ngân sách nhà nước hoặc vận động đóng góp của nhân dân.

Bến Tre có 8/19 dự án điện gió đã phát điện thương mại

Năm nay, tỉnh Bến Tre tiếp tục hòa lưới thêm 128 MW điện gió, lũy kế tổng công suất đóng điện hòa lưới là hơn 221MW. Toàn Tỉnh có 8/19 dự án điện gió đã phát điện thương mại lên lưới 110kV.

Dự án Điện gió tại biển Ba Tri

Dự án Điện gió tại biển Ba Tri

Theo Sở Công Thương Bến Tre, tại các huyện ven biển của tỉnh là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú có 19 dự án điện gió đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch và đang triển khai xây dựng; trong đó có 10/19 dự án đang triển khai các thủ tục pháp lý, 9/19 dự án đã triển khai lắp đặt hoàn thành các tua-bin với công suất khoảng 365,9MW.

Hiện nay, các ngành chức năng Tỉnh tiếp tục hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện các thủ tục pháp lý để hòa lưới các dự án điện gió đã lắp đặt tua-bin (khoảng 144,85MW); phối hợp rà soát và kiến nghị Bộ Công Thương cập nhật các dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh Bến Tre đã khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng mới và nâng cấp các công trình đường dây 110kV và mạch vòng khép kín để đến năm 2025 đảm bảo giải tỏa công suất các dự án điện gió đã được phê duyệt.

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, năng lượng điện gió rất có tiềm năng là lợi thế tại Bến Tre, nhất là tận dụng bờ biển dài 65 km. Khi các dự án điện gió hoạt động sẽ tạo thêm nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Vi phạm trong lĩnh vực đa cấp, Công ty Gcoop Việt Nam bị xử phạt 400 triệu đồng

Với nhiều lỗi vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp, Công ty TNHH Gcoop Việt Nam có trụ sở tại Hà Nội đã bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xử phạt hành chính với số tiền 400 triệu đồng.

Trụ sở công ty TNHH Gcoop Việt Nam.
Trụ sở công ty TNHH Gcoop Việt Nam.

Ngày 23/11, đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay, qua công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về kinh doanh theo phương thức đa cấp, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Gcoop Việt Nam, trụ sở chính tại tầng 1 - tầng 2, tòa nhà chung cư cao tầng CT1-CT2 (Green Park), phố Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội số tiền 400 triệu đồng do có nhiều vi phạm.

Cụ thể, Gcoop Việt Nam đã không ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp; ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật; không thực hiện đúng quy tắc hoạt động đã đăng ký; không thông báo với Sở Công Thương khi tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia còn xác định, Công ty Gcoop Việt Nam không cập nhật thường xuyên trang thông tin điện tử bằng tiếng Việt để cung cấp thông tin về Công ty và hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty theo quy định; không thực hiện đúng thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định; thực hiện không đúng nghĩa vụ báo cáo trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, Công ty không thực hiện thủ tục thông báo trong trường hợp có thay đổi thông tin tại danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp; không giám sát hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp để đảm bảo người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện đúng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động của Công ty.