Gần 20.000 tỷ đồng cam kết đầu tư vào Vĩnh Long
UBND tỉnh Vĩnh Long trao 13 quyết định, cam kết đầu tư với tổng vốn 19.600 tỷ đồng, tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, ngày 23/3.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan sa bàn quy hoạch tỉnh Vĩnh Long |
Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến thực phẩm, nông thủy sản, giày da; sản xuất bê tông, dây điện ô tô, kho xăng dầu; xây dựng khu đô thị...
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, lãnh đạo Tỉnh cam kết xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi nhất và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện thành công các dự án và phát triển bền vững tại địa phương.
Vĩnh Long rộng hơn 1.479 km2, nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; dân số hơn 1 triệu người. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,5 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so với năm 2015. Tỉnh phấn đấu trở thành địa phương phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long trở thành tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt. Tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 là 7%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước...
Đấu giá lần ba khách sạn golf trong chợ đêm Đà Lạt
Khách sạn golf tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai được UBND TP. Đà Lạt đề xuất đấu giá lần 3 sau hai lần thất bại.
Một góc Khách sạn Golf 3 cũ trong khu chợ đêm Đà Lạt |
Đề xuất trên được UBND TP. Đà Lạt nêu trong báo cáo tiến độ xử lý hồ sơ đấu giá một số tài sản ở "đất vàng" trung tâm.
Khách sạn Golf 3 cũ được đấu giá hai lần vào cuối năm 2023 và giữa tháng 3/2024 nhưng đều không thành công. Bởi Khách sạn là tài sản công do UBND Tỉnh quản lý nên không được quyền cho thuê cho người tham gia đấu giá duy nhất, theo Luật Đấu giá tài sản 2016.
Trong khi đó, hai lần tổ chức đấu giá chỉ có một đơn vị tham gia nên đều thuộc trường hợp không đủ điều kiện đấu giá. Do vậy, Thành phố đề xuất Tỉnh cho phép tổ chức đấu giá lần thứ ba.
Khách sạn Golf 3 cũ nằm trên khu đất rộng hơn 1.900 m2. Đây là đất thương mại dịch vụ để kinh doanh du lịch. Tài sản gắn liền với đất có nhà 8 tầng với tổng diện tích sàn hơn 6.000 m2.
Giá khởi điểm tại lần đấu giá thứ hai gần 7,3 tỷ đồng một năm, trong đó giá thuê nhà gần 3,2 tỷ đồng và giá thuê đất gần 4,1 tỷ đồng. Với thời hạn sử dụng nhà đất trong 5 năm, người thuê sẽ phải trả tổng 36,5 tỷ đồng và không được thay đổi hiện trạng khách sạn.
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu tiến độ đấu giá nhà hàng Thủy Tạ (số 1 Yersin cũ) và Dinh I (số 1 Trần Quang Diệu) tại Phường 1. Đầu tháng 3, Thành phố đã đề xuất lại giá khởi điểm cho thuê nhà hàng Thủy Tạ là 3,6 tỷ đồng một năm với mục đích kinh doanh nhà hàng ăn uống. Thời hạn cho thuê trong 10 năm với tổng tiền thuê hơn 36 tỷ đồng. Mức này cao hơn 600 triệu đồng một năm so với lần đấu giá trước.
Với Dinh I tại số 1 Trần Quang Diệu, Phường 10, Thành phố kiến nghị cưỡng chế thu hồi đất và tài sản trên đất sau thời gian dài chủ đầu tư không bàn giao. Khuôn viên Dinh I thuộc Dự án King Palace do Công ty CP Hoàn Cầu Đà Lạt làm Chủ đầu tư.
Giữa năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động Dự án. Doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị tiếp tục thuê lại Dinh I, các biệt thự và đất trong khuôn viên. Tuy nhiên, đề nghị này không được chính quyền chấp thuận do quy định hiện hành phải đấu giá.
Lương tối thiểu được đề xuất tăng 200.000 - 280.000 đồng
Lương tháng của lao động trong doanh nghiệp có thể tăng 200.000 - 280.000 đồng (6%) tùy vùng, điều chỉnh cùng lúc cải cách lương khu vực nhà nước, từ ngày 1/7.
Giờ vào ca của công nhân Công ty May 10 Hà Nội |
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến bộ, ngành Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu với lao động làm việc theo hợp đồng. Bộ này đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu tháng và giờ thêm 6% so với hiện hành từ ngày 1/7, theo khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Nếu được thông qua, lương tối thiểu tháng vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động từ 3,25 - 4,68 triệu đồng.
Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động 16.600 - 23.800 đồng. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; vùng 4 lên 16.600 đồng.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá mức lương tối thiểu tháng và giờ như hiện nay đã "đảm bảo được mức sống tối thiểu của lao động và gia đình họ, giúp mở rộng độ bao phủ của tiền lương tối thiểu đến những nhóm làm việc linh hoạt, bán thời gian, cũng như phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp".
Song giá trị thực tế của tiền lương bị suy giảm dần theo thời gian do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt. Dự kiến CPI năm nay tăng 4 - 4,5%, mức lương tối thiểu hiện hành sẽ không còn đảm bảo đời sống lao động nên cần sớm điều chỉnh. Cùng với tăng lương tối thiểu, địa bàn một số vùng sẽ được cập nhật.
Cùng với tăng lương của lao động trong doanh nghiệp, từ ngày 1/7 lương khu vực công cũng thay đổi. Cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương khu vực này tiếp tục tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn lương thấp nhất vùng 1 khối doanh nghiệp.
Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai trong bốn năm, lương tối thiểu vùng tăng vào đầu tháng 7, sau kỳ điều chỉnh hồi 1/7/2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thông lệ hơn 10 năm qua, lương tối thiểu vùng tăng vào ngày 1/1.
Cảnh báo mạo danh cơ quan thuế lừa hỗ trợ quyết toán thuế
Tổng cục Thuế tiếp tục cảnh báo những hành vi giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để lừa đảo. Nhiều người dân mắc bẫy các đối tượng này trong tháng cao điểm quyết toán thuế.
Nhiều người bị lừa đảo trong tháng cao điểm quyết toán thuế |
Theo Tổng cục Thuế, thủ đoạn chính của các đối tượng là giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn mạng xã hội, cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế. Từ đó, lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Thậm chí có đối tượng còn giả mạo là cơ quan chức năng gửi đường link dịch vụ công VneID giả mạo để người dân truy cập tích hợp với quảng cáo "tích hợp căn cước công dân và mã số thuế" hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VneID. Các đối tượng lừa đảo sau đó gửi đường link dịch vụ công sửa VneID giả mạo rồi từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.
Trước tình trạng trên, Tổng cục Thuế khẳng định không ủy quyền cho bất cứ tổ chức, cá nhân ngoài ngành thuế nào thu thuế hộ. Đồng thời cảnh báo đến người nộp thuế khi nhận được các cuộc gọi như trên cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế qua kênh chính thức để được hỗ trợ tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Tổng cục Thuế khuyến cáo người nộp thuế khi nhận được các tin nhắn, cần kiểm tra kỹ nội dung, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung hướng dẫn trong tin nhắn. Người nộp thuế cũng cần lưu ý rằng, trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế sử dụng giao thức “https” và tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”. (Ví dụ: trang thông tin điện tử Tổng cục Thuế có tên miền: https://www.gdt.gov.vn)
Nhằm giúp người nộp thuế phòng tránh vấn nạn lừa đảo trực tuyến, đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm quyết toán thuế, Tổng cục Thuế đề nghị các trường hợp nhận được tin nhắn, cuộc gọi trên các nền tảng mạng xã hội và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người nộp thuế cần lưu lại bằng chứng như tin nhắn hoặc ghi âm cuộc gọi. Sau đó, phản ánh tới doanh nghiệp viễn thông quản lý thuê bao để yêu cầu xử lý, đồng thời cung cấp các bằng chứng đã có tới các cơ quan chức năng của Bộ Công an và cơ quan thuế nơi gần nhất đề nghị xử lý hành vi sai phạm của các đối tượng theo quy định pháp luật…
Sắp khởi công Dự án hồ chứa nước Nậm Là hơn 500 tỷ đồng ở cực Tây Tổ quốc
Tỉnh Điện Biên sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi công Dự án hồ chứa nước Nậm Là được đầu tư hơn 500 tỷ đồng tại huyện Mường Nhé - cực Tây Tổ quốc.
Hồ chứa nước Nậm Là có dung tích 2,43 triệu m3, được đầu tư xây dựng tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên |
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp - Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên (Chủ đầu tư) cho biết, lễ khởi công công trình hồ chứa nước Nậm Là sẽ diễn ra vào ngày 25/3 tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.
Theo ông Hiệp, đến thời điểm hiện tại, các đơn vị đã hoàn thiện khối lượng cắm mốc giải phóng mặt bằng, đo đạc lập hồ sơ địa chính khu vực công trình cụm đầu mối và đang tiếp tục triển khai cắm mốc khu vực tuyến đường ống và các công trình phụ trợ.
"Hiện Ban Quản lý dự án đã bàn giao hồ sơ đo đạc, bàn giao mốc giải phóng mặt bằng và hồ sơ địa chính cho các phòng ban chức năng của huyện Mường Nhé phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư", ông Hiệp cho biết thêm.
Công trình hồ chứa nước Nậm Là thuộc Dự án cụm hồ Bản Phủ - Nậm Là tại tỉnh Điện Biên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt từ tháng 8/2023 với tổng mức đầu tư 998 tỷ đồng. Trong đó, hồ chứa nước Nậm Là tại huyện Mường Nhé với tổng mức đầu tư 509,372 tỷ đồng.
Mục tiêu và nhiệm vụ của công trình hồ chứa nước Nậm Là sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới và tạo nguồn cho khoảng 1.800 ha đất nông nghiệp. Trong đó tưới cho 200 ha lúa 2 vụ, tưới ẩm cho 1.600 ha cây công nghiệp; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 25.000 người.
Hồ chứa nước Nậm Là gồm các hạng mục: Công trình đầu mối quy mô cấp II, hệ thống dẫn nước tưới và công trình phụ trợ. Hồ chứa có dung tích 2,43 triệu m3, gồm các hạng mục: đập đất, tràn xả lũ có cửa van, cống lấy nước, hệ thống dẫn nước tưới, đường thi công kết hợp quản lý và khu nhà quản lý.
Công trình này sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, giao cho Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên làm Chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án là 3 năm, từ 2023 - 2025.
Hải Phòng có thêm 926 tỷ đồng vì thu vượt ngân sách
Do thu từ xuất nhập khẩu năm 2022 vượt hơn 20%, Hải Phòng được thưởng và bổ sung hơn 926 tỷ đồng để đầu tư trở lại cho Thành phố.
Xuất nhập khẩu hàng hoá tại cảng Tân Vũ - Hải Phòng |
Theo UBND TP. Hải Phòng, năm 2022, Thành phố thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 67.806 tỷ đồng, vượt 11.876 tỷ đồng so với chỉ tiêu được giao. Theo nghị định về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Hải Phòng, Thành phố được thưởng 65,3 tỷ đồng và nhận thêm 861,3 tỷ đồng đầu tư trở lại theo cơ chế đặc thù.
Với số tiền này, kỳ họp thứ 14 HĐND Thành phố đã quyết định phân bổ chi cho đầu tư công hơn 896 tỷ và bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố để cho vay giải quyết việc làm nhằm phát triển kinh tế - xã hội 30 tỷ đồng.
Năm 2023, kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 103.619 tỷ đồng. Năm nay, Thành phố đặt chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước 106.761 tỷ đồng, trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 60.000 tỷ đồng.
Theo Nghị định 89 về cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với TP. Hải Phòng, hàng năm Thành phố được bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng giao (phần còn lại sau khi thưởng vượt thu).
Năm 2022, Hải Phòng cũng được thưởng 285 tỷ đồng vì vượt thu xuất nhập khẩu năm 2021 và nhận đầu tư trở lại 1.500 tỷ đồng.
TP. Vinh đề xuất thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường
TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) muốn thí điểm thu phí dừng, đỗ ô tô dưới lòng đường, vỉa hè một số tuyến chính theo khung giờ để giảm ùn tắc, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ô tô đỗ tại sảnh của một chung cư ở TP. Vinh |
Nội dung trên được đại diện TP. Vinh đưa ra tại cuộc làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Sau khi được thông qua chủ trương, nhà chức trách mới xây dựng mức và thời gian thu phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bà Thái Thị An Chung, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho biết, nội dung thu phí dừng, đỗ ôtô của thành phố cần có thời gian nghiên cứu, bởi Luật Phí và lệ phí chưa quy định phí đỗ xe dưới lòng, lề đường.
"Đoàn đại biểu Quốc hội Tỉnh sẽ thảo luận với UBND Tỉnh cùng các sở, ngành về phương án, sau đó mới trình Trung ương phê duyệt", bà Chung nói.
TP. Vinh có diện tích 109 km2, dân số khoảng 400.000 người nhưng có hơn 60.000 ô tô. Người dân, doanh nghiệp khi đến cơ quan Nhà nước đóng trên địa bàn để giao dịch đều mất nhiều thời gian tìm chỗ đỗ xe. Nhiều trường hợp đỗ dưới lòng lề đường, vỉa hè sai quy định bị cảnh sát giao thông xử lý.
Theo nhà chức trách, nhiều tuyến đường ở Thành phố thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm do số lượng xe cá nhân tăng nhanh khoảng 5 năm gần đây. Trong khi đó, thiết kế xây dựng cơ quan, công sở từ lâu chưa tính đến sức ép gia tăng phương tiện giao thông.
Thành phố hiện có một điểm đỗ xe công cộng tại khu vực quảng trường ở phường Trường Thi và một vài điểm tự phát song không đáp ứng đủ nhu cầu. Một số phường nội thành không còn quỹ đất để bố trí bãi đỗ xe.
Nghệ An luôn nằm trong nhóm ba tỉnh thành (cùng TP.HCM và Hà Nội) tiêu thụ ô tô nhiều nhất cả nước với tỷ lệ tăng 15 - 20% mỗi năm. Năm 2022, số xe mua mới ở tỉnh trên 27.000, năm 2023 giảm còn 20.000 song vẫn ở mức cao.
Một số tỉnh, thành phố trong nước đã thu phí đỗ ô tô dưới lòng đường như TP.HCM, Vũng Tàu...
Tạm đình chỉ công tác hai cán bộ hải quan nhận hối lộ
Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có quyết định đình chỉ tạm thời đối với hai cán bộ hải quan có hành vi nhận hối lộ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 2 cán bộ vi phạm |
Ngày 23/3, Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã ra quyết định tạm đình chỉ đối với 2 cán bộ hải quan trong thời hạn 15 ngày, vì có hành vi nhận hối lộ liên quan đến lô hàng tạm nhập tái xuất của Công ty TNHH Vận tải Saigon Transco.
Trước đó, sáng 23/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã thông tin về quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 2 cán bộ Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm: Ông Hồ Việt Tân (sinh năm 1963) và ông Bùi Huỳnh Bá Phước (sinh năm 1984) để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Cả hai đều là cán bộ thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Phú Mỹ.
Kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng đã xác định, núp bóng pháp nhân Công ty TNHH Vận tải xăng dầu Saigon Transco, nhiều đối tượng đã thực hiện hành vi mua bán, vận chuyển xăng dầu mà không làm thủ tục khai báo hải quan theo quy định.
Hai cán bộ hải quan trên đã nhận tiền chung chi của đối tượng Lê Tấn Hòa và các nhân viên Saigon Transco để không thực hiện đầy đủ quy trình giám sát hải quan theo quy định; tạo điều kiện để Lê Tấn Hòa và đồng bọn mua bán dầu FO, DO từ các tàu quốc tế mà không khai báo hải quan.
Liên quan đến vụ án trên, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM đã khởi tố tổng cộng 8 bị can để điều tra làm rõ về hành vi “Buôn lậu”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”; đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng.