Robot đào hầm ngầm metro Nhổn - ga Hà Nội đi qua khu vực dân cư an toàn
Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa thông tin, hiện tượng phun trào phụ gia khoan hầm đã được khắc phục hoàn toàn, Robot TBM đã đi qua khu vực dân cư an toàn.
Theo MRB, máy TBM 1 đã đi qua khu vực dân cư phường Kim Mã, quận Ba Đình an toàn. Trong đó, máy TBM "Thần tốc" đã đào được hơn 1,2 km và vẫn đang tiếp tục thi công với tốc độ trung bình 10 - 12 m/ngày.
![]() |
Robot đào ngầm làm đường sắt đô thị tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội |
TBM 1 xuất phát từ ga ngầm S9 - Kim Mã và sẽ đến ga tiếp theo là ga S10 - Cát Linh. Chiều dài đoạn đi ngầm (từ S9 - S10) theo thiết kế là 1.338 m.
Như vậy, hiện TBM 1 chỉ còn cách ga S10 - Cát Linh hơn 100 m. Đáng chú ý, hiện tượng phun trào đã được khắc phục hoàn toàn vào lúc 15h30' ngày 22/2. Vị trí đầu cắt Robot TBM1 đang đi dưới hè phố Giảng Võ.
Trong ngày 22/2, MRB đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng, ổn định cuộc sống cho người dân trong khu vực.
Trong ngõ 7 phố Giang Văn Minh có hơn 30 hộ dân sinh sống. Trước khi xảy ra sự cố, 15 hộ dân đã đi tạm cư, 3 hộ (khả năng ảnh hưởng trực tiếp khi thi công đào ngầm) đã dỡ nhà bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Trước đó, ngày 20/2 đã xảy ra sự cố phụ gia đào hầm phun lên mặt đất tại khu dân cư ngõ 7 Giang Văn Minh (phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội).
Theo MRB, trong quá trình khoan, phụ gia khoan hầm được phun áp lực để giữ ổn định đất trước gương đào. Khi gặp phải lỗ hở thì phụ gia khoan hầm kết hợp nước và vật liệu mịn trong đất sẽ theo các lỗ rỗng này trào lên mặt đất.
Thông tin về sự cố, ông Salvatore La Valle - Trưởng nhóm kỹ sư TBM khẳng định, các công trình nhà cửa trên tuyến hầm được quan trắc liên tục và đều đảm bảo trong ngưỡng an toàn.
Hiện tượng trên có thể tiếp tục xảy ra, tuy nhiên nhà thầu đã xây dựng kế hoạch ứng phó từ trước và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý để đảm bảo vệ sinh môi trường và cuộc sống người dân.
Cựu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng bị cáo buộc gây thiệt hại 1.043 tỷ đồng cho EVN
Cựu Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng bị cáo buộc sai phạm khi tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hưởng giá điện ưu đãi, gây thiệt hại cho EVN hơn 1.043 tỷ đồng.
![]() |
Cựu Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại cơ quan điều tra |
Hành vi của ông Vượng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN, cựu Thứ trưởng Công Thương) và ông Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo) cùng 7 người khác bị VKSND Tối cao nêu trong cáo trạng vừa hoàn tất, truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Ba bị can ở Cục Thuế tỉnh Bình Phước là ông Nguyễn Duy Khánh (cựu cục phó), Trần Văn Định (cựu trưởng phòng) và Phạm Quang Vinh (cựu phó phòng) bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, ông Vượng trong thời gian làm Thứ trưởng Công Thương được giao phụ trách Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Từ ngày 31/8/2018 - 6/4/2020, ông đã trực tiếp chỉ đạo tham mưu xây dựng dự thảo Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
Khi thực hiện, ông Vượng biết rõ các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng tại các cuộc họp về cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận với các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, vì động cơ vụ lợi, ông Vượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, cố ý chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng dự thảo theo hướng mở rộng diện được hưởng giá điện ưu đãi.
Quá trình xây dựng dự thảo, ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Trung Nam Thuận Nam và nhân viên đã nhiều lần gặp ông Vượng và thư ký của ông Vượng để đưa tiền. Trong đó có 6 lần, mỗi lần 100 triệu đồng và một lần 200 triệu, theo cáo trạng.
Sau khi Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam đưa vào vận hành thương mại, ông Thịnh và một người khác đến gặp gửi ông Vượng 500 triệu đồng "để chúc mừng chuyển công tác". Năm 2018, khi ông Vượng chủ trì đoàn kiểm tra tiến độ các dự án quy hoạch điện VII điều chỉnh, ông Thịnh đưa thêm 200 triệu đồng.
Như vậy, tổng cộng ông Vượng đã nhận của Công ty Trung Nam - Thuận An 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra ông Thịnh không thừa nhận việc đưa nhận tiền.
Với bị can Phương Hoàng Kim, VKS xác định trong thời gian làm Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo đã được giao làm tổ trưởng soạn thảo Quyết định 13. Ông Kim biết rõ các chủ trương của Chính phủ nhưng vì "muốn tạo điều kiện không chính đáng" cho Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam nên cố ý đẩy trách nhiệm cho cấp dưới. Từ đó, Dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam được hưởng giá điện ưu đãi 9,35 Uscents/kWh.
Cơ quan công tố cáo buộc hành vi sai phạm của ông Vượng, Kim đã gây thiệt hại cho EVN tổng cộng hơn 1.043 tỷ đồng.
TP.HCM giải tỏa trắng 336 hộ dân để mở đường 10 làn ở Thủ Đức
TP.HCM sẽ thu hồi đất của 1.140 hộ dân để mở rộng Quốc lộ 13 qua TP. Thủ Đức lên 60 m, đáp ứng 10 làn xe, trong đó 336 hộ sẽ bị giải tỏa trắng.
![]() |
TP.HCM mở rộng Quốc lộ 13 lên 60m để xóa ùn tắc |
Đây là một trong bốn dự án hạ tầng quan trọng vừa được HĐND TP.HCM thông qua theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, đoạn qua TP. Thủ Đức có tổng chiều dài 5,9 km, kéo dài từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương.
Hiện tại, tuyến đường này có bề rộng từ 19 - 27 m, sau khi nâng cấp sẽ được mở rộng lên 60 m, đáp ứng 10 làn xe lưu thông. Trên tuyến, TP.HCM sẽ xây dựng cầu cạn dài 3,2 km từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước, với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h.Phần đường bên dưới có hệ thống đường song hành hai bên, mỗi bên rộng 3 làn xe, với tốc độ tối đa 60 km/h.
Dự án sẽ sử dụng khoảng 39,54 ha đất tại phường Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước, trong đó có 9,75 ha đất ở, 5,79 ha đất nông nghiệp và khoảng 24 ha đất do Nhà nước quản lý.
Theo phương án bồi thường, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án là 1.140 hộ, trong đó có 336 hộ bị giải tỏa trắng, 804 hộ bị giải tỏa một phần. Việc đền bù và tái định cư sẽ được triển khai trước khi thi công Dự án.
Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 20.900 tỷ đồng, được chia thành hai dự án thành phần.
Dự án thành phần 1: Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư với tổng vốn 14.619 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách TP.HCM.
Dự án thành phần 2: Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh Bình Dương, với tổng mức đầu tư 6.281 tỷ đồng theo hình thức BOT.
Sau khi được thông qua chủ trương đầu tư, Dự án sẽ bước vào giai đoạn lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ quý I đến quý III/2025.
Công tác giải phóng mặt bằng dự kiến diễn ra từ quý III/2025 đến quý III/2026. Việc thi công sẽ bắt đầu từ quý III/2026 và hoàn thành vào năm 2028.
Hà Nội đề nghị điều chỉnh Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá
Dự kiến UBND TP. Hà Nội trình HĐND Thành phố xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá theo Luật Thủ đô 2024, tại Kỳ họp thứ 21 tới đây.
![]() |
Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang trong quá trình thi công |
Theo UBND TP. Hà Nội, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các dự án vay vốn tín dụng Chính phủ Nhật Bản đợt 2 tài khóa 2012, điều chỉnh chủ trương tại Quyết định số 1401 ngày 10/11/2022; được UBND Thành phố phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 7051 ngày 20/11/2013, điều chỉnh dự án đầu tư tại các quyết định số 7574 ngày 31/10/2017 và số 4855 ngày 5/12/2022.
Tổng mức đầu tư 16.293.444 triệu đồng. Trong đó, vốn ODA vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 56.090 triệu Yên Nhật, tương đương 13.709.042 triệu đồng, chiếm 84,14% tổng mức đầu tư (theo Hiệp định vay vốn số VN12-P6 ngày 22/3/2013); vốn đối ứng từ ngân sách Thành phố là 2.584.402 triệu đồng, chiếm 15,86% tổng mức đầu tư.
Dự án bao gồm 11 gói thầu dịch vụ tư vấn và 4 gói thầu xây lắp chính: xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm; xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới. Thời gian thực hiện Dự án trong giai đoạn từ năm 2013 - 2025.
Theo UBND TP. Hà Nội, tại Kỳ họp thứ 20 HĐND Thành phố khóa XVI, HĐND Thành phố đã thống nhất thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án với các nội dung: Điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2013 - năm 2027. Điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án thành 11.196.850 triệu đồng, tương đương 59.783 triệu Yên Nhật (vốn ODA vay JICA là 37.961 triệu Yên Nhật, tương đương 7.377.986 triệu đồng; vốn đối ứng ngân sách Thành phố là 3.818.864 triệu đồng, tương đương 21.822 triệu Yên Nhật).
Thực hiện theo cơ chế tài chính, phần vốn đã ký tại Hiệp định vay số VN12-P6 ngày 22/3/2013 (28.417 triệu Yên Nhật tương đương khoảng 7.520.559 triệu đồng) do ngân sách nhà nước cấp phát toàn bộ (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Phần vốn dự kiến ký Hiệp định vay số 2 (khoảng 8.280 triệu Yên Nhật, tương đương 1.350.000 triệu đồng), UBND TP. Hà Nội vay lại 100% theo Nghị định số 97 ngày 30/6/2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Triển khai dự án nhà ở xã hội gần 1.900 tỷ đồng ở Ninh Bình
Quỹ đầu tư phát triển tỉnh vừa có đề xuất phương án đầu tư dự án nhà ở xã hội rộng 5 ha tại thành phố Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình).
![]() |
Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành 5.573 căn nhà ở xã hội |
Dự kiến dự án sẽ được triển khai trên khu đất 5 ha tại phường Ninh Khánh (thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), bao gồm khoảng 1.136 căn hộ với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng gần 1.900 tỷ đồng.
Theo phương án đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội trên do Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Ninh Bình đưa ra, sẽ bao gồm 6 khối chung cư cao 15 tầng, mỗi khối có 1 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng là 8.206 m2 với tổng số 1.192 căn hộ có diện tích trung bình 65 m2/căn.
Khối nhà ở thương mại gồm 1 khối chung cư 15 tầng, có 1 tầng hầm, diện tích xây dựng 1.762 m2, với 182 căn hộ có diện tích trung bình 95 m2/căn.
Dự án được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 sẽ đầu tư toàn bộ hạ tầng và 3 khối chung cư nhà ở xã hội; giai đoạn 2 sẽ xây dựng 3 khối chung cư nhà ở xã hội còn lại; giai đoạn 3 sẽ triển khai khối chung cư nhà ở thương mại; thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2030.
Được biết, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và người có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt với tổng số 5.573 căn.
Trong đó, mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 xây dựng 2.887 căn; giai đoạn 2026 - 2030 xây dựng 2.686 căn. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, tỉnh Ninh Bình được giao chỉ tiêu 3.100 căn.
Cho phép kinh doanh đặt cược tại trường đua ngựa, đua chó ở Lâm Đồng
Dự án trường đua ngựa, đua chó tại tỉnh Lâm Đồng vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó bổ sung mục tiêu kinh doanh đặt cược.
![]() |
Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui tại Lâm Đồng sẽ được kinh doanh đặt cược. Ảnh minh hoạ |
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, trong đó bổ sung mục tiêu tổ chức kinh doanh đặt cược.
Dự án này do Công ty CP Đua ngựa Thiên Mã - Madagui làm chủ đầu tư, nằm trong 12 dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Hội nghị công bố Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, trường đua ngựa, đua chó có quy mô 70 ha. Dự án được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2011 nhưng không có nội dung đặt cược.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, khả năng và điều kiện tổ chức thực hiện dự án, năm 2020, chủ đầu tư, UBND huyện Đạ Huoai, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị UBND, HĐND Tỉnh xem xét, bổ sung hoạt động đua ngựa, đua chó có kinh doanh đặt cược vào dự án này. Mục đích là đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ vui chơi giải trí, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng nguồn thu cho ngân sách.
Năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận bổ sung mục tiêu tổ chức kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó trong và ngoài trường đua của Dự án.
Công ty CP Đua ngựa Thiên Mã - Madagui đề xuất bổ sung 50 điểm đặt cược bên ngoài phạm vi trường đua ngựa, đua chó, trong đó có 28 điểm đặt cược lớn, 22 điểm đặt cược nhỏ.
Cùng với đó, nhà đầu tư này cũng đề xuất tăng vốn đầu tư Dự án từ 1.002 tỷ đồng lên hơn 1.548 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư khoảng 285 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.
Về Công ty Thiên Mã, doanh nghiệp này có kinh nghiệm vận hành hoạt động đua ngựa khi từng hợp tác với Câu lạc bộ thể thao Phú Thọ (Quận 11, TP.HCM) để xây dựng hạ tầng và quản lý đua ngựa tại Trường đua Phú Thọ vào năm 2004…
Thêm 5 cán bộ bị bắt do sai phạm tại Dự án sân bay Long Thành
Liên quan đến sai phạm tại Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phục vụ Dự án xây dựng sân bay Long Thành, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Long Thành Lê Quang Hùng và 4 cán bộ liên quan…
![]() |
Khu vực Dự án xây dựng sân bay Long Thành |
Cùng bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ với Lê Quang Hùng còn có Phó Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Long Thành Nguyễn Long Châu.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng đã khởi tố, bắt tạm giam đối với: Nguyễn Thái Bình, Lý Thanh Bình, Trần Nhật Linh, các nhân viên đền bù của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành, để điều tra về các hành vi lợi dụng chức vụ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về bồi thường.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt tạm giam 4 bị can: Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND huyện Long Thành; Quyền Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Dương Ngọc Đức; Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn Hoàng Hữu Minh; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Sơn Lâm Hoàng Thanh Hải để điều tra các sai phạm liên quan.
Việc bắt giữ các bị can nói trên nằm trong quá trình mở rộng điều tra các sai phạm liên quan đến công tác bồi thường, đền bù, hỗ trợ tái định cư Dự án sân bay Long Thành.
Liên quan đến vụ án này, năm 2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án “Nhận hối lộ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư phục vụ xây dựng sân bay Long Thành.
Ngày 9/11/2023, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với: Phạm Viết Mạnh (SN 1992), cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành về hành vi nhận hối lộ; Nguyễn Tấn Biên (SN 1977), cán bộ địa chính xã Lộc An và Trần Ngọc Hân (SN 1988), ngụ huyện Long Thành về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.